11/11/2017 16:03 GMT+7

12.000 tỉ nâng chất giảng viên ĐH, có khả thi?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Đào tạo tiến sĩ trong nước hay nước ngoài? Người được đào tạo không trở về công tác thì sao? Nhiều ý kiến băn khoăn với đề án nâng cao năng lực giảng viên ĐH của Bộ GD-ĐT.

12.000 tỉ nâng chất giảng viên ĐH, có khả thi? - Ảnh 1.

Các tân tiến sĩ Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) trong ngày nhận bằng tốt nghiệp - Ảnh: NHƯ HÙNG

12.000 tỉ đồng để đào tạo 7.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ, thu hút thêm 1.500 tiến sĩ từ ngoài vào trường ĐH, đồng thời bồi dưỡng cho giảng viên và cán bộ quản lý các trường ĐH đạt chuẩn.

Đó là mục tiêu được Bộ GD-ĐT đặt ra tại dự thảo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030.

Mục tiêu này liệu có thực tế và khả thi?

Ngăn chảy máu chất xám và ngoại tệ

Theo Bộ GD-ĐT, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp, có khoảng cách lớn so với nhu cầu của nền kinh tế và so với khu vực. 

Theo kết quả khảo sát, đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79/10 điểm, xếp thứ 11/12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Đó là một trong những lý do cần thiết phải thúc đẩy chất lượng đào tạo nguồn nhân lực từ các cơ sở giáo dục ĐH, với "đòn bẩy" cần thiết chính là đội ngũ giảng viên.

Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra mỗi năm người Việt chi khoảng 3 tỉ USD cho du học. Bên cạnh chảy máu ngoại tệ còn là chảy máu chất xám. Ngày càng nhiều học sinh tài năng của các trường chuyên nổi tiếng đi du học tại các trường ĐH uy tín trên thế giới và ở lại sau khi tốt nghiệp. 

Vì vậy, thông qua việc nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, chất lượng đào tạo tăng, các cơ sở giáo dục ĐH có cơ hội giữ ngoại tệ và người học tài năng ở lại trong nước, qua đó gián tiếp đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy số lượng giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ mới chỉ đạt 22,7%. Tỉ lệ này trong các trường CĐ sư phạm chỉ là 3,4%. Các số liệu này đều thấp hơn tỉ lệ chung của nhiều quốc gia tiên tiến khác trong khu vực và thế giới.

Vì thế, với mong muốn đẩy tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% vào năm 2025, bộ đặt mục tiêu đào tạo, bổ sung thêm 9.000 giảng viên trình độ tiến sĩ.

Đào tạo tiến sĩ trong nước hay nước ngoài?

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, đề án sẽ đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài, 500 tiến sĩ theo hình thức liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và trường ĐH nước ngoài, thu hút 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài (hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục ĐH) đến làm việc tại các trường ĐH ở Việt Nam và đào tạo 2.000 tiến sĩ trong nước.

Lý giải về sự phân bố chỉ tiêu đào tạo như đã đưa ra trong đề án, bộ cho rằng với quy chế đào tạo tiến sĩ mới, yêu cầu về người hướng dẫn, chương trình đào tạo, điều kiện đầu vào, chuẩn đầu ra của nghiên cứu sinh đã được nâng ngang tầm thế giới và khu vực. 

Vì thế, số lượng tiến sĩ được đào tạo trong nước chắc chắn sẽ giảm mạnh trong thời gian đầu, khi mới áp dụng quy định mới này. Do đó số lượng giảng viên được đào tạo tiến sĩ trong nước sẽ bị giảm theo.

Còn theo PGS.TS Trần Văn Tớp - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với kinh nghiệm của đề án đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ trước đây, đề án này nên xem xét tập trung vào hai đối tượng: đào tạo theo chương trình phối hợp, liên kết giữa ĐH Việt Nam với ĐH nước ngoài và đào tạo hoàn toàn trong nước.

"Việc đẩy mạnh đào tạo tiến sĩ theo hình thức phối hợp giữa trường ĐH Việt Nam và cơ sở đào tạo nước ngoài không chỉ giúp đạt được số lượng tiến sĩ như mục tiêu đề ra, mà còn giúp các trường ĐH trong nước mạnh hơn, nâng tầm và hội nhập quốc tế nhanh hơn. Còn với đào tạo trong nước, chính việc đầu tư đào tạo tiến sĩ sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho cả người học và cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng" - ông Tớp phân tích.

Lo "hậu đào tạo"

Một số chuyên gia cũng bày tỏ sự lo ngại về tính khả thi của đề án trong việc đào tạo, bổ sung đủ 9.000 giảng viên trình độ tiến sĩ tiếp tục trở lại làm giảng viên các trường ĐH.

Bởi lẽ, các đề án đào tạo ở nước ngoài trước đó đã cho thấy có rất nhiều người sau khi tốt nghiệp theo các chương trình học bổng này đã tìm mọi cách ở lại.

Lãnh đạo một trường ĐH khối kinh tế cho rằng: "Trong đề án mới, Bộ GD-ĐT cần đưa ra được quy chế ràng buộc chặt chẽ hơn với người được thụ hưởng cơ hội từ đề án. Ngoài ra, cũng cần có chính sách tốt để tạo môi trường hấp dẫn khi họ trở về, yên tâm phát huy năng lực".

Đồng quan điểm này, GS Ngô Việt Trung - nguyên viện trưởng Viện Toán học - cho rằng môi trường làm việc, cùng các cơ hội phát huy chuyên môn mới là một trong những điểm mấu chốt nhất để "kéo" người được đào tạo ở nước ngoài trở về.

Do đó, nếu chỉ quan tâm đến số lượng đào tạo mà không tính toán được cơ chế "hậu đào tạo" thỏa đáng thì sẽ rất khó hoàn thành các chỉ tiêu mà đề án đề ra.

Riêng việc thu hút tiến sĩ từ nước ngoài, ông Trung cho rằng cũng chỉ khả thi nếu xây dựng được môi trường làm việc tốt cho chính những người đang ở trong trường ĐH, mới "tạo được sức hút cho người ở bên ngoài".

Trong khi đó TS Võ Thanh Hải, phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân đề nghị khi xây dựng đề án, Bộ GD-ĐT cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về ngành chọn lựa để đưa đi đào tạo. Phải đào tạo tiến sĩ với những ngành mà Việt Nam cần, các trường ĐH cần, chứ không thể chỉ chạy theo mục tiêu số lượng chung chung.

"Với Trường ĐH Duy Tân, nếu có giảng viên được thụ hưởng theo các đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ, nhưng lại học ở những ngành mà trường không có nhu cầu thì chúng tôi cũng từ chối, vì đó là cách đào tạo lãng phí", TS Hải nói.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên