28/04/2024 11:30 GMT+7

Chuyện chiếc xe thồ và kéo pháo ở Điện Biên Phủ vào mỹ thuật

Hai kỳ tích nói lên đặc thù chiến tranh nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ là chiếc xe đạp thồ và kéo pháo bằng sức người ra mặt trận không chỉ đi vào thơ, nhạc mà cả họa.

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh bên tác phẩm điêu khắc Cả nước ra trận - Ảnh: T.ĐIỂU

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh bên tác phẩm điêu khắc Cả nước ra trận - Ảnh: T.ĐIỂU

Tác phẩm điêu khắc Cả nước ra trận của nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh là một dân công đang thồ hàng trên xe đạp ra mặt trận và hai tác phẩm Tô Vĩnh Diện chèn pháo, Kéo pháo của họa sĩ Dương Hướng Minh đang trưng bày tại triển lãm "Đường lên Điện Biên" ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nhân đó, một cuộc trò chuyện về hai kỳ tích của chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra ngay tại không gian triển lãm, với nhiều điều thú vị giữa các nghệ sĩ và nhà sử học Dương Trung Quốc.

Kỳ tích chiếc xe đạp thồ

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh kể khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, ông mới 14 - 15 tuổi. Thắng lợi quá lớn lao, vĩ đại của quân ta đã thôi thúc ông một ngày phải sáng tác về Điện Biên Phủ. Năm 2004, ông đi thực tế sáng tác tại Điện Biên.

Nhận thấy nét riêng của chiến thắng ấy là đào giao thông hào và chiếc xe đạp thồ, sau nhiều ngày suy nghĩ tìm ý tưởng, ông quyết định phải sáng tác về đội quân xe thồ đặc biệt đóng góp rất lớn cho chiến thắng lừng lẫy năm châu.

Tác phẩm điêu khắc tạc một người dân trong tư thế đang đẩy chiếc xe thồ hàng rất nặng lên dốc hoàn thành sau hai tháng.

Hiện vật xe đạp của Quân Giải phóng trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ - Ảnh: Ông Dương Trung Quốc cung cấp

Hiện vật xe đạp của Quân Giải phóng trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ - Ảnh: Ông Dương Trung Quốc cung cấp

Tuy tác phẩm chỉ có một người, nhưng một người ấy đại diện cho khối toàn dân một lòng ủng hộ kháng chiến, nên ông lấy tên Cả nước ra trận. Năm 2005, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mua tác phẩm này của ông.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, khẳng định chiếc xe đạp thồ là điều kỳ diệu nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta. Lưu Danh Thanh đã chọn được hình ảnh khái quát nhất để nói về cuộc chiến tranh nhân dân.

Vào cả bảo tàng nước Mỹ

Cũng câu chuyện chiếc xe đạp thồ này, nhà sử học Dương Trung Quốc mang đến bức ảnh thú vị ông chụp một chiếc xe thồ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Mỹ, trong phòng trưng bày về chiến tranh Việt Nam.

Ông Quốc nói các nhà sử học phương Tây nhận ra vị thế của chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong rất nhiều tác phẩm mà ông được tiếp cận đã nói rằng tướng Nava thua ở Điện Biên Phủ chính là thua chiếc xe đạp thồ.

Bởi khi người Pháp chọn Điện Biên Phủ để xây dựng căn cứ địa chiến đấu, họ đã tưởng rằng ta sẽ thua chắc vì làm sao đưa được lương thực, vũ khí, và kéo được pháo vào để chiến đấu với quân Pháp.

Nhưng họ đã nhầm. Chiếc xe thồ - một sáng tạo vĩ đại của người dân Việt Nam, cải tiến từ phương tiện cơ giới Tây phương và cây tre Việt Nam đã giúp chuyên chở khối lương thực, đạn dược, thuốc men khổng lồ phục vụ 50.000 quân chiến đấu trong gần hai tháng để đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy.

Sau này những nhà sử học như ông Dương Trung Quốc có đặt câu hỏi: "Ai là người đầu tiên nghĩ ra phương tiện xe đạp thồ". 

Có người nhắc đến tên Ma Văn Thắng ở Phú Thọ đã thồ hơn 3,5 tạ trên xe đạp thồ đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng ông Quốc nghĩ ông Thắng chỉ là người phát huy thôi, chứ chiếc xe thồ ấy đi ra từ trong dân, từ 21.000 dân công hỏa tuyến.

Ông Quốc bảo sau này bất ngờ nhất của Nava tại Điện Biên Phủ là tại sao Việt minh có thể đưa 50.000 quân lên Điện Biên Phủ đánh nhau với quân Pháp trong gần hai tháng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (phải) nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh (giữa) và họa sĩ Lương Xuân Đoàn trò chuyện về hội họa với Điện Biên Phủ - Ảnh: T.ĐIỂU

Nhà sử học Dương Trung Quốc (phải) nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh (giữa) và họa sĩ Lương Xuân Đoàn trò chuyện về hội họa với Điện Biên Phủ - Ảnh: T.ĐIỂU

Đó là nhờ sáng kiến rất lớn của quân dân ta về chiếc xe đạp thồ cùng sự hy sinh vô bờ bến của người dân, đặc biệt là người dân khu ba, Thanh Hóa, khi họ vét đến những hạt thóc cuối cùng gửi ra mặt trận nuôi quân.

Chiếc xe đạp thồ trở thành biểu tượng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ai giúp họa sĩ sáng tác?

Kho tàng sáng tác mỹ thuật về Điện Biên Phủ còn có hai sáng tác của họa sĩ Dương Hướng Minh là Tô Vĩnh Diện chèn pháo và Kéo pháo.

Ông Lương Xuân Đoàn nói về tác phẩm sơn mài Tô Vĩnh Diện chèn pháo đã giữ lại được giây khắc lớn lao của lịch sử dân tộc mình, là lúc anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo. Sự hy sinh không thể nói bằng lời của các chiến sĩ Điện Biên đã được người họa sĩ mô tả xúc động trong tranh.

Nhưng ít ai ngờ rằng, giống như Lưu Danh Thanh, họa sĩ Dương Hướng Minh cũng chưa từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ.

Con trai họa sĩ, ông Dương Hướng Nam cho biết khi Điện Biên Phủ nổ ra thì ông tham gia đặc công ở rừng Sác trong Nam. Nhưng vì chiến thắng Điện Biên Phủ quá lừng lẫy nên nghệ sĩ vẫn muốn góp nét vẽ của mình. Ông lên thực tế tại Điện Biên Phủ nhiều ngày, vẫn bí.

Thấy họa sĩ sáng tác vất vả quá vì thiếu thực tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó đã cho họa sĩ mượn hai trung đoàn bộ đội ở sân bay Bạch Mai để làm mẫu phác thảo. Và hai tác phẩm bất hủ về kéo pháo ở Điện Biên Phủ của mỹ thuật Việt Nam đã ra đời.

Bà con Điện Biên ‘hóa’ bộ đội, dân quân thi đẩy xe đạp thồ, tải đạnBà con Điện Biên ‘hóa’ bộ đội, dân quân thi đẩy xe đạp thồ, tải đạn

Hồi hộp, kịch tính qua từng chặng đua với các địa hình khác nhau, các đội tham gia hội thi xe đạp thồ - tải đạn đã mang đến cho du khách tới Điện Biên những tràng cười rộn rã.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên