26/12/2023 08:28 GMT+7

Chấn động: Vướng nghi vấn đạo văn, Hiệu trưởng Harvard bị kêu gọi từ chức

Nước Mỹ chấn động khi hiệu trưởng Claudine Gay của Đại học Harvard danh tiếng đang bị yêu cầu từ chức quanh những cáo buộc bà đạo văn.

Hiệu trưởng Harvard Claudine Gay - Ảnh: REUTERS

Hiệu trưởng Harvard Claudine Gay - Ảnh: REUTERS

Đầu năm nay, Harvard đã tạo nên cột mốc lịch sử khi bổ nhiệm bà Claudine Gay, 53 tuổi, làm hiệu trưởng da màu đầu tiên của trường trong gần 400 năm qua và người phụ nữ thứ hai ngồi vào vị trí này.

Tuy nhiên đến cuối năm, bà Gay đối mặt với những sóng gió lớn.

Tranh cãi về mức độ nghiêm trọng

Khi phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội về vấn đề bài Do Thái trong các trường đại học đầu tháng này, bà Gay được hỏi rằng việc kêu gọi diệt chủng người Do Thái có vi phạm quy tắc ứng xử của trường đại học của họ hay không, phần trả lời "tùy vào hoàn cảnh" của bà đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ.

Dù bà Gay đã lên tiếng xin lỗi và giải thích sau đó, những lời kêu gọi bà từ chức bắt đầu lớn dần.

Sau phiên điều trần, một nhóm nhà hoạt động tố bà Gay đạo văn các phần trong luận án tiến sĩ của bà và ba ấn phẩm khác từ năm 1993 đến năm 2017. Ngày 20-12, tờ Washington Free Beacon dẫn một tài liệu tổng hợp 40 cáo buộc về việc nữ hiệu trưởng đã trích dẫn hoặc diễn giải các tác giả mà ghi nguồn trong các tác phẩm học thuật của mình, đi ngược lại các quy tắc nghiêm ngặt của Harvard.

Trong hướng dẫn của Harvard, trường đã khẳng định "việc lấy bất kỳ ý tưởng hoặc ngôn ngữ nào từ người khác mà không ghi rõ nguồn đó trong bài viết bị coi là đạo văn" và sinh viên đó bị kỷ luật nặng nhất là đuổi học.

Bên cạnh đó còn có các cáo buộc đạo văn ít nghiêm trọng liên quan đến những công trình của bà Gay được đăng trên các tạp chí được bình duyệt. Chẳng hạn trong bài báo đăng trên tạp chí Urban Relations Review năm 2012, bà Gay đã nhiều lần trích dẫn một bài báo năm 2003 của tám nhà kinh tế nhưng không ghi nguồn. Các chuyên gia khẳng định đây cũng là một dạng đạo văn.

Đáp lại, bà Gay đã lên tiếng bảo vệ "sự liêm chính" của bản thân. "Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã làm việc để đảm bảo học bổng của mình tuân thủ các tiêu chuẩn học tập cao nhất", bà giải thích trên tờ Boston Globe.

Theo Đài CNN, các chuyên gia vẫn đang chia rẽ về mức độ nghiêm trọng của những cáo buộc đạo văn này. Ông Stephen Voss, người từng là giảng viên của bà Gay, xác nhận bà đã đạo văn của ông trong luận văn tiến sĩ năm 1997 về mặt kỹ thuật nhưng "không quan trọng về mặt học thuật".

Ngược lại, nhiều học giả khác không đồng ý. Ông Michael Dougherty, giáo sư triết học tại Đại học Ohio Dominica, nói rằng dù bà Gay có ghi nguồn ở cuối một bài viết về vấn đề nhà ở năm 2017 nhưng không sử dụng dấu ngoặc kép tại những phần trích dẫn cũng là đạo văn.

"Các cuộc thảo luận về đạo văn trở nên rất phức tạp và nó chỉ xoay quanh vấn đề: tác phẩm có đáng tin cậy không? Những người viết ra những lời đó có được ghi nhận không? Và liệu một người có thể biết điều đó bằng cách đọc không?", ông Dougherty nói và cho rằng những bài viết đạo văn của bà Gay nên được rút lại.

Hãy thừa nhận sai lầm, tránh những tuyên bố mờ ám, đồng thời công khai bằng chứng và quy trình đánh giá của hội đồng để mọi kết quả đều có thể được hiểu rõ.
Ông OMAR SULTAN HAQUE (giảng viên về sức khỏe toàn cầu tại Trường y Harvard)

Harvard bị tố "tiêu chuẩn kép"

Trong báo cáo ngày 10-12, Tập đoàn Harvard Corporation, hội đồng quản trị của Trường Harvard, thừa nhận họ đã biết các cáo buộc bà Gay đạo văn từ tháng 10-2023 và điều tra độc lập xác định bà không vi phạm các tiêu chuẩn của đại học. Trường có phát hiện "một vài trường hợp trích dẫn không đầy đủ" hay việc "ngôn ngữ trùng lặp mà không có dẫn nguồn phù hợp" trong luận án tiến sĩ năm 1997 của bà, theo tờ Boston Globe.

"Hiệu trưởng Gay sẽ cập nhật luận án của mình để sửa những trường hợp trích dẫn không đầy đủ" - báo cáo của trường viết, đồng thời khẳng định ủng hộ bà Gay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cuộc điều tra của Trường Harvard về các cáo buộc diễn ra quá chóng vánh trong khi các cuộc đánh giá độc lập về đạo văn thường kéo dài lâu hơn, từ sáu tháng đến vài năm.

"Câu hỏi được đặt ra là liệu họ có thực sự đọc bài luận văn hay không", học giả người Đức Deborah Weber-Wulff nêu nghi vấn trên Đài CNN. Trong khi đó, những ý kiến chỉ trích cho rằng việc Harvard bảo vệ một hiệu trưởng đạo văn là sử dụng "tiêu chuẩn kép".

Hàng loạt câu hỏi khác từ các giảng viên, nhà tài trợ và sinh viên khiến hội đồng trường đau đầu là vì sao họ đã không kiểm tra kỹ hồ sơ trước khi bổ nhiệm bà Gay làm hiệu trưởng từ ngày 1-7 và chọn im lặng trong quá trình điều tra.

Nhiều tờ báo đã cho rằng Harvard đã cố gắng che giấu cuộc điều tra và chỉ công khai sau đó khi chịu áp lực của báo chí. Tờ New York Post thậm chí cáo buộc trường đã thuê công ty luật đe dọa cuộc điều tra riêng của tờ báo này.

Bên cạnh đó, Ủy ban Giáo dục của Hạ viện Mỹ cho điều tra về cách mà trường xử lý vấn đề đạo văn này.

Nữ hiệu trưởng da màu đầu tiên

Bà Claudine Gay đã có 16 năm giảng dạy về hành vi chính trị, nghiên cứu về châu Phi và người gốc Phi. Bà từng làm trưởng các khoa khoa học xã hội, khoa học và nghệ thuật của Harvard. Là một người xuất thân từ gia đình nhập cư từ Haiti, bà trở thành hiệu trưởng trường đại học danh giá bậc nhất nước Mỹ từ tháng 7-2023.

Đại học Harvard giàu hơn 120 nền kinh tế thế giới, nguồn thu của họ từ đâu?Đại học Harvard giàu hơn 120 nền kinh tế thế giới, nguồn thu của họ từ đâu?

Đại học Harvard không chỉ nằm trong số những tổ chức giáo dục đại học uy tín nhất của Mỹ, mà còn là trường giàu nhất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên