29/07/2016 10:56 GMT+7

Những lưu ý khi đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Ngày 1-8 tới đây các trường ĐH, CĐ sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Thí sinh cần lưu ý gì khi đăng ký xét tuyển?

Thí sinh được tư vấn tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Thí sinh được tư vấn tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Ngày mai 28-7, Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn ĐH. Theo lịch tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 đã điều chỉnh, thời gian dành cho xét tuyển, công bố kết quả và thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nguyện vọng trúng tuyển có sự thay đổi.

Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - việc điều chỉnh lịch nhằm để thí sinh có thêm thời gian suy nghĩ quyết định chọn trường, giảm bớt áp lực tâm lý và thí sinh sẽ được lợi hơn.

Các mốc thời gian đăng ký xét tuyển

Thời gian nhận đăng ký xét tuyển đợt 1 từ ngày 1-8 đến 12-8. Các trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 14-8; thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 19-8 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh). Xét tuyển bổ sung đợt 1 từ ngày 21-8 đến hết ngày 31-8.

Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 4-9; thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 9-9 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh). Xét tuyển bổ sung đợt 2 từ ngày 11-9 đến hết ngày 21-9. Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 23-9; thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 28-9 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh).

Các trường  ĐH, CĐ chủ động công bố lịch xét tuyển tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo (nếu có). Kết thúc xét tuyển trước ngày 20-10-2016 đối với bậc ĐH và 15-11-2016 đối với bậc CĐ.

Ba cách thức đăng ký xét tuyển

Năm nay, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia thí sinh chỉ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi (giấy báo điểm) do trường ĐH chủ trì cung cấp. Những thí sinh nào khi làm hồ sơ dự thi có đăng ký dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì mới được cụm thi cấp một giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất có mã vạch.

Thí sinh cần lưu ý không dùng giấy chứng nhận kết quả thi đó để đăng ký xét tuyển mà chỉ nộp giấy này vào trường mình trúng tuyển. Hồ sơ đăng ký xét tuyển cũng đơn giản hơn, thí sinh chỉ nộp phiếu đăng ký xét tuyển. Thí sinh chỉ cần điền đầy đủ thông tin gồm: tên thí sinh, điểm thi và nguyện vọng vào học ngành, trường nào.

Thí sinh có thể nộp qua bưu điện chuyển phát nhanh, hoặc nộp trực tiếp tại phòng đào tạo trường ĐH, CĐ (nếu trường cho phép). Thí sinh cũng có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến (online). Nếu muốn đăng ký xét tuyển trực tuyến bắt buộc thí sinh phải khai số điện thoại di động lúc làm hồ sơ đăng ký dự thi.

Bộ GD-ĐT cho biết phối hợp với ngành bưu điện để đảm bảo hạn chế những tình huống có thể phát sinh ảnh hưởng đến việc xét tuyển của các trường cũng như quyền lợi của thí sinh. Khi đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện, các bưu cục sẽ yêu cầu thí sinh khai bản đăng ký, trong đó có số báo danh của thí sinh, mã trường đăng ký xét tuyển…

Các dữ liệu này sẽ được tập hợp và chuyển cho Bộ GD-ĐT ngay sau khi hết thời gian đăng ký xét tuyển (ở mỗi đợt xét tuyển) để bộ cập nhật lên hệ thống và chuyển cho các trường. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Văn Nghĩa cũng lưu ý: “Thí sinh không nên để đến ngày cuối cùng mới nộp đăng ký xét tuyển. Nếu như năm 2015 thí sinh có thể chờ đến thời điểm cuối để biết khả năng trúng tuyển của mình thì với phương thức xét tuyển như năm nay, thí sinh được đăng ký vào nhiều trường thì căn cứ vào số lượng đăng ký xét tuyển ở một trường không thể biết được khả năng trúng tuyển của mình. Như vậy không có lý do gì để thí sinh chờ đến ngày cuối cùng mới nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển để có thể gặp phải các rủi ro không đáng có”.

Xác nhận nguyện vọng học sau khi trúng tuyển

Mới đây, Bộ GD-ĐT có sự điều chỉnh thời gian như sau: giảm bớt thời gian ở các bước xét tuyển và công bố kết quả ở trường, thời gian các trường chốt danh sách thí sinh; thời gian để thí sinh quyết định chọn trường tăng lên là 5 ngày. Với thay đổi này, thời gian đăng ký ở các đợt xét tuyển không thay đổi (12 ngày đợt 1 và 10 ngày ở các đợt bổ sung).

Năm 2016, thí sinh có thể đăng ký vào tối đa hai trường, dẫn đến việc thí sinh có thể trúng tuyển cả hai trường. Do nhiều trường hợp trúng tuyển cùng lúc hai trường như vậy, các trường ĐH không thể xác định được có bao nhiêu thí sinh học ở trường mình để có thể công bố chỉ tiêu cho đợt xét tuyển tiếp theo.

Vì vậy sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải xác nhận với trường mình trúng tuyển là có nguyện vọng học bằng cách nộp cho trường bản chính của giấy chứng nhận kết quả thi (mỗi thí sinh chỉ được cụm thi cấp 1 bản chính). Các thí sinh chỉ trúng tuyển một trường cũng phải đăng ký xác nhận nhập học.

“Kết quả trúng tuyển đợt I được công bố trước ngày 14-8. Thí sinh trúng tuyển đợt I nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường nhập học trước 17g ngày 19-8 (theo dấu bưu điện nếu nộp qua bưu điện). Nếu thí sinh nào không nộp giấy báo điểm thì nhà trường coi như em không học và sẽ hủy kết quả trúng tuyển” – TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) lưu ý.

Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến cần truy cập địa chỉ trang thông tin điện tử đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ trực tuyến năm 2016: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Thí sinh cần lưu ý địa chỉ đăng ký trực tuyến này để tránh nhầm lẫn khi thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Bên cạnh đó, thí sinh cần lưu ý hiện nay cũng có rất nhiều trường ĐH, CĐ xét tuyển từ học bạ THPT (kết quả học của ba năm THPT hoặc của năm học lớp 12) bên cạnh việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Thí sinh cần tham khảo thông tin xét tuyển này trên trang thông tin điện tử của các trường ĐH, CĐ.

Cân nhắc kỹ trước khi đăng ký xét tuyển

Thí sinh cần tìm hiểu thông tin liên quan đến từng đợt xét tuyển của trường ĐH, CĐ mình quan tâm, gồm chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi ngành, nhóm ngành; ngưỡng điểm đăng ký xét tuyển và điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Ví dụ: điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển của các trường thành viên ĐHQG TP.HCM: bậc ĐH thí sinh có trung bình cộng các điểm trung bình ba năm học (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) từ 6,5 trở lên; bậc CĐ thí sinh có trung bình cộng các điểm trung bình ba năm học (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) từ 6.0 trở lên.

Khi đã có kết quả thi, thí sinh cần căn cứ vào số điểm của mình (theo tổ hợp xét tuyển), nguyện vọng vào các trường và nên tham khảo điểm chuẩn các ngành những năm trước để cân nhắc một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định bặt bút vào phiếu phiếu đăng ký xét tuyển. Cần lưu ý, năm nay thí sinh không được rút lại hồ sơ đăng ký xét tuyển sau khi đã nộp nên cần cân nhắc thật kỹ trước khi nộp hồ sơ.

Nếu như chưa trúng tuyển đợt 1, thí sinh cũng đừng quá lo lắng vì  còn cơ hội ở những đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo. Lúc này, thí sinh nên thận trọng trong việc chọn trường có mức điểm, ngành phù hợp với mình và chỉ tiêu tuyển sinh thêm để cân nhắc cẩn thận. 

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên