19/08/2023 14:21 GMT+7

Cô giáo cắm bản: 'Mình bỏ đi thì những đứa trẻ nơi đây sẽ ra sao?'

'Nếu mình cũng như mọi người bỏ đi thì những đứa trẻ nơi đây sẽ ra sao. Rồi bao giờ bọn trẻ mới được đi học. Bao giờ bản nhỏ này bớt đói nghèo'. Một cô giáo cắm bản vừa gởi đến Tuổi Trẻ Online câu chuyện xúc động đầu năm học mới.

Cô giáo cắm bản Bùi Thị Hồng Vân (Trường tiểu học & THCS Nật Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình) đi đến điểm trường - Ảnh: Tác giả cung cấp

Cô giáo cắm bản Bùi Thị Hồng Vân (Trường tiểu học & THCS Nật Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình) đi đến điểm trường - Ảnh: Tác giả cung cấp

Những đứa trẻ ngơ ngác

Tôi sinh ra ở một thành phố nhỏ. Tốt nghiệp sư phạm và nhận quyết định đi dạy khi vừa tròn 21 tuổi. Tôi cùng các bạn nhập trường vào một ngày trời mưa tầm tã. Đất dính bết và trơn trượt khiến chúng tôi không thể nhấc nổi đôi chân, đành phải tháo dép ra và xách nó trên tay.

Hai bên đường, những thân cây chít nặng trĩu nước, sà xuống quất vào mặt lạnh buốt. Đám vắt lá gặp mưa nhảy lách tách bám đầy vào chân vào áo. Sau nửa ngày cuốc bộ đủ để đôi chân mỏi rã rời và gió lùa ra đằng tai, ngôi trường nơi tôi nhận công tác cũng hiện ra.

Trước mắt tôi là một dãy nhà thấp lè tè nằm lọt thỏm giữa khu rừng toàn bương tre um tùm, xanh mướt. Mái lá xám xịt nhuốm màu thời gian.

Từng mảng tường bong loang lổ, chằng chịt như tấm áo vá. Đón chúng tôi là ông trưởng bản và vài cô cậu học trò người Dao thò lò mũi xanh. Đám trẻ nhìn thầy cô với đôi mắt ngơ ngác.

Học sinh tại bản Dao Bà Rà, xã Hùng Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình - Ảnh: Tác giả cung cấp

Học sinh tại bản Dao Bà Rà, xã Hùng Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình - Ảnh: Tác giả cung cấp

Đêm đầu tiên nơi trường mới, nằm nghe tiếng cú rúc não nề trên cây đa sau trường, mùi ẩm mốc, mùi ngai ngái của căn nhà lâu rồi không có người ở xộc vào mũi cộng thêm nỗi nhớ người thân, bạn bè khiến nước mắt tôi không ngừng rơi. Khó khăn lắm tôi mới ru mình vào giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị.

Sáng hôm sau, tôi bị đánh thức bởi tiếng gọi "Cô ơi!" rụt rè. Vài mái đầu tóc tai bù xù ghé vào cửa cùng những đôi mắt trong veo. Đám trẻ đưa cho tôi mấy chiếc bánh gói bằng lá dong cong như cái sừng trâu, vài búp măng trắng nõn đựng trong chiếc túi vải.

Một cô bé ngập ngừng nói:

- Mẹ em bảo mang cho các cô ăn đỡ xót ruột.

Nghe cô trò nhỏ nói vậy, tôi chợt thấy có thứ gì đó dâng lên nghèn nghẹn trong cổ. Lòng thầm nghĩ: "Nếu mình cũng như mọi người bỏ đi thì những đứa trẻ nơi đây sẽ ra sao. Rồi bao giờ bọn trẻ mới được đi học. Bao giờ bản nhỏ này bớt đói nghèo".

Ngôi trường bừng tỉnh

Học sinh Trường tiểu học & THCS Nật Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình năm học trước - Ảnh: Tác giả cung cấp

Học sinh Trường tiểu học & THCS Nật Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình năm học trước - Ảnh: Tác giả cung cấp

Những ngày sau đó, ngôi trường như bừng tỉnh bởi tiếng lách cách của cuốc xẻng va vào nhau, tiếng ríu rít cười đùa của bọn trẻ. Cô trò chúng tôi cùng nhau vệ sinh dọn dẹp trường lớp.

Tôi vào bản xin những khóm hoa mười giờ, hoa mào gà đỏ thắm trồng vào những rãnh đất quanh trường. Khi ngôi trường đã được dọn dẹp sáng sủa sạch sẽ, tôi lại cùng đồng nghiệp đến từng nhà đón học sinh tới lớp.

Lớp học vắng lặng, cỏ mọc um tùm ngày nào giờ vang vang tiếng trẻ học bài. Tiếng nô đùa của trẻ nhỏ xua đi cái tĩnh mịch, âm u, buồn tẻ vốn có của núi rừng.

Những lúc rảnh rỗi tôi lại theo đám trẻ lên nương cỏ ngô hoặc ngồi tuốt từng cái trứng chấy và bắt những con chấy kềnh trốn sâu ở chân tóc mấy đứa trẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga (Trường tiểu học & THCS Nật Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình) lên điểm trường ngày mưa bão - Ảnh: Tác giả cung cấp

Cô giáo Nguyễn Thị Nga (Trường tiểu học & THCS Nật Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình) lên điểm trường ngày mưa bão - Ảnh: Tác giả cung cấp

Chiều chiều, tôi tỉ mẩn vá víu những chiếc quần toạc đũng, đơm lại những chiếc cúc áo bị đứt tung ra khi bọn trẻ đùa nghịch. Mỗi lần về thành phố tôi lại mang lên cả túi dầu gội đầu. Dạy chúng cách tắm gội bằng xà phòng, vệ sinh thân thể, phòng tránh các bệnh ngoài da.

Ngoài giờ học, nếu không phải lên nương cùng bố mẹ, chúng luôn quấn quýt bên thầy cô. Chúng kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất bằng thứ tiếng Việt lơ lớ thỉnh thoảng lại xen vào mấy tiếng Dao.

Tiếng cười giòn tan xua đi cảnh âm u tịch mịch của điểm trường lẻ đơn côi giữa núi rừng. Đối với tụi trẻ, thầy cô không chỉ là người dạy chữ mà còn như một người chị, người mẹ, một người biết tuốt để có thể giải đáp mọi thắc mắc của chúng.

Học sinh Trường tiểu học & THCS Nật Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình - Ảnh: Tác giả cung cấp

Học sinh Trường tiểu học & THCS Nật Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình - Ảnh: Tác giả cung cấp

Nguồn động viên tinh thần cho giáo viên cắm bản

Cái khắc nghiệt, cô quạnh của vùng đất biệt lập nơi núi rừng làm cho tình thầy trò gắn bó keo sơn hơn. Đó là những đêm đông rét cắt da, cắt thịt cậu học trò cũ giờ là trưởng bản dẫn chúng tôi băng rừng, lặn lội đến từng nhà đón học trò đi học.

Là những ngày bão nổi gió giật tung mái trường bé nhỏ, mọi người lại xúm vào người đan liếp, người lợp mái giúp học trò không bị gián đoạn việc học. Là những ngày vui của bản như Lễ Cấp Sắc, Đám Chay, Tết Nhảy… người dân đến tận nơi mời thầy cô. Khi kết thúc ngày vui không quên dúi vào tay chúng tôi những chiếc bánh giày trắng mịn, thơm mùi vừng.

Những món quà tuy nhỏ bé, nhưng ấm áp tình người nơi đây luôn là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho những giáo viên cắm bản như chúng tôi.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mới đó mà đã gần 30 năm tôi và đồng nghiệp gắn bó với điểm trường lẻ, gắn bó với bản Dao Bà Rà, với những đứa trẻ xinh như thiên thần nhưng chịu nhiều thiệt thòi do cuộc sống biệt lập nơi núi rừng.

Mái tóc xanh mướt ngày nào giờ đã lấm tấm bạc. Mỗi mùa khai giảng đến rất nhiều ông bố, bà mẹ dắt con đến trường sau khi chào chúng tôi lại khẽ nhắc nhở con: "Đây là cô giáo đã dạy bố mẹ đấy". Những lúc như vậy tôi lại thấy có chút ấm áp khẽ nhen lên trong lòng.

Cô giáo Bùi Thị Hồng Vân cùng học trò của mình - Ảnh: Tác giả cung cấp

Cô giáo Bùi Thị Hồng Vân cùng học trò của mình - Ảnh: Tác giả cung cấp

Con đường lên bản Bà Rà bây giờ đã được đổ bê tông. Không còn những ngày cô trò lướt thướt trong mưa, người lấm lem bùn đất để đến trường nữa. Ngôi trường mái tranh vách nứa xiêu vẹo trống hoác cũng đã được xây mới khang trang, rộng rãi.

Những mái nhà tranh ẩm thấp, im lìm nép trong sương mờ giờ không còn. Thay vào đó là những ngôi nhà xây kiên cố mái ngói hồng rực như những bông hoa nổi lên giữa biếc xanh cây rừng.

Người dân có cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn trước rất nhiều. Đêm đêm, bên bếp lửa hồng, các cụ già vẫn rầm rì kể cho con cháu nghe về những tháng ngày khốn khó của dân bản. Kể về thầy cô giáo, những người đầu tiên cõng chữ lên non với lòng yêu thương, kính trọng.

Mùi sắn nướng quyện với mùi khói tạo nên một thứ mùi thơm ngòn ngọt. Nhìn những khuôn mặt ửng hồng, những cái miệng lấm lem đang nhai sắn ngon lành của học trò tôi bất giác nhớ lại những tháng ngày thanh xuân mở trường, bám lớp gần 30 năm về trước - Ảnh: Tác giả cung cấp

Mùi sắn nướng quyện với mùi khói tạo nên một thứ mùi thơm ngòn ngọt. Nhìn những khuôn mặt ửng hồng, những cái miệng lấm lem đang nhai sắn ngon lành của học trò tôi bất giác nhớ lại những tháng ngày thanh xuân mở trường, bám lớp gần 30 năm về trước - Ảnh: Tác giả cung cấp

Và từ lâu họ gọi chúng tôi bằng cái tên trìu mến: "Cô giáo cắm bản". Với người dân bản Dao Bà Rà, thầy cô giáo chính là những bông hoa núi kiên cường đang góp một phần nhỏ bé mang ánh sáng văn hóa về cho bà con bản Dao và làm đổi thay mảnh đất nơi đây.

Các tỉnh thành bắt đầu công bố lịch tựu trường năm học mớiCác tỉnh thành bắt đầu công bố lịch tựu trường năm học mới

Một số địa phương bắt đầu công bố lịch tựu trường, được xây dựng từ khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên