24/11/2017 08:03 GMT+7

Bước vào đời vắng hơi ấm mẹ cha

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Các em là ba trong hơn 50 em nhỏ mồ côi, người đồng bào đang được cưu mang tại mái ấm. Ba cặp mắt bé xíu xiu thi thoảng ánh lên nét tinh nghịch của lứa tuổi, nhưng song song đó là những ánh nhìn xa xăm…

Bước vào đời vắng hơi ấm mẹ cha - Ảnh 1.

Một sinh viên tình nguyện tranh thủ dạy ba em học vào cuối ngày - Ảnh: C.NHẬT

Buổi trò chuyện giữa chúng tôi với các gương mặt học sinh trong bài đầy ngập ngừng, lắm khoảng không tĩnh lặng.

Chưa từng thấy gương mặt đấng sinh thành

Chúng tôi gặp nhau vào một tối tháng 11 ở một mái ấm nằm vòng vèo, sâu hút trên con đường Đoàn Giỏi (quận Tân Phú, TP.HCM).

Nhỏ tuổi nhất trong ba em là em Phạm Thiên Khôi (lớp 3 trường phổ cập Nam Hòa - trực thuộc Trường tiểu học Bạch Đằng, Q.Tân Bình), lém lỉnh và hay cười, hoạt ngôn nhất.

Còn em Võ Thiên Duy (lớp 9/3 THCS Trần Văn Đang, Q.Tân Bình) và em Lê Đơn Thiên Thảo (lớp 4, chung trường với Khôi) thì rụt rè hơn nhiều. Các em là ba trong hơn 50 em nhỏ mồ côi, người đồng bào đang được cưu mang tại mái ấm.

Thiên Thảo để tay giữ chặt đầu gối, cố giấu vết trầy xước do em mới té xe khi đi học về chiều hôm đó, miệng nhoẻn cười ngượng nghịu. "Tụi con đi học hoặc bằng xe đạp hoặc bằng xe buýt, mỗi lần đi hoặc về mất khoảng 1 tiếng vì trường khá xa đây. Chuyện té xe đạp thì bình thường mà" - cả ba em cho biết.

Hôm nào đi học bằng xe buýt thì các em sẽ đi theo nhóm, từ mái ấm ra trạm xe buýt sẽ đi nhờ xe của người quen trong khu nhà.

Thiên Duy thường chọn phương tiện xe đạp để đi học nhất, và phải đi một mình do học khác trường với những em khác. Quãng đường đến trường 45 phút vốn dài càng trở nên đằng đẵng hơn với thân hình nhỏ bé, đen nhẻm. 15 tuổi nhưng Thiên Duy còi cọc như một học sinh lớp 6, gật đầu khi được hỏi phải chăng em là học sinh nhỏ người nhất lớp.

Mỗi ngày đi học, Thiên Duy được cho 1.000 đồng để gửi xe. Hôm nào bác giữ xe không lấy tiền thì hôm đó với Duy là "ngày hội" vì em có tiền để mua những thứ mình thích. Áo quần thì các em không nghĩ đến việc mua mới vì mái ấm còn rất nhiều bạn khác có hoàn cảnh khó khăn hơn, cần sự san sẻ. Và mỗi năm các em đều được mua áo quần, đồng phục mới vào đầu năm học.

Cô Phạm Thiên Đơn (chủ mái ấm) cho biết việc di chuyển của các em cũng là một trong những điều khiến cô lo lắng và trăn trở nhất. "Đường đông cũng lo mà đường vắng quá cũng lo. Đông thì sợ các em đi lại không an toàn, vắng quá thì lại sợ cướp giật xe đạp. Nhưng ở gần đây thì chúng tôi thật sự không kiếm được trường phù hợp" - cô Thiên Đơn nói.

Trời mưa thì trân mình che cặp

Ngày mới của các em bắt đầu từ 6h kém, vệ sinh và ăn sáng xong thì í ới, dắt díu nhau đi học. "Đường vắng hay đường đông tụi con đều sợ, nhưng giờ đỡ sợ hơn nhiều rồi. Giờ chỉ lo khi trời mưa, đường trơn và ướt đồ. Mỗi khi đường trơn thì con lại lấy áo mưa trùm cặp và đôi giày bata vì con sợ tập vở bị ướt lắm" - Thiên Duy bộc bạch.

Khi được hỏi về nghề nghiệp mơ ước trong tương lai, đôi mắt của các em ánh lên đôi chút. Thiên Duy thích làm cầu thủ đá banh dẫu học rất khá môn tiếng Anh, Thiên Khôi thì muốn trở thành thợ may, duy chỉ có em Thiên Thảo thì chần chừ, xin khất câu trả lời đến lần gặp sau.

Với câu hỏi mơ ước của các con trong tương lai là gì, chúng tôi nhận về sự im lặng và những cái nhìn vẩn vơ. Chúng tôi nhớ mãi đôi mắt to tròn của Thiên Thảo ngước lên trần nhà, xa xăm…

"Biết các em đang tuổi lớn, bắt đầu suy nghĩ nên tôi cũng thường thủ thỉ trò chuyện, khuyên nhủ. Các em đã đủ lớn để biết sự thật nên tôi chỉ nói các con hãy cố gắng trưởng thành sớm vì con người ta có mệnh hệ gì thì còn có cha mẹ, anh em chăm lo. Còn các em chỉ có mẹ Đơn mà mẹ Đơn không thể nào sống đời cùng các con" - cô Đơn chia sẻ.

Và cô Đơn cũng không quên lồng ghép vào đó những câu chuyện về tình mẫu tử. "Để các em từ đó bớt buồn và tin rằng không có đấng sinh thành nào muốn bỏ rơi giọt máu mủ của mình, mà có thể cha mẹ các em có nỗi khổ riêng… nên các em hãy cố gắng sống tốt để cha mẹ vui lòng. Tôi chỉ mong các em hiểu điều này" - cô Đơn nói.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "Đèn đom đóm", trị giá 3 triệu đồng/suất.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên