25/12/2023 10:23 GMT+7

Cha mẹ giúp con giữ đạo trò

Nhà tôi nghèo lắm. Cha tôi học qua lớp 10, mẹ thì nghe ông bà nói rằng mới học hết lớp 3 và chỉ viết được họ tên của mình với phép cộng trừ đơn giản. Vậy nhưng cha mẹ dạy tôi và anh em khuôn phép, chuẩn mực, nhất là đạo làm trò.

Cô giáo tôi (thứ 6 từ phải qua) giữa lũ học trò làm công việc khác nhau sau 15 năm ra trường - Ảnh: L.TR.

Cô giáo tôi (thứ 6 từ phải qua) giữa lũ học trò làm công việc khác nhau sau 15 năm ra trường - Ảnh: L.TR.

Thời tôi còn học phổ thông, chừng 20 năm trước đây, có một hiện tượng rất phổ biến là đa phần các bậc làm cha làm mẹ luôn đặt nặng vai trò người thầy, nhận sai về phần mình để con cái ý thức được vị trí của mình. 

Xã hội bây giờ có thể cho là sai, là cách giáo dục "không tích cực", nhưng ngẫm lại tôi thấy nhờ đó mà chúng tôi hầu hết đã không đi trật đường, luôn kính trọng thầy cô dạy dỗ mình dù mình có là ai về sau.

Những món quà quê

Nhớ hồi ở quê, cứ tới ngày 20-11, lũ bạn được cha mẹ cho 2.000 - 3.000 đồng thì mua hoa, mua kẹo rồi đem tới nhà cô "chúc mừng 20-11". 

Mẹ tôi nghèo quá, bà ra vườn hái hai quả cam rồi mua thêm được đâu đó một nửa gói "kẹo cục" (loại kẹo nhào từ bột nấu với mật mía tới keo cứng lại rồi cắt thành khúc". Tôi xấu hổ lắm, nhưng mẹ "ép" phải đến thăm nhà cô thầy mỗi dịp 20-11.

Những ngày đi học, tôi học tốt nhưng trong lòng luôn lo sợ sự "gần gũi" của cô chủ nhiệm với cha mẹ. Lo là vì lỡ may mình ở trường học không tốt, hoặc đi trễ, hoặc điểm thấp thì bị cô "méc" mẹ. 

Rất nhiều lần tôi phạm các lỗi vặt ở trường, cha mẹ biết. Một cái kết chung là dù tôi đúng hay sai thì cha mẹ cũng nói rằng tôi phải nhận sai. Từ đó, mẹ tôi lại đi xin lỗi và mong cô giáo thông cảm, kiểu "con dại cái mang".

Khi tôi lên cấp III, vì cuộc sống nghèo khổ quá, lại học khối "bán công" nên chỉ nghĩ học qua lớp 12 rồi đi làm thợ hồ. Tôi được giao làm bí thư chi đoàn. Lớp 11 năm đó cô vào nhận chủ nhiệm lớp tôi thay thế cho một cô giáo nghỉ sinh.

Hai tháng sau khi nhận chủ nhiệm lớp, khi có kết quả chấm cuộc thi viết báo tường của trường thì cô gọi tôi ở lại sau giờ học và khen rằng tôi viết có ý tứ và câu chữ rất hay. 

"Em thi đại học đi, lớp bán công mà học như em là hiếm, cô biết nếu đầu tư nghiêm túc thì sẽ đậu đại học" - cô nói.

Tôi hơi bất ngờ và ngần ngại, nhưng rồi cũng nghe theo cô giáo mình. Cô biết tôi nghèo rồi bảo tới nhà học thêm chung với các bạn, tới lúc thu tiền thì cô cũng viết danh sách nộp tiền như mọi người nhưng sau đó lại đưa trả lại cho mẹ tôi. Cô còn tìm sách cũ, các bộ đề ôn thi đại học kèm lời giải rồi đưa cho tôi ôn luyện.

Từ ngày có cô, tôi như người thiếu niềm tin vào tương lai mà bắt gặp được kẻ tâm giao. Tôi bỏ hết mọi thú vui của lứa tuổi, bù đầu cày cuốc bài vở rồi ôn thi. 

Ngày tôi lên đường, cô còn bảo nếu tôi không có tiền đi xe thì cô cho mượn. Năm đó, tôi thi đại học và đậu với điểm vượt xa điểm chuẩn.

Cuộc đời bước sang một ngã khác mà tôi chưa từng nghĩ, chưa từng mơ. Mỗi lần về tết tôi vẫn ra nhà cô, lúc đó cô trò vẫn còn khoảng cách và nhiều ngại ngùng. 

Nhưng mối liên lạc đó cứ được xây dựng dần theo năm tháng, mẹ tôi cũng biết ơn cô, dù con ở xa không về nhưng 20-11 năm nào bà cũng khi bao gạo, khi con gà nuôi được trong vườn "đi tết cô".

Có một nguyên tắc mà tôi nghĩ cần đặt ra đó là khi học trò khúc mắc với thầy cô thì dù đúng sai thế nào cha mẹ cứ nhận lỗi về con mình trước. Phải trái ra sao thì về nhà ngồi lại với con để giải thích; đặt chữ "đạo" ứng xử, lễ phép lên trên mà dạy. Tôn sư, trọng đạo muôn đời đúng.

Con nhìn cha mẹ để hành xử

Cô bị bệnh ung thư nhiều năm rồi, sự sống mong manh may rủi. Tụi học trò chúng tôi về bên cô mỗi năm một nhiều và vẫn ghen tị nhau về sự quan tâm của cô. 

Lớp tôi là lớp duy nhất mà đa phần học sinh - có người làm linh mục, người làm nhà nước, nhưng cũng nhiều người làm thợ hồ, thợ sắt... - vẫn nhớ về cô và coi cô mình là điểm kết nối chung.

Chúng tôi giờ ít ngại ngần hơn với cô, thậm chí cô còn coi một vài học sinh như tri kỷ, là "học trò ruột", sẵn sàng kể mọi vui buồn, khi chán nản bất lực vì hành trình chạy chữa bệnh tật...

Nhìn lại những việc đau lòng về đạo thầy trò mà báo chí đề cập gần đây, tôi cho rằng chính cha mẹ là những người giúp con giữ đạo thầy trò. Con cái có thể không sợ trời đất, có thể ngỗ ngược, nhưng phải sợ mẹ cha. 

Một khi mẹ cha kính trọng, đặt người thầy lên đúng vị trí tôn kính trong cuộc sống, trong việc răn dạy con thì đứa con cũng nhìn vào đó để cư xử đúng.

Bản thân tôi luôn nhớ ơn các thầy cô giáo của mình. Nếu thầy cô dạy chữ, dạy tôi làm người thì người dạy cho tôi biết kính trọng và gắn kết, lắng nghe thầy cô chính là cha mẹ.

Dẫn dắt, giải thích cho con

Không có hoặc rất ít người làm nghề giáo nào ghét bỏ học sinh. Vì thực tế độ tuổi học sinh luôn kém xa các thầy cô; học sinh cũng không phải là đối tượng "tị hiềm, so tranh" của người đi dạy.

Do đó, nếu có sự khúc mắc, trách phạt quá đà nào đó cũng là bởi sự bức xúc nhất thời hoặc thầy cô đó chưa vững thực hành kỹ năng sư phạm. Điều này nếu học trò không hiểu thì cha mẹ phải dẫn dắt, giải thích.

9 bước dạy con kiên trì - kỹ năng mềm số 1 giúp thành công9 bước dạy con kiên trì - kỹ năng mềm số 1 giúp thành công

TTO - Nghiên cứu của tiến sĩ Michele Borba - nhà tâm lý học giáo dục nổi tiếng quốc tế, tác giả sách dạy trẻ bán chạy nhất thế giới - nhận thấy sự kiên trì là kỹ năng mềm số 1 tạo nên những đứa trẻ thành công cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên