02/10/2018 10:58 GMT+7

Các cách đơn giản tránh bệnh

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Nhằm ngăn chặn sự lây lan của các dịch bệnh này, các chuyên gia y tế khuyến khích mọi người có thể tự giác áp dụng các biện pháp ít nhất bảo vệ được cho bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm trước tình trạng dịch bệnh đang bùng phát.

Các cách đơn giản tránh bệnh - Ảnh 1.

Cấp cứu một trường hợp tay chân miệng tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 - Ảnh: X.MAI

Một số bệnh truyền nhiễm dễ lây lan trong cộng đồng chỉ trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của các dịch bệnh này, các chuyên gia y tế khuyến khích mọi người có thể tự giác áp dụng các biện pháp ít nhất bảo vệ được cho bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm trước tình trạng dịch bệnh đang bùng phát.

Giữ sạch môi trường sống

1. Lau sạch các khu vực chuẩn bị thức ăn trước và sau khi nấu. Làm sạch nhà bếp.

2. Làm sạch máy tính, bàn làm việc và các khu vực khác trong không gian mà chúng ta tương tác thường xuyên.

3. Làm sạch nhà ở ít nhất một lần mỗi tuần để tránh vi trùng và vi khuẩn có thể lây lan dịch bệnh.

Bảo vệ sức khỏe

1. Ngủ đủ giấc. Nghiên cứu chứng minh những người ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn 8 giờ một ngày có nguy cơ phát triển mầm bệnh và dễ nhiễm bệnh hơn người ngủ đủ giấc.

2. Tập thể dục. Các chuyên gia y tế và các nhà nghiên cứu khuyên mỗi người nên tập thể dục nhịp điệu ít nhất 3 lần mỗi tuần trong khoảng thời gian 30 phút.

3. Ăn uống tốt bằng cách chọn các thực phẩm tốt. Hiện nay, các nhà khoa học ngày càng khám phá nhiều giá trị của phytonutrients trong việc ngăn ngừa bệnh tật, giảm tổn thương tế bào do gốc tự do gây ra, làm tăng khả năng miễn dịch, ngăn chặn lây nhiễm của virút và vi khuẩn. 

DS ĐỖ QUYÊN

Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp

1 Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2 Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3 Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4 Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5 Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Tránh lây lan ở các trường học ra sao?

Các cách đơn giản tránh bệnh - Ảnh 2.

Cô Phan Thị Thu Linh đang hướng dẫn các bé lớp lá 4 Trường mầm non Vàng Anh, Q.5, TP.HCM kỹ năng rửa tay phòng bệnh tay chân miệng - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nói về công tác phòng chống tay chân miệng tại trường mầm non, bà Bùi Thị Diễm Thu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết:

"Sau khi chúng tôi kết hợp đi kiểm tra với Sở Y tế vào thứ sáu tuần qua, sở có ra văn bản chỉ đạo các trường thực hiện những nội dung sau: tổ chức giám sát phát hiện những ca bệnh về tay chân miệng sớm trong trường học;

Vệ sinh sạch sẽ cá nhân, trường lớp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường quan sát các em học sinh. Đi vào thực tế, nếu phát hiện các em ho, sốt, sốt phát ban hoặc nghỉ học nhiều ngày không có lý do phải chủ động kết nối ngay với phụ huynh.

Nhân viên y tế của trường cũng phải theo dõi số ca bị mắc bệnh, kết hợp với trung tâm y tế dự phòng quận huyện để xử lý bước tiếp theo".

Bà Bùi Thị Ngọc Hà, hiệu trưởng Trường mầm non 4 (Q.3, TP.HCM), cho biết: "Trường phòng chống dịch theo chỉ đạo của Sở Y tế, kiểm soát điểm danh các bé. Nếu em nào vắng 2 ngày thì giáo viên chủ động liên lạc phụ huynh hỏi lý do và cập nhật vào sổ theo dõi, ngay cả những em bị sốt cũng theo dõi riêng và cho ở nhà để tránh lây lan.

Cuối thứ sáu hằng tuần giáo viên và học sinh phải kháng khuẩn hết đồ dùng trong lớp học. Trường có hợp đồng với công ty diệt côn trùng, một tháng xịt diệt côn trùng một lần.

Trường giữ vệ sinh tuyệt đối, thậm chí buộc phụ huynh phải để dép ở sảnh, vô khu nội bộ sinh hoạt của lớp học thì có dép của trường được khử khuẩn mỗi ngày".

Còn hiệu trưởng của một trường mầm non tại Q.1, TP.HCM cũng chia sẻ về công tác phòng chống dịch bệnh ở trường:

"Mặc dù trường chúng tôi hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào mắc tay chân miệng, nhưng công tác dự phòng đã có từ đầu năm học.

Cụ thể, về phía nhà trường, đảm bảo vệ sinh trường lớp từ đồ chơi, dụng cụ học tập, bếp ăn... đến giữ vệ sinh riêng cho từng bé. Dán những thông báo về sự nguy hiểm của bệnh này. Và tăng cường sử dụng lượng cloramin B khử khuẩn theo công thức lượng mà Bộ Y tế đưa ra.

Chúng tôi phối hợp với y tế phường tổ chức tập huấn cho giáo viên và phụ huynh. Trường còn tuyên truyền đến phụ huynh ngày cuối tuần hạn chế đưa con vui chơi ở những nơi như công viên, khu vui chơi đông người...".

Tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi đều tăng nhanh Tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi đều tăng nhanh

TTO - Từ đầu tháng 9 đến nay, lượng bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… liên tục tăng tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt địa bàn TP.HCM, Đồng Nai tăng rất cao.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên