18/11/2017 08:01 GMT+7

Cô đã 'thổi lửa' tình yêu lịch sử trong tôi

NGUYỆT ANH
NGUYỆT ANH

TTO - Với mỗi người, cảm xúc về những người thầy mình luôn là một cảm xúc đẹp. Tôi biết ơn cô - người đã 'thổi lửa' để tôi có tình yêu với môn lịch sử.

Cô đã thổi lửa tình yêu lịch sử trong tôi - Ảnh 1.

Học sinh chọn mua sách sử - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trước đây tôi luôn nghĩ môn lịch sử khô khan, cứng nhắc với những số liệu, dày đặc những con số. Tôi né tránh, nói đúng hơn là dị ứng bởi với tôi, đây là môn "khó nhằn". 

Từng bị điểm 4, điểm 5 môn lịch sử từ hồi cấp hai nên lên cấp 3, với một đứa vốn theo đuổi khối A như tôi, môn sử vẫn là một khái niệm xa vời. Ngày đó, tôi chỉ chú tâm học ba môn toán, lý, hóa để cốt sau này thi đại học, như một lẽ tự nhiên, môn sử trở thành môn phụ trong mắt tôi. 

Lên lớp 10, cái nhìn của tôi với môn sử vẫn chưa được cải thiện. Tôi cứ học qua loa, đối phó, học tủ, học gạo để thi và mỗi khi "hạ cánh an toàn", tôi đều thở phào nhẹ nhõm: "Thế là xong".

Cho đến khi lên lớp 11, tôi được học môn sử với cô. Không biết vì cái duyên của cô khi truyền đạt hay vì bài giảng của cô rất thú vị mà tự lúc nào tôi bị cuốn hút vào môn lịch sử không hay. Tôi bắt đầu chăm chú lắng nghe và có lúc thú nhận: "Môn lịch sử đúng là không khô khan như mình nghĩ".

Với đứa đãng trí như tôi, học trước quên sau nên việc bước vào tiết sử luôn là nỗi sợ. Nhưng cô không tạo ra áp lực trả bài như nhiều thầy cô giáo khác. Mỗi buổi đến lớp, cô thường đặt câu hỏi về bài học trước và hỏi: "Em nào trả lời giúp cô".

Tôi hiểu tại sao trong lớp của cô không có điểm 1, điểm 2 do không thuộc bài. Bởi lẽ nếu như thế thì môn lịch sử sẽ "trở nên đáng sợ", như vậy càng khó kéo học trò lại gần với môn này hơn.

Càng học cô, tôi càng thấy yêu môn sử. Tôi hiểu ngoài khả năng truyền cảm hứng qua bài giảng, cô còn tạo cảm giác yên tâm, khiến chúng tôi không còn giữ tư tưởng học đối phó, qua quýt cho xong nữa. 

Ngay bản thân tôi có lúc cũng không còn nhận ra mình, bởi thời gian tôi dành cho môn lịch sử nhiều hơn các môn khác.

Mẹ tôi thắc mắc bởi một đứa vốn theo khối A như tôi tại sao lại sưu tầm nhiều sách chuyên ngành lịch sử đến vậy? Tôi đã bắt đầu chờ đợi để được nghe cô kể chuyện lịch sử - cái cảm xúc ấy đến bây giờ tôi vẫn chưa bao giờ quên.

Không còn cảm giác "ngoài rìa" như trước đây, tôi nhập cuộc với môn sử rất nhanh. Nếu như trước đây, mỗi khi đến tiết lịch sử, tôi vẫn thường úp mở đem môn khác ra làm bài tập, thì giờ đây, tôi cảm thấy yêu môn lịch sử. 

Tôi "ngấm" từng câu, từng chữ của cô. Tôi bị hấp dẫn bởi cách cô truyền đạt, kể chuyện.

Thời đó không có nhiều phương tiện hiện đại để học, cũng chưa có Internet để truy cập như bây giờ, cô trò thường "làm việc" theo kiểu thủ công. Tức là cô tìm kiếm sách lịch sử, sưu tầm những câu chuyện lịch sử gắn liền với từng sự kiện để đưa vào bài giảng. 

Nhưng chính những điều đó khiến tiết lịch sử của cô trở nên sôi động, thú vị và không riêng gì tôi, các bạn trong lớp đều thích thú đón nhận.

Để rồi nửa học kỳ lớp 11, tôi quyết định chuyển khối từ khối A sang khối C. Có lẽ đó cũng là một bước ngoặt lớn cho con đường sự nghiệp của tôi. Bởi lẽ, với một đứa chỉ biết toán, lý, hóa, giờ phải bắt đầu lại với môn xã hội không phải dễ dàng gì. 

Khi ấy, một số người bạn của tôi còn nói tôi bị hâm, có vấn đề khi chuyển khối, bởi thời gian thi đại học không còn nhiều nữa. Nhưng tôi tin vào quyết định của mình. Mọi người rất ngạc nhiên, đúng hơn là kinh ngạc vì sự thay đổi của tôi...

Rồi năm 2004, tôi đỗ vào Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Khi đó tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng, tôi đã đúng!

Suốt những năm trên giảng đường, rồi ra đi làm, tôi vẫn giữ thói quen đọc sách và tài liệu lịch sử. Tôi nhận ra lịch sử không chỉ đơn thuần là một môn học. Yêu lịch sử giúp mỗi người trưởng thành hơn, sâu sắc hơn.

Cô thường nói với tôi: "Mình chỉ làm những việc mình thấy cần, thấy đúng chứ không muốn khẳng định điều gì, cũng không cần để được khen ngợi, nhưng khi làm việc gì thì đều trách nhiệm và tâm huyết".

Thi thoảng đọc được những bài chia sẻ về phương pháp học sử của cô trên các báo, tự trong lòng tôi trào lên cảm giác tự hào. 

Tôi nghĩ có lẽ không riêng gì lịch sử, việc nuôi dưỡng, duy trì đam mê đối với môn học nào đó đều bắt đầu từ cách dạy của người thầy.

Dẫu cho thời nay, học sinh có năng động hơn, hiểu biết hơn, chỉ một cái nhấp chuột cũng có thể tìm được vô số tài liệu, thì vị trí của người thầy vẫn luôn không thay đổi.

Như cách mà cô giáo của tôi đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ - cô Lê Hồng - Trường THPT Hoằng Hóa II, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tri ân thầy cô

Những ngày tháng 11 này, bao thế hệ học trò không khỏi bồi hồi khi nhớ về những người thầy, người cô đã từng thầm lặng nâng bước mình vào đời.

Thay lời tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, mời bạn đọc chia sẻ bài viết về những người thầy, người cô yêu quý của mình với Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn.

Bạn cũng có thể gửi thiệp, lời chúc mừng, biết ơn... thầy cô theo địa chỉ tto@tuoitre.com.vn, chúng tôi sẽ đăng tải lên trang tuoitre.vn vào đúng ngày 20-11!

NGUYỆT ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên