23/07/2018 10:17 GMT+7

Bất thường điểm thi Hà Giang: Vì lương tâm, chúng tôi lên tiếng!

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TTO - Đó là chia sẻ của thầy Vũ Khắc Ngọc - thầy giáo luyện thi nổi tiếng và thầy Trần Mạnh Tùng - Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội với Tuổi Trẻ.

Bất thường điểm thi Hà Giang: Vì lương tâm, chúng tôi lên tiếng! - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, kiểm tra chấm thi ở Hòa Bình - Ảnh: VĨNH HÀ

Hai thầy đã phát hiện rất sớm về những bất thường trong điểm thi tại Hà Giang, từ đó cơ quan chức năng vào cuộc.

Kỳ thi nhiều nước mắt

* Điều gì đã thôi thúc các thầy phân tích và chia sẻ rộng rãi những yếu tố bất thường trong điểm thi của Hà Giang?

- Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc: Kỳ thi năm nay là một kỳ thi "nhiều nước mắt". Tôi dùng từ như vậy bởi sau khi thi xong, tôi nhận được nhiều tin nhắn bày tỏ sự chán nản, bế tắc, tuyệt vọng của nhiều học sinh vốn rất giỏi nhưng lại không đạt kết quả như ý. Vì đề thi năm nay quá khó.

Ngoài ra, tôi cũng nhận được tâm sự của nhiều thí sinh tự do kiên trì suốt 3-4 năm qua thi đi thi lại vì giấc mơ vào các trường tốp trên như công an, quân đội… Các bạn có lẽ cũng không biết và không ngờ rằng ước mơ của mình bị đánh cắp tàn nhẫn bởi những gian lận xảy ra ở đâu đó.

Nghĩ đến những điều này, nghĩ tới những bất công mà các bạn đó cùng hàng triệu học sinh trên cả nước phải gánh chịu, chúng tôi rất bất bình và lương tâm, trách nhiệm của nhà giáo thôi thúc chúng tôi phải lên tiếng.

- Thầy Trần Mạnh Tùng: Khi công khai những thông tin này, chúng tôi mong sự việc được làm sáng tỏ đến tận cùng, đúng người, đúng việc, đúng trách nhiệm để lấy lại được công bằng và niềm tin cho xã hội.

Đây là một cú sốc rất lớn với ngành giáo dục. Sự việc gây bất bình ghê gớm trong dư luận, tạo ra sự vô lý và mất công bằng cho nhiều người. Hiện nay, nhiều giáo viên và học sinh rất đau lòng và hoang mang, thiếu động lực để dạy và học.

Bất thường điểm thi Hà Giang: Vì lương tâm, chúng tôi lên tiếng! - Ảnh 2.

Thầy Trần Mạnh Tùng

Những tiêu cực như chúng ta đang thấy chứng tỏ rằng quy trình thi cử còn có kẽ hở và bệnh thành tích chưa bao giờ thuyên giảm. Bên cạnh đó, có một vấn đề lớn hơn là đạo đức xã hội đang xuống cấp

Thầy giáo TRẦN MẠNH TÙNG

* Xuất phát từ những thông tin nào mà các thầy cho là có sự bất thường để chia sẻ trên trang Facebook cá nhân?

- Thầy Vũ Khắc Ngọc: Sáng 11-7, sau khi điểm thi được công bố, báo chí và cộng đồng mạng nhanh chóng có danh sách các thí sinh đạt điểm số cao nhất ở các khối thi.

Nhóm giáo viên chúng tôi cảm thấy bất ngờ khi tới gần một nửa danh sách là các thí sinh đến từ khu vực Tây Bắc, trong đó có những thí sinh có điểm cao đáng ngạc nhiên và không hợp lý. Có bạn đạt điểm từ 9,5 trở lên ở cả ba môn lý - hóa - sinh trong bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên.

Nhờ cộng đồng mạng, chúng tôi tìm được Facebook cá nhân của các bạn thủ khoa trong danh sách này và phát hiện thêm nhiều chi tiết nghi vấn khác khi đọc các thông tin chia vui của người thân, họ hàng, bạn bè, thầy cô. Và căn cứ quan trọng nhất là ở những tin nhắn tố cáo sự bất thường này được gửi đi từ chính những học sinh là bạn học của các thủ khoa này và phụ huynh các em.

Dĩ nhiên để chứng minh được những nghi vấn ấy là có cơ sở không thể chỉ dựa vào những nhận định cảm tính, mà cần phải đưa ra những con số có tính thuyết phục.

Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng mạng và các dữ liệu được chia sẻ trên báo chí, nhóm chúng tôi nhanh chóng tổng kết và chỉ ra những điểm vô lý về mặt thống kê ở điểm thi các môn toán, lý và các tổ hợp A00, A01 củaHà Giang.

Bất thường điểm thi Hà Giang: Vì lương tâm, chúng tôi lên tiếng! - Ảnh 4.

Giám khảo chấm thi môn ngữ văn ở Hòa Bình - Ảnh: VĨNH HÀ

Bộ GD-ĐT cần dũng cảm

* Sau Hà Giang, danh sách những nơi có dấu hiệu điểm thi "không bình thường" đang bổ sung một loạt địa phương khác. Theo các thầy, Bộ GD-ĐT cần làm gì để củng cố, lấy lại niềm tin trong xã hội về giáo dục và thi cử?

- Thầy Trần Mạnh Tùng: Những tiêu cực như chúng ta đang thấy chứng tỏ rằng quy trình thi cử còn có kẽ hở và bệnh thành tích chưa bao giờ thuyên giảm. Bên cạnh đó, có một vấn đề lớn hơn là đạo đức xã hội đang xuống cấp.

Khi sự cố đang có dấu hiệu bộc lộ ở một số tỉnh khác, tôi nghĩ để thẩm định các kết quả, bộ nên chủ động dựa vào dữ liệu đầy đủ mà bộ có, tránh chỉ chạy theo dư luận. Như thế là không chuyên nghiệp và thiếu thực chất. Trong trường hợp này, quả bóng đang nằm trong chân Bộ GD-ĐT.

- Thầy Vũ Khắc Ngọc: Ngay từ đầu, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản ảnh của học sinh và phụ huynh về những sự bất thường, nghi vấn trong kết quả thi của nhiều trường hợp ở nhiều địa phương khác nhau, không chỉ Hà Giang.

Sự cố ở Hà Giang qua những con số được công bố thực sự là một cú sốc lớn với toàn thể xã hội. Lòng tin vào kỳ thi THPT quốc gia, thậm chí cả lòng tin vào ngành giáo dục và lòng tin ở nhiều khía cạnh khác trong xã hội đều đang giảm sút.

Bộ GD-ĐT với vai trò, chức năng và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cần phải có động thái quyết liệt để giải quyết triệt để các nghi vấn và dần lấy lòng tin của xã hội. Bộ cần lắng nghe tất cả phản ảnh tiêu cực để tập trung xử lý.

Bên cạnh đó, một mặt yêu cầu các địa phương tự rà soát, đánh giá lại kỳ thi trên phạm vi toàn quốc, mặt khác bộ cũng chủ động tập trung xử lý, phân tích các dữ liệu điểm thi để phát hiện các điểm nghi vấn, bất thường và thẩm định lại, chứ không chỉ ngồi chờ dư luận tố giác hay chờ báo cáo của các địa phương.

Bất thường điểm thi Hà Giang: Vì lương tâm, chúng tôi lên tiếng! - Ảnh 5.

Thầy Vũ Khắc Ngọc

Tiêu cực thi cử năm nay suy cho cùng không phải là chuyện riêng của kỳ thi THPT quốc gia, hay câu chuyện của ngành giáo dục. Chừng nào xã hội còn vận hành bởi những con người đề cao giá trị vật chất, dựa dẫm vào các mối quan hệ xin - cho và cả quyền lực cá nhân… thì những tiêu cực như vậy chắc chắn vẫn còn

Thầy giáo VŨ KHẮC NGỌC

* Các thầy đánh giá như thế nào về những đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT thời gian qua? Các thầy có ủng hộ việc duy trì kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay, hay mong muốn có một phương án thi khác phù hợp hơn?

- Thầy Trần Mạnh Tùng: Không thể phủ nhận những cố gắng của Bộ GD-ĐT trong việc cải tiến kỳ thi THPT quốc gia, ít nhiều giảm áp lực thi cử và sự vất vả đi lại cho thí sinh.

Tuy nhiên, vấn đề đang ảnh hưởng đến cả quá trình dạy và học của thầy và trò là đề thi thì bộ vẫn làm chưa thực sự tốt.

Còn kỳ thi "2 trong 1" như hiện nay, tôi thấy không hợp lý vì bản chất của hai kỳ thi khác nhau. Với kết quả đỗ tốt nghiệp 98 - 99% những năm gần đây, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia là không cần thiết. Bộ GD-ĐT cần dũng cảm trả về cho các địa phương chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ chỉ cần xét quá trình học tập là đủ.

Việc thi tuyển sinh nên dành cho các trường ĐH theo đúng tinh thần tự chủ ĐH đã được ghi nhận trong Luật giáo dục hơn 13 năm nay. Nếu đủ điều kiện để mỗi trường có cách tuyển sinh của riêng mình là tốt nhất (như thời gian trước năm 2002).

Trong trường hợp chưa làm được như thế thì vẫn có thể dùng chung đề của bộ. Làm như vậy, các trường ĐH được chủ động và tránh được những tiêu cực như chúng ta đã thấy.

- Thầy Vũ Khắc Ngọc: Kỳ thi THPT quốc gia dù còn rất nhiều hạn chế nhưng tại thời điểm này, nó vẫn là lựa chọn tối ưu và phù hợp nhất với hoàn cảnh của Việt Nam. Nhưng để kỳ thi thực sự công bằng, nghiêm túc, bộ cần phải thận trọng hơn trong việc trao quyền tổ chức thi và chấm thi về cho địa phương.

Giải pháp tốt nhất là phải tăng cường sử dụng công nghệ trong việc quản lý, giám sát và hậu kiểm để hạn chế yếu tố con người chi phối đến tính công bằng, nghiêm túc của kỳ thi.

Có nhiều giải pháp như: sử dụng camera ghi hình toàn bộ quá trình thi từ khâu coi thi đến khâu chấm thi; sử dụng công nghệ để chuyển toàn bộ việc chấm thi từ địa phương về bộ, hoặc các cụm chấm thi do các trường ĐH chủ trì.

Trung tâm công nghệ thông tin của bộ cũng phải cập nhật, phân tích, xử lý các dữ liệu về điểm thi và chất lượng giáo dục của các địa phương để kịp thời phát hiện mọi dấu hiệu bất thường về điểm số và báo cáo, xử lý. Về lâu dài, có thể hướng tới mục tiêu tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính và nhận kết quả ngay sau khi thi.

Bộ cũng cần chuẩn hóa lại đề thi theo những thông số tiêu chuẩn, ổn định, tránh tình trạng đề thi có năm dễ quá, có năm khó quá. Yếu tố may mắn trong quá trình làm bài thi của thí sinh cũng cần phải loại bỏ bằng cách áp dụng trừ điểm các câu trả lời sai.

Nếu thực hiện tốt các yêu cầu về chuẩn hóa này, chúng ta hoàn toàn có thể "giảm tải" việc thi trên máy tính bằng cách tổ chức nhiều đợt thi trong năm và điểm số được công nhận có giá trị xét trong một vài năm. Đó cũng là thông lệ mà nhiều kỳ thi tiêu chuẩn trên thế giới áp dụng.

Ba điểm rất “dị thường”

- Thầy Trần Mạnh Tùng: Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi và phổ điểm thi THPT quốc gia 2018, nhiều giáo viên đã phân tích và chúng tôi thấy điểm thi của các thí sinh ở Hà Giang có nhiều điểm bất thường.

Thứ nhất, số thí sinh đạt điểm cao của các khối thi vượt trội so với toàn quốc. Cụ thể, số thí sinh đạt trên 27 điểm khối A00 (toán - lý - hóa) cả nước có 82 em thì Hà Giang chiếm 29. Với khối A01 (toán - lý - Anh), cả nước có 76 thí sinh đạt mức điểm này thì riêng Hà Giang cũng đã có 36.

Thứ hai, phổ điểm từng môn cũng bất thường ở khu vực điểm cao, nhất là với hai môn toán, lý. Theo lẽ thường, sau điểm 6, điểm số càng cao thì càng ít thí sinh đạt được. Nhưng ở phổ điểm của Hà Giang, đồ thị đang thoải xuống lại ngóc đầu đi lên ở khu vực 8,5 - 9,75 điểm.

Thứ ba, có những cá nhân điểm rất "dị thường". Ví dụ có em cùng lúc đạt toán: 9,6 (đứng thứ 3 của cả nước), văn: 9,75 (cao nhất nước) và tiếng Anh: 9,6 (đứng thứ 3 của cả nước).

Chấm lại toàn bộ bài thi trắc nghiệm THPT của Hà Giang vì có dấu hiệu gian lận Chấm lại toàn bộ bài thi trắc nghiệm THPT của Hà Giang vì có dấu hiệu gian lận

TTO - PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT đã khẳng định với báo chí việc này lúc gần 1 giờ sáng ngày 17-7, ngay bên ngoài hội đồng chấm thẩm tra bài thi THPT quốc gia tại Hà Giang.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên