31/05/2006 14:16 GMT+7

Gợi ý giải đề thi môn Văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2006

TRẦN VĂN ĐƯƠNG - PHẠM THỊ PHƯƠNG - NGUYỄN THÀNH THI (Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn)
TRẦN VĂN ĐƯƠNG - PHẠM THỊ PHƯƠNG - NGUYỄN THÀNH THI (Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn)

TTO - Tuổi Trẻ Online mời các bạn thí sinh xem gợi ý tham khảo giải đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT năm học 2005 - 2006 chương trình không phân ban (những gợi ý này chỉ có tính chất tham khảo).

iMRIqtMj.jpgPhóng to
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai TP.HCM sáng 31-5-2006 - Ảnh: Như Hùng
TTO - Tuổi Trẻ Online mời các bạn thí sinh xem gợi ý tham khảo giải đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT năm học 2005 - 2006 chương trình không phân ban (những gợi ý này chỉ có tính chất tham khảo).

Đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT

Gợi ý môn Toán

Gợi ý môn Địa lý

Gợi ý môn Lịch sử

Gợi ý môn Hóa học

ĐỀ VÀ GỢI Ý THAM KHẢO CÁCH LÀM ĐỀ SỐ 1 - MÔN NGỮ VĂN

Câu 1 (2,0 điểm): Những nét chính nào trong cuộc đời của nhà thơ Êxênin đã ảnh hưởng đến sáng tác của ông?

Câu 2 (8,0 điểm): Anh hoặc chị hãy phân tích truyện ngắn "Mùa lạc" của Nguyễn Khải để làm rõ cảm hứng hồi sinh trong tác phẩm.

Gi ý tham khảo cách làm:

Câu 1:

Xecgây Êxênin (1895-1925) là nhà thơ Nga vĩ đại. Những nét chính trong cuộc đời ông có ảnh hưởng đến sáng tác:

- Êxênin được coi là "nhà thơ cuối cùng của làng quê Nga" - người viết hay nhất về nước Nga nông nghiệp xưa. Ông yêu quý, hiểu và thể hiện sâu sắc về nó bởi ông sinh trưởng từ làng quê, suốt đời gắn bó với thiên nhiên, con người và cuộc sống nơi đây. Ông có nhiều vần thơ tuyệt diệu viết về thiên nhiên, loài vật, về tâm hồn Nga. Đó là một trong những biểu hiện đặc sắc về lòng yêu nước của nhà thơ (Bài ca về con chó mẹ, con bò, con cáo cái, nước Nga vàng, ...)

- Thơ Êxênin có màu sắc tôn giáo, dễ thấm sâu trong tâm linh con người. Nhà thơ sinh trưởng trong một gia đình sùng đạo (chính thống giáo). Từ bé Êxênin đã theo bà ngoại đi lễ nhà thời, hát thành ca và thuộc nhiều thơ ca tôn giáo. (Thư gửi Mẹ)

- Thơ Êxênin phóng khoáng, chân thành, đắm đuối trong tình yêu cuộc sống. Ông đón nhận Cách Mạng Tháng Mười bằng cách riêng của mình - của con người gắn bó thâm sâu với làng quê nông nghiệp. Đứng trước cuộc sống mới mang màu sắc và nhịp độ công nghiệp, Êxênin không khỏi có lúc bế tắc, bi quan. Điều này có những ảnh hưởng rõ ràng đến sáng tác cuối đời của ông. (Đừng gọi con như tám năm về trước, Thư gửi Mẹ…)

Câu 2:

Gợi ý phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật “Mùa lạc” là một truyện ngắn được trích trong tập truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Khải, xuất bản năm 1960, đây là một truyện ngắn đặc sắc hơn cả.

1) Tóm tắt truyện:

Truyện ngắn “Mùa lạc" của Nguyễn Khải kể về cuộc đời của một người phụ nữ tên Đào, quê ở Hưng Yên. Đào là một người phụ nữ gặp nhiều bất hạnh trong cuộc đời, nhà nghèo, không có ruộng, lại không có cả nhan sắc. Đào vốn làm nghề đậu phụ, thời địch tạm chiếm lại sang úp men nấu rượu.

Đào lấy chồng từ năm mười bảy tuổi, nhưng chồng cờ bạc, nợ nần nhiều rồi bỏ đi Nam, đến đầu năm 1950 mới về quê. Ăn ở lại với nhau được đứa con trai lên hai thì chồng chết. Cách mấy tháng sau đứa con lên sài bỏ đi để chị ở lại một mình. Từ ngày ấy chị không có gia đình nữa, đòn gánh trên vai, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường.

Chị lưu lạc nhiều nơi kiếm sống. Ngoại hình đã xấu lại càng thêm tàn tạ, có lúc chị muốn về sống lại ở quê hương nhưng nào có còn ai và chị đã phải chua chát “thôi đành đi mãi”. Chị sống táo bạo và liều lĩnh, ghen tỵ với mọi người và hờn giận cho thân mình.

Cuối cùng chị lưu lạc đến nông trường Điện Biên và làm trong đội sản xuất số 6. Ở đây trong một môi trường với những con người mới, giàu lòng yêu thương, chị đã tìm thấy hạnh phúc ở Dịu - một viên thiếu úy già ở lò gạch.

2) Hình tượng nhân vật trung tâm:

Đào là hình tượng nhân vật trung tâm của câu chuyện. Nhà văn Nguyễn Khải đã khắc họa nổi bật nhân vật Đào với những nét tính cách sau đây:

a. Đào là một người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh trong cuộc đời:

- Về ngoại hình: Đào thuộc loại người bị thua thiệt. Đó là một phụ nữ ít duyên, lỡ thì, quá lứa, gò má cao đầy tàn hương, khuôn mặt thô ra và thiếu hòa hợp, đầu nhọn, cặp chân ngắn và hai bàn tay có những ngón rất to.

Nhưng cũng ở nhân vật này lại có những nét đáng mến và không dễ quên: Đôi mắt hẹp và dài, đưa đi đưa lại rất nhanh, hàm răng khểnh tựa như luôn luôn đùa cợt; và lời ăn tiếng nói biểu hiện một con người có bản lĩnh; khi nhún mình, khi quyết liệt để bảo vệ phẩm giá, khi sắc nhọn, chua ngoa “Huệ thơm bán một đồng mười - Huệ tàn nhụy rữa giá đôi lạng vàng”.

- Về cuộc sống: Đào thuộc loại người phải gánh chịu nhiều bất hạnh: nhà nghèo, không có ruộng đất, phải vất vả để kiếm sống. Đào “làm nghề đậu phụ, thời địch tạm chiếm lại xoay sang úp men, nấu rượu”, có chồng nhưng chồng cờ bạc, nợ nần, bỏ nhà đi Nam.

Sau trở về quê ăn ở lại với nhau có được một đứa con trai, sau hai năm thì chồng mất; ít ngày sau con lại bị lên sài, cũng chết theo chồng. Đào chỉ còn một mình, không nơi nương tựa, không người thân thích, lưu lạc nay đây mai đó để kiếm sống. Cuộc đời của Đào thật tạm bợ “đòn gánh trên vai, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.

Tình cảnh của Đào thật bi đát, thật đáng thương, tội nghiệp “mùa hè vài cái áo cánh nâu vá vai, mùa đông một chiếc áo bông ngắn đã bạc, ngày mưa, ngày nắng, bàn chân đã từng đi khắp mọi nơi không dừng lại một buổi nào”. Những đắng cay, tủi nhục của đời sống hằn in dấu vết trên con người chị "mái tóc óng mượt ngày xưa qua năm tháng khô lại, đỏ đi như chết, hàm răng phai không buồn nhuộm, soi gương thấy gò má càng cao, tàn hương nổi càng nhiều”.

Cuộc sống lưu lạc quá đen tối và bế tắc nên có lúc chị: “Muốn về sống lại ở quê hương” nhưng ở quê hương bây giờ “nào còn ai”, nên chị đã thốt lên “thôi đành đi mãi, ngày khỏe đã vậy, ngày ốm chưa biết ra sao. Muốn chết nhưng đời còn dài nên phải sống”. Đó là một thái độ cam chịu, chấp nhận cuộc sống đầy bất hạnh. Như bất mãn trước cuộc đời chị đâm ra “sống táo bạo và liều lĩnh. Ghen tỵ với mọi người và giận cho thân mình”, hay hờn tủi.

b. Niềm khát khao một cuộc sống gia đình hạnh phúc của Đào

Tuy gặp nhiều bất hạnh, đắng cay, buồn tủi trong cuộc sống nhưng niềm khát khao về cuộc sống, về một gia đình hạnh phúc không lịm chết trong Đào, nó vẫn cứ âm ỉ rồi bùng lên mãnh liệt như bất cứ người phụ nữ nào.

Niềm khát khao ấy luôn cháy bỏng trong lòng Đào. Những khi lưu lạc nơi đất khách quê người, lúc ốm đau phải nương nhờ người quên, Đào cảm thấy xót xa, cám cảnh cho đời mình: “Cũng có ngày ốm đau, sớm lo việc sớm, tối lo việc tối. Còn bây giờ bốn bể là nhà, chỉ lo thân mình, sao được cơm ngày hai bữa, chân cứng đá mềm”. Đó cũng chính là niềm khát khao về cuộc sống gia đình hạnh phúc của chị.

Rồi Đào tìm đến nông trường Điện Biên “với tâm lý con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chùn chân, muốn tìm một nơi hẻo lánh nào đó, thật xa với nơi quen thuộc để quên đi cuộc đời đã qua, còn những ngày sắp tới ra sao chị cũng không cần rõ, đại khái là cũng chẳng hơn gì trước mấy, có thể gặp nhiều đau buồn hơn. Quân tử gian nan, hồng nhan vất vả, số kiếp đã định thế, trước sau vẫn chỉ con đường ấy, không thể nào tránh được”.

Đó chính là nơi dừng chân của con người đã chạy cả một quãng đường dài. Nhưng đến nông trường Điện Biên, niềm khát khao lại bùng cháy trở lại một cách mãnh liệt trong lòng Đào. Một cái gì chưa rõ nét lắm lúc ban đầu nhưng Đào cảm thấy đầm ấm hơn, tươi sáng hơn những ngày đã qua cứ lấp lóe ở phía trước. Ở một môi trường mới với những con người lao động mới, Đào cảm thấy năng động hơn.

Chị thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ và vận dụng vào lời ăn tiếng nói một cách thuần thục linh hoạt. Khi mặc cảm về thân phận của mình chị nói “Trâu quá xá, mạ quá thì, hồng nhan bỏ đi còn gì là xuân”; có khi chị cảm nhận một cách chua chát về bước đi của thời gian, nó mang theo tuổi xuân của cuộc đời: “các anh đã biết đời em rồi đấy.

Mỗi một tuổi, cái tuổi nó đuổi cái xuân đi”; có khi để chống lại cái mặc cảm về cuộc đời mình khi chị “nhận ra cái trò chơi độc ác của mọi người bằng cách đem ghép chị là người xấu nhất của đội sản xuất với Huân, người đẹp trai nhất, chị thấy tiếc sự thành thật của mình, viêc gì phải tủi, phải nhún mình, người nào mà chẳng có cái phần tốt đẹp”, nên chị đã chanh chua “Huệ thơm bán một đồng mười - Huệ tàn nhụy rữa giá đôi lạng vàng”. Lòng tự trọng của chị như càng được nâng cao hơn nữa “giá đôi lạng vàng chứ chưa vị tất đã bán đâu anh Huân ạ”.

Trong cái không khí rộn ràng, náo nức và những sinh hoạt của nông trường “Tiếng cười the thé, tiếng thủ thỉ, tiếng la hét, tiếng trẻ con khóc. Người ta làm việc, người ta yêu nhau và cũng làm cho nhau đau khổ. Những nỗi niềm, những tâm sự, những mong ước. Cuộc đời vĩ đại đã trở lại rồi” đã đem lại cho Đào một niềm vui say trong lao động. Chị lao động khỏe không thua gì nam giới, chị cũng tham gia làm thơ cho báo tường.

Đặc biệt là chị đứng chung tổ máy suốt với Huân. Hình ảnh của Huân đã khơi dậy trong chị một niềm khát khao mãnh liệt về một cuộc sống hạnh phúc gia đình “Huân đã có người yêu và cặp ấy rất xứng đôi, còn chị là gái góa chồng không hy vọng gì được yêu một người con trai chưa từng có vợ.

Nhưng mỗi buổi đi làm cùng nhổ lạc ở một khoảnh, cùng đứng tuốt ở một máy, nhìn đôi cánh tay cuồn cuộn những thớ thịt cháy nắng đỏ rực của Huân thoang thoáng bên cạnh, chị lại càng bừng bừng thèm muốn một cảnh gia đình hạnh phúc, lại hy vọng cuộc đời của mình chưa phải đã tắt hẳn”.

c. Đào vượt qua số phận và tìm thấy hạnh phúc

Hạnh phúc đến với Đào thật bất ngờ. Chị nhận được bức thư tỏ tình của thiếu úy Dịu ở lò gạch. Lúc đầu chị ngạc nhiên, bực bội và rất tức giận vì chị nghĩ người ta trêu chọc mình, coi thường mình “mới đọc được mươi dòng chị giận dữ tưởng như có thể xé vụn từng mảnh được, người ta coi thường chị đến thế ư ?”.

Nhưng khi chị gấp lá thư lại thì chị cảm thấy “một cảm giác êm đềm cứ lan nhanh ra như mạch nước ngọt rỉ thấm vào những thớ đất khô cằn bị nắng hạn, một nỗi vui sướng kỳ lạ dào dạt không thể nén lại rồi khiến người chị ngây ngất, muốn cười to một tiếng, nhưng trong mí mắt lại đọng đầy nước chỉ định trào ra”.

Hạnh phúc đến với chị lớn lao quá, bởi trong cuộc đời chị từ trước đến nay chưa có một lần nào chị được nghe những lời đầy yêu thương và dịu ngọt đến như thế “từ ngày góa bụa đến nay chưa ai nói được với chị một câu nào yêu thương, một lời gắn bó, chưa ai khao khát đến chị, coi chị là nguồn hạnh phúc của họ, là niềm an ủi của họ. Những dòng, những chữ trong bức thư xa lạ cứ như tiếng nhạc ngân vang mãi trong lòng chị, vang dội đến tận những kẽ ngách sâu kín nhất , thức tỉnh nỗi khao khát yêu thương, khao khát hạnh phúc mà chị cố hắt hủi, vùi nén một cách bất lực từ ngót chục năm trời nay”.

Chị đã nhận lời cầu hôn của Dịu. Bắt gặp được nguồn hạnh phúc, tâm hồn chị cũng đã thay đổi. Trước kia, chị thường chanh chua, ghen tỵ với mọi người, còn bây giờ thì tấm lòng chị đã mở rộng, vui tươi, cởi mở hòa đồng với mọi người hơn, bởi hạnh phúc đối với chị không còn là ảo ảnh nữa mà là hiện thực đang ở trước mắt chị.

3. Giá trị nội dung tư tưởng

a. Như vậy, nông trường Điện Biên chính là quê hương thứ hai của nhân vật Đào. Đó chính là nơi đã đem lại cho Đào niềm yêu thương và hạnh phúc, làm biến đổi số phận nhân vật Đào. Chính sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân Đào trong một môi trường mới thật tốt đẹp, Đào đã tìm thấy niềm vui và hạnh phúc.

Qua số phận đầy bất hạnh và sự vươn lên để vượt qua số phận và tìm thấy hạnh phúc của nhân vật Đào, nhà văn Nguyễn Khải đã nêu lên một quan điểm thật tích cực về cuộc sống mang đầy chất triết lý:”sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Đó là triết lý lạc quan của tác phẩm.

b. Câu chuyện đã nêu bật lên chủ đề:

Thông qua sự biến đổi thân phận nhân vật Đào, Nguyễn Khải muốn khẳng định rằng: chỉ có trong môi trường mới tốt đẹp - nông trường Điện Biên, nơi xưa kia đã từng là biểu tượng của sự hủy diệt của của chiến tranh và nay là mảnh đất hồi sinh của sự sống - chỉ có giữa những con người lao động đẹp và giàu lòng nhân ái, gắn bó trong một quan hệ tốt đẹp giữa người với người, thì mới có thể giải quyết được những bi kịch của những số phận, của những con người bé nhỏ và bất hạnh. Chính ở đây, những con người đó tìm được cho mình một cuộc sống mới.

Đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện niềm khát khao về cuộc sống hạnh phúc của một con người có nhiều bất hạnh và quá trình biến đổi số phận đểm tìm ra hạnh phúc đó chính là giá trị nhân đạo lớn của truyện ngắn “Mùa lạc”.

c. Bên cạnh việc xây dựng hình tượng nhân vật Đào, nhà văn Nguyễn Khải trong truyện ngắn này còn xây dựng hình tượng nhân vật Huân để làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của con người mới. Huân là một nhân vật lý tưởng, trong suốt như pha lê. Huân là một thanh niên đẹp trai, khỏe mạnh, cân đối.

Chính Huân là người đã khơi dậy trong lòng Đào một niềm khát khao mãnh liệt về cuộc sống hạnh phúc gia đình. Huân là một con người có tình cảm cao đẹp, trong sáng. Huân và Duệ yêu nhau làm thành một đôi lứa xứng đôi, nhưng Huân luôn có một tấm lòng nhân ái, cao thượng. Huân không phải chỉ sống cho riêng mình mà còn sống cho người khác. Huân muốn giúp Đào tìm thấy cuộc sống hạnh phúc.

Con người Huân trong suốt và lý tưởng đến độ trong một đêm trăng Huân và Duệ đang ngồi tâm tình bên nhau thì Đào đến “phá đám” nhưng Huân không hề tỏ ra khó chịu một chút nào. Điều đó khó có thật. Hay nói một cách khác Nguyễn Khải đã xây dựng nhân vật Huân quá lý tưởng không đúng với thực tế cuộc sống con người.

Nói tóm lại, ở truyện ngắn “Mùa lạc” nhà văn Nguyễn Khải đã chọn bối cảnh và xây dựng nhân vật khá độc đáo cùng với ngòi bút tả cảnh và mô tả tâm trạng nhân vật khá linh hoạt và sâu sắc.Hơn nữa, cách kết cấu truyện khá chặt chẽ và hấp dẫn.

Đặc biệt là nhà văn Nguyễn Khải đã rất thành công trong việc xây dựng và khắc họa hình tượng nhân vật Đào - một người phụ nữ đầy bất hạnh, đã bằng nỗ lực bản thân cùng với sự yêu thương đùm bọc, giúp đỡ của những con người lao động giàu lòng nhân ái trong một môi trường mới , chị đã vượt qua số phận và tìm thấy nguồn yêu thương, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình.

Truyện ngắn mùa lạc của Nguyễn Khải thật đặc sắc, có cái nhìn mới mẻ, giàu lòng nhân đạo. Tuy cách nhìn và lố viết còn có chút biểu hiện xuôi chiều, lí tưởng hóa, nhưng truyện vẫn có giá trị tích cực, vượt qua tính chất văn nghệ phong trào nhất thời, còn trụ lâu trong lòng người đọc.

------------------------------------------------

ĐỀ VÀ GỢI Ý THAM KHẢO CÁCH LÀM ĐỀ SỐ 2 - MÔN NGỮ VĂN

Câu 1 (2,0 điểm): Anh hoặc chị hãy trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng.

Câu 2 (2,0 điểm): Trình bày ngắn gọn quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh.

Câu 3 (6,0 điểm): Hãy phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ "Tâm tư trong tù" của Tố Hữu:

Cô đơn thay là cảnh thân tù!Tai mở rộng và lòng sôi rạo rựcTôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nứcỞ ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!Nghe chim reo trong gió mạnh lên triềuNghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánhNghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnhDưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...

(Theo Văn học 12, tập một, phần VHVN, NXB Giáo dục 2006 - tr. 26)

Gi ý tham khảo cách làm:

Câu 1

Khoảng cuối mùa xuân năm 1947, Quang Dũng, nguyên phái viên phòng quân sự Bắc Bộ và học viên lớp quân sự ở Tông (Sơn Tây) về Phùng từ giã mẹ già, vợ trẻ, con thơ để lên đường gia nhập đoàn quân Tây Tiến. Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập vào đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt - Lào và đánh tiêu hao quân đội Pháp ở Thượng Lào để hỗ trợ cho những vùng khác trên đất Lào.

Bộ đội Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, lao động chân tay cũng lắm, trí thức cũng nhiều. Đoàn quân tây Tiến, sau một thời gian hoạt động ở Lào trở về thành lập trung đoàn 52. Đại đội trưởng Quang Dũng ở đó đến cuối năm 1948 rồi được chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, ngồi ở Phù Lưu Chanh anh viết bài thơ Tây Tiến.

Bài thơ vừa ra đời đã được đọc trong và ngoài quân đội truyền tay, truyền miệng cho nhau. Trong tập “thơ” do nhà xuất bản Vệ quốc quân liên khu III ấn hành năm 1949, bài thơ có nhan đề là “Nhớ Tây Tiến”. Năm 1957, khi đưa bài này vào tập “Rừng biển quê hương” (in chung với Trần Lê Văn - Nhà xuất bản Hội Nhà văn) Quang Dũng bỏ chữ “Nhớ”, chỉ lấy hai chữ “ Tây Tiến”.

Câu 2: Quan điểm sáng tác văn hc của Chủ tch Hồ Chí Minh :

- Trước hết Bác là người rất yêu và coi trọng văn chương, nghệ thuật, nhưng ham muốn tột bậc của Người là “làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn có áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì thế Người dồn tất cả sức lực, tâm trí vào việc cứu nước. Trên con đường cứu dân, cứu nước Người lại phát hiện ra rằng văn học nghệ thuật là một vũ khí chiến đấu lợi hại. Vì thế Người bèn nắm lấy vũ khí ấy và mài dũa nó bằng ý chí cách mạng để chiến đấu.

- Quan điểm viết văn làm thơ của người là:

+ Coi sáng tác văn thơ trước hết không phải là hành vi văn chương mà là hành vi chính trị, cách mạng. Văn học phải là vũ khí phục vụ cách mạng và nhân dân. Văn hóa văn nghệ là một mặt trận, nhà văn là một chiến sĩ.

+ Người chú trọng đến đối tượng của văn học.Khi đặt bút viết một cái gì, người đều tự đặt cho mình những câu hỏi :

+ Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?

- Người đặc biệt quan tâm đến tính chân thật của tác phẩm. Tính chân thật vốn là cái gốc của văn chương từ xưa đến nay. Người cũng rất quan tâm đến tính nghệ thuật, mặt hình thức của tác phẩm. Tác phẩm phải có ngôn ngữ giản dị, trong sáng, dễ hiểu, nghệ thuật hấp dẫn. Tác phẩm văn học phải thể hiện được tinh thần của dân tộc, của nhân dân và được nhân dân ưa thích.

Câu 3:

Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Tâm tư trong tù” của Tố Hữu “Cô đơn thay… nghe tiếng guốc đi về”.

Đọc thêm kiến thức cơ bản về bài thơ:

1. Bài thơ được viết ngay trong những ngày đầu tiên Tố Hữu bị bắt giam vào nhà lao Thừa Thiên. Bị giam trong xà lim hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài và với các bạn tù khác. Đây là chặng đường thử thách đối với người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi. Và mở ra những trang mới cho tập “Từ ấy”. Phần “Xiềng xích” ra đời.

Bài thơ có hai phần. Phần đầu ba khổ, mỗi khổ 8 câu thơ nói về nỗi cô đơn, niềm khát khao hướng về cuộc sống bên ngoài nhà tù. Và phần sau là dự cảm về những gian lao thử thách trước mắt, tác giả ý thức được thân phận của mình trong tình cảnh mất tự do của cá nhân và của đất nước. Từ đó tự dặn lòng thề quyết giữ vững ý chí chiến đấu và phẩm giá của người cách mạng. Bài thơ kết cấu theo diễn biến tăng tiến của tâm trạng. Từ cảm xúc tình cảm đến nhận thức lí trí.

2. Ấn tượng đầu tiên là nỗi cô đơn. Bốn câu đầu của khổ thứ hai được lặp ở bốn câu đầu một. Có sự nhớ lại niềm say mê bồng bột, niềm vui tươi trẻ của những ngày sống giữa bạn bè trong phong trào sôi nổi thì tác giả mới thấm thía nỗi cô đơn khi bị li cách khỏi môi trường hoạt động.

Cảm xúc tinh tế nhạy bén, tình cảm gắn bó thiết tha với đời sống được tập trung trong sự lắng nghe những biến thái âm thanh ngoài tù vọng vào. “Tai mở rộng” bởi ”lòng sôi rạo rực”bởi cuộc sống đã bị cách ly. Thính giác là khả năng duy nhất mà tác giả giao lưu với bên ngoài.

Những âm thanh gợi cảm về buổi chiều, những âm thanh đó náo nức hơn: Chim “reo”, gió mạnh “lên triều” và tiếng dơi chiều đập cánh cũng trở nên vội vã. Khao khát sống với cuộc đời đầy biến động bên ngoài, hình dung rất rõ cả thế giới bên ngoài… tác giả đã thể hiện một sức sống tuôn trào, một niềm yêu đời mãnh liệt. Và chân dung người cộng sản hiện lên rất đậm đà chất Người.

3. Giữa những âm thanh như rất bề bộn ấy, tâm hồn nhạy cảm của tác giả đã đón nhận và lưu giữ lại được những âm thanh rất dễ bị chìm lấp đi “Nghe lạc ngựa.. đi về”.

“Nghe lạc ngựa” là sự tác động bằng âm thanh nhưng “rùng chân bên giếng lạnh” là một hình ảnh mà mắt ta có thể nhìn thấy được. Sức tưởng tượng của câu thơ thật kỳ diệu. (“Một tiếng rao đêm” của em bé gái cũng khiến cho Tố Hữu thấy rất rõ em nhỏ đó như thế nào!).

Cái cảm giác “lạnh”của buổi chiều trong cái “lạnh”của nước giếng, và nhất là cái “rùng chân” của con ngựa khiến cho nhạc ngựa cũng rung theo đã phát ra âm thanh nhỏ lọt qua khám giam để đến với người tù.

Bức tranh không chỉ là ngoại cảnh mà chứa chất tâm trạng của nhân vật trữ tình: Rất thấm thía nỗi cô đơn và muốn ”đạp tan phòng” mà ra với cuộc đời “ngoài kia sung sướng biết bao nhiêu”.

Câu “Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về” lại là một âm thanh “xa” rất khó nghe mà nhà thơ đã nghe được. Đây là âm thanh đời thường vọng vào thế giới cô quạnh chốn tù đày. Câu thơ bình dị nhưng có sức lay động lớn. Nó cho ta thấy tấm lòng thương mến, khao khát được hòa đồng với con người. Chính vì thế mà các giác quan của nhà thơ rung động theo, lần theo những âm thanh thân thuộc trong cuộc sống con người.

4. Phần sau bài thơ có sự chuyển hướng trong mạch “tâm tư” của nhân vật trữ tình. Dòng cảm xúc đang lên ở phần trên bỗng xoay chuyển đột ngột bởi sự thức tỉnh của lí trí. Đó là ý thức nỗ lực vươn lên, điều khiển chế ngự những xúc cảm bằng sự tự soi sáng của nhận thức xã hội, của ý chí cách mạng.

(Ở bản lĩnh Hồ Chí Minh thì lại khác. Mặc dầu lí trí nhận thức không lãng mạn chút nào “Trong tù không rượu cũng không hoa”nhưng không vì thế mà Bác chế ngự tình cảm của mình trước một đêm trăng đẹp. Bác thú nhận “Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ!” (bài “Ngắm trăng”).

Ở phần sau của bài thơ này. Tố Hữu thể hiện tính “chính luận” tức là trình bày nhận thức, lí giải quan niệm và bày tỏ ý chí quyết tâm. Sự nhấn mạnh về lí trí đã tạo nên một thế mất thăng bằng cho bài thơ. Tuy dặn lòng rất thành thật nhưng lời thơ thuyết minh nhiều lời quá khiến cho tác phẩm trở nên nặng nề, công thức bị pha loãng và hơi ồn ào.

Gợi ý làm bài:

Đoạn thơ trích trong bài thơ “Tâm tư trong tù” của Tố Hữu chính là một khúc ca tâm trạng của người thanh niên trẻ - một cánh chim tự do bị giam cầm khát khao được sổ lồng tung cánh:

“Cô đơn thay là cảnh thân tù!Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực.Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức.Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!

Nghe chim reo trong gió mạnh lên triềuNghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánhNghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnhDưới đường xa, nghe tiếng guốc đi về…”

Năm 1939, Tố Hữu rơi vào nanh vuốt thực dân Pháp. Chúng giam nhà thơ ở Huế. Cuộc đời hoạt động cách mạng bị ngắt quãng. Tố Hữu chìm vào thế bị động, cô đơn nhiều u uẩn. Cuộc sống của người thanh niên trẻ giờ đây chỉ còn là những chuỗi ngày vô nghĩa. Chí hướng không thể thực hiện được. Tố Hữu thốt lên từ tận đáy lòng lời bộc bạch của một tù nhân.

Cô đơn thay là cảnh thân tù!Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực.Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức.Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!

Lòng Tố Hữu rối như tơ vò. Cuộc sống bao trùm là những chuỗi ngày cô đơn. Sự cô độc – sự bơ vơ làm cho người ta rơi vào khủng hoảng. Bởi vì “con người ta tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Còn nhà tù là nơi bọn thực dân cầm dao cắt đứt tất cả các quan hệ với xã hội, với anh em đồng chí của tù nhân. Thể xác bị dằn vặt, tinh thần thì lạc lõng. Ôi quả thật đây là một sự thống trị tàn ác!

Chính trong sự cô đơn đáng sợ ấy, người chiến sĩ cách mạng cố để cho tâm tưởng của mình giao tiếp với bên ngoài. Phải chăng chính sự giao cảm ấy sẽ làm cho con người ta đỡ phần nào hiu quạnh? Sự tự do đã mất. Tố Hữu mở rộng đôi tai, giang rộng cửa lòng để tìm nghe những âm thanh của cuộc sống bên ngoài.

Cuộc sống ấy, đối với anh ta và những chiến sĩ cách mạng khác bị giam cầm bây giờ không còn được tận hưởng sự đa dạng, cái phong phú, mọi sự biến đổi của nó. Làm sao ta có thể hiểu hết được tâm hồn của người tù khi bị giam trong tù ngục? Chỉ có những ai đồng cảnh ngộ mới có thể hiểu hết nỗi đau của họ.

Điệp khúc tâm trạng ấy được lặp lại nghe não nùng chua xót. Xót xa cho phận mình và ước ao được hòa mình vào cuộc sống. Tất cả choáng ngợp cả tâm hồn trẻ trung của tù nhân. Sư đau khổ của con người ấy tăng lên nhưng sự ham hố được tự do, được hoạt động đã trở thành một ngọn sóng lòng dào dạt, thôi thúc nhà thơ bằng tất cả mọi giác quan, nhưng chủ yếu có lẽ là đôi tai, nhà thơ đang lắng nghe và cảm nhận cuộc sống bên ngoài tù ngục. Thiên nhiên mà tác giả cảm nhận được không chỉ là nỗi buồn bã mà có những âm thanh vui, đầy sức sống :

“Nghe chim reo trong gió mạnh lên triềuNghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánhNghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnhDưới đường xa, nghe tiếng guốc đi về…”

Sự cảm nhận ấy thật tinh tế và sâu sắc. Ta cảm thấy thiên nhiên có chút gì phẫn nộ, có một sự nổi dậy, một sự phản công hay giận dữ. Tiếng chim cô đơn trong thiên nhiên sắp nổi cơn thịnh nộ, làm cho ta cảm thấy có một sự cầu cứu, một lời khẩn thiết báo hiệu một điều gì. Tiếng chim báo hiệu bão tới, hay tiếng chim lạc bầy trong gió cuốn?

Trước sự cô đơn của mình chim cất lên tiếng kêu thảm thiết. Tâm trạng của nhà thơ hay chính hoàn cảnh của chim? Nhà thơ cảm nhận được điều ấy hay chính nhà thơ đang cảm nhận lòng mình? Có lẽ trong sự cô đơn, Tố Hữu đã cảm nhận như thế. Tâm trạng của nhà thơ lại trở về với sự buồn bã của tiếng dơi chiều đập cánh. Màu buồn vẫn nổi lên làm cho cảnh vật hiu hắt. Đâu đâu văng vẳng tiếng lạc ngựa của một người hành khách đường xa. Bên giếng lạnh ngựa dừng lại, chắc có lẽ uống nước.

Tiếng chuông vang lên xa gần và người chiến sĩ nghe được. Tiếng động như xoáy vào lòng nhà thơ, khơi lên một niềm khát vọng tự do. Nhà thơ nghĩ mình có thể như chú ngựa kia, tự do, tung vó. Mỗi tiếng lạc là mỗi hồi chuông dội vào lòng nhà thơ, nghe thúc giục, réo gọi. Chính trong lúc này, nhà thơ mới cảm nhận hết sự bưng bít của nhà tù. Sự cảm nhận ấy liên tục cho đến khi tác giả nghe văng vẳng tiếng guốc trên đường xa. Tiếng guốc - một hình ảnh giản dị – mộc mạc, đáng yêu biểu tượng cho người con gái.

Cô gái Huế xinh xinh trên đường xa, tiếng guốc biểu hiện cho sự hòa bình, cho sự hạnh phúc bởi vì nó là âm thanh của đời thường đối lập với cái im lặng ghê rợn chốn tù ngục giam hãm con người. Tiếng guốc vang vang, nhỏ dần làm lòng người trong ngục nao nao. Thế là nhà thơ đã cảm nhận ra sự có mặt của con người.

Tất cả sự cô đơn dàn trải trong lòng nhà thơ, như được tiếng guốc xoá sạch. Tiếng guốc đưa vào lòng người chiến sĩ một sức mạnh, một tình cảm được phục sinh, một niềm an ủi xoá đi bao chuỗi ngày cô đơn buồn tẻ.

Đoạn thơ là một bức tranh của tâm trạng cô đơn và khao khát cuộc sống tự do rất chân thành của người thanh niên yêu nước bước đầu bị vùi thân nơi tù ngục.

Mời các bạn thí sinh đón xem thêm bài giải trên trang 24g báo Tuổi Trẻ ra ngày mai, 1-6-2006.

TRẦN VĂN ĐƯƠNG - PHẠM THỊ PHƯƠNG - NGUYỄN THÀNH THI (Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên