19/10/2018 12:55 GMT+7

90% trẻ mắc sởi nặng không có khả năng kháng bệnh

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Đó là đánh giá của bác sĩ CK2 Trịnh Hữu Tùng, giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), trước tình hình một số dịch bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng bùng phát đang gây tình trạng quá tải ở bệnh viện.

90% trẻ mắc sởi nặng không có khả năng kháng bệnh - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác chăm sóc, điều trị các loại dịch bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 vào ngày 12 - 10 - Ảnh: CTV

Từ đầu tháng 8, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 có sự gia tăng số lượng ca mắc sởi, trong đó có các ca nặng, có biến chứng viêm phổi hoặc có yếu tố nguy cơ như có bệnh tim bẩm sinh dị tật bẩm sinh khác của đường hô hấp, tiêu hóa... So với năm 2017, số ca sởi nặng có tăng.

Theo bác sĩ Tùng, nguyên nhân bệnh sởi lại tăng so với năm 2017 có thể do miễn dịch trong cộng đồng còn kém, một số trẻ có sức đề kháng yếu do có bệnh bẩm sinh và không được tiêm ngừa.

Thực tế, có khoảng 90% trẻ mắc sởi nặng tại Nhi Đồng 2 là trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa được tiêm ngừa theo lịch tiêm chủng Quốc gia) do đó không có khả năng kháng bệnh.

Ngoài ra, có một tỷ lệ trẻ trên 9 tháng tuổi nhưng vì có dị tật ở tim, đường thở, tiêu hóa nên chưa được tiêm chủng. 

Một số trẻ bình thường khác vì lý do nào đó mà không được phụ huynh đưa đi tiêm chủng hoặc không tiêm đủ 2 mũi sởi theo quy định dẫn đến miễn dịch kém.

90% trẻ mắc sởi nặng không có khả năng kháng bệnh - Ảnh 2.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đang thăm khám, tư vấn cho cha mẹ bé về các cách phòng ngừa dịch bệnh - Ảnh: CTV

Đối với bệnh sốt xuất huyết, số lượng bệnh nhi nhập viện tăng và số ca biến chứng nặng cũng tăng. Bệnh tay chân miệng, số lượng bệnh nhân tăng. Đặc biệt năm nay có số ca nặng (độ 3, 4) nhập viện cao hơn những năm gần đây. Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp đến sớm, lưu lượng bệnh nhân tăng cao.

Khoảng 3 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám cho khoảng trên 7.000 lượt bệnh nhân, cá biệt có ngày lên đến 8.700 cháu. Đây là con số kỷ lục từ trước đến giờ. 

Từ tháng 8 đến nay, bệnh viện điều trị nội trú khoảng 2.100-2.200 bệnh/ngày, thậm chí cao điểm tới 2.300 bệnh nhân/ngày. Mặc dù chỉ có chỉ tiêu 1.400 giường bệnh nhưng bệnh viện đã phải kê thêm 500 giường.

"Trước tình hình này, bệnh viện nhanh chóng lập khu cách ly, phân luồng sàng lọc bệnh nhân ngay từ đầu tránh nguy cơ nhiễm chéo. Cả tập thể bệnh viện phải oằn mình chống dịch. Có lúc, một số bác sĩ, điều dưỡng quá mệt mỏi, muốn làm đơn xin nghỉ việc khiến ban giám đốc phải động viên để họ tiếp tục công việc" - bác sĩ Tùng chia sẻ.

Bệnh nhẹ vẫn xin được nhập viện

Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng cho biết nhiều phụ huynh đưa con tới khám tại các bệnh viện lớn, thậm chí yêu cầu bác sĩ cho nhập viện khi bệnh các cháu vẫn còn nhẹ, có thể điều trị ngoại trú.

Đây là nguyên nhân bệnh nhi có thể bị lây nhiễm chéo, khiến tình trạng bệnh nặng thêm.

"Tình hình trên cho thấy, do diễn tiến bất thường, dịch đến sớm hơn so với chu kỳ, ba bệnh dồn về một lúc, dịch chồng dịch đã dẫn đến quá tải bệnh viện" - bác sĩ Tùng nói.

Số người mắc sởi tăng hơn 22 lần trong 9 tháng đầu năm Số người mắc sởi tăng hơn 22 lần trong 9 tháng đầu năm

TTO - Chín tháng đầu năm 2018, số người mắc sốt phát ban nghi sởi tăng 8 lần so với cùng kỳ 2017, đặc biệt số người mắc sởi tăng hơn 22 lần so với cùng kỳ. Bộ Y tế sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắcxin sởi rubella để ngừa dịch lan rộng.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên