03/08/2017 08:28 GMT+7

Oái oăm cửa vào đại học

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Mùa tuyển sinh ĐH năm nay đã chứng kiến những câu chuyện tưởng chừng không bao giờ có thể xảy ra: thí sinh đạt 29, 30 điểm vẫn... trượt ĐH mình mong muốn.

Thí sinh, phụ huynh nhận giấy báo trúng tuyển tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ngày 2-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thí sinh, phụ huynh nhận giấy báo trúng tuyển tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ngày 2-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG

“Nguyên nhân chính khiến điểm trúng tuyển cao ở một số ít ngành năm nay là do phương thức xét tuyển ĐH. Xét bình đẳng giữa các nguyện vọng, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất thì việc thí sinh đổ dồn vào các ngành có tính cạnh tranh cao nhất là điều hết sức dễ hiểu

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng (vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT)

Thí sinh N.H. (Hà Nội) xét tuyển vào ngành y đa khoa Trường ĐH Y Hà Nội với điểm toán 9,4; hóa 9,75 và sinh 10. Do thuộc khu vực 3 không có điểm cộng ưu tiên, tổng điểm của H. là 29,15 và được làm tròn thành 29,25 điểm.

Đạt điểm chuẩn cũng... trượt

Dù điểm chuẩn vào ngành y đa khoa là 29,25, H. vẫn không nằm trong danh sách trúng tuyển. Lý do: số thí sinh bằng điểm chuẩn nhiều hơn số chỉ tiêu còn lại (sau khi đã xét từ trên xuống). Và trường phải đưa ra phương án sàng lọc những thí sinh này với một loạt tiêu chí phụ như: điểm chưa làm tròn 29,2; rồi điểm toán từ 9,2; điểm sinh từ 9,25 trở lên.

Với quy tắc này, H. dù đạt điểm ba môn thi cao ngất ngưởng vẫn đành phải chấp nhận một kết quả tuyển sinh không như mong muốn: trượt ĐH ngành mình yêu thích nhất.

Oái oăm hơn, một thí sinh tại TP.HCM dù điểm thi thực đạt 29,35 điểm (toán 9,6; hóa 9,75; sinh 10) cao hơn mức điểm chuẩn ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM (29,25 điểm) nhưng bất ngờ... trượt nguyện vọng yêu thích nhất.

Lý do: theo quy tắc làm tròn, điểm của thí sinh này bị quy về mức 29,25 điểm. Trong khi đó, với mức điểm chuẩn 29,25, ngành y đa khoa lại có tiêu chí phụ dành cho thí sinh có mức điểm vừa bằng điểm chuẩn: tiêu chí 1: môn tiếng Anh đạt từ 9 điểm trở lên; tiêu chí 2: sinh từ 9,75 điểm trở lên.

Do đó, dù đạt 29,35 điểm ba môn xét tuyển, nhưng vì môn tiếng Anh chỉ đạt 8,8 điểm nên thí sinh này không có tên trong danh sách trúng tuyển.

Trong khi đó, ở khối trường công an, có ngành với thí sinh nữ dù có đạt 30 điểm vẫn không đủ điểm trúng tuyển. Dẫn chứng là điểm xét trúng tuyển cho thí sinh nữ phía Bắc (tổ hợp A00) vào Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy lên đến 30,25 điểm.

Thậm chí, trường hợp thí sinh nữ xét tuyển ngành ngôn ngữ Anh vào Học viện An ninh nhân dân theo tổ hợp D01 (toán, văn, tiếng Anh) chỉ trúng tuyển khi đạt... 30,5 điểm trở lên. Tất nhiên, số chỉ tiêu dành cho nữ không nhiều.

Ngành ngôn ngữ Anh Học viện An ninh nhân dân chỉ có 3 thí sinh nữ trúng tuyển. Còn Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy cũng chỉ có 9 chỉ tiêu dành cho nữ phía Bắc.

Thí sinh ấm ức

Điều khiến thí sinh ấm ức là cách dùng tiêu chí phụ của một số trường khiến mình phải chịu thiệt thòi “một cách vô lý”. Một số thí sinh trượt y đa khoa Trường ĐH Y Hà Nội bức xúc cho rằng cách tính tiêu chí phụ của trường đã đẩy những thí sinh không có điểm ưu tiên dễ rơi vào cảnh “trắng tay” kể cả khi điểm thi cao.

Cụ thể, Trường ĐH Y Hà Nội xét tiêu chí phụ lần lượt theo các tiêu chí: điểm xét tuyển chưa làm tròn, điểm toán, điểm sinh và thứ tự nguyện vọng. Trong đó, điểm xét tuyển chưa làm tròn có công thức tính = tổng điểm 3 môn toán, hóa, sinh (không nhân hệ số, làm tròn) + điểm ưu tiên + điểm khuyến khích.

“Các bạn có điểm ưu tiên đã được cộng trước đó để lên mức 29,25 điểm bằng điểm chuẩn rồi. Khi xét tiêu chí phụ dành cho những thí sinh cùng đạt 29,25 điểm, lại tiếp tục được cộng điểm ưu tiên nữa và gọi đó là điểm chưa làm tròn thì thật sự vô lý” - H., một thí sinh, bức xúc.

Một chuyên gia tuyển sinh cho rằng khi xét tiêu chí phụ là điểm chưa làm tròn mà cách tính điểm chưa làm tròn lại bao gồm cả điểm ưu tiên thì những thí sinh được cộng điểm đã “được ưu tiên hai lần”.

Thực tế nhiều trường ĐH cũng dùng tiêu chí phụ là điểm chưa làm tròn, nhưng cách tính lại khác hoàn toàn so với Trường ĐH Y Hà Nội.

Ông Nguyễn Phong Điền - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết trường lấy tiêu chí là điểm chưa làm tròn nhưng là điểm thực của thí sinh với ba môn xét tuyển, chứ không cộng gộp cả điểm ưu tiên. Đây cũng là cách tính điểm làm tròn của khối các trường công an.

Không phải đều là điểm thực

Xét một cách công bằng, điểm chuẩn của nhiều ngành, nhiều trường tăng cao so với các năm trước không hoàn toàn là điểm thực. Ví dụ điểm xét trúng tuyển dành cho thí sinh nữ phía Bắc (tổ hợp A00) vào Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy lên đến 30,25 điểm.

Tuy nhiên khi xét tiêu chí phụ, lấy điểm chưa làm tròn thì thí sinh chỉ cần đạt từ 28,35 điểm đã trúng tuyển. Nghĩa là thí sinh đạt 30,25 nhưng “nhờ” vào 2 điểm ưu tiên mới được tổng điểm này sẽ không có trong danh sách trúng tuyển.

Tương tự, Học viện Cảnh sát nhân dân có điểm chuẩn cho thí sinh nam (tổ hợp C03) là 25,75 điểm. Nhưng thực tế, trong số 44 thí sinh cùng mức 25,75 thì chỉ lấy 17 thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn từ 23,15 và 2 thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn là 22,85 và môn văn đạt 7,75 điểm.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - khi lý giải nguyên nhân điểm chuẩn năm nay tăng cao cũng đã chỉ ra hiện tượng này: “Việc nhiều trường công bố điểm trúng tuyển bao gồm cả điểm ưu tiên và nhiều trường/ngành có phân biệt điểm môn chính nhân hệ số, xét tuyển theo thang điểm 40 nên nhìn vào hình thức tạo ra cảm giác điểm trúng tuyển rất cao".

"Nhưng đó không phải là điểm thực của tổ hợp ba môn thi (do có một môn được tính điểm hai lần trong điểm tổ hợp xét tuyển hoặc đã bao gồm điểm ưu tiên...)”, bà Phụng nói.

Y đa khoa ĐH Y Hà Nội: số trúng tuyển không ưu tiên dưới 10%

Thống kê từ danh sách trúng tuyển của Trường ĐH Y Hà Nội những năm gần đây cho thấy tỉ lệ thí sinh trúng tuyển vào ngành y đa khoa từ khu vực 3 (không được cộng điểm ưu tiên) chỉ đạt dưới 10%. Thậm chí năm 2017, dù chỉ tiêu ngành “hot” này là 500 nhưng số thí sinh khu vực 3 trúng tuyển chỉ trên dưới 20 em.

Còn Trường ĐH Ngoại thương, nhiều năm trước thí sinh khu vực 3 thường có ưu thế đặc biệt vì trường ưu tiên điểm ngoại ngữ thì 1-2 năm nay, tỉ lệ học sinh khu vực 3 trúng tuyển cũng chỉ còn ở mức dưới 30%.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM): Vấn đề nằm ở độ khó của đề thi...

Để lý giải việc điểm thi năm nay cao bất thường, tôi cho rằng vấn đề nằm ở độ khó của đề thi. Nếu đã dùng một đề thi trắc nghiệm với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH thì không nên trách người làm đề thi năm nay.

Với kỳ thi “2 trong 1”, người làm đề không tài nào đáp ứng tốt cả hai mục đích xét tuyển ĐH và xét tốt nghiệp THPT.

Với thi để xét tốt nghiệp THPT, độ khó của đề thi chỉ ở mức học sinh có sức học trung bình có thể làm được và chỉ có một vài câu để phân loại học sinh giỏi. Với đề thi năm nay được cho không quá khó mà cũng có thí sinh bị điểm kém, điểm liệt...

Điều này cho thấy quãng năng lực của học sinh rất rộng và cũng cho thấy đề thi rất phù hợp trong sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT.

Tôi cho rằng kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có mục đích chính là để xét tốt nghiệp THPT. Còn các trường ĐH chỉ tận dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển mà thôi. Trong khi với tuyển sinh ĐH phải chọn học sinh có sức học loại khá giỏi trở lên và đòi hỏi độ khó của đề thi phải khác.

Để thỏa mãn mục đích xét tuyển ĐH, độ khó của đề thi phải nâng lên nhưng khi đó sẽ có nhiều học sinh rớt tốt nghiệp.

Theo đánh giá của tôi, mức điểm 25 điểm năm nay chỉ tương đương với 23 điểm của năm ngoái. Vì vậy nên mặt bằng điểm thi của thí sinh năm nay tăng vọt là điều có thể lý giải được.

“Nước lên thì thuyền lên” - đề dễ thì điểm phải cao. Các trường ĐH đã sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển thì phải chấp nhận thực tế điểm mức rất cao của thí sinh và phải dùng đến tiêu chí phụ để xét chọn thí sinh trúng tuyển. Nếu các trường ĐH muốn chọn đúng người tài thực sự thì phải tự tổ chức kỳ thi riêng.

TRẦN HUỲNH ghi

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên