24/11/2017 15:36 GMT+7

Cần cảnh giác bệnh sởi khi thời tiết chuyển mùa đông - xuân

Nguồn: Sở Y tế thành phố Hà Nội
Nguồn: Sở Y tế thành phố Hà Nội

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch lây truyền theo đường hô hấp, do virút sởi gây ra, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Cần cảnh giác bệnh sởi khi thời tiết chuyển mùa đông - xuân - Ảnh 1.

Bệnh sởi gặp ở mọi lứa tuổi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do virút gây ra, khả năng lây nhiễm nhanh, tính cảm ứng bệnh rất cao, ít gặp trẻ dưới 9 tháng tuổi.

Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện do virút có trong các giọt nước bọt nhỏ li ti bắn ra không khí. Trẻ chưa có kháng thể chống sởi sẽ dễ dàng bị lây nhiễm bệnh sởi khi hít thở phải các hạt nước bọt này. Bệnh sởi có thể lây lan thành dịch lớn.

Người mắc bệnh sởi có biểu hiện sốt kèm theo viêm long đường hô hấp, sổ mũi, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt). Xuất hiện hạt Koplix thường xảy ra trước hay ngày đầu của ban và biến mất sau 24-48 giờ sau phát ban xuất hiện nốt trắng bằng đầu kim, ở niêm mạc má ngay phía trên răng hàm bé.

Đặc biệt giai đoạn toàn phát người bị sởi phát ban sẩn, mịn như nhung, các ban xuất hiện theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân và biến mất theo thứ tự đã mọc.

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, đôi khi xuất hiện ở người lớn. Kể cả đối với người lớn bị mắc sởi thường có các biểu hiện như: sốt, viêm long đường hô hấp, sau đó phát ban từ mặt, ngực lan xuống phần dưới cơ thể…

Những bệnh nhân bị sởi nếu không được phát hiện điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…

Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất

Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắcxin phòng bệnh. Đối với trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Khi tiêm mũi 2, hiệu quả bảo vệ tăng lên 95-99%. Tiêm mũi 2 không chỉ củng cố miễn dịch của người được tiêm mà còn giúp nâng tỉ lệ miễn dịch cộng đồng.

Bệnh nhân sởi phải được cách lý tại nhà. Ở bệnh viện, bệnh nhân sởi được bố trí khu riêng biệt. Cần cách ly bệnh nhân sởi kể từ khi xuất hiện viêm long cho đến phát ban được 4 ngày. Đối với người chăm sóc, tiếp xúc gần và nhân viên y tế cần phải đeo khẩu trang.

Tại gia đình có trẻ bị sởi, không cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường. Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh sởi.

Trẻ mắc sởi nhẹ có thể chăm sóc tại gia đình nhưng phải theo dõi thật cẩn thận dưới sự hướng dẫn của bác sĩ khám bệnh cho trẻ, không được chủ quan.

Cần luôn giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, tránh nơi tập trung đông người, vệ sinh thân thể phải được giữ sạch sẽ, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nâng cao thể trạng.

Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch. Khi thấy trẻ sốt trở lại hoặc bất thường, cần cho trẻ đi bệnh viện ngay.

Nguồn: Sở Y tế thành phố Hà Nội
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên