Trường nghề loay hoay tìm cách tồn tại

THANH AN - DUY THANH
THANH AN - DUY THANH

TT - Phân luồng, sáp nhập là những giải pháp mà các tỉnh đưa ra nhằm cứu hệ thống dạy nghề, thế nhưng các trường nghề cũng bất lực nhìn thí sinh lũ lượt kéo nhau vào ĐH.

Trong bức tranh ảm đạm của trường nghề, vẫn có những trường thu hút được người học. Trong ảnh: học sinh học nghề may tại Trường trung cấp Nghề thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) - Ảnh: Văn Giang
Trong bức tranh ảm đạm của trường nghề, vẫn có những trường thu hút được người học. Trong ảnh: học sinh học nghề may tại Trường trung cấp Nghề thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) - Ảnh: Văn Giang

Sốt ruột trước thực trạng tụt dốc không phanh của các trường nghề, tỉnh Đồng Nai và Khánh Hòa đã có những nỗ lực để vực dậy hệ thống này. Trong khi Đồng Nai tập trung vào giải pháp phân luồng học sinh thì Khánh Hòa chọn con đường sáp nhập các cơ sở dạy nghề để tránh lãng phí, tập trung nguồn lực. Tuy nhiên, kết quả của những nỗ lực đó vẫn rất mờ nhạt.

Luồng đã có nhưng vắng bóng người học

* Ông LÊ TUẤN TỨ (giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa):

Chờ thông tư hướng dẫn

Tháng 5-2013, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cấp huyện để thành lập trung tâm mới có đủ năng lực thực hiện đồng thời các chức năng giáo dục thường xuyên, giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và dạy nghề. Tuy nhiên sau khi lấy ý kiến các địa phương thì đến nay thông tư này vẫn chưa được ban hành.

Khảo sát của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho thấy trong năm 2015, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh cần tuyển hơn 100.000 lao động, trong đó trên 50% lao động phải qua đào tạo nghề.

Các doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh cũng cần tuyển khoảng 40.000 lao động với trên 45% trong số lao động này cũng phải qua đào tạo nghề.

Điều này cho thấy định hướng cho học sinh vào các trường trung cấp, trường nghề đang thật sự cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay.

Theo chủ trương phân luồng học sinh của tỉnh Đồng Nai, năm 2015 sẽ có 70% số học sinh toàn tỉnh vào học THPT, 30% còn lại được phân luồng vào học hệ trung cấp chuyên nghiệp.

Trong khi đó, thực tế hiện nay hằng năm toàn tỉnh có khoảng 30.000 học sinh tốt nghiệp THCS (hoàn tất lớp 9), nhưng đồng thời tuyển sinh vào lớp 10 (bậc THPT) với khoảng 30.000 chỉ tiêu.

Như vậy, con đường phân luồng vào học hệ trung cấp gần như không thể thực thi vì không còn nguồn thí sinh nào dư dôi ra để vào học hệ trung cấp.

Hằng năm, toàn tỉnh Đồng Nai có từ 27.000 - 30.000 học sinh tốt nghiệp THPT nhưng lại có đến trên 50.000 số bộ hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ trong cả nước.

Trong khi đó, hằng năm toàn tỉnh chỉ có trên 5.000 lượt học sinh vào các trường trung cấp, trong đó khoảng 1/3 là học sinh đến từ các tỉnh khác trên cả nước. Nghĩa là gần như tất cả học sinh đặt mục tiêu vào các trường ĐH, CĐ mà không đoái hoài gì tới hệ thống trường nghề.

Rối bời sáp nhập

Tỉnh Khánh Hòa hiện có năm trường trung cấp nghề, hai trung tâm dạy nghề do Sở LĐ - TB & XH quản lý. Cùng với đó, ở mỗi huyện, thị xã, thành phố còn có hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp do ngành giáo dục quản lý.

Ông Lê Xuân Thân - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - nhìn nhận rằng việc quản lý, đào tạo nghề song trùng, chồng chéo dẫn đến tình trạng trường, trung tâm xây dựng nhiều, nhưng người học nghề lúng túng trong lựa chọn, hiệu quả đào tạo không cao vì quá thiếu học sinh... dẫn đến lãng phí rất lớn.

“Tôi đi kiểm tra thực tế ở Trường trung cấp nghề huyện Cam Lâm, quy mô đào tạo 1.000 học sinh/năm mà năm nay tuyển sinh chỉ được 100 em, đến giờ thì rơi rụng dần rồi. Vô một lớp dạy phục vụ bàn, thấy một cô giáo đang dạy cho “lớp” chỉ có ba học sinh!” - ông Thân kể.

Trước tình trạng như vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa cuối năm 2014 đã tổ chức cuộc họp để bàn việc sáp nhập hai hệ thống dạy nghề với nhau nhằm tránh lãng phí, nâng cả chất và lượng trong hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, cuối cùng việc sáp nhập này bất thành vì thiếu hướng dẫn từ trung ương.

Không có hướng dẫn liên bộ, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng rối bời vì cho rằng nếu tỉnh chủ động sáp nhập hai hệ thống dạy nghề này lại với nhau ngay thì sắp tới nếu có hướng dẫn mới lại rắc rối, đặc biệt là giải quyết khâu cán bộ quản lý của các trường, trung tâm của hai ngành với nhau.

Cuối cùng, Khánh Hòa đành phải chấp nhận phương án trước mắt là chỉ nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp do ngành giáo dục quản lý làm một, còn hệ thống trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề thì tiếp tục... chờ.

* Ông DƯƠNG ĐỨC LÂN
 (tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH):

Rà soát tổng thể để tái cấu trúc các trường

Trong tổng số hơn 1.000 trường cao đẳng, trung cấp hiện nay, riêng cao đẳng nghề và trung cấp nghề đã có gần 500 trường. Số lượng trường hệ cao đẳng và trung cấp hiện nay nhiều quá.

Nhiều người cũng đã nói không cần phải có đến số lượng hàng nghìn trường như vậy. Đặc biệt, những năm gần đây có thêm rất nhiều trường trung cấp nghề được dựng lên từ những trung tâm dạy nghề.

Với những trường như vậy đương nhiên cơ sở vật chất sẽ thiếu, giáo viên cũng thiếu, chương trình đào tạo, ngành nghề đào tạo chưa phù hợp nên rất khó tuyển sinh.

Đúng là có trường tuyển sinh rất dễ nhưng không có người học, lại có những trường tốt thì người ta vẫn đến nộp hồ sơ cho con em rất nhiều. Bản thân phụ huynh học sinh khi chọn cho con học nghề ở đâu thì trước hết cũng phải nhìn cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trường sở.

Thực tế, để tháo gỡ khó khăn, Nhà nước cũng không có điều kiện hỗ trợ cho tất cả các trường, mà chỉ có thể thực hiện theo chương trình mục tiêu.

Vừa qua, Chính phủ có quyết định về xây dựng các trường nghề chất lượng cao, trong đó cũng chỉ chọn ra có 45 trường. Với 45 trường này, tất cả các điều kiện về cơ sở vật chất đều hiện đại, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo đều được đánh giá là tốt nên tuyển sinh tương đối dễ.

Mới đây, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo khẩn trương triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7 tới. Về lâu dài tương lai phải tái cấu trúc các trường cao đẳng, trung cấp, không để tràn lan, không để nhiều trường yếu quá như hiện nay.

Chủ trương tái cấu trúc có lẽ là sáp nhập 3-4 trường yếu lại với nhau để thành một trường mạnh, hoạt động hiệu quả hơn, chứ cứ để rải ra quá nhiều trường yếu thì không được.

Tái cấu trúc các trường sẽ phải có lộ trình, để thực hiện sẽ phải mất vài năm nữa. Còn về đào tạo, bản thân các trường phải lựa chọn các ngành nghề đào tạo thiết thực hơn.

Trước mắt, khi thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp thì gần như 100% các trường là thuộc các bộ, ngành hoặc thuộc các địa phương. Vì vậy, vai trò của các bộ, ngành, địa phương trong việc sắp xếp lại là rất quan trọng.

Tới đây Bộ LĐ-TB&HX sẽ có văn bản đề nghị các bộ, ngành và các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá lại hoạt động của các trường cao đẳng dạy nghề, trung cấp nghề, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ để hoạch định lộ trình tái cấu trúc vì xu thế ở các nước khác họ cũng tái cấu trúc các trường, nhập các trường yếu lại để cho khỏe chứ không để nhiều trường yếu cùng tồn tại.

XUÂN LONG ghi

THANH AN - DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên