22/07/2023 08:45 GMT+7

Để không trượt đại học ở 'phút 89'

Mùa tuyển sinh đại học năm ngoái, nhiều thí sinh đã trúng tuyển sớm hoặc dư điểm đậu nhưng cuối cùng lại trượt đại học do làm sai quy định trong xét tuyển.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN THƯƠNG

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN THƯƠNG

Năm nay, việc đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vẫn tiếp tục thực hiện theo hình thức trực tuyến với một số điều chỉnh quy trình. Chuyên gia tuyển sinh các trường đại học cảnh báo thí sinh có thể trượt đại học ở "phút 89" nếu không tuân thủ quy định xét tuyển.

Đậu thành rớt

Năm 2022, thí sinh T.Q.T. (Vĩnh Long) ĐKXT học bạ THPT vào Trường đại học Nông Lâm TP.HCM và nhận được thông báo trúng tuyển sớm của trường. T. không quan tâm đến việc ĐKXT nữa. Lẽ ra đến thời hạn quy định T. phải đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT, nhưng thí sinh này đã bỏ qua.

"Do điểm thi tốt nghiệp THPT của tôi không cao, hơn nữa tôi đã trúng tuyển sớm bằng học bạ nên tôi chỉ đăng ký một nguyện vọng. Sau khi người thân gọi nhắc, tôi đăng nhập hệ thống kiểm tra lại thì không thấy thông tin gì. Tôi gọi hotline hệ thống đài hỗ trợ thì được trả lời hệ thống đã đóng (do hết thời hạn - PV), không còn đăng ký gì được nữa. Vậy là coi như tôi rớt đại học dù đã đậu rồi", T. chua chát nói.

Thí sinh M.H.N. (Thái Nguyên) cũng rơi vào tình huống đậu thành rớt. Tháng 7-2022, thí sinh này ĐKXT vào Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải theo phương thức xét học bạ kết hợp điểm thi THPT và đã nhận tin báo từ trường "đủ điều kiện trúng tuyển" vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô. Thí sinh N. thừa nhận không nắm rõ các quy định ĐKXT trực tuyến.

"Khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của bộ, tôi đăng ký vào ngành khác với ba nguyện vọng, nhưng không đăng ký lại nguyện vọng đã trúng tuyển sớm. Tại lúc đấy tôi nghĩ hai phương thức khác nhau. 

Đối với phương thức xét tuyển sớm đã đăng ký tại trường thì trường sẽ gửi kết quả về bộ nên không cần đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển nữa. Sau này tôi gọi hỏi trường mới biết đăng ký như vậy không hợp lệ, vì bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng lại trên bộ. Cuối cùng tôi rớt đại học do không đủ điểm các nguyện vọng xét điểm thi THPT và không đăng ký lại nguyện vọng đã trúng tuyển sớm", N. cho hay.

ThS Nguyễn Thanh Tùng, phó trưởng phòng điều hành phòng đào tạo Trường đại học Văn hóa TP.HCM, cũng cho biết cùng thời điểm trên trường ghi nhận nhiều trường hợp phản ánh đậu thành rớt. Qua kiểm tra, trường nhận thấy thí sinh thao tác sai về mặt kỹ thuật trên hệ thống của bộ.

Nhiều dạng sai sót, nhầm lẫn

Thí sinh M.H.N. cho hay sau khi gửi đơn đến lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đại diện Vụ Giáo dục đại học đã phản hồi cho biết quy chế đã quy định rõ thí sinh cần đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của bộ thì nguyện vọng đó mới được coi là hợp lệ. Trường hợp của thí sinh này là chưa đăng ký trên hệ thống, do vậy không có cơ sở để xét tuyển.

Các trường cho biết trong mùa tuyển sinh năm ngoái, qua rà soát dữ liệu của thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, cũng như tiếp nhận phản ánh từ thí sinh, đã phát hiện rất nhiều trường hợp sai sót với nhiều dạng khác nhau. 

Theo quy định, thí sinh phải đăng ký hai nơi: vừa trên website của trường đại học vừa đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Trong khi nhiều thí sinh ghi sai mã ngành trong hai lần đăng ký này, dẫn đến sai lệch kết quả xét tuyển.

Cán bộ tuyển sinh một trường đại học cho hay: "Hai tình huống sai sót phổ biến nhất có thể dẫn đến việc thí sinh mất cơ hội trúng tuyển, thậm chí từ đậu thành rớt: thứ nhất là đăng ký sai sót (sai mã ngành, mã trường...) trên hệ thống của bộ; thứ hai, thí sinh nghĩ rằng đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nên "không xác nhận trúng tuyển" trên hệ thống của bộ".

Điểm thi cao hơn điểm chuẩn nhưng vẫn rớt

Trong khi đó, nhiều trường hợp thí sinh không ĐKXT sớm, chỉ đăng ký theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thi đạt được điểm cao lẽ ra được trúng tuyển nhưng cuối cùng vẫn rớt một cách đáng tiếc. 

Đó là trường hợp của thí sinh T.D. (Đắk Lắk), năm ngoái có điểm thi khối D01 đạt 26 điểm, ĐKXT vào ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) lẽ ra được trúng tuyển (điểm chuẩn 25,6) nhưng lại rớt.

"Tôi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT nhưng chưa hoàn tất quy trình đăng ký đã thoát ra. Đến giai đoạn nộp lệ phí ĐKXT, đăng nhập vô lại hệ thống lại không có nguyện vọng nào được ghi nhận. Vì thế tôi không còn cơ hội được đăng ký lại", D. kể lại trong tiếc nuối.

Bên cạnh đó, có không ít trường hợp thí sinh ĐKXT theo phương thức dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Đối với phương thức này, các trường chỉ xét tuyển những thí sinh đã nộp bản sao chứng thực chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và đạt yêu cầu sơ tuyển theo quy định của trường. 

Tuy nhiên, một số thí sinh không nộp chứng chỉ tiếng Anh đúng quy định, rồi không coi lại kết quả sơ tuyển nhưng vẫn tiếp tục đăng ký trên hệ thống của bộ theo phương thức này... nên rớt.

Lý giải về các trường hợp trên, ThS Nguyễn Thái Châu, chuyên gia tuyển sinh đại học, cho rằng: "Có thể do quá trình ĐKXT trực tuyến thí sinh không nắm rõ quy định của Bộ GD-ĐT dẫn đến thực hiện không đúng nên không có tên trên hệ thống. Bên cạnh đó, rất có thể nhiều thí sinh có đăng ký và đã biết sự thay đổi nhưng không rà soát lại lần cuối trước khi hệ thống đóng cổng".

Thông tin không khớp

Theo TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, mùa xét tuyển trước, nhà trường chủ động rà soát dữ liệu ĐKXT của thí sinh, phát hiện gần 300 trường hợp bị lệch thông tin mã ngành đăng ký trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT và của trường. Do vậy, trường chủ động liên lạc từng thí sinh để xác nhận chính xác nguyện vọng và gửi danh sách chính xác lên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT.

Tuân thủ đúng các bước

Theo quy định của Bộ GD-ĐT năm nay, tất cả thí sinh (gồm thí sinh tự do) phải tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT (http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/) đến 17h ngày 30-7. Thí sinh có thể đăng ký, bổ sung và điều chỉnh không giới hạn số lần, số nguyện vọng vào các ngành, các trường. Dù không đăng ký bổ sung hay điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm vẫn phải tuân thủ đúng các bước ĐKXT theo quy định. Đó là sắp xếp nguyện vọng, thực hiện xác nhận qua số điện thoại bằng mã OTP, nộp lệ phí xét tuyển và xác nhận nhập học sau khi có kết quả trúng tuyển chính thức.

Khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của bộ, thí sinh chỉ ghi theo mã tuyển sinh (mã nhóm ngành, ngành hoặc chương trình) và không cần chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển. Thí sinh lựa chọn căn cứ để xét tuyển gồm: thứ tự nguyện vọng; mã trường, tên trường; mã tuyển sinh muốn ĐKXT.

Đăng ký xét tuyển đại học 2023: Cẩn trọng để tránh trượt "oan"Đăng ký xét tuyển đại học 2023: Cẩn trọng để tránh trượt 'oan'

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh một số quy định trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2023. Thí sinh cần lưu ý gì?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên