13/04/2024 11:50 GMT+7

Đại gia sa chân chốn lao tù - Kỳ cuối: Trùm tiền bẩn Nga với 17 gương mặt doanh nhân

FBI đã gọi doanh nhân Semion Mogilevich là "tên trùm tội phạm có quyền lực và nguy hiểm nhất thế giới".

Cảnh sát áp giải trùm tội phạm Semion Mogilevich (trái) và Vladimir Nekrasov tới  tòa tại Matxcơva vào tháng 9-2009 - Ảnh: TASS

Cảnh sát áp giải trùm tội phạm Semion Mogilevich (trái) và Vladimir Nekrasov tới tòa tại Matxcơva vào tháng 9-2009 - Ảnh: TASS

Nhiều cơ quan thực thi pháp luật châu Âu đặt biệt danh cho Mogilevich là "trùm của mọi tên trùm". Theo trang web tài chính Market Realist (Mỹ), Mogilevich được xếp vị trí thứ ba trong 10 tên trùm xã hội đen giàu nhất mọi thời đại với giá trị tài sản ròng khoảng 10 tỉ USD.

"Mogilevich thành thạo một kỹ năng mà những tên xã hội đen đáng sợ nhất thế giới vô cùng thèm muốn: gom tiền bẩn và biến tiền bẩn thành tiền sạch.

Nhà báo CRAIG UNGER viết trên tạp chí The New Republic

Từ buôn ma túy, buôn người đến rửa tiền

Semion Mogilevich, sinh ngày 3-6-1946, trong một gia đình theo đạo Do Thái ở Kiev (Ukraine, thời Liên Xô cũ). Y có biệt danh là "Ông trùm trí thức" vì 22 tuổi đã lấy bằng kinh tế tại Đại học Quốc gia Ivan Franko ở Lviv (miền tây Ukraine). Các thầy cô dự đoán sinh viên xuất sắc này rồi sẽ phát triển sự nghiệp nghiên cứu khoa học, song Mogilevich lại chọn con đường khác, đó là làm ăn trong thế giới ngầm.

Theo Trung tâm Nghiên cứu về tình báo (CF2R) của Pháp, trong những năm 1970, Mogilevich gia nhập băng nhóm Lyubertsky ở Matxcơva chuyên đi lừa hàng ngàn người Do Thái tại Nga muốn di dân sang Israel hoặc Mỹ. Mogilevich cam kết sẽ mua lại tài sản của họ và bán giùm với giá thị trường rồi trao lại tiền cho họ, song bao nhiêu tiền đều chui vào túi y. Y đã hai lần bị kết án tù về hành vi này.

Sau đó, Mogilevich gia nhập băng nhóm mang tên Tổ chức Solntsevskaya ở Matxcơva. Với khả năng nhạy bén về tài chính, y thành lập Công ty xuất nhập khẩu xăng dầu Arbat International đăng ký tại đảo Alderney - thiên đường trốn thuế nổi tiếng, rồi dùng bình phong này làm chỗ rửa tiền cho băng nhóm.

Trong những năm 1980, Mogilevich thành lập Tổ chức Mogilevich gồm nhiều công ty. Chẳng mấy chốc băng nhóm của y đã trở thành một trong những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia lớn nhất ở Nga. Y bỏ tiền mua lại nhiều doanh nghiệp như nhà máy Army Coop tại Hungary chuyên sản xuất súng phòng không, công ty tang lễ tư nhân đầu tiên ở Matxcơva, một hãng hàng không đang phá sản tại vùng Trung Á để chở heroin từ khu vực Tam giác vàng.

Mogilevich được xem là một trong những bậc thầy về rửa tiền trên thế giới. Y sử dụng vốn kiến thức kinh tế đã học để chuyển tiền bẩn đầu tư vào hoạt động kinh doanh hợp pháp. Phần lớn giao dịch tài chính đi qua London (Anh).

Năm 1994, đế chế đang bành trướng của Mogilevich phải đối mặt nhiều khó khăn khi các ngân hàng trên thế giới đều dè chừng trước hoạt động phi pháp của y. Đó là lý do y tìm đến Ngân hàng Inkombank ở Matxcơva - một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất tại Nga và là ngân hàng dễ dãi về vấn đề tuân thủ các quy định.

Mogilevich bí mật thương thảo với Vladimir Vinogradov - giám đốc Inkombank - và giành được 23% cổ phần, bù lại hứa hẹn sẽ bơm vốn và đưa ngân hàng tham gia thị trường vũ khí toàn cầu. Cho đến năm 1998, lúc Inkombank ngừng hoạt động, y và đồng bọn đã rửa tiền hơn 10 tỉ USD qua trung gian của ngân hàng này.

Nói chung băng nhóm của Mogilevich thực hiện hầu hết các hoạt động đặc thù của tội phạm có tổ chức như buôn ma túy, buôn người, buôn súng, buôn vật liệu hạt nhân, mua bán tác phẩm nghệ thuật, buôn đá quý, tống tiền, ám sát theo hợp đồng và gian lận tài chính. Đàn em của y gồm khoảng 250 sát thủ trẻ với các cựu binh từng tham gia chiến đấu ở Afghanistan giữ vai trò huấn luyện.

Chúng nổi tiếng tàn ác, sẵn sàng bắt giữ các doanh nhân không chịu nộp tiền bảo kê đưa về tra tấn, cắt xẻo rồi hạ thủ. Song song theo đó, Mogilevich đã mở chân rết ở hơn 20 quốc gia và củng cố quan hệ làm ăn với nhiều băng khác như Camorra ở Napoli (Ý), Cosa Nostra ở New York (Mỹ) và các băng nhóm ở Colombia.

Đầu những năm 1990, Mogilevich đến sống tại Israel để lập đầu cầu kinh doanh. Năm 1991, y kết hôn với cô bạn gái Katalin Papp người Hungary (có ba con) rồi chuyển đến Budapest (Hungary) cư trú. Sau đó, y định cư tại Prague (Cộng hòa Czech) trước khi quay về Matxcơva, nhưng trụ sở chính của băng nhóm vẫn đặt ở Budapest. Vào thời điểm này, y đã có quốc tịch của Nga, Ukraine, Israel và Hungary.

Một trong nhiều biệt thự sang trọng của Semion Mogilevich ở Budapest (Hungary) - Ảnh: ANS

Một trong nhiều biệt thự sang trọng của Semion Mogilevich ở Budapest (Hungary) - Ảnh: ANS

FBI vào cuộc vẫn không bắt được ông trùm

Từ tháng 11-1994, Semion Mogilevich đã bị các cơ quan thực thi pháp luật ở Nga, Ukraine, Israel, Mỹ, Canada, Bỉ, Ý và Đức tích cực truy lùng. Năm 1995, Bộ Nội vụ Nga xác định Mogilevich là trùm của hơn 300 đồng đảng hoạt động tại hơn 30 quốc gia ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Cùng năm nay, Cộng hòa Czech cấm nhập cảnh 10 năm đối với Mogilevich trong khi Hungary tuyên bố y là người không được chào đón và Anh cũng ban lệnh cấm nhập cảnh.

Cuối thập niên 1990, Mogilevich không còn đi lại dễ dàng sang các nước phương Tây. Để tránh bị truy đuổi, y sử dụng ít nhất 17 danh tính với đầy đủ giấy tờ cần thiết như Seva Moguilevich, Semon Yudkovich Palagnyuk, Semen Yukovich Telesh, Simeon Mogilevitch, Semjon Mogilevcs, Shimon Makelwitsh, Shimon Makhelwitsch, Sergei Yurevich Schnaider, Seva.

Theo trang web All That's Interesting (Mỹ), năm 1997 báo chí Canada đã vạch trần vai trò núp bóng của Mogilevich sau Công ty YBM Magnex International (YBMI). Công ty Canada này có trụ sở tại Newtown (bang Pennsylvania), hoạt động kinh doanh chủ yếu là sản xuất và phân phối nam châm công nghiệp.

Cùng năm này, phân bộ FBI ở Pennsylvania hợp tác với Sở Thuế vụ (IRS), Ủy ban Chứng khoán và giao dịch (SEC) và Cục Hải quan Mỹ bắt đầu điều tra về gian lận chứng khoán liên quan đến YBMI. Theo FBI, Mogilevich đã làm giả giấy tờ của SEC để nâng giá cổ phiếu của YBMI lên gần 2.000%.

Trong quá trình điều tra, FBI phát hiện Mogilevich còn là người thường xuyên cung cấp thông tin về các băng nhóm đối thủ cho cảnh sát Hungary và Cơ quan tình báo Liên bang Đức (BND). Với chiêu trò này, y không chỉ tỏ thái độ hợp tác mà còn khiến cơ quan điều tra các nước chùn tay. Ngày 13-5-1998, hàng chục đặc vụ FBI đột kích vào trụ sở của YBMI. Cổ phiếu của YBMI vốn được định giá 1 tỉ USD trên sàn giao dịch chứng khoán Canada đã trở thành giấy lộn chỉ sau một đêm.

Ngày 13-3-2002, Mogilevich bị truy tố ra tòa án quận Đông Pennsylvania vì âm mưu lừa đảo hàng ngàn nhà đầu tư với số tiền hơn 150 triệu USD. Đến tháng 2-2003, y và ba đồng phạm bị cáo buộc nhiều tội danh. Cáo trạng bao gồm thông báo tịch thu tài sản của Mogilevich lên tới hơn 50 triệu USD. Tuy nhiên, không ai biết Mogilevich đang ở đâu.

Năm năm sau, vào tối 23-1-2008, Mogilevich cùng Vladimir Nekrasov (công dân Nga gốc Pháp) vừa rời Trung tâm Thương mại thế giới tại Matxcơva thì bị bắt. Nekrasov là cổ đông đa số của chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Arbat Prestz, bị nghi ngờ gian lận thuế ở Nga với số tiền tương đương 1,52 triệu USD.

Mogilevich và Nekrasov cùng đi với nhiều vệ sĩ, nhưng chúng không dám manh động vì có tới 50 cảnh sát bao vây. Sau đó, FBI cho rằng Mogilevich đã được trả tự do có bảo lãnh vào tháng 7-2009. Do không thể dẫn độ Mogilevich về Mỹ vì giữa Mỹ và Nga không có hiệp ước dẫn độ nên tháng 10-2009 FBI đã phát lệnh truy nã với tiền thưởng 100.000 USD cho người cung cấp thông tin dẫn tới bắt giữ Mogilevich.

Gã doanh nhân thích kiếm tiền bẩn này đã đến ngày tàn thật sự.

Đầu tháng 4-2022, FBI tiếp tục thông báo treo giải thưởng 5 triệu USD cho người cung cấp thông tin dẫn tới bắt giữ hoặc truy tố doanh nhân Semion Mogilevich. Y bị truy nã về nhiều cáo buộc bao gồm lừa đảo, gian lận chứng khoán, lừa đảo qua mạng, lừa đảo qua thư tín và rửa tiền. Thông báo của FBI cho biết từ năm 1993 - 1998, Mogilevich đã thành lập và chỉ đạo Tổ chức Mogilevich gồm mạng lưới các công ty ở hơn 20 quốc gia nhằm tung hỏa mù về hoạt động kinh doanh ăn nên làm ra, nhưng sau đó đã dàn dựng kế hoạch tinh vi nhằm lừa gạt các nhà đầu tư cổ phiếu.

Đại gia sa chân chốn lao tù - Kỳ 7: Indonesia thu hồi tài sản tham nhũng thế nào?Đại gia sa chân chốn lao tù - Kỳ 7: Indonesia thu hồi tài sản tham nhũng thế nào?

Thu hồi tài sản đã bị các đại gia chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng và biển thủ tài sản công cực kỳ phức tạp, đòi hỏi phải mở rộng hợp tác quốc tế. Trường hợp điển hình như vụ án liên quan đến doanh nhân Benny Tjokrosaputro ở Indonesia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên