07/08/2017 09:20 GMT+7

Ưu tiên tuyển sinh: thí sinh nói gì?

TRẦN HUỲNH ghi
TRẦN HUỲNH ghi

TTO - Chịu tác động trực tiếp của quy định cộng điểm ưu tiên trong đợt xét tuyển ĐH vừa qua, nhiều thí sinh - kể cả thuộc diện ưu tiên - cho rằng cần thay đổi việc cộng đến 3,5 điểm cho thí sinh như lâu nay.

Thí sinh ở TP.HCM dự thi THPT quốc gia 2017. Theo phân chia khu vực ưu tiên của Bộ GD-ĐT thì TP.HCM không có ưu tiên khu vực 1 - Ảnh: LA MY
Thí sinh ở TP.HCM dự thi THPT quốc gia 2017. Theo phân chia khu vực ưu tiên của Bộ GD-ĐT thì TP.HCM không có ưu tiên khu vực 1 - Ảnh: LA MY

 

“Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT cần thay đổi chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh theo hướng giảm bớt, chứ không cao như hiện nay. Ngành đặc thù như công an, quân đội, y dược chỉ nên tuyển đầu vào bằng chính thực lực của thí sinh, tức là không áp dụng cộng điểm ưu tiên

Thí sinh Lê Tuyết Nhi (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long)

Thí sinh Lê Tuyết Nhi (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long): Vấn đề “nhức nhối”

Tôi thi khối B được 26,8 điểm (đã cộng 0,5 điểm ưu tiên khu vực). Tôi đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tất cả đều rớt. Việc cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH đang là vấn đề “nhức nhối” với nhiều thí sinh.

Riêng tôi nghĩ những bạn ở vùng nông thôn, hoặc thuộc đối tượng được cộng điểm ưu tiên cũng có những khó khăn, thiệt thòi. Nhưng thi ĐH là cuộc cạnh tranh vô cùng quyết liệt giữa các thí sinh, các trường ĐH chọn được người tài và chất lượng để đào tạo.

Vì thế nếu áp dụng chính sách ưu tiên và cộng điểm như hiện nay sẽ không chọn chính xác người giỏi, không công bằng với tất cả thí sinh. Thực tế có rất nhiều thí sinh bằng điểm tôi nhưng được cộng điểm ưu tiên nên đậu.

Ngành y đa khoa có rất nhiều thí sinh muốn học, sự cạnh tranh nhau rất quyết liệt. Cộng điểm ưu tiên làm thay đổi kết quả xét tuyển và ảnh hưởng đến rất nhiều bạn.

Danh sách trúng tuyển ngành y đa khoa của Trường ĐH Y dược TP.HCM năm nay có đến 115 thí sinh đạt từ 30,25 điểm trở lên. Điều này có nghĩa tất cả thí sinh này đều được cộng điểm ưu tiên. Và đó là lý do điểm chuẩn trúng tuyển ngành y đa khoa năm nay bị đẩy lên mức kỷ lục.

Thí sinh Trần Anh Đào (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang): Ở vùng đặc biệt khó khăn mới thấu hiểu...

Nếu ai từng sống hay trải nghiệm ở những nơi vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mới thấu hiểu được sự thiếu thốn, thua kém điều kiện học tập, tiếp cận thông tin...

Hộ khẩu thường trú của tôi ở ấp 7, xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Mỗi ngày quãng đường từ nhà đến trường của tôi phải đi hơn 20km, khó khăn hơn các bạn ở TP.

Vì thế, theo tôi, việc cộng thêm điểm ưu tiên cho những thí sinh ở vùng đặc biệt khó khăn như tôi là hợp lý. Nhưng thực tế mùa tuyển sinh năm nay chính sách cộng điểm ưu tiên bộc lộ những điểm không còn phù hợp.

Cụ thể trong trường hợp của tôi. Tôi không đủ điểm vào ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Trong khi đó, không ít bạn thấp điểm hơn tôi lại trúng tuyển do vừa được ưu tiên khu vực vừa ưu tiên đối tượng dân tộc thiểu số.

Tôi cho rằng nên có vài điều chỉnh. Ví dụ như nên chọn một loại ưu tiên nhất, không cộng dồn vừa ưu tiên khu vực vừa ưu tiên đối tượng. Hay như có cách chế tài trong việc lạm dụng chuyển hộ khẩu để nhận điểm ưu tiên.

Thí sinh Nguyễn Nhã Nghi (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long): Không quá khó khăn vẫn được cộng điểm

Hiện đúng là có những vùng không còn quá khó khăn vẫn nằm trong diện được cộng điểm. Theo tôi, cần xem xét thật kỹ lại những điều kiện thực tế với những vùng không quá khó khăn để giảm số điểm ưu tiên, hoặc có chính sách hỗ trợ khác.

Bên cạnh đó, cũng cần tính lại mức điểm cộng. Hiện có thí sinh được cộng đến 3,5 điểm là hơi nhiều. Học sinh người dân tộc thiểu số có không ít bạn sinh sống và học tập ngay tại các TP lớn mà vẫn được cộng điểm là không hợp lý.

Chính sách cộng điểm ưu tiên cần có quy định chi tiết, cụ thể hơn cho từng địa phương, từng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể hơn, chứ không phải như cách làm hiện nay.

Thí sinh Hoàng Vũ Khánh (Q.Tân Phú, TP.HCM): Mất động lực khi cạnh tranh không cân sức

Tôi thấy cần xem xét lại chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH hiện nay. Bản thân tôi và không ít học sinh TP cảm thấy mất động lực học tập khi phải cạnh tranh không cân sức với các thí sinh khác.

Đó là những học sinh trường chuyên các tỉnh. Những bạn này đã học giỏi rồi, điều kiện học tập không thua kém nhiều so với học sinh TP nhưng vẫn được cộng điểm ưu tiên.

Những năm gần đây, số thí sinh ở các tỉnh, thậm chí ở vùng khó khăn đạt được mức điểm rất cao vào các trường ĐH ngày càng nhiều lên. Điều này cho thấy sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các địa phương không còn khoảng cách lớn như nhiều năm trước đây nữa.

Nếu nhìn vào danh sách trúng tuyển của các trường tốp trên thì dễ dàng nhận thấy sự thua thiệt của thí sinh TP khi không được cộng điểm ưu tiên.

Tôi cho rằng cần có sự điều chỉnh chính sách này theo hướng giảm bớt mức điểm ưu tiên. Riêng đối với thí sinh thuộc đối tượng con người có công, nếu có cộng thì chỉ nên ở mức 0,25 điểm. Đồng thời, cần quy định sau khi cộng điểm ưu tiên không được vượt quá mức điểm tối đa như hiện nay.

TRẦN HUỲNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên