27/10/2017 06:30 GMT+7

Cạnh tranh hệ thống bán lẻ: nâng tầm, "lột xác" với ISO

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TTO - Ngoài chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp, chính sách hậu mãi…, các nhà phân phối bán lẻ còn phải đối mặt với thách thức làm sao quản trị được chuỗi hệ thống quản lý của mình một cách chuyên nghiệp, khoa học khi xu hướng "truy xuất tận gốc" đ

Cạnh tranh hệ thống bán lẻ: nâng tầm, lột xác với ISO - Ảnh 1.

Người dân mua sắm tại Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thực tế cũng cho thấy nếu muốn có một "lý lịch" sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng, việc bắt buộc doanh nghiệp phải có một hệ thống quản lý chất lượng chuẩn để thực thi, gần như là một xu hướng tất yếu, không thể né tránh.

"Lột xác" nhờ ISO

Dù có vị trí sản xuất khá khiêm tốn, lại nằm ngay trong khu dân cư, nhưng khi đến Công ty TNHH in bao bì Ngân Hà (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cảm quan đầu tiên nhận được là sự ngăn nắp, sạch sẽ, mọi khu vực sản xuất đều được phân bổ gọn gàng, hợp lý. 

Để có được sự liên thông giữa các khâu sản xuất với nhau, theo ông Chu Mạnh Cường - giám đốc Công ty TNHH in bao bì Ngân Hà, từ nhiều năm trước đó khi quy mô công ty còn rất nhỏ, công ty ông đã buộc phải thực hiện quy trình chuẩn cho hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001.

"Khi áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng chuẩn quốc tế vào nhà máy, chúng tôi mới biết nhiều quy trình sản xuất trước đây của mình khá tùy tiện, phân bổ chưa hợp lý. Điều này khiến việc phát hiện ra sản phẩm lỗi, hoặc nguyên liệu bị sử dụng lãng phí ở khâu nào vẫn khá chậm trễ" - ông Cường chia sẻ.

Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO nói chung sẽ “gãy” nếu doanh nghiệp thiếu nguồn lực để thực hiện việc đôn đốc, giám sát các quy trình và thực hiện việc cải tiến trong hệ thống; thiếu đào tạo về nhận thức cho nhân viên và đội ngũ quản lý cấp trung để thấu hiểu yêu cầu của tiêu chuẩn nhằm đưa ra biện pháp quản lý tốt hơn; thiếu đội ngũ đánh giá nội bộ có chuyên môn cao để giúp doanh nghiệp duy trì và cải tiến hệ thống quản lý của mình.

Bà NGUYỄN THỊ NAM TRÂN, giám đốc chứng nhận của Tổ chức chứng nhận quốc tế SGS (Thụy Sĩ) tại TP.HCM

Là một trong những tổ chức chứng nhận quốc tế hoạt động lâu năm tại VN, bà Nguyễn Thị Nam Trân, giám đốc chứng nhận của Tổ chức chứng nhận quốc tế SGS (Thụy Sĩ) tại TP.HCM, cho biết việc các doanh nghiệp VN ngày càng quan tâm và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế ISO vào hệ thống quản trị của mình đã dần trở nên phổ biến.

Không chỉ ở khối doanh nghiệp sản xuất, các tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế ngày càng lan tỏa ở khắp các lĩnh vực, ngành hàng.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp sau khi được cấp chứng nhận ISO là làm sao có đủ nguồn nhân lực để thực thi, duy trì những yêu cầu bắt buộc phải thực hiện trong hệ thống quản lý vừa được cấp chứng nhận. 

Và ở cấp độ cao hơn, tư duy cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc tuân thủ những quy định có trong hệ thống quản lý này có được thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt hay không.

"Rất nhiều doanh nghiệp đã không thể duy trì được mục đích mà họ muốn hướng đến là có một hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn chất lượng vì các nguyên nhân nói trên. Với doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, để vượt qua các trở ngại nói trên, lãnh đạo doanh nghiệp phải có một bản lĩnh lớn để theo đuổi mục tiêu này", bà Nam Trân nhận định.

Tầm nhìn xa cho chiến lược dài hạn

Tán đồng với nhận định của bà Nam Trân, ông Nguyễn Thành Nhân, tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho hay trong xu thế hội nhập quốc tế, trước sự cạnh tranh và đòi hỏi khắc nghiệt của thị trường, việc áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế đã trở thành một xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp cải tiến và nâng cao chất lượng hệ thống quản trị nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng ngày càng tốt hơn.

Khi áp dụng hệ thống ISO 9001:2015, hệ thống quản lý chất lượng ISO không hẳn giúp cho doanh nghiệp giải quyết mọi khó khăn, trở ngại trong hoạt động; mà giúp doanh nghiệp đạt được khả năng cung cấp các sản phẩm có chất lượng ổn định, hạn chế rủi ro, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và các yêu cầu theo luật định một cách rõ ràng, xuyên suốt hơn.

Đại diện Saigon Co.op

Theo ông Nhân, lãnh đạo Saigon Co.op đã ý thức điều này ngay từ lúc Saigon Co.op mới phát triển siêu thị Co.op Mart đầu tiên vào năm 1996, với tầm nhìn hướng đến là con đường phát triển của mạng lưới siêu thị được phân bổ rộng khắp cả nước, cùng hàng chục ngàn người lao động làm việc, cũng như sẽ là điểm vui chơi, mua sắm an toàn cho hàng triệu gia đình.

"Muốn quản lý tốt bộ máy này nhất thiết phải có một quy trình quản lý, hoạt động và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt mới có thể giữ được uy tín với đối tác và khách hàng. Và chỉ có đạt tiêu chuẩn ISO mới đưa Saigon Co.op vào khuôn khổ của quy trình quản lý chất lượng mang tính chuyên nghiệp cao", ông Nhân cho biết.

Cạnh tranh hệ thống bán lẻ: nâng tầm, lột xác với ISO - Ảnh 4.

Đại diện Saigon Co.op nhận chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015 trong lễ đón nhận sáng 25-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chính vì vậy, từ năm 2000, Saigon Co.op đã thành lập ban chất lượng (nay là phòng quản lý chất lượng) với nhiệm vụ chính là triển khai hệ thống quản lý chất lượng và xác định các yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng. Sau thời gian vừa điều chỉnh vừa hoàn thiện mình, đến năm 2004, Saigon Co.op đã đánh giá chứng nhận thành công hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000. 

Qua từng giai đoạn "nâng cấp" của hệ thống ISO, từ tháng 10-2016, Saigon Co.op điều chỉnh phù hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 phiên bản mới và đã được Tổ chức đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế QMS chứng nhận đạt chuẩn.

Đánh giá về phiên bản hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015, bà Nam Trân cho hay đây là phiên bản giúp doanh nghiệp bỏ bớt việc "cõng" một rừng thủ tục văn bản giấy tờ trên lý thuyết để đi sâu, đi sát vào thực tế hoạt động, vận hành của doanh nghiệp hơn.

Quy trình chuẩn cho chất lượng đồng nhất

Phát biểu tại buổi lễ nhận "Chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015", do Tổ chức đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế QMS trao ngày 25-10, ông Phạm Trung Kiên, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, khẳng định Saigon Co.op không xem ISO như một loại "trang sức" dùng để làm đẹp thương hiệu mà sẽ tận dụng tối đa những lợi ích của hệ thống quản lý ISO mang lại.

Trong đó, đảm bảo mọi hoạt động, kinh doanh của Saigon Co.op đều được quản lý theo quy trình nghiêm ngặt để sản phẩm, dịch vụ cuối cùng khi mang đến phục vụ cho khách hàng đều có chất lượng đồng nhất một cách tốt nhất.

Đồng thời không ngừng cải tiến các hoạt động về logistics, xây dựng hệ thống đo lường hiệu quả công việc (KPI)… nhằm đáp ứng những yêu cầu cao hơn của tiêu chuẩn để giữ vững vị trí Top các nhà bán lẻ hàng đầu VN và Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên