17/04/2018 10:05 GMT+7

Bí quyết 'chinh phục' môn ngoại ngữ của hai nàng 9X

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Để du học thành công, việc thông thạo ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết. Dẫu vậy, nhiều bạn trẻ vẫn loay hoay với bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Bí quyết chinh phục môn ngoại ngữ của hai nàng 9X - Ảnh 1.

Phương Khanh - Ảnh: NVCC

Chúng tôi đã trò chuyện cùng Phạm Ngọc Phương Anh và Nguyễn Lê Phương Khanh, hai gương mặt 9X xinh đẹp có thành tích "khủng" trong việc chinh phục các ngoại ngữ.  

Phạm Ngọc Phương Anh, 20 tuổi, là cựu học sinh song ngữ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, từng trúng tuyển vào hai trường ĐH lớn hàng đầu, đoạt giải ba quốc gia môn tiếng Pháp, huy chương vàng Olympic tiếng Pháp 2 năm liền, thủ khoa khối song ngữ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM.

Nguyễn Lê Phương Khanh tốt nghiệp cao học loại giỏi ĐH Royal Holloway (Vương quốc Anh), từng đoạt nhiều học bổng quốc tế hệ toàn phần, bán phần. 

* Theo bạn, những khó khăn thường gặp khi bắt đầu học ngoại ngữ là gì?

Phương Anh: Tôi nghĩ việc học ngoại ngữ là một hành trình khá khó khăn và nhiều trở ngại. Nếu thiếu kiên trì, phương pháp đúng đắn, các bạn trẻ có thể dễ dàng bỏ cuộc do không thấy tiến bộ. Và điều này quả thật rất đáng tiếc. 

Trong quá trình học các bạn sẽ thường gặp những trở ngại chính như sau: dễ rơi vào trạng thái lười biếng, thiếu động lực, thiếu kiên nhẫn.

* Bạn có thể gợi ý giải pháp để khắc phục?

Phương Anh: Lười biếng là một căn bệnh không chỉ của riêng ai. Để giải quyết được nó, các bạn cần có hai thứ là kỷ luật và động lực.

Kỷ luật: Cần tạo cho mình một thời khóa biểu hợp lý (3 buổi/tuần, 6 tiếng/tuần), và làm theo trong một khoảng thời gian ít nhất 3 tuần để tạo thói quen cho bản thân.

Thiếu động lực: Tìm những nguồn giải trí bằng ngoại ngữ (phim ảnh, âm nhạc, trò chơi), tìm bạn học. Đây cũng là một cách giúp bản thân quen thuộc với mặt chữ và mặt âm, đồng thời rèn luyện kỹ năng nghe nói (thiếu khả năng giao tiếp cũng thường là một vấn đề lớn trong quá trình học ngoại ngữ).

Ví dụ: Các bạn thích nấu ăn có thể theo dõi những kênh nấu ăn nước ngoài. Vừa tìm hiểu nền văn hóa nước họ, vừa trau dồi vốn từ và khả năng nghe của mình. Hay như xem những tài liệu động vật, thực vật trên các kênh truyền hình thế giới hoang dã…

Thiếu kiên nhẫn: Trước khi bắt đầu học một ngôn ngữ mới, các bạn cần nắm rõ để có thể sử dụng ngôn ngữ đó hằng ngày, quá trình học cần có ít nhất 4 năm. Tuy thế, 4 năm chỉ đủ để bạn sử dụng hằng ngày chứ chưa đủ để tiến sâu với ngôn ngữ đó. Vì vậy, đừng bỏ cuộc sớm khi cảm thấy mình đã không tiến bộ rõ rệt trong vài tháng.

Một "tip" nhỏ cho các bạn khi học ngoại ngữ là có những thứ tiếng rất giống nhau, nên học rõ ngôn ngữ này bạn có thể dễ dàng chuyển sang thứ tiếng khác. Ví dụ như bạn học tiếng Pháp rồi học tiếng Tây Ban Nha rồi học tiếng Ý sẽ thấy không quá khó.

Bí quyết chinh phục môn ngoại ngữ của hai nàng 9X - Ảnh 2.

Phương Anh - Ảnh: NVCC

* Còn Phương Khanh, bạn có những chia sẻ gì?

Phương Khanh: Đồng quan điểm với Phương Anh, tôi cho rằng việc học ngoại ngữ quan trọng nhất là tạo động lực bản thân. Do đó, bước đầu tiên của việc học là xác định mục tiêu "tại sao mình cần học ngoại ngữ?’’. 

Mục tiêu đó có thể là học để đi du học, để khám phá văn học/ văn hóa/ âm nhạc/ phim ảnh nước ngoài hoặc để có thể giao lưu với giới trẻ quốc tế. Khi đã có mục tiêu, chúng ta sẽ tự động học đầy say mê, không ngừng rèn giũa.

Bên cạnh đó, chúng ta cần bỏ tâm lý ngại ngùng, xấu hổ. Ban đầu khi học tiếng nước ngoài bạn có thể thấy ngại ngại vì cách phát âm cơ miệng khá khác với tiếng Việt. Đừng ngại xấu, đừng ngại sai, hãy nhớ bất cứ ai khi bắt đầu học ngôn ngữ khác cũng bị hệt như bạn lúc này vậy. 

Hãy tập bắt chước theo TV, YouTube… từ những câu ngắn. Khi có dịp thực hành với người nước ngoài thì đừng ngần ngại sử dụng ngay những điều đã thực tập. 

Một khi bạn nhận thấy người đối diện hiểu và có thể bắt đầu giao tiếp được với bạn, cảm giác tự tin đó sẽ rất dễ chịu và càng làm bạn có động lực rèn luyện ngoại ngữ thêm.

Từ bỏ thói quen dịch từng chữ vì thói quen này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng giao tiếp ngoại ngữ của người mới học. Để khắc phục, người học cần luyện suy nghĩ bằng tiếng Anh, sử dụng từ điển Anh - Anh hoặc xem phim/nghe tài liệu với phụ đề tiếng Anh để luyện khả năng phản xạ tiếng Anh thay vì khả năng dịch tiếng Việt sang tiếng Anh.

Và chuẩn bị cho mình môi trường học nghiêm túc, tài liệu chuẩn, tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh và thậm chí cài đặt phần mềm, ứng dụng điện thoại hỗ trợ học ngoại ngữ để có thể học mọi lúc mọi nơi. 

Lưu ý rằng phương pháp học, công cụ hay tài liệu học không thể phù hợp với tất cả mọi người, hãy nghiên cứu kỹ và thử nghiệm đến khi bạn tìm được những gì tốt cho bạn. 

Điều quan trọng nhất chính là tạo ra cho mình thật nhiều cơ hội để tiếp xúc với ngoại ngữ, để việc học và sử dụng ngoại ngữ trở thành thói quen cuộc sống giúp bạn vượt được giai đoạn mới bắt đầu.

* Vai trò của ngoại ngữ trong hội nhập nói chung, trong cuộc sống nói riêng?

Phương Khanh: Ngoại ngữ là cầu nối, là cách giúp bạn bước ra khỏi giới hạn bản thân để tiếp cận, chinh phục nguồn tri thức của nhân loại. Khi bạn có được khả năng hiểu và tìm kiếm thông tin bằng một ngoại ngữ khác, bạn mở ra cho mình một cánh cửa tới nguồn thông tin mới nhất, đa dạng và đa chiều hơn.

Với thời kỳ hội nhập, ngoại ngữ không còn là lợi thế cạnh tranh mà dần trở thành yêu cầu bắt buộc trong tuyển dụng, học tập và kinh doanh. Chính vì thế, trau dồi khả năng ngoại ngữ giúp bạn có sự tự tin định vị mình trong thời kỳ hội nhập này. 

Chẳng hạn như nhờ thông thạo tiếng Anh mà tôi đã có được những cơ hội làm việc tốt sau khi ra trường.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên