01/11/2018 12:42 GMT+7

Cần hơn 850 tỉ đồng nâng chuẩn giáo viên mầm non lên cao đẳng

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Với quy định trình độ chuẩn của giáo viên mầm non là tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trong dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, Bộ GD-ĐT tính toán tổng kinh phí nâng chuẩn cho hơn 100.000 giáo viên hiện chưa đạt chuẩn.

Cần hơn 850 tỉ đồng nâng chuẩn giáo viên mầm non lên cao đẳng - Ảnh 1.

Một tiết học múa - hát tại Trường mầm non thị trấn Quan Hóa, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Tổng kinh phí đào tạo nâng chuẩn hơn 107.000 giáo viên chưa đạt trình độ CĐ sư phạm ước tính 857 tỉ đồng. Mức kinh phí này được Bộ GD-ĐT tính toán dựa trên cơ sở chi phí chi thêm cho một học viên sư phạm: tính bằng mức bù học phí theo quy định hiện hành thì mức chi phí là 8 triệu đồng/người/năm.

Nguyên nhân chính gây bức xúc xã hội

Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách nâng chuẩn giáo viên mầm non trình Quốc hội, Bộ GD-ĐT xác định để đạt mục tiêu chất lượng giáo dục mầm non, giáo viên cần có kiến thức tổng hợp về tâm lý, sinh lý, sức khỏe, dinh dưỡng, kiến thức về tạo hình, âm nhạc, phương pháp phát triển nhận thức và ngôn ngữ của trẻ.

Tuy nhiên, hiện tại giáo viên bậc trung cấp (1 - 2 năm) và chương trình đào tạo tập trung học lý thuyết nên thiếu kỹ năng xử lý tình huống, để xảy ra sai sót trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, gây những bức xúc nhất định trong xã hội.

Hệ quả là trình độ chuyên môn nghiệp vụ một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng nhu cầu công việc, thiếu kiến thức về tâm lý trẻ em, chăm sóc sức khỏe, giới tính, an toàn thực phẩm trường học... 

Ngoài ra, việc tư vấn tuyển sinh và lựa chọn thí sinh trúng tuyển vào trung cấp sư phạm tương đối dễ dãi nên một bộ phận nhỏ giáo sinh sau khi ra trường có biểu hiện thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống, nhân cách, tình yêu với trẻ và yêu nghề, hoặc có hành vi bạo lực với trẻ.

Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, những giáo viên chưa có bằng CĐ sư phạm mà thời gian công tác còn lại dưới 5 năm (tính từ thời điểm dự kiến Luật giáo dục sửa đổi có hiệu lực) thì không nhất thiết phải nâng chuẩn, mà chỉ cần tham gia những khóa bồi dưỡng theo các chuyên đề phù hợp để nâng cao năng lực dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới. 

Các trường trung cấp sư phạm mầm non (cả nước chỉ còn 2 trường) sẽ chuyển đổi thành trường CĐ sư phạm (nếu hội đủ điều kiện) hoặc chuyển thành khoa sư phạm tại các trường CĐ.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy tính đến năm học 2016-2017 có hơn 107.000 giáo viên mầm non chưa đạt trình độ CĐ sư phạm, chiếm 33,8%. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng phân tích đến thời điểm Luật giáo dục sửa đổi có hiệu lực, số giáo viên chưa đạt chuẩn sẽ ít hơn mức hiện tại, có thể chỉ còn 30% (khoảng 80.000 giáo viên) phải được đào tạo để nâng chuẩn, kinh phí dự liệu cũng có thể giảm.

Lộ trình 5 năm

Ngày 31-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Ngọc Thạch - thành viên ban soạn thảo dự thảo Luật giáo dục sửa đổi - khẳng định việc nâng chuẩn trình độ giáo viên trong dự thảo phù hợp với tinh thần nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. 

"Thực tế phần lớn các nước cũng quy định trình độ giáo viên từ ĐH trở lên. Chuẩn giáo viên thấp cũng liên quan đến tiền lương nữa" - ông Thạch phân tích.

Theo tính toán, giáo viên có bằng trung cấp học lên CĐ sư phạm cần thời gian 1 năm và nếu các trường mầm non cử giáo viên đi học theo hình thức "cuốn chiếu" từng khóa, lộ trình này kéo dài khoảng 5 năm.

Nhìn nhận một cách hệ thống, ông Thạch cho rằng trong việc nâng chuẩn giáo viên các cấp, bậc học thì việc nâng chuẩn giáo viên mầm non sẽ nhiều hơn "vì ngân sách phải lo cho cấp dưới nhiều hơn". Tuy nhiên, vì đây là yêu cầu để được tiếp tục dạy học nên các giáo viên cũng sẽ sẵn sàng bỏ tiền túi ra đi học, đầu tư cho chính mình.

Theo Bộ GD-ĐT, nếu không có ngân sách nhà nước và tín dụng sư phạm hợp lý thì kinh phí đào tạo nâng chuẩn sẽ trở thành gánh nặng cho bản thân giáo viên. Để thực hiện, dự toán ngân sách địa phương hằng năm phải bố trí một khoản kinh phí nhất định cho hoạt động này, đồng thời các cơ sở mầm non ngoài công lập và bản thân giáo viên, gia đình phải cáng đáng một phần kinh phí.

Tuy nhiên, nếu giáo viên sau khi tốt nghiệp CĐ sẽ có cơ hội cải thiện thu nhập do được xếp lương cao hơn.

Nhiều nước yêu cầu trình độ chuẩn từ CĐ, ĐH trở lên

Tại Nhật Bản, để trở thành giáo viên mầm non, ứng viên cần có một trong ba loại giấy phép giảng dạy. Các khóa học liên quan đến giảng dạy mầm non thường bao gồm cả nội dung như tâm lý giáo dục, piano, phương pháp dạy học nghệ thuật và giáo dục thể chất. Theo quy định, một người muốn hành nghề trông trẻ cần tốt nghiệp từ một trường dạy nghề được chính phủ công nhận, hoặc vượt qua một kỳ thi quốc gia.

Phần lớn các nước phát triển đều yêu cầu có trình độ đào tạo ĐH hoặc sau ĐH đối với giáo viên mầm non như: Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Anh (và phần lớn các nước Tây Âu khác), Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc... Nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực yêu cầu có trình độ đào tạo CĐ sư phạm đối với giáo viên mầm non như: Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan, Malaysia.

Nâng chuẩn giáo viên tiếng Anh: thi là rớt Nâng chuẩn giáo viên tiếng Anh: thi là rớt

TT - Chuyện nâng chuẩn giáo viên tiếng Anh đang là vấn đề nóng tại khu vực ĐBSCL trong những ngày qua. Cũng như Bến Tre, các giáo viên tiếng Anh tại Đồng Tháp đang lo lắng đi học để mong đạt chuẩn.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên