10/12/2010 07:04 GMT+7

Đào tạo chạy theo lợi nhuận

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT - Chủ trương không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nước đã tạo nên một cuộc tranh luận bất tận giữa hai luồng ý kiến đúng - sai.

Những người đánh giá quyết định này đúng cho rằng Đà Nẵng như một cơ quan tuyển dụng có quyền chọn lựa người có năng lực phù hợp với yêu cầu công việc. Ngược lại, nhiều người cho rằng quyết định này tước mất cơ hội của những người đang học tại chức.

Bên nào cũng có những lập luận và cả dẫn chứng thuyết phục.

Dưới góc độ tuyển dụng, có lẽ công bằng nhất vẫn là áp một chính sách đánh giá năng lực khoa học trước khi tuyển dụng. Đó có thể là một đợt sơ tuyển, một cuộc thi công khai, một đợt thử việc hay một bộ tiêu chí minh bạch nào đó.

Bất kỳ ai, dù theo học loại hình đào tạo nào, đều có quyền dự tuyển. Song chỉ có những người đáp ứng tốt nhất các tiêu chí do cơ quan tuyển dụng đưa ra mới được lựa chọn. Làm được như vậy, không chỉ người dự tuyển “tâm phục khẩu phục” mà cơ quan tuyển dụng cũng chọn được người mình thật sự cần.

Song ở khía cạnh khác, chủ trương của UBND TP Đà Nẵng là một hồi chuông cảnh báo cho chất lượng đào tạo đại học, đặc biệt là hệ tại chức. Dĩ nhiên, không phải đến bây giờ người ta mới báo động đến chất lượng của hệ đào tạo này. Không ít doanh nghiệp cũng đã công khai thông báo không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức.

Ngay cả thanh tra Bộ GD-ĐT sau đợt thanh tra hoạt động liên kết đào tạo tại chức đã nhận định việc thực hiện liên kết đào tạo giữa các trường ĐH, CĐ với các địa phương trong thời gian vừa qua mang tính lợi nhuận là chính. Các địa phương chỉ làm nhiệm vụ tuyển sinh, còn các trường gần như chỉ nhằm... kiếm việc làm cho cán bộ giảng viên để tăng thu nhập.

Tuy nhiên, mặc cho những cảnh báo, đào tạo tại chức vẫn tiếp tục lối đi của riêng mình. Thậm chí chủ trương xem đào tạo tại chức là “nồi cơm” của các trường còn được công khai. Từ chủ trương này, các lớp tại chức, nhất là các lớp tại chức liên kết, đã “ngàn hoa đua nở”. Đơn vị nào thấy có điều kiện là tiến hành chiêu sinh, mở lớp.

Thanh tra Bộ GD-ĐT phát hiện một số trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh liên kết với hàng chục trường ĐH để đào tạo tại chức với những thủ tục hết sức đơn giản.

Chính việc chạy theo lợi nhuận, tổ chức quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các đơn vị tổ chức đào tạo đã cuốn người học vào guồng đào tạo chất lượng thấp. Hậu quả là những sản phẩm của hệ đào tạo này bị xã hội “dị ứng” cho dù trong số đó không phải không có những người thật sự giỏi.

Một khi sự “dị ứng” đó ngày càng lan rộng và được văn bản hóa như trường hợp của Đà Nẵng, ngành GD-ĐT không thể tiếp tục làm lơ. Đến một lúc nào đó, người học sẽ phải suy nghĩ lại khi bỏ tiền của, công sức theo học những chương trình không được xã hội thừa nhận.

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên