01/10/2010 08:09 GMT+7

Trường vắng thí sinh, ngành đóng cửa

THANH HÀ - MINH GIẢNG
THANH HÀ - MINH GIẢNG

TT - Nhiều ngành phải đóng cửa, nhiều ngành cố vớt vát đến những thí sinh cuối cùng dù đã linh hoạt dùng nhiều cách giảm điểm chuẩn, mở rộng nguồn tuyển. Đó là tình cảnh của một số trường ĐH, CĐ sau khi thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV3 kết thúc, khép lại mùa tuyển sinh năm nay.

2ZaxKwlm.jpgPhóng to
Thí sinh và phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 tại Trường ĐH Hùng Vương - Ảnh: Như Hùng

Ngay từ sau khi công bố điểm chuẩn NV1, 11 ngành của ĐH Đà Nẵng đã thông báo đóng cửa. Thêm một số ngành tại các trường ĐH An Giang, Đồng Tháp tiếp tục đóng cửa sau xét tuyển NV2.

Nhiều ngành gắng gượng vớt vát bằng NV3 nhưng chắc chắn sẽ không mở được. Không những thế, chỉ tiêu ở nhiều trường bị hụt đáng kể dù đã vận dụng điều 33 quy chế tuyển sinh, một hình thức giảm điểm chuẩn, để mở rộng nguồn tuyển.

7 điểm đậu ĐH công lập

Điểm chuẩn bằng điểm nhận hồ sơ

Chiều 30-9, không cần phải chờ thêm thời gian để xét, hầu hết các trường ĐH đã thông báo mức điểm trúng tuyển NV3. Các trường ĐH ngoài công lập như Đông Đô, Chu Văn An, Đại Nam, Thành Tây, Hải Phòng, Hòa Bình, Lương Thế Vinh... đều cho biết mức điểm trúng tuyển bằng với điểm sàn của từng khối thi. Ở các trường công lập, điểm chuẩn cũng không có biến động. Những trường có nhiều chỉ tiêu NV3 như ĐH Tây Bắc, ĐH Thái Nguyên, ĐH Hùng Vương (Phú Thọ)... cho hay về cơ bản, điểm chuẩn bằng với mức điểm đã thông báo nhận hồ sơ.

Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM: bậc ĐH kế toán, quản trị kinh doanh (A, D) 15,5 điểm, tài chính ngân hàng 20 điểm. Bậc CĐ tiếng Nhật 11,5 (điểm ĐH), 16,5 (điểm CĐ). Các ngành còn lại bằng điểm sàn. Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng điểm chuẩn NV3 tất cả các ngành bằng điểm sàn.

Đây là năm đầu tiên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tuyển sinh tại phân hiệu Ninh Thuận với 300 chỉ tiêu. Điểm chuẩn NV2 và xét tuyển NV3 tại đây chỉ bằng điểm sàn. Trường vận dụng điều 33, mỗi khu vực cách nhau 1 điểm, mỗi nhóm đối tượng cách nhau 1,5 điểm. Như vậy, thí sinh thuộc diện ưu tiên cao nhất sẽ được ưu tiên đến 6 điểm và chỉ cần đạt 7 điểm thực tế là đã trúng tuyển ĐH.

Trong khi đó, phân hiệu Gia Lai của trường này cũng phải vận dụng điều 33 nhưng số hồ sơ vẫn rất ít.

Trường ĐH Đồng Tháp sau khi công bố điểm chuẩn NV1 đã xin vận dụng điều 33 gia tăng khoảng cách điểm ưu tiên khu vực lên 1 điểm khi xét NV2 cho một số ngành, nhưng cuối cùng các ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp vẫn phải đóng cửa do không tuyển được thí sinh.

Đáng ngại nhất là Trường ĐH Trà Vinh xét tuyển NV3 gần 1.500 chỉ tiêu nhưng chỉ nhận được gần 200 hồ sơ. Như vậy “vét” hết cả ba NV, trường mới chỉ tuyển được khoảng 1/3 tổng chỉ tiêu bậc ĐH dù đã vận dụng điều 33, tăng điểm ưu tiên đối tượng lên 1,5.

Những trường không được ban “gậy thần” thì sử dụng nhiều phương thức khác để “vét” thí sinh. Các ngành sư phạm Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) chỉ xét tuyển NV1, NV2 đối với thí sinh có hộ khẩu tại Bình Dương. Tuy nhiên do số thí sinh trúng tuyển chẳng được bao nhiêu nên đến NV3 trường này đã mở rộng vùng tuyển ra phạm vi cả nước, với số lượng gần 100 chỉ tiêu/ngành với điểm xét tuyển bằng điểm sàn. Tuy vậy hồ sơ nộp vào chỉ lác đác.

Trong khi đó Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM sau khi xét tuyển NV1, NV2 đã bổ sung khối C khi xét tuyển NV3 cho ngành quản lý văn hóa (bên cạnh khối R1) để mở rộng nguồn tuyển nhưng tuyển chưa được 50% chỉ tiêu.

Các trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Văn Hiến, Kỹ thuật công nghệ TP.HCM tuy hồ sơ suýt soát chỉ tiêu nhưng lại mất cân đối giữa các ngành. Một số ngành khối xã hội, kỹ thuật chỉ có vài hồ sơ/ngành. ĐH Huế cũng thiếu hụt chỉ tiêu nghiêm trọng. Nhiều ngành nhóm nông nghiệp tuyển gần 250 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ nhận được khoảng 30 hồ sơ. Hầu hết các ngành có dưới 20 hồ sơ/ngành.

Ở khu vực phía Bắc, Học viện Quản lý giáo dục xét tuyển 170 chỉ tiêu NV3 khối A với mức điểm chỉ có 14. Nhưng đến chiều 29-9 trường mới nhận được chưa đầy 100 hồ sơ dự tuyển. Tương tự, Trường ĐH Y Hải Phòng xét tuyển 142 chỉ tiêu cho năm ngành đào tạo. Nhưng theo bà Lương Trần Khuê - trưởng phòng đào tạo, trường nhận được hồ sơ chưa đủ so với chỉ tiêu cần tuyển. Trong đó có ngành bác sĩ răng hàm mặt chưa nhận được hồ sơ nào.

Đối với các trường ngoài công lập tình hình càng bi đát hơn. Trường ĐHDL Lương Thế Vinh (Nam Định) còn 1.000 chỉ tiêu xét tuyển NV3 nhưng đến ngày 29-9 mới chỉ nhận được khoảng 300 hồ sơ. Ông Nguyễn Hữu Kiều, trưởng phòng đào tạo, cho hay: “Xét tuyển cả ba đợt, đến hết NV3 trường cũng chỉ tuyển được khoảng 50% tổng chỉ tiêu”.

Điểm sàn chưa hợp lý?

Theo đánh giá của các trường, kể cả công lập và ngoài công lập, nguyên nhân của việc tuyển sinh khó khăn trong kỳ tuyển sinh năm nay là do thiếu nguồn tuyển.

Ông Nguyễn Hữu Kiều nhận xét: “Năm nay các trường công lập phải xét tuyển đến mức điểm sàn thì làm gì còn nguồn tuyển cho các trường dân lập”.

Thạc sĩ Huỳnh Thị Hồng Vinh - trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Đồng Tháp - cho biết dù đã gia tăng điểm ưu tiên khu vực, nhưng do điểm thi của thí sinh quá thấp nên nguồn tuyển bị cạn kiệt khiến trường vẫn không tuyển được. Gắng gượng lắm mới mở được một lớp/ngành để giữ ngành.

Ông Diệp Minh Tân - trưởng phòng khảo thí Trường ĐH Trà Vinh - cho biết riêng ngành kinh tế gia đình mấy năm gần đây không mở được, các ngành còn lại cũng cố gắng mở được một lớp. Do đặc điểm vùng sâu vùng xa, mặt bằng thí sinh không cao nên dù có vận dụng điều 33 cũng khó lòng tuyển đủ dù điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn do nguồn tuyển không có.

GS Huỳnh Hữu Tuệ - Trường ĐH quốc tế Bắc Hà - cũng cho rằng năm nay không còn nguồn tuyển. Theo GS Tuệ, đến thời điểm này việc xác định điểm sàn để giới hạn thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào ĐH đã không còn hợp lý, vì trong giáo dục ĐH ở VN cầu không còn vượt cung như trước.

“Khái niệm điểm sàn để bảo vệ chất lượng đào tạo là không chính xác vì chất lượng đào tạo đâu có phụ thuộc vào điểm sàn. Điểm sàn không phải là yếu tố mang tính ảnh hưởng quyết định đến chất lượng. Chất lượng phụ thuộc chủ yếu vào quá trình đào tạo và sàng lọc người học - GS Tuệ bày tỏ quan điểm - Trước đây cần có sàn để giới hạn số lượng SV được tuyển chọn. Bây giờ cung - cầu không còn chênh lệch, theo tôi không cần thiết phải có điểm sàn”.

Ông Tuệ cũng chỉ ra trong hai năm gần đây, chỉ tiêu đào tạo của một số trường ĐH công lập thường được tăng quá nhanh, dẫn đến tình trạng các trường công lập cũng phải “vét” mới tuyển đủ chỉ tiêu.

THANH HÀ - MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên