20/04/2017 08:33 GMT+7

Cấm tuyển trái tuyến, lộ bất cập

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Năm 2013, trước tình trạng quá tải tại các trường trung tâm, TP Đà Nẵng ban hành nghị quyết cấm tuyển sinh trái tuyến, cấm chuyển trường trái tuyến.

Trường tiểu học Phan Thanh do số lượng học sinh giảm mạnh nên dôi dư  nhiều phòng học - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Trường tiểu học Phan Thanh do số lượng học sinh giảm mạnh nên dôi dư nhiều phòng học - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Sau một thời gian thực hiện hiệu quả, đến nay nghị quyết này khiến nhiều trường không tuyển sinh được. Hậu quả là các trường sụt giảm mạnh số lượng học sinh, có trường giảm gần một nửa, giáo viên phải chuyển đi nơi khác, phòng học dôi dư...

Học sinh giảm mạnh, phòng học dư

Theo nghị quyết 53 được HĐND TP Đà Nẵng thông qua năm 2013, để đảm bảo sĩ số học sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT, đảm bảo học sinh tiểu học của TP được học hai buổi/ngày tại trường đồng thời căn cứ điều kiện cơ sở vật chất hiện có của các trường học, trước mắt từ năm học 2014 -2015, các trường tiểu học: Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ (Q.Hải Châu); Trần Cao Vân (Q.Thanh Khê) và Trường THCS Trưng Vương (Q.Hải Châu) không được tuyển sinh đầu cấp và tiếp nhận chuyển trường trong năm học đối với học sinh trái tuyến và học sinh có hộ khẩu nhưng không thường trú tại địa bàn tuyển sinh của trường.

Đại diện Trường tiểu học Phan Thanh cho biết trong khoảng thời gian đầu, việc thực hiện nghị quyết 53 khá hiệu quả. Chỉ một năm sau khi áp dụng theo nghị quyết này, số lớp tại trường này từ 31 lớp với 1.350 học sinh (năm học 2012-2013) thì năm học sau chỉ còn 28 lớp và 100% học sinh được học hai buổi/ngày.

Tuy nhiên những năm sau đó, số lượng học sinh và lớp học tại Trường tiểu học Phan Thanh liên tục giảm và đến nay còn 750 học sinh với 20 lớp học. Dự kiến năm học tới sau khi 7 lớp ra trường và 3 lớp 1 vào trường, sĩ số học sinh trong trường còn tiếp tục giảm.

Cũng theo đại diện trường này, do số lượng học sinh giảm dẫn tới số phòng học dư khá nhiều. Hiện trường đang dư 5 phòng học và năm học tới dư 4-5 phòng học nữa.

Cùng với việc giảm học sinh, thời gian qua Trường tiểu học Phan Thanh phải điều chuyển 12 giáo viên và cho 10 lao động, nhân viên nghỉ việc.

“Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên, nhân viên. Đồng thời lãng phí cơ sở vật chất của trường học. Chúng tôi rất mong có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn” - đại diện Trường tiểu học Phan Thanh cho biết.

Tương tự, Trường THCS Trưng Vương có số lượng học sinh sụt giảm nhanh chóng theo từng năm. Nếu năm học 2013-2014 trường này có 50 lớp, năm học sau còn 45 lớp và đến năm học này còn 39 lớp, trường dư 4 phòng học. “Mỗi năm trường giảm 5 lớp khiến giáo viên cũng phải điều chuyển đi, vì thế tạo nên áp lực rất lớn cho các giáo viên của trường” - đại diện Trường THCS Trưng Vương cho hay.

Cũng theo vị đại diện này, từ năm đầu khi áp dụng theo nghị quyết 53 thì trường vẫn đảm bảo sĩ số theo quy định bình quân 45 học sinh/lớp. Điều nhà trường lo lắng không chỉ là chuyện học sinh giảm, giáo viên phải điều chuyển đi nơi khác mà chất lượng học sinh của trường sẽ giảm.

Đại diện trường này cũng cho rằng thời điểm ra nghị quyết 53 là đúng, nhưng qua từng giai đoạn phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Cùng với đó là có quy định tiếp nhận học sinh nơi khác vào học. Nếu việc tuyển học sinh có vấn đề thì xử lý nghiêm khắc.

“Trường nào cũng muốn có học sinh giỏi, chất lượng. Trong khi đào tạo nhân tài là phục vụ chung cho TP, tại sao trường khác nhận học sinh giỏi được còn chúng tôi thì không?"

Đại diện Trường THCS Trưng Vương

Trước mắt vẫn theo nghị quyết

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Thúy Hà - trưởng Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu - cho biết vừa qua, thường trực Quận ủy đã có cuộc làm việc với hiệu trưởng các trường trên địa bàn. Trong cuộc làm việc này, có một số ý kiến của các trường về việc sụt giảm số lượng học sinh.

Quan điểm của Phòng GD-ĐT là nên giao toàn bộ trách nhiệm cho chủ tịch UBND quận trong vấn đề điều tiết học sinh trên địa bàn của quận về học tại các trường đó, miễn làm sao các trường đảm bảo 100% học sinh học hai buổi/ngày, có các phòng chức năng. Dự kiến quận sẽ điều tiết học sinh trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng - cho biết các trường tiểu học, THCS do UBND quận quản lý. Tuy nhiên, qua nắm thông tin thì Sở GD-ĐT cũng đồng ý với ý kiến điều chuyển học sinh của các trường theo khu vực dân cư. “Việc phân bổ học sinh trên địa bàn dân cư phải liên tục thay đổi, chúng ta đừng cố định, làm sao đảm bảo chỉ tiêu 100% học sinh học hai buổi/ngày là được” - ông Vĩnh chia sẻ.

Ông Lê Anh - chủ tịch UBND Q.Hải Châu - cho biết việc này phải thực hiện từ từ, có lộ trình, còn trước mắt phải thực hiện theo nghị quyết 53 của TP.

“Bóp chỗ này, phình chỗ kia”

Cùng với việc học sinh các trường nằm trong sự điều chỉnh của nghị quyết 53 giảm số lượng học sinh, nay ở các trường khác của Đà Nẵng diễn ra tình trạng “bóp chỗ này, phình chỗ kia”.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.Hải Châu cho biết sau khi các trường tiểu học nằm trong danh sách của nghị quyết 53 không được tuyển trái tuyến thì số học sinh tại trường này tăng “nóng”, bình quân học sinh ngoại tuyến tất cả các khối tăng hơn 25%. Hiện trường này thiếu 5 phòng, không đảm bảo học hai buổi/ngày theo quy định.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên