16/05/2019 10:00 GMT+7

Ban hành gần 8.000 lệnh trừng phạt, ông Trump chứng tỏ 'dám nói, dám làm'

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Các lệnh trừng phạt mang tính sát thương đối phương nặng hơn "võ mồm" nhưng lại nhẹ hơn những hành động quân sự. Nếu nói chính sách đối ngoại là sự nối dài của chính sách đối nội, Tổng thống Donald Trump đang làm kinh tế bằng công cụ chính trị.

Ban hành gần 8.000 lệnh trừng phạt, ông Trump chứng tỏ dám nói, dám làm - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters

Tổng cộng, có 7.967 lệnh trừng phạt đủ loại đang được thực thi dưới thời ông Trump. Đối tượng bị trừng phạt có thể là những cá nhân như trùm ma túy Mexico Joaqui "El Chapo" Guzman, các doanh nghiệp quốc dân, hay đến cả quân đội của một nước như Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.

Mức thuế nhập khẩu cao ngất ngưởng mà Mỹ áp lên hàng trăm tỉ USD hàng Trung Quốc cũng được xem như một biện pháp trừng phạt không chính thức.

700 lệnh trừng phạt ký trong ngày

Sức mạnh của các biện pháp trừng phạt của Mỹ, xét cho cùng, xuất phát từ tính trung tâm của hệ thống tài chính Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu, và tình trạng USD là đồng tiền dự trữ thống trị thế giới.

Tất nhiên, mỗi lệnh trừng phạt đều có mục đích khác nhau nhưng có những lệnh trừng phạt trở nên nổi tiếng, có những cái chẳng mấy ai biết đến. Nhiều lệnh trừng phạt thậm chí còn áp đặt lên chính các đồng minh của Mỹ - những quốc gia đang đứng trước lựa chọn hoặc ngừng mua dầu thô của Iran hoặc gánh lệnh trừng phạt của Washington.

Cuba có lẽ là ví dụ điển hình nhất cho các nỗ lực cấm vận và trừng phạt đơn phương một cách lâu dài, có hệ thống của Mỹ, nhưng Iran mới là mục tiêu đang hứng nhiều lệnh trừng phạt nhất của Washington.

Chính quyền Barack Obama đã dỡ bỏ hàng trăm lệnh trừng phạt đối với người dân và các pháp nhân Iran sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân với nước cộng hòa Hồi giáo năm 2015.

Nhưng chính quyền của Donald Trump, bằng một tuyên bố rút khỏi thỏa thuận, đã khôi phục phần lớn trong số này và liên tục áp đặt bổ sung với cao điểm lên tới 700 lệnh trừng phạt được ký chỉ trong vòng một ngày hồi tháng 11 năm ngoái.

Những con số này dễ gây ấn tượng nhưng sự thành công chỉ có thể được đo lường không phải bằng số lượng mà bằng những tác động của các lệnh trừng phạt này trong việc giúp Mỹ đạt được các mục tiêu chính sách cụ thể.

Điển hình như năm 2012, khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bắt tay trừng phạt Iran, lượng dầu thô xuất khẩu của Iran đã bị giảm một nửa. Tổng sản phẩm quốc nội của Tehran bị giảm tới 9% từ tháng 3-2012 đến tháng 3-2014, buộc nước này phải quay trở lại bàn đàm phán và đặt bút ký vào một thỏa thuận hạt nhân một năm sau đó.

Ban hành gần 8.000 lệnh trừng phạt, ông Trump chứng tỏ dám nói, dám làm - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ - Dữ liệu: Duy Linh - Đồ họa: V.CƯỜNG

Làm kinh tế bằng chính trị

Đem việc làm trở lại nước Mỹ là một trong những cam kết tranh cử của ông Trump, người đang tìm kiếm nhiệm kỳ hai sau năm 2020. Cần nhớ, "những người Mỹ im lặng" - tức tầng lớp lao động chán ghét lời hoa mỹ của các chính trị gia - là những người đã giúp ông Trump bước vào Nhà Trắng năm 2016.

Khi ông Trump khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc để bảo vệ sở hữu trí tuệ Mỹ, giới quan sát nhận định ông Trump không chỉ đang cố gắng ngăn Bắc Kinh vươn lên trước Mỹ mà còn buộc Bắc Kinh mở cửa cho các công ty Mỹ tiến vào thị trường Trung Quốc.

Việc tăng thuế nhập khẩu từ vài chục tỉ rồi lên hàng trăm tỉ đôla có thể giúp Mỹ thu về hàng tỉ tiền thuế nhưng đây chỉ là phần nhỏ. "Chuyển nhà máy sang Mỹ đi rồi quý vị sẽ không bị chịu thuế nữa", dòng trạng thái trên Twitter của ông Trump cho thấy ông không giấu mục tiêu cao nhất đang hướng đến.

Khi hàng rào thuế nhập khẩu Mỹ được dựng lên với hàng hóa Trung Quốc, một làn sóng chuyển nhà máy sang các nước gần đó để né thuế đã diễn ra. Điều này có thể giúp phát triển nền kinh tế địa phương trước mắt nhưng có thể hại về lâu dài.

Hãy nhìn lá bài "thâm hụt thương mại" mà Tổng thống Trump đã giơ khi bắt đầu khiêu chiến Trung Quốc để hiểu cái hại này là gì. Các nước nằm trong danh sách giám sát "thao túng tiền tệ" được công bố mỗi năm hai lần của Bộ Tài chính Mỹ đều là những quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ. 

Một khi bị gắn mác "thao túng tiền tệ", không ai biết các biện pháp trừng phạt kế tiếp sẽ là gì. Các doanh nghiệp muốn yên ổn chỉ có thể chuyển nhà máy sang Mỹ và chấp nhận giá nhân công cao gấp nhiều lần ở châu Á.

Các lệnh trừng phạt Iran và Nga cũng không nằm ngoài mục đích thúc đẩy lợi ích kinh tế của Mỹ. Cách đây không lâu, EU sau khi bị ép và hù dọa cũng đã chuyển qua mua khí hóa lỏng của Mỹ để "giảm phụ thuộc vào Nga".

Câu chuyện Triều Tiên và các lệnh trừng phạt nước này lại khác. Vấn đề Triều Tiên chắc chắn gần như không thể giải quyết xong trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Nhưng vì sao ông Trump lại quyết liệt đến thế?

Vì ông ấy cần chứng minh với cử tri Mỹ rằng ông là một người quyết liệt, dám nói dám làm. Những điểm cộng là rất quan trọng với ông Trump, đặc biệt vào năm bản lề của cuộc bầu cử như 2019.

Rủi ro khi lạm dụng

Các nước châu Âu đã bắt đầu khó chịu với các hành động đơn phương của Mỹ khi bị hạn chế giao dịch làm ăn với Tehran và Matxcơva. Trong nhiều thập kỷ, phần lớn các giao dịch ngân hàng trên thế giới đều chảy qua thành phố New York của Mỹ. Sự phụ thuộc vì thế là rất lớn. Nhưng nếu có một sự tập hợp đủ lớn các ngân hàng quyết định chuyển việc điều hành sang một nước khác, sức mạnh các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ giảm đáng kể.

Mỹ - Trung muốn gì, thương chiến sẽ đi về đâu? Mỹ - Trung muốn gì, thương chiến sẽ đi về đâu?

TTO - Với những đòi hỏi chênh lệch được Mỹ - Trung đưa ra, giới chuyên gia nhận định thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới sẽ không kết thúc bằng một thỏa thuận làm vừa lòng hoàn toàn hai bên.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên