17/10/2023 13:55 GMT+7

Bán đồi keo non lấy tiền cho cháu nhập học

Nếu để thêm một năm nữa, đồi keo của bà Thành có thể bán được giá trị gấp đôi nhưng người phụ nữ nghèo không xoay xở được để cháu trai có tiền nhập học. Bà đành bấm bụng bán đi đồi keo non, thêm cả chục cây xoan già mới được 17 triệu đồng.

Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển của Hoa, bà Thành gọi người về bán đồi keo của nhà - Ảnh: VŨ TUẤN

Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển của Hoa, bà Thành gọi người về bán đồi keo của nhà - Ảnh: VŨ TUẤN

Bà Lâm Thị Thành, ở xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái), đã bán cả đồi keo hơn 4 năm tuổi để lấy tiền cho cháu đi học đại học.

Lâm Việt Hoa - tân sinh viên Trường đại học Điện lực - cắn chặt môi: "Nghĩ đến những lúc trong nhà không còn một đồng nào, em thương bá (bác gái) nên càng phải cố gắng học để sau này bá đỡ khổ".

Người mẹ thứ hai

Hoa sống với bá Thành từ nhỏ. Bố mẹ em đi lao động bên Trung Quốc, lúc Hoa được 6 tuổi thì mẹ ẵm em về gửi cho người chị gái nuôi. Bà Thành ở vậy nuôi cháu, thương Hoa như con ruột.

Năm nay bà Thành đã 56 tuổi, sức khỏe yếu vẫn cố gắng đi làm thuê để có tiền nuôi cháu ăn học. Từ ngày Hoa về sống với bà, năm lớp 4 cậu gặp lại mẹ một lần nữa. Nhưng từ đó đến nay bặt tin tức.

Hoa chỉ nhớ ngày ấy mẹ cậu bảo cả bố và mẹ làm thuê ở đâu đó thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), còn bây giờ chẳng biết ở đâu. Hoa gọi bà Thành bằng bá nhưng lòng cậu luôn nghĩ bá như người mẹ thứ hai của mình.

Hơn 12 năm qua, hai bác cháu rau cháo nuôi nhau. Nhà chỉ có hơn 2 sào ruộng với mảnh nương, lam lũ quanh năm cũng chẳng đủ ăn. 

Năm Hoa học lớp 6, bà gửi Hoa đến nhà chị gái và về Hà Nội rửa bát, nhặt rau thuê cho quán ăn. Ruộng nương để chị gái cày cấy, trả bằng thóc. Gom góp được đồng nào bà cũng dành dụm nuôi cháu.

Được vài năm, có lần bà Thành bê rổ bát thì cổ tay đau nhói. Từ đó cứ trái gió trở trời là xương khớp đau nhức ê ẩm. Người ta bảo bà bị bệnh khớp, các quán ăn cũng không thuê bà nữa.

Bà Thành khăn gói về lại quê nhà, vét hết những đồng tiền còn lại mua một con bò. Ở nhà ai thuê gì làm nấy, chủ yếu là công việc nhẹ, nhưng tiền công thấp.

Cậu bé Hoa sáng đi học, chiều giúp bá chăn bò, lấy củi, làm việc nhà… Năm ngoái, bà Thành quyết định gửi con bò sang nhà anh em "nuôi chia" (lúc bán bê chia tiền).

"Phải để cháu nó có thêm thời gian học. Nó học giỏi, khó khăn, vất vả đến mấy tôi cũng phải nuôi cháu ăn học cho bằng bạn bằng bè" - bà Thành nghẹn giọng.

Bán cả gia sản cho cháu ăn học

Trong suốt những năm học phổ thông, Hoa luôn là học sinh khá, giỏi.

Trong suốt những năm học phổ thông, Hoa luôn là học sinh khá, giỏi.

Thu nhập của bà Thành bây giờ là tiền công phơi ván bóc cho một xưởng gỗ gần nhà. Mỗi tháng cũng được 3 triệu đồng. Bà nhẩm tính mỗi tháng tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước của cháu hết hơn 1 triệu đồng. Gạo, rau, thỉnh thoảng có cân thịt bà sẽ gửi xuống Hà Nội.

"Tôi ở nhà thế nào cũng sống được, chỉ lo thằng Hoa. Có phải bán cả gia sản cũng phải cho cháu tôi học thành tài" - bà nói.

Hoa đỗ đại học, bà Thành như đã chạm vào được ước mơ của mình. Bốn năm nữa, Hoa sẽ tốt nghiệp, ra trường, có công ăn việc làm ổn định là bà mãn nguyện. Nhưng bốn năm tới đây cũng đầy vất vả để nuôi cháu ăn học.

Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển của Hoa, bà Thành gọi người về bán đồi keo của nhà. Cây keo mới trồng hơn bốn năm, nếu đợi thêm một năm nữa, đồi keo cũng được vài chục triệu đồng. Bán non cả keo, cả chục cây xoan già mới được 17 triệu đồng.

Riêng học phí Hoa đã phải đóng hơn 13 triệu. Số tiền còn lại Hoa để dành mua giáo trình, sách vở.

"Tiết kiệm thôi chưa được anh ạ! - Hoa nói - Em đi tìm việc làm thêm. Bá chưa cho đi làm, dặn em ổn định học tập trước, khi nào quen Hà Nội rồi mới được đi làm thêm. Bá sợ em không có thời gian học".

Trong suốt những năm học phổ thông, Hoa luôn là học sinh khá, giỏi. Cậu sinh viên nghèo cùng hai bạn nữa cùng quê thuê chung một phòng trọ. Gạo, thức ăn gia đình gửi xuống cả nhóm "góp gạo thổi cơm chung". Trong phòng trọ chỉ có một chiếc đệm, vài món đồ nấu ăn và ba chiếc va li quần áo của ba người.

Sinh viên năm đầu, chưa phải học chuyên ngành nên cả ba có một chiếc máy tính để làm bài tập chung. Hoa dự định đi làm thêm để tiết kiệm tiền mua máy tính. Cậu học chuyên ngành tự động hóa, rất cần có máy tính nhưng trước mắt chưa mua được.

"Bá nói chỉ cần em học tốt, bá định đi vay tiền mua máy tính cho em. Em nghĩ thương bá quá! Lúc nào bá cũng lo cho em. Em chỉ mong học thật tốt để sau này có một công việc tốt mới lo được cho bá…" - Hoa tâm sự.

Đồ họa: SONG UYÊN

Đồ họa: SONG UYÊN

Trao 81 suất học bổng Tiếp sức đến trường khu vực Tây Bắc

Ngày mai 18-10, báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Lào Cai, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam, Quỹ Khuyến học Vinacam tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 81 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 6 tỉnh khu vực Tây Bắc: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu.

Đây là điểm trao thứ tư trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 570 của báo Tuổi Trẻ. Tổng kinh phí chương trình hơn 1,2 tỉ đồng do Quỹ Khuyến học Vinacam tài trợ.

Mỗi suất học học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó dự kiến trao hai suất đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suốt 4 năm học. Cùng với đó, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam sẽ tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam tài trợ 6 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập.

Sau 20 năm thực hiện, học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ đã hỗ trợ 23.395 tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường đại học, cao đẳng với tổng số tiền hơn 179,8 tỉ đồng.

Riêng năm 2023, đồng thời cũng là lần thứ 21 của chương trình, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn tiếp tục xét trao học bổng cho hơn 1.200 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, với tổng kinh phí hơn 19 tỉ đồng (15 triệu đồng/học bổng và 20 suất đặc biệt 50 triệu đồng/4 năm học).

Bán đồi keo non lấy tiền cho cháu nhập học - Ảnh 6.

Trở lại giảng đường sau một năm đi bưng bê: "Sợ đến một ngày, không lo nổi học phí"Trở lại giảng đường sau một năm đi bưng bê: 'Sợ đến một ngày, không lo nổi học phí'

Một năm trước, cô gái xứ Thanh lựa chọn dừng bước trước ngưỡng cửa đại học. Bố mất, mẹ bệnh, Huyền còn hai em nhỏ, không có tiền đóng học phí, cô không còn lựa chọn nào khác!

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên