21/02/2019 15:19 GMT+7

Đại đồn Chí Hòa - kỳ 2: Làng Chí Hòa ở đâu?

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TTO - Sẽ có nhiều người buồn cười trước câu hỏi này. Bởi cái tên Chí Hòa, Kỳ Hòa vẫn hiện diện ở quận 10, giữa trung tâm thành phố. Thế nhưng, vẫn chưa có ai trả lời chính xác "làng Chí Hòa ở đâu?".

Đại đồn Chí Hòa - kỳ 2: Làng Chí Hòa ở đâu? - Ảnh 1.

Đình Chí Hòa (cũng là đình Hòa Hưng) là ngôi đình cổ xưa nhất của Sài Gòn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều trang mạng khẳng định rằng "vùng đất có đình, có nhà giam, có hồ Kỳ Hòa hiện nay chính là nơi Nguyễn Tri Phương xây dựng đại đồn Chí Hòa xưa". Nói vậy, thấy vậy nhưng chưa chắc vậy!

Các địa danh Chí Hòa

Ở TP.HCM hiện nay, có một số địa điểm mang tên Chí Hòa. Đó là đình Chí Hòa, nhà giam Chí Hòa, hồ Kỳ Hòa (phiên âm từ chữ người Pháp viết Kihoa, do họ không đọc được chữ Chí Hòa) thuộc quận 10, nhà thờ Chí Hòa ở quận Tân Bình...

Trước năm 1975 còn có nghĩa địa Chí Hòa (nay là công viên Lê Thị Riêng, quận 10), đoạn đầu máy Chí Hòa ở quận 3...

Chúng tôi đã cất công tìm kiếm trên thực địa lẫn trong tàng thư vẫn không tìm thấy cái tên "làng Chí Hòa" ở thế kỷ 19. Có nhiều địa danh đã chết, hoặc không nằm trong địa bạ song vẫn có đời sống riêng trong lòng dân chúng.

Có lẽ với suy nghĩ "đình ở đâu, làng ở đó", một vài nhà nghiên cứu vội vã "phán" "Đại đồn Chí Hòa nằm lân cận đình Chí Hòa thuộc quận 10 hiện tại".

Nếu chịu khó, các nhà nghiên cứu ấy sẽ dễ dàng biết rằng "đình Chí Hòa nguyên là đình làng Hòa Hưng" và "chỉ đổi tên thành đình Chí Hòa những năm 1930 của thế kỷ 20" khi làng Hòa Hưng đổi tên thành làng Chí Hòa vào khoảng năm 1939.

Đình Hòa Hưng (Chí Hòa) là một trong những ngôi đình cổ nhất ở TP.HCM và vùng đất Chí Hòa đã trở thành địa danh đầu tiên kháng Pháp ở Nam Kỳ lục tỉnh, gắn với tên tuổi anh hùng Nguyễn Tri Phương.

Khu vực có đình Chí Hòa nguyên là làng Hòa Hưng của tổng Dương Hòa Thượng và là một nghĩa địa "tự do" (ai chôn cũng được) của Sài Gòn.

Các tài liệu viết trong thập kỷ 1860 của Pháp đều cho biết "Chẳng có ai đến Sài Gòn chỉ trong một ngày mà lại không nghe nói đến ít nhứt về cái nghĩa địa bao la này được gọi dưới cái tên là Đồng Mả Mồ".

Đồng này trải dài bên phải của con đường chiến lược từ Sài Gòn (đường Nguyễn Thị Minh Khai) đến Chợ Lớn và bị cắt ngang đoạn giữa bởi đường Thuận Kiều (CMTT hiện nay).

Đây là vùng đất cao, khô, thiếu nước dù nằm sát rạch Nhiêu Lộc, từ xưa được dân cư Bến Nghé dùng làm nơi chôn cất, sau trở thành làng Hòa Hưng".

Còn nhà thờ Chí Hòa nguyên tên là nhà thờ làng Thạnh Hòa, sau mới đổi tên thành nhà thờ Chí Hòa!

Soát lại các địa bạ có từ năm 1820 cho tới đầu thế kỷ 20, Sài Gòn "không hề có làng nào tên Chí Hòa".

Tổng Dương Hòa Thượng cho đến năm 1897 có 14 làng gồm: Bình Hưng Đông, Bình Hưng Thôn, Bình Thới, Phú Nhuận, Phú Thọ, Tân Hòa, Tân Hòa Tây, Tân Sơn Nhì, Tân Sơn Nhứt, Tân Thới, Tân Trụ, Thạnh Hòa, Hòa Hưng và Phú Thạnh.

Đến năm 1939, tổng này còn chín làng thuộc quận Gò Vấp là Bình Hưng Đông, Bình Hưng Thôn, Chí Hòa, Phú Nhuận, Phú Thọ, Tân Sơn Nhì, Tân Sơn Nhứt, Tân Thới Hòa và Tân Trụ (Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng nói miền Nam, NXB Trẻ 1998, trang 174 và 177).

Thời điểm này làng Chí Hòa được hình thành từ làng Hòa Hưng và làng Phú Thạnh nhập lại, ranh giới của làng này từ đường Bắc Hải đến Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay.

Làng Tân Thới Hòa hình thành từ các làng Bình Thới, Tân Hòa, Tân Hòa Tây và Tân Thới nhập lại. Và làng Thạnh Hòa sáp nhập vào làng Tân Sơn Nhì.

Như vậy làng Chí Hòa thay thế cho làng Hòa Hưng chỉ xuất hiện từ năm 1939 hoặc trước đó ít lâu.

Đình Chí Hòa nguyên là đình làng Hòa Hưng và chỉ đổi tên thành đình Chí Hòa những năm 1930 của thế kỷ 20.

Tên Chí Hòa có từ giữa thế kỷ 18

Trên đường tìm kiếm, chúng tôi thấy một ghi chép trong loạt bài "Kể lại gốc tích mỗi họ trong các sở địa phận Nam Kỳ" của giới Công giáo đăng trên tuần báo Nam Kỳ Địa Phận: "Độ chừng năm Chúa Giáng sinh 1760, một ít người có đạo ngoài Huế vào Gia Định mà kiếm nghề làm ăn.

Mấy người ấy làm nghề rẫy bái, đã gặp chỗ trong Chí Hòa, làng Tân Sơn Nhứt...

Lúc ấy đức thầy Vêrô ở Gia Định - Sài Gòn với vua Gia Long đang lo sắm sửa binh khí thảo trừ binh Tây Sơn. Bữa kia đức thầy dạo chơi tới Chí Hòa, gặp được một ít nhà có đạo ở đó thì mầng (mừng) lắm...

Đến sau đức cha thấy nơi ấy vắng vẻ, khí thanh mát thì năng vào ở đó với bổn đạo, lại ý người muốn gửi thân mình lại đó cho nên đã xin chủ đất để lại cho mình một ít cao (1 cao = 100m2) đặng sau mà mai táng xác mình...".

Khi đức cha Vêrô tạ thế tại Quy Nhơn, vua Gia Long cứ theo lời đức cha trối lại nên đem xác ông về Sài Gòn, chôn cất trọng thể, mai táng tại Chí Hòa, xây một cái lăng cao lớn... Từ đó không còn kêu họ Chí Hòa nữa mà kêu là họ Lăng Cha Cả" (Nam Kỳ Địa Phận số 515 ngày 26 decembre 1918).

Đại đồn Chí Hòa - kỳ 2: Làng Chí Hòa ở đâu? - Ảnh 3.

Nhà thờ mang địa danh Chí Hòa (đường Bành Văn Trân, Q.Tân Bình) nằm ở khu vực đại đồn Chí Hòa xưa - Ảnh: T.N.V.

Vêrô là tên thánh của giám mục Pigneau de Behaine, hiệu tòa giám mục là Adran và có tên Việt là Bá Đa Lộc, người có công giúp Nguyễn Ánh trong việc đối đầu với Tây Sơn.

Ngôi mộ của ông được dân chúng quen gọi là "Lăng Cha Cả", nay là vòng xoay Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa thuộc quận Tân Bình.

Trong ghi chép trên chỉ có hai chi tiết "cần điều chỉnh" là 1790 thay vì 1760 (thời điểm này Nguyễn Ánh chưa vào Gia Định và chưa gặp Bá Đa Lộc) và Nguyễn Ánh thay vì Gia Long (vì đến năm 1802 Nguyễn Ánh mới lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long).

Từ ghi chép trên, chúng ta so lại bản đồ đại đồn Chí Hòa do người Pháp vẽ được in trong tác phẩm của L.Pallu thì thấy trước mặt khoảng giữa đại đồn có một con đường nhỏ dẫn thẳng đến khu lăng mộ d’Adran (tombeaux d’Adran) chính là lăng Cha Cả.

Đây cũng là một chỉ dấu không thể thay đổi khiến ngày nay chúng ta dễ dàng định vị vị trí của đại đồn.

Hầu hết các tài liệu xưa nay đều nói rằng "Đại đồn có chiều dài ước khoảng 3 cây số, ngang 1.000m". Như vậy đại đồn không thể nào năm trên đất Hòa Hưng hiện nay được!

Thôn Chí Hòa thuộc làng Tân Sơn Nhứt

Có thể nói rằng địa danh Chí Hòa ở thế kỷ 19 là một thôn, ấp nhỏ thuộc làng Tân Sơn Nhứt nằm giáp ranh làng Tân Sơn Nhì của tổng Dương Hòa Thượng, nay thuộc quận Tân Bình và không liên quan gì đến quận 10 ngày nay cả.

Và có thể nói rằng đất của đại đồn Chí Hòa xưa nằm trọn trong khu vực quận Tân Bình ngày nay, không liên quan gì đến những địa điểm hiện mang tên Chí Hòa.

Kỳ tới: Hệ thống đồn trại Chí Hòa

TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên