04/05/2015 08:20 GMT+7

Ôn thi môn vật lý, 7 nội dung cần tập trung

Nhà giáo ưu tú ĐỒNG VĂN NINH - Tổ trưởng tổ Vật lí trường THPT Lê Quý Đôn
Nhà giáo ưu tú ĐỒNG VĂN NINH - Tổ trưởng tổ Vật lí trường THPT Lê Quý Đôn

TTO - Những câu khó nhất trong đề thi môn vật lý những năm trước phần lớn thuộc phần dao động cơ và dòng điện xoay chiều, do đó thí sinh nên tập trung nắm vững phần này.

Nhà giáo ưu tú Đồng Văn Ninh - tổ trưởng tổ vật lý Trường THPT Lê Quý Đôn, lưu ý học sinh như vậy khi học và ôn thi môn vật lý.

Thí sinh trao đổi bài sau khi thi xong môn vật lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại hội đồng thi Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Theo thầy Ninh, học sinh có thể tham khảo đề thi tuyển sinh ĐH năm 2014 để tìm hiểu cấu trúc của đề và độ khó của đề.

Thầy cho biết: đề thi năm 2014 có 50 câu chia ra như sau: dao động cơ (10 câu), sóng cơ và sóng âm (7 câu), dòng điện xoay chiều (12 câu), dao động và sóng điện từ (4 câu), sóng ánh sáng (7 câu), lượng tử ánh sáng (4 câu), hạt nhân nguyên tử (6 câu).

Trong đề thi có 30 câu có mức độ rất dễ, vừa sức và hơi khó (trong đó có 15 câu lý  thuyết), 20 câu còn lại thuộc loại khó và rất khó. Những câu khó nhất trong đề phần lớn thuộc phần dao động cơ và dòng điện xoay chiều. Năm nay, nếu có đổi cũng chỉ có thể hoán đổi một số nhỏ các câu qua lại giữa các phần mà thôi. Vậy có thể coi đây là cấu trúc dự đoán của đề thi năm nay.

Để có thể làm tốt bài thi, học sinh phải ôn tập toàn bộ lý thuyết theo 7 nội dung nêu ở trên, phải đọc cả hai cuốn sách giáo khoa nâng cao và chuẩn vì hai sách này bổ sung cho nhau.

Nếu có nội dung nào các bạn thấy khó hiểu hoặc khó nhớ thì phải đọc đi đọc lại nhiều lần, nếu vẫn chưa nắm vững thì phải hỏi lại thầy cô hoặc bạn bè, không nên bỏ nội dung nào hết. Các câu lý thuyết rất dễ lấy điểm, học sinh sẽ không thể có điểm cao nếu không học kỹ phần lý thuyết.

Tiếp theo là ôn tập các công thức, cả công thức chính (có trong sách giáo khoa) và công thức phụ (trong phần bài tập). Môn vật lý có một đặc điểm là rất nhiều công thức, học sinh phải ôn đi ôn lại nhiều lần cho thật thuộc các công thức thì làm các câu toán mới nhanh được.

Nội dung chương trình rất nhiều nhưng tối thiểu học sinh cần phải ôn tập được những phần sau đây:

- Phần dao động cơ cần ôn tập về phương trình dao động điều hòa, các hệ thức độc lập với thời gian, thời gian đi các đoạn đường đặc biệt, phân biệt lực kéo về và lực đàn hồi của con lắc lò xo đặt nằm ngang và treo thẳng đứng, sự biến đổi động năng và thế năng trong dao động điều hòa, tổng hợp dao động, lực căng dây của con lắc đơn, sự thay đổi chu kỳ của con lắc đơn khi dao động trong điện trường và trong thang máy.

- Phần sóng cơ cần ôn tập về phương trình sóng, sóng dừng trên dây đàn hồi, các vân giao thoa trên mặt chất lỏng, sóng âm, mức cường độ âm.

- Phần dao động và sóng điện từ cần ôn tập về các phương trình điện tích, cường độ dòng điện trong mạch dao động, các hệ thức độc lập, sự tương tự điện cơ, năng lượng trong mạch dao động, sự truyền sóng điện từ, các loại sóng vô tuyến.

- Phần dòng điện xoay chiều cần ôn tập về độ lệch pha của dòng điện và điện áp, biểu thức của cường độ dòng điện và điện áp, cộng hưởng điện, các dạng công suất cực đại và điện áp cực đại, máy phát điện xoay chiều, động cơ điện xoay chiều, máy biến áp và truyền tải điện năng.

- Phần sóng ánh sáng cần ôn tập về sự tán sắc ánh sáng, các vân giao thoa với ánh sáng đơn sắc, sự trùng nhau của các vân giao thoa, giao thoa với ánh sáng trắng, các loại quang phổ, tia hồng ngoại, tia tử ngoại, tia X.

- Phần lượng tử ánh sáng cần ôn tập về các định luật quang điện, công thức Anh-xtanh về hiện tượng quang điện, hiệu điện thế hãm, điện thế cực đại của tấm kim loại, chuyển động của electron trong từ trường, mẫu nguyên tử Bo và quang phổ vạch của nguyên tử hiđrô, sự phát quang.

- Phần hạt nhân nguyên tử cần ôn về cấu tạo hạt nhân, phóng xạ, năng lượng liên kết hạt nhân, năng lượng của phản ứng hạt nhân, các định luật bảo toàn trong phản ứng hạt nhân.

Trong các bài toán vật lý việc sử dụng đúng hệ đơn vị SI là một việc rất quan trọng (chiều dài tính bằng mét (m), khối lượng tính bằng kilôgam (kg), thời gian tính bằng giây (s), năng lượng tính bằng Jun (J), cường độ dòng điện tính bằng Ampe (A), lực tính bằng Niutơn (N)). Tuy nhiên, ở một số phần chúng ta có thể dùng đơn vị khác để việc tính toán thuận tiện hơn, dễ dàng hơn, nhanh hơn.

Ví dụ: trong phần dao động điều hòa, sóng cơ và giao thoa ánh sáng người ta thường dùng đơn vị centimét (cm) thay cho mét, trong phần mẫu nguyên tử Bo người ta hay dùng đơn vị micrômét hay nanomét thay cho mét, trong phần phóng xạ người ta hay dùng đơn vị gam thay cho kilôgam, trong phần hạt nhân nguyên tử người ta hay dùng đơn vị MeV thay cho Jun.

Học sinh cần nhớ là các hằng số thì đề bài sẽ cho còn đổi đơn vị thì học sinh phải thuộc. Nếu học sinh vẫn còn chưa nắm vững cách đổi đơn vị thì phải ôn tập ngay, nếu không sẽ để sai nhiều câu rất đáng tiếc.

Đề thi đại học môn vật lý năm 2014 chỉ có một phần nhỏ có liên quan đến lớp 10 và lớp 11. Như vậy, nội dung đề thi năm nay có lẽ sẽ ra chủ yếu ở lớp 12, nếu có liên quan đến lớp 10 và lớp 11 cũng sẽ rất ít.

Đối với lớp 10, cần ôn tập về chuyển động biến đổi đều, chuyển động tròn đều, lực quán tính, định lý động năng, định luật bảo toàn cơ năng. Đối với lớp 11, cần ôn tập về định luật Cu-lông, lực điện trường, công của lực điện trường, lực Lo-ren-xơ.

Nhà giáo ưu tú ĐỒNG VĂN NINH - Tổ trưởng tổ Vật lí trường THPT Lê Quý Đôn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên