26/05/2015 13:01 GMT+7

​Thủ thuật làm bài môn Hóa đạt điểm cao

TTO - Giảng viên Nguyễn Hiền Hoàng - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hướng dẫn học sinh phương pháp học và làm bài thi môn Hóa đạt điểm cao.

Thí sinh dự thi môn Hóa tại HĐT trường THCS Hồng Bàng Q5, TP.HCM năm 2014 - Ảnh: Như Hùng

Đề thi trắc nghiệm môn Hóa năm 2014, đã có sự thay đổi nhưng vẫn còn 2 kỳ thi riêng: tốt nghiệp PTTH và tuyển sinh ĐH-CĐ:

Năm 2014

Tuyển sinh ĐH, CĐ

Tốt nghiệp PTTH

Số câu/thời gian

- Gồm 50 câu/90 phút

- Các câu hỏi đều bắt buộc, không phân biệt chương trình chuẩn hoặc nâng cao.

- Gồm 40 câu/60 phút

- Các câu hỏi đều bắt buộc, không phân biệt chương trình chuẩn hoặc nâng cao.

Chương trình

Chủ yếu lớp 12 + một phần lớp 11 và 10

- Lớp 12 (trừ phần chương trình giảm tải)

Mức độ

» 20%  câu hỏi mức độ trên trung bình,

» 15% câu hỏi khó để phân hóa trình độ thí sinh.

Kiến thức cơ bản.

Từ năm 2015, chỉ có một kỳ thi THPT quốc gia, kết quả thi được sử dụng chung cho 2 mục đích: xét tốt nghiệp PTTH và xét tuyển vào ĐH-CĐ. Nói chung, thí sinh cần chú ý một số điểm sau:

1) Câu hỏi trắc nghiệm hóa bao gồm 50 câu trong 90 phút, trong đó:

- Phần kiến thức cơ bản, thuộc chương trình Hóa 12, dự kiến có thể chiếm » 30-35% tổng số câu trắc nghiệm. Hầu hết các thí sinh có thể đáp ứng được phần này.

- Phần kiến thức vận dụng nâng cao, chủ yếu thuộc chương trình Hóa 12 (để phân hóa trình độ thí sinh, dùng xét tuyển vào ĐH-CĐ), có bao gồm thêm một số kiến thức của lớp 11 và lớp 10.

2) Đối với các câu hỏi thuộc phần vận dụng kiến thức nâng cao: thí sinh cần chú ý đặc biệt đến các dạng bài tập khó, thường hay liên quan đến:

- Hóa học hữu cơ: Các hợp chất có nhóm chức, nhất là este, axit, anđehit (đa chức, đơn chức chưa no), ancol đa chức. Peptit và các dạng toán liên quan đến thủy phân peptit, đây là dạng câu hỏi hay nhưng khó, cần vận dụng sự bảo toàn nguyên tố và bảo toàn khối lượng các chất trước và sau phản ứng cũng như các công thức liên quan đến peptit.

Hidrocacbon, hỗn hợp hidrocacbon chiếm số lượng câu hỏi không nhiều (từ các năm trước), dự đoán sẽ có thể càng ít hơn trong năm nay.

- Hóa học vô cơ:

a) Bài tập liên quan kim loại tác dụng với:

* Axit oxi hóa mạnh HNO3 với những trường hợp có tạo ra muối NH4NO3.

* Axit oxi hóa mạnh HNO3 (hay H2SO4 đặc) nhưng kim loại còn dư (Fe, Cu…)

* Hỗn hợp axit (HNO3 + H2SO4 loãng) hoặc (muối nitrat kim loại + H2SO4 loãng).

b) Hỗn hợp nhiều chất (kim loại và oxit kim loại) hòa tan trong dung dịch HNO3: vận dụng phương pháp quy đổi để đơn giản phép toán.

c) Nhiều phản ứng oxi hóa khử xảy ra nối tiếp nhau hay nhiều chất oxi hóa tác dụng với nhiều chất khử…

- Các câu hỏi liên quan đến thực nghiệm, sẽ tiếp tục được ra trong đề thi năm nay. Thí sinh cần xem lại phần điều chế hóa chất có kèm theo hình vẽ thí nghiệm minh họa, xác định rõ vai trò mỗi hóa chất dùng trong thí nghiệm.

3) Phần lý thuyết giáo khoa thuộc chương trình các lớp dưới, khá dễ nhưng thí sinh hay quên nếu không ôn tập:

- Các phản ứng đặc trưng của phi kim (và các hợp chất tương ứng), nhất là nhóm halogen và oxi lưu huỳnh.

- Cấu tạo nguyên tử và vị trí các nguyên tố (trong bảng HTTH), tốc độ phản ứng, cân bằng hóa học và sự dịch chuyển cân bằng, sự thủy phân của muối (xác định tính axit hoặc bazơ của dung dịch muối), pH của dung dịch (khi pha trộn dung dịch).

- Phản ứng oxi hóa khử, xác định chất tính oxi hóa, khử của các chất (dựa vào số oxi hóa lớn nhất, nhỏ nhất hoặc trung gian).

- Ứng dụng hóa chất sau mỗi bài học cũng thường được ra thi trong các năm gần đây.

4) Thủ thuật làm bài

- Ưu tiên giải những câu hỏi lý thuyết, ngắn gọn và dễ trước, đặc biệt câu hỏi chỉ liên quan kiến thức cơ bản.

- Tiếp theo là những câu hỏi có tính toán: chọn câu có dạng quen thuộc đã gặp hay thuộc loại toán cơ bản, số lượng câu hỏi loại này chiếm tỉ lệ khá cao trong đề thi.

- Sau cùng đến các câu hỏi khó, cần nhiều thời gian hơn để giải quyết (nhằm phân loại thí sinh). Tuy nhiên không nên tập trung thời gian quá lâu vào 1 câu, nếu vẫn chưa giải được, tạm thời qua câu mới, lát sau nếu còn giờ ta thử giải lại.

- Dựa vào các phương án đề bài đề nghị (A, B, C, D), để xem có thể biết thêm tính chất nào bổ sung? (VD đề không cho biết hợp chất đơn hay đa chức, nhưng trong các phương án đề nghị đều là đơn chức chẳng hạn). Đôi khi ta có thể dùng biện pháp loại suy 3 phương án sai để chọn đáp án đúng là phương án còn lại.

- Để tranh thủ thời gian cho những câu hỏi khó, đôi lúc biện pháp thử được áp dụng: VD Đề (ĐH-A-08): "… Hỏi khối lượng muối?". Sau khi biết chắc là muối Fe(NO3)3, thì trong 4 phương án đưa ra: 49,09g; 34,36g; 35,50g;  38,72g, chỉ có 38,72g chia tròn cho M (Fe(NO3)3) = 242, và đó cũng là đáp án đúng luôn!

- Không bỏ sót câu trắc nghiệm nào, nếu không làm được cũng thử dự đoán câu trả lời.

NGUYỄN HIỀN HOÀNG Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên