15/04/2024 16:03 GMT+7

Đại học Quốc gia Hà Nội thí điểm cho học sinh THPT học tích lũy tín chỉ đại học

Học sinh tham gia chương trình đào tạo tài năng trẻ liên thông từ bậc THPT lên đại học sẽ được cấp giấy chứng nhận đã học các tín chỉ chương trình đại học.

Học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức - Ảnh: NAM TRẦN

Học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức - Ảnh: NAM TRẦN

Từ năm học 2024 - 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ thí điểm chương trình đào tạo tài năng trẻ liên thông từ bậc THPT lên đại học. Trước hết dành cho người học trong khối Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đây là thông tin vừa được GS Lê Quân - giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - chia sẻ trong cuộc họp về đổi mới giáo dục phổ thông và đào tạo tài năng tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chương trình đào tạo tài năng trẻ liên thông từ bậc THPT lên đại học với mục tiêu tạo cơ hội cho người tài có cơ hội phát triển, tiếp cận nghề nghiệp phù hợp từ sớm. Đồng thời rút ngắn thời gian đào tạo đại học, tốt nghiệp đại học sớm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cao của thế giới về chất nguồn nhân lực trình độ quốc tế.

Ông Quân cho biết đây cũng là mô hình đang được các quốc gia tiên tiến trên thế giới thực hiện, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo đó, học sinh khối THPT thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học định hướng nghề nghiệp, nuôi dưỡng đam mê khoa học, đồng thời sẽ được học để tích lũy tín chỉ môn học nhằm rút ngắn thời gian học đại học.

Học sinh tham gia chương trình liên thông sẽ được cấp giấy chứng nhận đã học các tín chỉ chương trình đại học.

Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ sớm ban hành quy chế đào tạo liên thông để các đơn vị đào tạo triển khai vào thực tế. Giảng viên, chuyên gia tại các trường đại học cùng giáo viên bậc phổ thông cùng tham gia hướng nghiệp sớm cho học sinh ngay từ lớp 10, lớp 11.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - nhấn mạnh: "Đề án này cũng là bước đầu để các học sinh giỏi theo đuổi các ngành khoa học cơ bản, các ngành công nghệ nền tảng trong và ngoài nước".

Theo ông Hải, Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiều lợi thế khi triển khai đề án, bởi tính chất đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nên sẽ phát huy được sự liên thông của các trường thành viên, học sinh - sinh viên sẽ được tiếp cận và phát triển, định hướng nghề nghiệp sớm ngay từ bậc THPT.

Chưa tốt nghiệp đại học làm sao để được học thạc sĩ?Chưa tốt nghiệp đại học làm sao để được học thạc sĩ?

Nhiều trường đại học cho phép sinh viên của trường học trước chương trình đào tạo thạc sĩ. Sinh viên nào được phép theo học và việc này thực hiện ra sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên