14/03/2016 11:24 GMT+7

Muốn học tốt văn trước hết cần hiểu sử

HẢI QUÂN
HẢI QUÂN

TTO - Bùi Minh Chiến, thủ khoa Trường ĐH Luật TP.HCM năm 2015 từng là học sinh chuyên tin của Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng. Giỏi tin học nhưng Chiến lại tự nhận mình có “gen” văn chương từ nhỏ.

Bùi Minh Chiến chia sẻ Cẩm nang tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 của báo Tuổi Trẻ cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các thí sinh - Ảnh: Hải Quân
Bùi Minh Chiến chia sẻ Cẩm nang tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 của báo Tuổi Trẻ cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các thí sinh - Ảnh: Hải Quân

 “Trước đây, mình có khuynh hướng học những môn tự nhiên vì nghĩ sau này sẽ dễ kiếm việc làm. Đến năm học lớp 11, khi cô giáo lịch sử thấy mình có tiềm năng ở các môn xã hội nên gọi mình vào đội tuyển thi Olympic 30-4. Lần đó, mình bất ngờ đạt huy chương vàng. Cũng từ đây, mình quyết định chuyển hẳn sang khối C, trong đó tập trung vào hai môn ngữ văn và lịch sử” - Chiến chia sẻ.

Khi được hỏi vì sao lại chọn thi học sinh giỏi lịch sử chứ không phải môn ngữ văn, Minh Chiến cho biết: “Từ khi học THCS, mình học rất nghiêm túc ở cả hai môn này. Với mình, ngữ văn là ổ khóa, còn lịch sử là chìa khóa. Muốn học tốt văn thì trước hết cần hiểu rõ sử”.

Với Chiến, một bài văn nghị luận chuẩn cần có tư duy sử học làm nền tảng và ngược lại, sự khô cứng của lịch sử có thể được “mềm” hóa bằng cách diễn đạt có phần bay bổng và trữ tình trong văn chương.

“Bởi, rất nhiều kiến thức lịch sử liên quan đến văn học, có nắm được hoàn cảnh sáng tác của tác giả mới thấu hiểu được nội dung, dụng ý của tác phẩm, nhất là dòng văn học cách mạng. Bên cạnh đó, tư duy phân tích, cách lập dàn bài, hướng chọn vấn đề của môn lịch sử cũng rất hữu ích khi áp dụng vào môn ngữ văn” - Chiến lý giải.

Hệ thống các luận cứ văn học trong sổ tay

Từ năm học lớp 11, mỗi lần cô giáo giảng bài, Minh Chiến đều cẩn thận ghi chép lại các dẫn chứng, câu văn, câu thơ quan trọng vào sổ tay để có thể học thuộc bài ngay trên lớp.

“Phần nào cô dặn kỹ hoặc có câu văn, câu thơ nào được phân tích nhiều, mình đều ghi lại vào sổ. Ở dưới mỗi ý, mình thường để trống khoảng 5-6 dòng để bổ sung khi cần. Chỗ nào chưa hiểu mình chủ động hỏi cô giáo ngay sau buổi học” - Minh Chiến nói.

Sau khi kết thúc chương trình học, Chiến bắt đầu vào giai đoạn “nước rút” cho kỳ thi THPT quốc gia. Ở giai đoạn này, Chiến dành 6 ngày trong tuần để luyện thi và hệ thống lại kiến thức các môn, mỗi môn 2 ngày. Đối với môn ngữ văn, Chiến lại chia nhỏ thành từng phần để dễ ôn luyện.

Chiến chia sẻ: “Buổi sáng sớm, mình chủ yếu ôn phần nghị luận xã hội vì đây là thời gian mình điểm báo ngày để nắm các thông tin thời sự. Mỗi khi đọc báo, thấy sự kiện hay vấn đề nào được dư luận quan tâm, nhất là những thông tin về học đường, mình sẽ viết ngay bài nghị luận về vấn đề, sự kiện đó. Sau đó, nhờ cô phân tích và sửa lại lúc đi học thêm. Ngoài ra, khi rảnh rỗi, mình còn xem thêm kịch nói hoặc các tiểu phẩm hài nhằm tích lũy các yếu tố phê phán, châm biếm để áp dụng vào bài viết khi cần”.

Sau giấc ngủ trưa, Chiến tập trung vào phần đọc - hiểu, lên mạng tìm các dạng đề hoặc bài tập có liên quan đến ngữ pháp như tìm lỗi sai, các biện pháp tu từ… “Những phần này chủ yếu là những kiến thức căn bản đã nắm trong quá trình học trên lớp, giờ chỉ ôn lại và làm nhiều dạng bài tập cho nhuần nhuyễn. Trăm hay không bằng tay quen” - Chiến vui vẻ nói.

Còn lại những dạng bài về nghị luận văn học, Chiến sẽ ôn vào buổi tối. Bởi theo Chiến, đó là khoảng thời gian khá yên tĩnh. Ở phần này, Chiến lưu ý: “Đây là một phần khó, muốn nắm chắc ý thì trong quá trình học cần tuân thủ 3 nguyên tắc.

Thứ nhất, cần đọc bài kỹ trước khi lên lớp để có được cái nhìn tổng quan về tác phẩm. Thứ hai, khi lên lớp chú ý nghe các hướng phân tích của giáo viên từ đó đối chiếu với góc nhìn riêng của mình để rút ra ý chính. Thứ ba, các tình huống truyện, dẫn chứng trong văn bản nên được ghi lại vào sổ tay để lúc ôn thi dễ hệ thống kiến thức và nắm được lâu hơn nội dung chính của tác phẩm”.

Bên cạnh đó, Chiến còn nhấn mạnh việc lồng ghép nghị luận văn học với nghị luận xã hội, tìm ra những câu chuyện tiêu biểu từ thực tế hoặc những kinh nghiệm từ bản thân có liên quan đến nội dung, ngụ ý của tác phẩm văn học. “Hướng ra đề này khá khó “nhằn” nhưng rất thường gặp trong vài năm gần đây” – Chiến cho biết. 

HẢI QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên