27/04/2024 06:54 GMT+7

Bạn trẻ xắn tay san sẻ nước sạch tới vùng hạn mặn ở miền Tây

Nghe tin xâm nhập mặn năm nay ở một số tỉnh miền Tây khá nghiêm trọng, anh Phong chở nước lần lượt tới hai nơi đang thiếu nước ngọt khẩn cấp là Gò Công Đông và cù lao Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang).

Anh Lê Văn Phong chạy xe ba gác chở bồn chứa nước sạch tới tận nhà người dân xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) - Ảnh: NVCC

Anh Lê Văn Phong chạy xe ba gác chở bồn chứa nước sạch tới tận nhà người dân xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) - Ảnh: NVCC

Sau đó, biết khu vực Cần Giuộc (Long An) và Giồng Trôm (Bến Tre) cũng xảy ra hạn mặn, anh Lê Văn Phong tiếp tục mua thêm những xe bồn chở nước hỗ trợ.

Miền Tây đang xảy ra tình trạng hạn mặn cao khoảng hai tháng nay khiến nhiều nơi không có nước sinh hoạt và sản xuất. Mong muốn san sẻ với người dân nơi đây, nhiều người trẻ cũng tham gia góp tiền bạc, sức lực chở nước sạch tới, thậm chí xách vào tận nhà giúp những hộ không có xe chở nước về.

Chung tay mang đến giọt nước mát lành

Tính đến ngày 26-4, anh Lê Văn Phong (31 tuổi, ở TP.HCM) đã trực tiếp tới hỗ trợ nước cho bà con vùng hạn mặn liên tục 25 ngày.

Chi phí mua nước phần lớn là nguồn tiền cá nhân anh và nhiều bạn bè góp. "Tôi cùng nhiều bạn bè, tiểu thương ở chợ quận 8, Hòa Bình, Cầu Ông Lãnh chung tay mua nước", anh nói.

Theo anh Phong, hiện tại các xe bồn chở nước tới các vùng hạn mặn không nhiều, do khó khăn trong việc tiếp cận và thuê các xe chở nước. Trọng tải xe bồn từ 25 tấn trở lên, trong khi các địa điểm cần nước thì hẻm nhỏ, cầu yếu.

Do đó, để mang nước đến trực tiếp cho bà con, phải sử dụng nhiều xe tải nhỏ, xe ba gác. "Một chiếc xe bồn 30 khối nước, chỉ việc xả vào các bồn chứa của người dân thì mất chừng 30 - 40 phút. Còn khi chuyển sang các xe nhỏ đến tận nhà dân để cho nước phải mất gần như một ngày", anh cho hay.

Đây không phải lần đầu tiên anh Phong tham gia chở nước tới vùng mặn. Anh nhớ lại năm 2020 là thời điểm vô cùng khó khăn với bà con ở miền Tây, khi cùng lúc chống chọi với dịch COVID-19, vừa phải xoay xở trong cơn hạn mặn. Không nhiều xe chở nước khi ấy. 

"Năm đó, tôi và chú Minh (ông Nguyễn Văn Minh, 60 tuổi, ở Bình Dương, nổi tiếng với biệt danh Minh "cô đơn" - PV) đã hỗ trợ nhiều xe chở nước cho bà con huyện Châu Thành (Bến Tre). Năm nay cũng đồng hành cùng chú và bạn của tôi", Phong nói.

Người dân vùng hạn mặn xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) chờ đợi nhận nước sạch - Ảnh: NVCC

Người dân vùng hạn mặn xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) chờ đợi nhận nước sạch - Ảnh: NVCC

Mới đây, nghe tin tình hình người dân gặp hạn mặn ở Tiền Giang đã dần qua đỉnh, tuy nhiên nước ngọt sinh hoạt và sản xuất của bà con vẫn còn thiếu nhiều, sau khi cùng cán bộ xã vận động quyên góp, nhóm của chị Lê Kim Ngân (23 tuổi, đoàn viên thanh niên xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, Long An) tới nhà máy bơm 40 khối nước sạch vào các bồn nhựa loại 20 lít, sau đó thuê xe tải chở đến xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang).

Trên đường đi, hình ảnh những vườn dừa, vườn chuối đã chết khô vì thiếu nước, đất đai nứt nẻ, khô cằn đọng lại trong đầu làm cô gái trẻ thấy xót xa. Tới điểm tập kết nhận nước, Ngân thấy người dân đã xếp hàng chờ sẵn, song chẳng ai khó chịu dù phải đứng dưới thời tiết nóng. 

"Đi qua các vùng phía ngoài, thấy xe bồn chạy qua, người dân nhìn theo nhưng không dám kêu lại xin, họ sợ xin rồi những người ở vùng sâu xa bên trong sẽ không có nước sinh hoạt", chị Ngân chia sẻ. Nhóm của Ngân sau đó bơm nước ra từng can rồi chia cho người cần dùng.

Tương tự, thấy người dân một số vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng, nhiều mảnh ruộng khô cằn, nứt nẻ, anh Võ Xuân Đạt (25 tuổi) - bí thư Đoàn Trường đại học HUTECH - tổ chức cuộc họp online ngay trong đêm nhằm vận động kinh phí và lên kế hoạch đem nước sạch cho bà con miền Tây, sau khi đã thông qua ý kiến ban giám hiệu nhà trường và Tỉnh ủy Bến Tre.

Khu vực mà nhóm anh Đạt mang nước tới thuộc các xã Phước Long, Thuận Điền, Châu Bình (huyện Giồng Trôm, Bến Tre).

Chuẩn bị xong xuôi, ngay từ sáng sớm, anh Đạt cùng các tình nguyện viên khẩn trương xếp những bình nước lọc 20 lít, thùng nước suối lên xe tải. "Tới nơi, phía Tỉnh Đoàn hỗ trợ cung cấp xe bồn chứa miễn phí và liên hệ những điểm có nước sạch tại tỉnh để chúng tôi mua nước", anh Đạt nói.

Đến nơi mới thấu cảnh "sống trong hạn mặn, nước quý hơn vàng"

Hơn 4.000m³ nước được nhóm của Đạt bơm đầy xe, chở tới tặng các vùng sâu xa, khô hạn và nhiễm mặn.

Nắng gắt, mồ hôi ướt đẫm áo nhưng nhóm thiện nguyện mát lòng khi thấy bà con trân quý từng giọt nước. Họ nhanh chóng chằng từng bình nước lên xe, ai không có xe chở sẽ được các tình nguyện viên hỗ trợ đẩy nước về tận nhà.

"Có cụ bà cứ luôn miệng cảm ơn tôi. Bà nói nhà không có nước sinh hoạt đã mấy ngày nay, nước tráng chén bát xong vẫn phải tận dụng lại để giặt đồ. Nhiều khi thiếu nước, đồ để cả một tuần không giặt được", Đạt kể.

Nước sạch được bạn trẻ là tình nguyện viên của nhóm thiện nguyện Trường đại học HUTECH (bên phải) bơm lên xe để chở tới địa điểm hỗ trợ bà con vùng hạn mặn - Ảnh: NVCC

Nước sạch được bạn trẻ là tình nguyện viên của nhóm thiện nguyện Trường đại học HUTECH (bên phải) bơm lên xe để chở tới địa điểm hỗ trợ bà con vùng hạn mặn - Ảnh: NVCC

Những giọt nước mắt chia sẻ khó khăn lẫn nụ cười hạnh phúc khi nhận được nước sạch của bà con địa phương đã đọng lại trong tâm trí anh Đạt và các tình nguyện viên. Chuyến đi ý nghĩa của các bạn trẻ đã phần nào san sẻ được tình cảnh vất vả của người dân đang sống ở vùng hạn mặn. 

"Nếu không đi tới nơi, tôi sẽ không biết người dân đang khó khăn thế nào", chàng trai trẻ tâm sự.

Còn theo anh Phong, thời điểm này nhiều người cho rằng nước quý hơn vàng, nghe có vẻ bất hợp lý vì vàng lúc này có giá rất cao. Tuy nhiên, anh cho rằng ai đang sống trong khu vực xâm nhập mặn suốt hai tháng nay mới thấm thía chưa khi nào nước ngọt trở thành món quà quý giá đến vậy.

Nhiều người thậm chí khi thấy xe bồn chạy ngang đã quên mang dép, bỏ bữa cơm mà lấy can hứng nước lập tức.

Gần một tháng có mặt ở vùng hạn mặn, anh Phong chứng kiến nhiều đoàn xe đến tiếp nước cho bà con. 

"Nhiều nhóm bạn trẻ là nhân viên văn phòng tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần tổ chức tặng nước cho bà con, xem như là một hoạt động nghỉ ngơi", anh cho biết.

Tình người trong cơn hạn mặnTình người trong cơn hạn mặn

Bất kể ngày đêm, trên những trục đường hướng về vùng hạn mặn Gò Công (Tiền Giang) là những chuyến xe bồn, xe tải với dòng chữ "hỗ trợ nước ngọt miễn phí", hay "giọt nước nghĩa tình" nối đuôi nhau đưa nước ngọt về cho dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên