26/09/2023 15:24 GMT+7

Cần cân nhắc 'quyền miễn trừ' đối với thẩm phán theo dự thảo luật mới

Đại diện viện kiểm sát góp ý với quy định "xử lý thẩm phán vi phạm pháp luật" trong dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).

Hội thảo góp ý dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức - Ảnh: TUYẾT MAI

Hội thảo góp ý dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức - Ảnh: TUYẾT MAI

Ngày 26-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, luật sư Trương Thị Hòa - Đoàn luật sư TP.HCM - đồng ý với nhiều nội dung của dự thảo như bỏ trách nhiệm thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự và dân sự của tòa án; thành lập tòa án chuyên biệt; đồng ý với quy định ngạch thẩm phán TAND tối cao và ngạch thẩm phán; quy định về số lượng thẩm phán, biên chế tòa án…

Luật sư Hòa cũng góp ý thêm về điều 90 dự thảo quy định về tuyên thệ của thẩm phán. Theo đó, đề nghị lời tuyên thệ bổ sung "bảo vệ quyền con người, quyền công dân", thay thế chữ "thực hành công lý" bằng chữ "phụng sự công lý", bổ sung chữ "liêm chính" sau chữ "công bằng".

Luật sư cũng đề nghị mỗi nhiệm kỳ đều phải có tuyên thệ để tạo sự ghi nhận sâu sắc, đồng thời cũng giáo dục phẩm chất đạo đức cho thẩm phán.

Trong khi đó một đại biểu thuộc Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đánh giá cao sự chủ động, tích cực đổi mới và ủng hộ những nội dung sửa đổi nhằm tăng cường năng lực, chất lượng, hiệu quả, chính sách, chế độ và điều kiện hoạt động của tòa án và thẩm phán.

Tuy nhiên vị này cho rằng nhiều nội dung đề xuất của dự thảo chưa phù hợp với Hiến pháp 2013.

Trong đó đại biểu viện kiểm sát cho rằng việc thành lập TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm thay cho cấp TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh là không cần thiết. Việc đổi tên chỉ mang tính hình thức nhưng sẽ gây xáo trộn trực tiếp đến hệ thống pháp luật liên quan, đồng thời gây lãng phí.

Về đề xuất bỏ quy định thu thập chứng cứ của tòa án, đại biểu viện kiểm sát cho rằng trong giai đoạn này là chưa phù hợp vì trình độ dân trí, ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Người dân không có đủ thông tin và điều kiện để đến các cơ quan thẩm quyền thu thập chứng cứ. Cơ quan nhà nước cũng không tự cung cấp chứng cứ cho người dân nếu không có yêu cầu của cơ quan thẩm quyền.

Vị này cũng lưu ý điều 105 dự thảo luật quy định: "Việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi làm việc của thẩm phán TAND tối cao phải có ý kiến của Chủ tịch nước; việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi làm việc của thẩm phán phải có ý kiến của chánh án TAND tối cao".

Quy định trên mang ý nghĩa là "quyền miễn trừ". Viện kiểm sát cho rằng quyền này cần được quy định trong Hiến pháp. Việc ghi nhận này phải được cân nhắc thận trọng trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân, trong đó có công chức trong bối cảnh yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, cần phải ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm và không có vùng cấm.

Thẩm phán tòa án tỉnh Gia Lai đòi 500 triệu đồng để xử thắng kiệnThẩm phán tòa án tỉnh Gia Lai đòi 500 triệu đồng để xử thắng kiện

Liên quan đến vụ "Bắt thẩm phán tòa tỉnh Gia Lai vì xâm phạm hoạt động tư pháp", thẩm phán Võ Đình Sớm được xác định đã đòi 500 triệu đồng để xử thắng cho đương sự.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên