23/04/2018 10:28 GMT+7

Cử nhân dinh dưỡng, họ là ai?

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM)
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM)

TTO - Dinh dưỡng liên quan đến tất cả mọi người vì ai cũng cần ăn, từ trẻ em đến người già, từ người khỏe mạnh đến người bệnh.

Cử nhân dinh dưỡng, họ là ai? - Ảnh 1.

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng cho học sinh - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Cử nhân dinh dưỡng được trang bị các kiến thức cơ bản về dinh dưỡng người, khoa học thực phẩm, an toàn thực phẩm; các nguyên lý cơ bản về sinh lý, bệnh lý để dự phòng và điều trị bệnh liên quan dinh dưỡng...

Lĩnh vực điều trị

Người bệnh được cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng bệnh sẽ giảm nguy cơ bị biến chứng, mau hồi phục sức khỏe, rút ngắn thời gian nằm viện, tiết kiệm chi phí cho gia đình và xã hội. 

Nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh nằm viện, từ năm 2011, qua thông tư 08/2011/TT-BYT, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các bệnh viện đều phải có khoa hoặc tổ dinh dưỡng để thực hiện công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện. 

Hoạt động dinh dưỡng tại bệnh viện có hai mảng: lâm sàng và tiết chế. Mảng lâm sàng thường do các bác sĩ thực hiện. 

Cử nhân dinh dưỡng sẽ thực hiện công tác tiết chế như lập các thực đơn sinh lý và bệnh lý phù hợp với tình trạng bệnh, tư vấn chế độ ăn cho người bệnh và người nhà người bệnh, giám sát hoạt động của bộ phận chế biến, đảm bảo cung cấp suất ăn phù hợp và an toàn cho người bệnh.

Tố chất cần thiết: tinh thần trách nhiệm, cẩn thận, chu đáo, chính xác, am hiểu các chế độ ăn, kỹ năng giao tiếp với người bệnh.

Lĩnh vực dự phòng

Nâng cao sức khỏe và dự phòng bệnh tật cho cộng đồng từ việc chăm sóc chế độ dinh dưỡng hợp lý theo vòng đời, theo ngành nghề, và hướng dẫn lối sống năng động là hết sức cần thiết. 

Dự phòng tốt sẽ giảm tỉ lệ mắc bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các hoạt động dự phòng này sẽ do Trung tâm Phòng chống dịch bệnh hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh/ thành phố thực hiện. 

Cử nhân dinh dưỡng có thể thực hiện việc điều tra, giám sát tình trạng dinh dưỡng của một số đối tượng nguy cơ trên cộng đồng như trẻ em, bà mẹ mang thai, phụ nữ tuổi sinh sản, người trung niên...; lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá các chương trình, dự án can thiệp dinh dưỡng trên cộng đồng, bao gồm cả các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe và dinh dưỡng cho mọi người dân trong cộng đồng.

Tố chất cần thiết: tinh thần trách nhiệm, cẩn thận, không ngại khó khăn, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng truyền thông cộng đồng.

An toàn thực phẩm

Thực phẩm và dinh dưỡng có liên quan mật thiết với nhau. Thực phẩm có an toàn thì con người mới có thể sử dụng để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Do đó, kiểm soát sự an toàn của thực phẩm là công việc của các cơ quan chức năng của nhà nước. 

Một số công ty sản xuất thực phẩm dinh dưỡng cũng cần có các chuyên viên am hiểu về dinh dưỡng tiết chế để sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu của từng đối tượng con người khác nhau. Cử nhân dinh dưỡng cũng có thể tham gia vào các tổ chức này.

Tố chất cần thiết: tinh thần trách nhiệm, cẩn thận, kỹ lưỡng.

Dịch vụ ăn uống

Dịch vụ ăn uống hiện nay hết sức phong phú. Các dịch vụ ăn uống cần đến cử nhân dinh dưỡng có thể là các bếp ăn phục vụ học sinh ở trường học, phục vụ công nhân ở các nhà máy sản xuất, phục vụ bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế ở bệnh viện. Dịch vụ đó cũng có thể là các nhà hàng ăn uống. 

Cử nhân dinh dưỡng sẽ đảm nhiệm công tác lên thực đơn cân đối cho từng độ tuổi, từng đối tượng ngành nghề, sinh lý hay bệnh lý và giám sát hoạt động của nhà bếp đảm bảo đúng yêu cầu thực đơn và an toàn thực phẩm.

Tố chất cần thiết: tinh thần trách nhiệm, cẩn thận, kỹ lưỡng, am hiểu các chế độ ăn.

Nghiên cứu và đào tạo

Dinh dưỡng là một ngành khá mới mẻ ở Việt Nam. Do đó, rất cần sự sáng tạo trong hoạt động và cần có các nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nghiên cứu ứng dụng. Nghiên cứu có thể ở lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng, dinh dưỡng cộng đồng hoặc nghiên cứu thực phẩm đều cần thiết như nhau.

Một ngành học mới thì cũng cần có đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Cán bộ sau đại học chuyên ngành dinh dưỡng có năng lực cũng có thể tham gia giảng dạy môn Dinh dưỡng và thực phẩm ở các trường đại học.

ĐH Y dược TP.HCM tăng chỉ tiêu tuyển, mở ngành dinh dưỡng ĐH Y dược TP.HCM tăng chỉ tiêu tuyển, mở ngành dinh dưỡng

TTO - Năm 2018 Trường ĐH Y dược TP.HCM tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên 2.050, đồng thời mở thêm ngành mới là dinh dưỡng.

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên