10/01/2015 11:29 GMT+7

​Thí sinh hỏi Cục khảo thí trả lời

NGỌC HÀ ghi
NGỌC HÀ ghi

Đúng như tên gọi của nó, “Thí sinh hỏi - Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trả lời” là chuyên mục mà học sinh khắp cả nước có thể nêu lên những câu hỏi, băn khoăn, tâm tư của mình để các chuyên gia của Bộ GD-ĐT trả lời, gỡ rối.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tham gia chuyên mục qua email : tuyensinh@tuoitre.com.vn.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT (giữa) – trả lời cho thí sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do Tuổi Trẻ tổ chức tại Bình Định ngày 28-12-2014. Ảnh – MINH GIẢNG

* Em muốn biết đề thi năm 2015 có khác biệt gì nhiều so với đề thi đã được coi là rất đổi mới tại kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 không? (Bùi Linh Đan, Hà Nội)

-Những năm gần đây, đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, nhất là đề thi các môn khoa học xã hội và nhân văn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí đã được ra theo hướng mở để khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng, đồng thời huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của học sinh vào việc làm bài (chẳng hạn, trong đề thi Ngữ văn có kiến thức về Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân...);

Công tác đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng tăng cường các câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức, hiểu biết xã hội, các câu hỏi mở, không đặt nặng yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Đối với các môn khoa học tự nhiên tăng cường đánh giá khả năng vận dụng kiến thức để xử lý các vấn đề thực tế.

Đề thi trong kì thi THPT quốc gia 2015 tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 với nội dung trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

Đề thi gồm các câu hỏi ở mức độ cơ bản phù hợp với cả học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên. Các thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã có thể đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT. Đề thi cũng có các câu hỏi ở mức độ khó nhằm phân hóa kết quả thi phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ.

Các em hoàn toàn yên tâm ôn tập và chuẩn bị tốt tâm lý để đạt kết quả cao nhất trong kì thi.

* Khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh, em thấy có trường xét cả điểm của năm học lớp 10, lớp 11 và lớp 12. Các trường tuyển sinh đều có yêu cầu này hay đây chỉ là yêu cầu riêng của một số trường (Hoàng Lan Anh, Thái Nguyên)

- Việc xét điểm trung bình học tập lớp 10,11,12 là tùy thuộc vào yêu cầu tuyển sinh của từng trường (có thể coi là điều kiện sơ loại như ĐHQG TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội..., hoặc có thể là điều kiện tuyển sinh riêng của các trường có đề án tuyển sinh riêng...), chứ  hoàn toàn không phải là yêu cầu bắt buộc trong tuyển sinh ở tất cả các trường ĐH, CĐ.

Thí sinh có nguyện vọng xét vào trường ĐH, CĐ nào cần tìm hiểu cụ thể điều kiện tuyển sinh của nhà trường để đăng ký cho phù hợp.

*  Trước đây học sinh và giáo viên đều quen thi và chấm điểm theo thang điểm 10, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên. Vậy với thang điểm 20 thì có lợi và thiệt như thế nào cho học sinh và khó khăn gì cho giáo viên hay không? (Huỳnh Lê Thanh Tân)

-Thí sinh cần yên tâm rằng việc mở rộng thang điểm không làm thay đổi cách làm bài của thí sinh. Thí sinh sẽ không có khó khăn gì thêm so với trước đây. Thời gian thi các môn  dự kiến sẽ giữ ổn định như các năm trước để không gây những xáo trộn không cần thiết đối với thí sinh.

Một số khó khăn sẽ gặp  ở khâu ra đề, xây dựng hướng dẫn chấm và công tác chấm thi của giáo viên. Vì lợi ích của thí sinh, đội ngũ giáo viên sẽ cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng với làm tốt công tác tập huấn chấm thi thì những khó khăn nói trên sẽ được vượt qua.

Mặt khác, việc mở rộng thang điểm 20 cũng sẽ hỗ trợ các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh. Với thang điểm 10 trước đây, số thí sinh có tổng điểm 3 môn chênh nhau 0,5 là khá lớn dẫn đến các trường gặp khó khăn nhất định trong tuyển sinh.

Ví dụ, nếu lấy điểm trúng tuyển là 18,0 thì còn thiếu một số chỉ tiêu, nhưng nếu hạ xuống 17,5 thì lại vượt chỉ tiêu quá mức cho phép. Với thang điểm 20, tổng điểm 3 môn gồm nhiều mức hơn phù hợp tốt hơn với sự đa dạng của các trường ĐH, CĐ giúp các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh.

Với những lý do trên, kì thi THPT quốc gia dự kiến sử dụng thang điểm 20. Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến của giáo viên, học sinh và các chuyên gia trước khi chính thức đưa vào quy chế hướng tới tổ chức thành công kì thi THPT quốc gia 2015.

* Em thi khối C nhưng có nguyện vọng thi thêm khối A có được không? (Ngô Thị Minh Thư, Trường THPT Duy Tân)

-Năm 2015, Kỳ thi THPT quốc gia tổ chức thi tám môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn tối thiểu), gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn thi còn lại.

Riêng với thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ĐH ở các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển thì các em sẽ được thuận lợi hơn rất nhiều trong việc đăng ký môn thi phù hợp với điều kiện xét tuyển của các trường ở nhiều tổ hợp môn thi khác nhau.

Với trường hợp của em, em hoàn toàn có thể đồng thời đăng ký và dự thi các môn thi tương ứng với khối A, C. Giả sử em có thể thi bốn môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử để  lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và  chỉ cần đăng ký thêm môn Địa Lý, Vật Lý, Hóa học là có cơ hội để đăng ký xét tuyển vào các ngành xét tuyển khối A,C.

* Em muốn hỏi với thang điểm 20 thì bao nhiêu điểm được xét đậu tốt nghiệp và  đủ điều kiện xét tuyển ĐH? (Trần Nguyễn Phương Thảo, học sinh trường THPT Kon Tum)

- Các sở GD- ĐT có nhiệm vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh dự thi. Kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp.

Nếu áp dụng thang điểm 20, điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) được tính theo công thức sau (Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy tính tự động thực hiện):

4ULb2NN5.jpg

 Về xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT có quy định cụ thể cho từng đối tượng cụ thể. Theo đó, những thí sinh bình thường, có đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức hủy bài thi trở lên, không có bài thi nào từ 2,0 điểm trở xuống và có điểm xét tốt nghiệp  từ 10 điểm trở lên sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT.

Riêng điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ do các trường quy định cụ thể. Đối với trường  tuyển sinh riêng, sử dụng phương án xét tuyển trên cơ sở kết quả học tập ở THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ đại học và 5,5 đối với hệ cao đẳng (theo thang điểm 10).

 Các trường  ĐH, CĐ ở các tỉnh biên giới, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và trường CĐ cộng đồng đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương có thể xét tuyển các học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh, địa phương này ở mức thấp hơn 0,5 điểm so với mức quy định.

Những học sinh này phải học bổ sung kiến thức 01 học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ quy định.

Với các trường xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, ngay sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT công bố, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường.

* Nếu áp dụng thang điểm 20 thì không biết  số câu hỏi và thời gian thi của mỗi môn thi có tăng lên không? Việc chấm điểm có thay đổi nhiều so với trước đây không? (Hoàng Lê Ái My, Hà Nội)

Kì thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ, do đó yêu cầu phân hóa kết quả thi của thí sinh phải được đặt ra cao hơn so với kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ riêng rẽ như trước đây. Trong kì thi THPT quốc gia, dự thảo quy chế dự kiến sử dụng thang điểm 20 đối với tất cả 8 môn thi trong kì thi. Thay đổi này hướng tới đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Trước đây, sử dụng thang điểm 10, chấm đến 0,25, như vậy thang điểm được chia thành 40 mức. Do đó, những lập luận, diễn giải, tính toán trung gian có thể không được tính điểm do chưa đi đến kết quả cuối cùng, do vậy thí sinh sẽ bị thiệt. Với thang điểm 20, cũng chấm đến 0,25, lúc đó thang điểm được chia thành 80 mức. Do đó, những lập luận, diễn giải, tính toán trung gian sẽ được tính điểm, như vậy học sinh có lợi hơn.

Bộ GD-ĐT dự kiến sử dụng thang điểm 20 cho Kỳ thi THPT quốc gia 2015. Tuy nhiên, hiện tại, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của giáo viên, học sinh và các chuyên gia trước khi chính thức đưa vào quy chế hướng tới tổ chức thành công kì thi THPT quốc gia 2015.

NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên