13/04/2017 11:11 GMT+7

Thủ khoa khối D1: muốn học tiếng Anh tốt phải đọc nhiều

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - Toán 8.5 điểm, tiếng Anh 9.75 điểm, ngữ văn 9 điểm, Phan Hà Gia Huy là thủ khoa khối D1 của Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM trong kỳ xét tuyển năm 2016.

Phan Hà Gia Huy
Phan Hà Gia Huy

Là học sinh lớp 12 chuyên tiếng Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định), Gia Huy cho rằng học tiếng Anh là quá trình kết bạn với ngôn ngữ và ngữ văn là mảnh đất thể hiện tư duy cá nhân, vốn sống mỗi người.

Học tiếng Anh để bước ra thế giới

“Những chuyên gia tài chính ở phố Wall nhìn oách làm sao!” - Gia Huy đã chia sẻ như vậy về hình mẫu lý tưởng mà bạn muốn trở thành trong tương lai. Đó cũng là động lực để Huy theo đuổi tiếng Anh, đăng ký chuyên ngành tài chính quốc tế, khoa tài chính ngân hàng, ĐH Ngoại thương.

Tuy nhiên, Huy cũng thừa nhận đến tận lớp 12 bạn mới quan tâm chọn ngành nghề, trước đó chỉ biết đi học rồi đi thi: “Đúng là hơi vội. Nhưng mình thích gì thì mình học cái đó thôi".

Huy bị thu hút bởi sự năng động và tầm hiểu biết của các chuyên gia tài chính. Huy bắt đầu tìm hiểu, phân tích môi trường công việc, cơ hội nghề nghiệp, khả năng thăng tiến, lương bổng, nhu cầu nhân lực cần số lượng bao nhiêu, tính chất công việc đi đó đây, tầm nhìn nghề nghiệp...

Huy thường đọc tạp chí Forbes, xem truyền hình và các sách để tìm hiểu ngành tài chính có phù hợp với năng lực và sở thích của mình hay không.

Hiện tại sau một học kỳ trên giảng đường đại học, Gia Huy cho biết cảm thấy hài lòng với môi trường học tập năng động cùng nhiều CLB giúp sinh viên phát triển kỹ năng lãnh đạo, bản thân Huy cũng tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ về con đường đến phố Wall, Mỹ.

Khi được hỏi về kinh nghiệm học tiếng Anh, Gia Huy khẳng định đó là một quá trình. Mẹo giải đề hay dấu hiệu để “mò” ra đáp án là có nhưng không áp dụng được nhiều, đặc biệt là khi đề cố ý đánh đố bằng từ đồng nghĩa và các trường hợp bất quy tắc.

“Muốn học tiếng Anh tốt phải đọc nhiều. Không chỉ học thuộc mặt chữ, mình phải thực hành nghe, nói, đặt câu với từ vựng, vận dụng hết bốn kỹ năng vì đề cũng kiểm tra phần trọng âm và phát âm. Suy cho cùng, học tiếng Anh phải giao tiếp được” - Huy chia sẻ.

“Tuyệt đối không học tủ! Thi trắc nghiệm tổng hợp nhiều mảng kiến thức, không thiên về một mảng nào”, Huy thêm.

Từng "chinh chiến" hàng chục cuộc thi lớn nhỏ, Huy nhận định: “Trong đề tiếng Anh thường xuyên xuất hiện một số câu-lấy-điểm-thí-sinh rơi vào các phần cụm động từ, thành ngữ, những cụm từ cố định không tuân theo quy tắc.

Để làm được những câu này, Huy đã có quá trình tiếp xúc với tiếng Anh qua sách báo, nhìn riết quen chứ không chủ ý học thuộc lòng. Khi gặp lại trong đề, cảm giác ngôn ngữ sẽ mách bảo đáp án một cách tự nhiên, khó giải thích vì sao chọn.

Bản chất ngôn ngữ là trải nghiệm, ai trải nghiệm nhiều sẽ hiểu tiếng Anh. Trong trường hợp những câu khó, mình có thể thử loại trừ, căn cứ ngữ cảnh của câu để lọc bớt những đáp án vô nghĩa”.

Làm văn không nên gò bó tư duy

9 điểm môn văn, nhưng Huy cho biết mình không học quá nhiều. Huy quan niệm: “Văn không phải để học thuộc lòng. Huy cũng không học thêm văn ở nhà. Bù lại, mình tập trung nghe giảng trên lớp để có kiến thức cơ bản về tác phẩm, hiểu bối cảnh xã hội ảnh hưởng đến tác phẩm”.

Huy lưu ý bốn điểm khi học và thi môn văn. “Thứ nhất, nắm phương pháp làm bài và bản chất vấn đề. Ví dụ nếu đề bài yêu cầu phân tích quan điểm tác giả trong đoạn văn mà thí sinh lao vào phân tích nhân vật thì… trớt quớt.

Các bạn thí sinh cần bình tĩnh đọc đề, xác định yêu cầu và trả lời chính xác. Phần nào cần xoáy sâu, phần nào chỉ lướt qua. Thứ hai, mình cảm nhận thế nào thì viết vậy, song song đó là sử dụng vốn hiểu biết xã hội đưa vào bài làm”.

Thực tế, học sinh ôn thi có thói quen học thuộc lòng luận điểm, cách phân tích tác phẩm của giáo viên mong đúng barem điểm.

Huy chia sẻ: “Thầy cô có kinh nghiệm luyện thi nhiều năm. Tiêu chuẩn, quan điểm, cách phân tích của thầy cô chắc chắn rất tốt, nếu áp dụng được theo yêu cầu đề bài thì áp dụng. Nhưng Huy thấy không nên gò bó tư duy. Dựa trên kiến thức của thầy cô, mình mở rộng vấn đề, chia sẻ suy nghĩ, trải nghiệm của bản thân để bài viết sinh động và khác biệt”.

Điểm lưu ý thứ ba của Gia Huy là không học thuộc lòng tất cả. Anh bạn tự nhận lười biếng nên chỉ đọc hiểu tác phẩm, nhớ một vài câu nói quan trọng trong bài để làm vốn.

“Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là được học tủ” - Huy nhấn mạnh. Một tác phẩm có vô vàn vấn đề có thể đưa vào đề thi, từ quan điểm tác giả, hình tượng nhân vật, cốt truyện đến ý nghĩa liên hệ. Nếu chỉ học một khía cạnh trong mỗi tác phẩm thì cực kỳ nguy hiểm khi đề trật “tủ”.

Tham gia thi thử hai lần môn văn do nhà trường tổ chức, Huy dần dần biết cách phân bố thời gian hợp lý cho các phần, câu. “Đề văn chia theo tỷ lệ điểm 3-3-4. Trong phần 1, mình nên trả lời nhanh, sử dụng cách diễn đạt khoa học, rõ ràng, đầy đủ và tôn trọng người chấm.

Càng về cuối phần 1, các câu hỏi yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ về cuộc sống, đòi hỏi kỹ năng lý giải. Dù mỗi câu chỉ 0,25 đến 0,5 điểm nhưng các bạn cố gắng trình bày có đoạn, kết và mở rõ ràng. Lỗi diễn đạt văn chương bay bổng hãy để ở phần 2 và 3 vì thời gian không cho phép làm màu mè ở phần này” - Huy cho biết.

Về phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học, Huy cũng chia thời gian theo mức điểm. “Sau khi xác định yêu cầu đề cho, mình lập nhanh dàn ý, xác định ý chính các đoạn. Một sườn bài mạch lạc, logic sẽ gây chú ý và thoải mái cho người chấm.

Lưu ý là dù thời gian hạn hẹp thế nào thì cũng phải có phần kết luận. Ở đó thí sinh nên mở rộng vấn đề, không cần lặp lại các ý ở thân và mở bài, hãy tận dụng quan điểm, góc nhìn cá nhân để bài viết đọng lại suy nghĩ cho người đọc”.

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên