05/06/2019 09:02 GMT+7

Chất lượng đào tạo đại học: Cứ để xã hội 'thẩm định'

MINH GIẢNG thực hiện
MINH GIẢNG thực hiện

TTO - Sau 20 năm, một trường nghiệp vụ dạy nghề đã phát triển thành một trường đại học với quy mô đào tạo hơn 20.000 sinh viên. Sự phát triển ấy của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành liệu có gắn với chất lượng đào tạo hay chỉ là bề nổi?

Chất lượng đào tạo đại học: Cứ để xã hội thẩm định - Ảnh 1.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đầu tư nhiều máy móc thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo, thực hành cho sinh viên - Ảnh: N.T.

Chúng tôi hiểu rằng một trường ĐH non trẻ không thể cạnh tranh sự tinh hoa với các trường lâu đời nên đã chọn đi con đường đào tạo ra người làm nghề chắc tay, thực học để thực nghiệp và thực danh.

PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÙNG

PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÙNG - hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ quan điểm rằng chất lượng đào tạo của các trường ĐH cứ để xã hội đánh giá bằng chất lượng của sinh viên.

Quan trọng là đầu ra

* Trong bối cảnh xã hội lo lắng trước sự bùng nổ các trường ĐH và hoài nghi về chất lượng đào tạo, trường có áp lực không?

- Đúng là sự phát triển rầm rộ của hệ thống giáo dục ngoài công lập đã dẫn tới sự nghi ngại về chất lượng đào tạo của xã hội thời gian qua. Do đó, chúng tôi quyết tâm xây dựng văn hóa chất lượng ngay từ đầu. 

Từ năm 2009, trường là một trong các trường CĐ đầu tiên thực hiện công tác tự đánh giá cấp cơ sở giáo dục. Đến nay, trường đã hoàn thành công tác đánh giá và được Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia TP.HCM đánh giá đạt chuẩn kiểm định chất lượng. 

Trường đã chính thức được kiểm định chất lượng và gắn 3 sao theo hệ thống gắn sao QS Stars của Tổ chức QS. Tiếp theo sẽ kiểm định các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN - QA của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á…

* Nhiều ý kiến cho rằng vào ĐH hiện nay quá dễ khi các trường tìm mọi cách để vơ vét người học, chất lượng đầu vào thấp thì đầu ra cũng không cao. Quan điểm của ông ra sao?

- Một viên ngọc cũng cần có thời gian mài giũa để tỏa sáng. Một cá nhân cũng vậy, muốn khẳng định bản thân cũng phải trải qua sự khổ luyện, trau dồi kiến thức, đạo đức. Thế nên vì một rào cản nào đó mà tước mất cơ hội để vào ĐH thì thật không công bằng cho các em.

Ngoài xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, trường mở ra cơ hội cho các thí sinh thiếu may mắn trong thi cử bằng các hình thức xét tuyển khác như xét học bạ, tổ chức kỳ thi riêng. 

Đầu vào có thể dễ thở hơn ở các trường công lập, nhưng trường thắt chặt ở đầu ra, kết hợp với các doanh nghiệp để phản biện chương trình đào tạo. Nếu chất lượng đào tạo "có vấn đề" thì sao 95% sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm và được doanh nghiệp đánh giá cao? Xã hội luôn có đánh giá khách quan nhất.

* Một trong những điều kiện quan trọng quyết định chất lượng đào tạo là đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Trường đã phát triển nhanh về quy mô sinh viên, ngành nghề đào tạo, vậy đội ngũ và cơ sở thực tập, thí nghiệm liệu có đáp ứng đủ để đảm bảo chất lượng?

- Hiện tại, trường có 2.000 giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng, trong đó có 11 giáo sư, 28 phó giáo sư, hơn 155 tiến sĩ, gần 670 thạc sĩ. Trong thang điểm đánh giá của Tổ chức QS - Stars Anh Quốc, cơ sở vật chất, trách nhiệm xã hội của trường được tổ chức này đánh giá với số điểm tuyệt đối 5 sao. 

Mỗi năm trường đầu tư hơn 100 tỉ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất và xây dựng cơ bản. Hiện tại, trường đã có 500 phòng học lý thuyết và thực hành được trang bị hiện đại.

Chất lượng đào tạo đại học: Cứ để xã hội thẩm định - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng

Người hưởng lợi là sinh viên

* Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục công - tư vẫn còn bị phân biệt. Theo ông, cần phải thay đổi thế nào để hệ thống giáo dục ĐH cùng mạnh lên?

- ĐH công hay tư đều là cơ sở giáo dục ĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, văn bằng có giá trị như nhau. Dù đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong hệ thống giáo dục, nhưng trường tư vẫn phải chịu sự phân biệt không hề nhỏ so với trường công.

Dù đã có khởi sắc nhưng nhìn một cách thẳng thắn thì giáo dục ĐH vẫn chưa trở thành hệ thống giáo dục mở, hướng đến thực học, thực hành. Các cơ quan quản lý nhà nước nên tạo điều kiện cho các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh, quản lý đào tạo, mở ngành. 

Ngoài ra, thay vì trực tiếp quản lý toàn diện đối với các cơ sở giáo dục ĐH, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên đóng vai trò là cơ quan "tài phán", định hướng các hoạt động theo luật pháp, đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học được độc lập, tự chủ hơn trong các hoạt động.

Hiện nay, rất nhiều đơn vị tuyển dụng không quan trọng vấn đề trường ĐH công lập hay tư thục, quan trọng vẫn là thực lực của ứng viên.

* Là trường theo mô hình trường học trong doanh nghiệp, ông thấy mô hình này có ưu và nhược điểm gì? Ông đánh giá thế nào về sự cạnh tranh và phát triển của các trường ĐH hiện nay?

- Sự cạnh tranh giữa các trường ĐH hiện nay sẽ mang lại nhiều lợi ích, trước hết là cho sinh viên. Các em có quyền chọn lựa những trường có chất lượng đào tạo tốt, uy tín, có thương hiệu, tỉ lệ ra trường có việc làm cao. 

Để thu hút sinh viên theo học, các trường sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thay đổi phương pháp đào tạo, nâng cao đội ngũ giảng viên. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng được lợi trong sự cạnh tranh này bởi họ có quyền lựa chọn những sinh viên đáp ứng điều kiện của mình.

Là trường trong doanh nghiệp, chúng tôi có nhiều lợi thế, hiểu mình nên đào tạo gì để sinh viên có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp: giảm lý thuyết, tăng thời gian thực tập, thực hành. 

Hiện nay, trường đã ký kết hợp tác với hơn 2.000 doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên được đi thực tập, thực tế tại cộng đồng để nâng cao trình độ tay nghề cũng như mở rộng cơ hội việc làm cho các em.

* Thời gian qua có làn sóng thâu tóm các trường ĐH, hình thành các tập đoàn giáo dục. Ông đánh giá thế nào về xu hướng này?

- Đúng là hiện nay có một số người đang quy tụ các trường để thành lập tập đoàn giáo dục. Tôi cho đây cũng là một xu thế tốt, tạo nên hệ thống giáo dục mạnh. Không phải tới hôm nay chúng tôi mới nhìn thấy hướng đi này. Từ nhiều năm trước, chúng tôi cũng đã xây dựng hệ thống giáo dục từ mầm non, tiểu học, trung cấp và ĐH...

ĐH Nguyễn Tất Thành: biểu tượng giá trị tri thức và hạnh phúc cho người học ĐH Nguyễn Tất Thành: biểu tượng giá trị tri thức và hạnh phúc cho người học

Với mục tiêu tạo nên “tòa nhà tri thức” đẳng cấp quốc gia và hội nhập quốc tế, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã và đang từng bước tạo ra giá trị khác biệt, xứng đáng là ngôi trường đại học hạnh phúc của hơn 20.000 sinh viên.

MINH GIẢNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên