08/07/2017 08:54 GMT+7

Ngày hội tư vấn xét tuyển: thay đổi nguyện vọng thoải mái

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Nhiều thí sinh, phụ huynh đặt câu hỏi chi tiết liên quan đến quy trình thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, cũng như lo lắng điểm chuẩn năm nay sẽ tăng. Ban tư vấn đã giải đáp ra sao?

Em Trần Khánh Huy đến từ Hưng Yên đang đặt câu hỏi tại ngày hội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Em Trần Khánh Huy đến từ Hưng Yên đặt câu hỏi tại ngày hội - Ảnh: Nguyễn Khánh

>> Hôm nay, Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ tại Hà Nội

>> Ngày hội xét tuyển: nhiều thí sinh muốn thay đổi lựa chọn

Nhiều nhầm lẫn khi đăng kí vào khối trường quân đội

Đại tá Vũ Xuân Tiến-Thư ký Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết khi rà soát hồ sơ đăng kí vào khối trường quân đội có nhiều vấn đề phải lưu ý đối với thí sinh - Ảnh: Hoài Nam
Đại tá Vũ Xuân Tiến - Thư ký Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết khi rà soát hồ sơ đăng kí vào khối trường quân đội có nhiều vấn đề phải lưu ý đối với thí sinh - Ảnh: Hoài Nam

Đại tá Vũ Xuân Tiến - Thư ký Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết khi rà soát hồ sơ đăng ký vào khối trường Quân đội có nhiều vấn đề phải lưu ý đối với thí sinh.

“Có một số em đăng ký vào trường quân đội nhưng không đăng kí sơ tuyển. Ngược lại có em đăng ký sơ tuyển rồi nhưng lại không đăng ký xét tuyển vào khối trường quân đội. Vì thế tôi muốn lưu ý thí sinh đăng ký vào khối trường quân đội phải đăng ký và đạt yêu cầu sơ tuyển.

Đăng ký sơ tuyển không đồng nghĩa với đăng ký xét tuyển. Việc đăng ký sơ tuyển được thực hiện ở Ban chỉ huy quân sự địa phương, trong khi đăng ký xét tuyển được thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT. 

Ông Tiến cũng cho biết có nhiều thí sinh sơ tuyển nhưng chỉ đăng kí nguyện vọng 2,3 với ngành, trường mình đã sơ tuyển. “Với các trường hợp này, thí sinh cần điều chỉnh đưa về nguyện vọng 1 thì mới được xem xét”.

Đừng vào đại học bằng mọi giá

Trước nhiều câu hỏi “đã đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng không biết ngành nào có cơ hội cao”, TS tâm lý Phạm Mạnh Hà khuyên các thí sinh “không nên vào đại học bằng mọi giá”.

“Cơ hội càng nhiều, lựa chọn sẽ càng khó vì thí sinh sẽ rất dễ chạy theo những cơ hội “dễ đậu” mà xem nhẹ yếu tố phù hợp của ngành, trường so với sở trường, sở thích của mình. Vì thế, thí sinh có thể chọn được địa chỉ để “đỗ” nhưng chưa chắc đó là lựa chọn sáng suốt.

Do đó thí sinh đừng chỉ quan tâm tới mức điểm nào thì đỗ mà hãy suy nghĩ, cân nhắc đến những mong muốn, tố chất của bản thân có thích hợp với ngành mình định đăng kí không”, TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ. 

Một thí sinh cho biết em được 25 điểm thì đăng ký nguyện vọng như thế nào để tránh rủi ro. PGS-TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng "chưa bao giờ vào đại học dễ như năm nay” do Bộ GD-ĐT không khống chế nguyện vọng của thí sinh. Nên ở mức điểm 23-25 điểm, có rất nhiều trường mà thí sinh có thể lựa chọn.

“Nếu việc chọn ngành học giống như chọn vợ thì em là người đẹp trai đấy, em có thể lấy được vợ đẹp”, PGS-TS Bùi Đức Triệu hài hước.

Đừng quên “luật chơi” để không phạm sai lầm

Rất đông thí sinh tập trung tại gian tư vấn của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - Ảnh: Chí Tuệ
Rất đông thí sinh tập trung tại gian tư vấn của trường Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh: Chí Tuệ

Sáng ngày 8-7, ngay khi bắt đầu phần tư vấn tại khu vực khoa học xã hội, kinh tế, quản lý kinh doanh, ngoại ngữ, sư phạm, báo chí, công an, quân đội, PGS-TS Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh những quy định được xem như “luật chơi” của mùa xét tuyển năm nay.

“Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trung bình mỗi thí sinh năm nay chỉ đăng kí 4-8 nguyện vọng, mặc dù không khống chế số nguyện vọng. Tuy nhiên, thí sinh cần cân nhắc kĩ, đừng bỏ qua cơ hội được thay đổi nguyện vọng một lần duy nhất để không sai lầm”, ông Nghĩa chia sẻ.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) giải đáp thắc mắc của học sinh - Ảnh: Hoài Nam
PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) giải đáp thắc mắc của học sinh - Ảnh: Hoài Nam

Theo ông Nghĩa thì “luật chơi” năm nay các trường sẽ tuyển sinh bình đẳng với tất cả các nguyện vọng. Chỉ cần thí sinh đạt điểm cao, xét từ trên xuống đến ngưỡng điểm xét tuyển thì sẽ trúng tuyển, không lệ thuộc vào nguyện vọng 1 hay 2,3…

Tuy nhiên, nếu có quá nhiều thí sinh có đầu điểm tương đương, các trường có thể quy định tiêu chí phụ. Tiêu chí phụ có thể xem xét điểm một trong ba môn của tổ hợp xét tuyển hoặc xem xét ưu tiên những thí sinh có nguyện vọng 1 vào ngành, hoặc trường.

PGS-TS Trần Văn Nghĩa cũng khuyên thí sinh nên tham khảo phổ điểm theo tổ hợp xét tuyển của năm trước và năm nay để dự đoán mức biến động của điểm chuẩn.

Các phụ huynh và học sinh tập trung lắng nghe tư vấn của các cán bộ trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các phụ huynh và học sinh tập trung lắng nghe tư vấn của các cán bộ trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Được thay đổi nguyện vọng thoải mái

Nhiều thí sinh, phụ huynh đặt câu hỏi chi tiết liên quan đến quy trình thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển mà thí sinh có thể thực hiện bắt đầu từ ngày 15-7 tới.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) đã chia sẻ với thí sinh những nguyên tắc cơ bản trong điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển - quyền đặc biệt của thí sinh được thực hiện sau khi có kết quả thi được quy định trong quy chế tuyển sinh năm nay.

Theo TS Phụng, Quy định của Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng.

Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: trực tuyến hoặc bằng Phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Phương thức điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến chỉ áp dụng cho thí sinh không tăng thêm số nguyện vọng đăng ký xét tuyển và không điều chỉnh ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng (nếu thí sinh có điều chỉnh ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng phải đến Điểm tiếp nhận hồ sơ để điều chỉnh qua Phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển).

Thí sinh muốn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng so với đăng ký ban đầu hoặc có điều chỉnh ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng phải điều chỉnh bằng phiếu và thực hiện tại điểm tiếp nhận.

“Vậy khi thay đổi nguyện vọng, em có được thay đổi toàn bộ nguyện vọng đã đăng ký hay không?”, một thí sinh đặt vấn đề.

“Các em hoàn toàn có thể thay đổi nguyện vọng cả về số lượng, về ngành, trường đăng ký, tổ hợp xét tuyển… Trong đó, riêng trường hợp tăng nguyện vọng thì phải đăng ký điều chỉnh bằng phiếu”, bà Phụng nhấn mạnh. 

Học sinh chăm chú lắng nghe tư vấn - Ảnh: Hoài Nam
Học sinh chăm chú lắng nghe tư vấn - Ảnh: Hoài Nam

Điểm thi cao hơn liệu điểm chuẩn có tăng đột biến?

Rất nhiều thí sinh quan tâm tới điều này. Một thí sinh đăng kí vào trường ĐH ngoại thương lo lắng sẽ trượt mặc dù điểm thi của em ở mức cao hơn điểm chuẩn năm trước.

Gian tư vấn của trường ĐH Ngoại thương Hà Nội tập trung khá đông các bạn học sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh
Gian tư vấn của trường ĐH Ngoại thương Hà Nội tập trung khá đông các bạn học sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh

Chia sẻ về điều này, TS Phạm Thu Hương - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương, cho biết: “Đúng là theo dữ liệu điểm thi thì điểm 8 trở lên tăng rõ rệt. Tuy nhiên, chỉ cần nâng điểm chuẩn lên 0,2 điểm so với năm trước thì số lượng thí sinh trúng tuyển đã tăng vọt lên khá nhiều. 

Vì thế trường ĐH Ngoại thương sẽ rất thận trọng trong việc nâng mức điểm chuẩn. Điểm chuẩn nói chung của các ngành sẽ ổn định so với năm trước”.

“Điểm thi năm nay cao hơn so với các năm trước, vậy điểm chuẩn năm nay có tăng đột biến hay không? Em muốn đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, vậy điểm chuẩn của trường dự kiến có tăng nhiều so với các năm trước hay không?”, một thí sinh khác lo lắng.

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết với kết quả thi đã được 63 sở GD-ĐT công bố, có thể thấy rõ mặt bằng điểm năm nay cao hơn.

“Về lý thuyết, mặt bằng chung lên cao, thì điểm xét tuyển sẽ tăng. Tuy nhiên, mức cụ thể nào thì phải căn cứ vào mức điểm đã đạt của những thí sinh đăng ký vào từng ngành xét tuyển”, ông Tớp nói.

Riêng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn (ngày 12-7) cũng sẽ công bố ngưỡng nhận hồ sơ với mức điểm khác nhau giữa các ngành khác nhau. Dự kiến mức điểm nhận hồ sơ cụ thể này sẽ được trường công bố vào ngày 13-7 hoặc 14-7.

Trường nghề đa dạng hình thức xét tuyển

Ông Đỗ Văn Giang - Phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động-thương binh & xã hội cũng chia sẻ các trường nghề rất đa dạng hình thức xét tuyển và xét tuyển nhiều đợt trong năm. Mô hình đào tạo cũng đa dạng đáp ứng nhiều yêu cầu của người học tùy theo trình độ, thời gian học khác nhau. 

“Truy cập vào cổng thông tin tuyển sinh do Tổng Cục Dạy nghề và Báo Tuổi Trẻ phối hợp thực hiện, các bạn thí sinh có thể tìm hiểu hơn 800 nghề nghiệp do các trường cao đẳng, trung cấp nghề đang đào tạo”, ông Giang cho biết.

>> Cổng thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp Báo Tuổi Trẻ

Rất đông thí sinh, phụ huynh tập trung tại khu tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, sư phạm, báo chí, công an, quân đội - Ảnh: Hoài Nam
Rất đông thí sinh, phụ huynh tập trung tại khu tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, sư phạm, báo chí, công an, quân đội - Ảnh: Hoài Nam
Các chuyên gia tư vấn đang giải đáp thắc mắc của các bạn thí sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các chuyên gia tư vấn đang giải đáp thắc mắc của các bạn thí sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một bạn học sinh chụp ảnh lưu niệm tại gian trưng bày của trường Bách Khoa Aptech - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một bạn học sinh chụp ảnh lưu niệm tại gian trưng bày của trường Bách Khoa Aptech - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ngoài được tư vấn, các thí sinh còn được thưởng thức đồ ăn tại gian tư vấn Trường Quốc tế CHM - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ngoài được tư vấn, các thí sinh còn được thưởng thức đồ ăn tại gian tư vấn Trường Quốc tế CHM - Ảnh: Nguyễn Khánh
 
Em Lê Thị Hồng Linh thích thú khi cầm trên tay một mầm cây mọc trong lọ thuỷ tinh tại gian tư vấn trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Khánh
Em Lê Thị Hồng Linh thích thú khi cầm trên tay một mầm cây mọc trong lọ thủy tinh tại gian tư vấn Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Khánh
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục