10/12/2013 00:48 GMT+7

Đề nghị Nhà nước hỗ trợ dân vùng lũ lụt

L.GIANG - L.Đ.DỤC - THÁI BÁ DŨNG
L.GIANG - L.Đ.DỤC - THÁI BÁ DŨNG

TT - Tại Quảng Bình: Ngày 9-12, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa 16 đã tiến hành kỳ họp thứ 10 với hàng trăm ý kiến của cử tri gửi về thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Trong đó, có nhiều đề nghị xây dựng nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở vũng Chùa - đảo Yến (huyện Quảng Trạch) thành khu tưởng niệm lịch sử, xứng tầm với công lao của Đại tướng đối với đất nước, tạo thuận lợi cho nhân dân và bạn bè quốc tế thăm viếng.

* Yêu cầu làm rõ việc thủy điện An Khê - Kanak xả lũ

avwgkOrB.jpgPhóng to
Đi vào hoạt động từ nhiều năm trước nhưng đến nay hàng loạt vấn đề kéo dài của Nhà máy thủy điện An Khê - Kanak vẫn chưa được giải quyết hết. Người dân nói họ đang phải sống khó khăn hơn trước khi có thủy điện - Ảnh: B.D.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét việc đặt tên đường Võ Nguyên Giáp ở TP Đồng Hới. Được biết, Thành ủy, HĐND và UBND TP Đồng Hới đã trình lên trước kỳ họp đường dự kiến đặt tên là tuyến đường dài hơn 7km (rộng 60m) chạy ven biển từ TP Đồng Hới đến xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), trong tương lai sẽ nối đến huyện Lệ Thủy - quê hương của Đại tướng.

Tại Quảng Trị: Ngày 9-12, tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị, hậu quả do thiên tai gây ra trong năm không chỉ được nhấn mạnh trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của UBND tỉnh mà còn nóng trong những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo báo cáo của UBND tỉnh, ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2013 là 2.662,6 tỉ đồng. Con số thiệt hại này lớn hơn gấp rưỡi nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Trị (khoảng 1.600 tỉ đồng/năm).

Ý kiến của cử tri đề đạt lên HĐND từ các vùng bị ảnh hưởng nặng do bão lũ, đều đề nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, nhất là số diện tích cao su và cà phê, hồ tiêu bị gãy đổ do bão. Đặc biệt, có phương án can thiệp để khoanh nợ, giảm, giãn nợ với các khoản vay từ các tổ chức tín dụng cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng. Riêng huyện đảo Cồn Cỏ, do sức tàn phá của các cơn bão tràn qua đảo quá lớn, cây trồng trên đảo bị tàn phá nghiêm trọng nên cần được nhanh chóng đầu tư trồng mới, trồng giặm để phục hồi diện tích rừng, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển của huyện đảo này. Ngoài ra, các vấn đề về tài nguyên, môi trường tiếp tục là điểm nóng trong các kiến nghị của cử tri. Hôm nay 10-12, HĐND tỉnh họp phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

* Ngày 9-12, kỳ họp thứ 6 khóa X HĐND hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã khai mạc và bước vào ngày làm việc đầu tiên. Tại Gia Lai: Nhiều cử tri và đại biểu đề cập việc xuống cấp của hàng loạt tuyến tỉnh lộ, quốc lộ 14, quốc lộ 19 đi qua địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến việc vận chuyển nông sản của nông dân. Một vấn đề khác được đa số cử tri quan tâm là công tác quản lý an toàn các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn thời gian qua. Theo UBND tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh có 38 công trình thủy điện lớn nhỏ, sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ), UBND tỉnh Gia Lai đã cho rà soát đánh giá lại toàn bộ hồ đập trên địa bàn. Kết quả rà soát cho thấy nhiều chủ đầu tư đã tập trung đầu tư vốn để đảm bảo an toàn các hồ đập nhưng cũng có một số hồ đập mới đưa vào sử dụng đã xảy ra sự cố lớn, có hồ đập nứt toác khiến nước tràn qua thân đập. UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các đơn vị phải nhanh chóng khắc phục để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Liên quan đến công trình thủy điện An Khê - Kanak đặt trên địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê, nhiều vấn đề tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay cũng tiếp tục được cử tri kiến nghị lên hội trường HĐND. Cử tri huyện Kbang đề nghị UBND tỉnh Gia Lai có văn bản yêu cầu Ban quản lý dự án thủy điện 7 (chủ đầu tư thủy điện An Khê - Kanak) khẩn trương phối hợp với địa phương lập các thủ tục thu hồi, bồi thường toàn bộ diện tích gần 450ha đất ngập lòng hồ Kanak - thuộc Nhà máy thủy điện An Khê theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Toàn bộ 450ha đất ngập này mặc dù chưa bị nước làm ngập nhưng người dân không thể canh tác, trồng trọt vì đường sá bị chia cắt, vùng ngập có độ dốc lớn... Cử tri cũng đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các đơn vị chức năng sớm kết luận nguyên nhân trận lũ bất thường trong tháng 11, đồng thời UBND tỉnh cũng có ý kiến với chủ đầu tư thủy điện An Khê - Kanak bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề. Cử tri cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của thủy điện An Khê - Kanak trong việc xả lũ ồ ạt mà không thông báo sớm, để xảy ra hậu quả nặng nề cho dân...

Tại Kon Tum: HĐND tỉnh Kon Tum cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh tăng trên 12%, không đạt chỉ tiêu đề ra nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, thu nhập bình quân đầu người của Kon Tum đạt gần 27 triệu đồng (tăng 16% so với năm 2012). Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ giải đáp các kiến nghị của cử tri liên quan đến nhiều vấn đề được đa số cử tri quan tâm như công tác giải quyết việc làm cho người đồng bào dân tộc thiểu số, công tác quản lý bảo vệ rừng...

Hôm nay khai mạc HĐND tỉnh Quảng Nam:

Ô nhiễm lẫn phá rừng gia tăng

Sáng nay 10-12, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII khai mạc. Theo đó, nhiều vấn đề nóng bỏng bức xúc nhất của tỉnh sẽ được nêu ra trong kỳ họp này. Cử tri Huỳnh Minh Tuấn (huyện Thăng Bình) phản ảnh thời gian gần đây, tình trạng các hộ dân các xã ven biển tự ý phá rừng phi lao, ồ ạt đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép. Việc này khiến hàng trăm hecta rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá, môi trường và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Ông Đinh Văn Thu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Cuối tháng 11, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra và ban hành công điện về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong nuôi tôm lót bạt trên vùng cát ven biển tỉnh Quảng Nam. Tỉnh đã họp các ngành, địa phương liên quan bàn biện pháp quản lý tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại các địa phương ven biển tỉnh Quảng Nam và yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố ven biển, các sở, ban ngành liên quan khẩn trương xử lý kiên quyết các đối tượng đào ao nuôi tôm trái phép”.

Cũng liên quan đến vấn đề nóng bỏng tại kỳ họp, ông Võ Hồng, trưởng Ban kinh tế và ngân sách tỉnh Quảng Nam, cho rằng tỉ lệ các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý môi trường rất thấp. Ngoài các khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Bắc Chu Lai, Cụm công nghiệp Trường Xuân - Tam Kỳ đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, Khu công nghiệp cơ khí ôtô Chu Lai - Trường Hải có hệ thống xử lý nước thải riêng, hầu như ở các khu, cụm công nghiệp còn lại đều không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đúng quy chuẩn (4/6 khu công nghiệp, 47/48 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động). Việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các khu, cụm công nghiệp còn hạn chế, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị quản lý liên quan, chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa ban quản lý và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Hạn chế này đã dẫn đến tình trạng đến nay mới chỉ có 5/9 khu công nghiệp và 3/108 cụm công nghiệp được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, còn lại chưa lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường theo quy định.

L.TRUNG - T.VŨ

L.GIANG - L.Đ.DỤC - THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên