13/07/2016 09:12 GMT+7

​Nghịch lý đào tạo và sử dụng lao động

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung tồn tại nghịch lý: nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm trong khi nhiều doanh nghiệp lại không tuyển được lao động.

Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trao đổi với doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng. Ảnh: M.G
Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trao đổi với doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng. Ảnh: M.G

Theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, giai đoạn 2012 - 2015, hệ thống đào tạo tại TP.HCM có xu hướng tăng từ 145 trường năm 2012 tăng lên 163 trường năm 2015.

Trong đó, trường ĐH tăng thêm 2 trường, CĐ chuyên nghiệp tăng 1 trường, CĐ nghề tăng 2 trường, trung cấp chuyên nghiệp tăng 9 trường và trung cấp nghề tăng 4 trường.

Chỉ tiêu ĐH tăng, các bậc khác giảm

Năm 2015, tại TP.HCM có 56 trường ĐH, 26 trường CĐ chuyên nghiệp, 17 trường CĐ nghề, 40 trường trung cấp và 27 trường trung cấp nghề nghề với tổng chỉ tiêu tuyển sinh 225.863, tăng 8,82% so với năm 2014.

Bên cạnh đó, theo số liệu của phòng Dạy nghề, Sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM, tính đến tháng 10-2015 thành phố có 64 trung tâm dạy nghề và 325 cơ sở dạy nghề thường xuyên đào tạo ngắn hạn 350.000 lượt người/năm.

Trong cơ cấu đào tạo các trường trong giai đoạn 2012 – 2015, chỉ tiêu tuyển sinh có xu hướng tăng qua các năm.

Trong đó, chỉ tiêu ĐH có tỷ lệ tăng nhanh nhất, bình quân tăng 3,82%/ năm, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu đào tạo (từ chiếm 38,5% năm 2012 tăng lên chiếm 42,7% vào năm 2015). Trong khi đó mặc dù tổng số trường tăng lên nhưng chỉ tiêu đào tạo CĐ chuyên nghiệp lại có xu hướng giảm, (năm 2015 giảm 6,4% so với năm 2012).

Chỉ tiêu các bậc đào tạo của các trường tại TP.HCM giai đoạn 2012-2015.
Chỉ tiêu các bậc đào tạo của các trường tại TP.HCM giai đoạn 2012-2015.

Cơ cấu đào tạo tập trung ở một số nhóm ngành như: kinh doanh và quản lý, công nghệ kỹ thuật, sức khoẻ, máy tính và công nghệ thông tin, kỹ thuật, nhân văn, kiến trúc và xây dựng.

Mất cân đối ngành nghề

Thực tế thị trường lao động trong những năm gần đây số lượng người lao động có trình độ cao đẳng nghề hoặc trung cấp nghề không đủ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu hụt người lao động có trình độ CĐ nghề, trung cấp nghề.

Trường và doanh nghiệp phải kết hợp

Những hạn chế về công tác quản lý nhà nước về nguồn nhân lực đặc biệt tổ chức hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, dịch vụ giao dịch thị trường lao động (tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động) có hiệu quả chưa cao.

Ông Tuấn đề xuất cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động.

Nhà trường và các doanh nghiệp cần hỗ trợ chặt chẽ với nhau trong việc định hướng đào tạo, tìm hiểu nhu cầu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực xã hội.

Theo ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, thị trường lao động TP.HCM đang tồn tại nghịch lý: nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm trong khi nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động có nghề và lao động phổ thông nhưng không tuyển được lao động.

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, chỉ có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, còn 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm phải chuyển đổi ngành học hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo.

Trong tổng số sinh viên tìm việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% làm việc trái ngành nghề thu nhập thấp, việc làm chưa thực sự ổn định và có thể chuyển việc khác. Vấn đề kỹ năng mềm là yêu cầu mà nhiều sinh viên học sinh chưa đáp ứng được.

Điều này cho thấy bất hợp lý cơ cấu đào tạo về mặt trình độ và lĩnh vực đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực.

Tính tổng thể, quy mô đào tạo công nhân kỹ thuật và trung cấp chuyên nghiệp chưa phù hợp so với yêu cầu, trong khi quy mô đào tạo sinh viên trình độ cao đẳng và đại học nhiều và đang có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó cũng tồn tại thực trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, ngành kinh tế tạo mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm.

Nội dung đào tạo của đa số các cơ sở đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển thị trường lao động và mức độ phát triển khoa học công nghệ. Quy mô đào tạo tăng nhanh trong khi điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế, khó đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nhân lực của các ngành kinh tế và thị trường lao động ngày càng cao. 

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên