27/12/2016 09:03 GMT+7

Nới lỏng đầu vào ĐH có làm khó tuyển sinh CĐ?

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TTO - Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án tuyển sinh ĐH 2017 với thay đổi khác biệt so với quy chế hơn 10 năm qua - không còn quy định mức điểm sàn, nhiều trường CĐ cho rằng trường sẽ không đủ sức để cạnh tranh nguồn tuyển với ĐH.

Thí sinh trao đổi về bài thi sau giờ thi môn toán tại hội đồng thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) năm 2016 - Ảnh: Như Hùng

Chính sách này liệu có gây khó cho hệ thống trường CĐ vừa được chuyển giao từ Bộ GD-ĐT sang Bộ Lao động - thương binh và xã hội không? Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - lý giải:

- Một số ý kiến cho rằng bộ bỏ điểm sàn là không đúng. Chủ trương này cần được hiểu đúng, là bộ dự kiến không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung, mà giao về cho các trường tự quy định để phù hợp với điều kiện của từng trường, và yêu cầu của từng ngành đào tạo.

* Lý do nào khiến Bộ GD-ĐT quyết định như vậy, sau bao nhiêu năm kiên quyết giữ lại?

- Trước năm 2015, một thời gian dài việc tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức chung cho cả hệ thống, sử dụng chung đề và chung kết quả thi, thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phát huy tác dụng tốt.

Năm 2015 và 2016, thực hiện Luật giáo dục ĐH, các trường có thể xét học bạ để tuyển sinh vào CĐ, ĐH thì phạm vi áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngày càng thu hẹp lại.

Thực tế hiện nay, các trường tốp trên đều không quan tâm nhiều đến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của bộ, vì họ đủ điều kiện để xây dựng chính sách chất lượng ở mức cao hơn. Một số ngành như y - dược thì dù ở trường công hay tư cũng chưa bao giờ lấy điểm trúng tuyển bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung. Các trường khó khăn trong tuyển sinh đều đã xét học bạ, nên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cũng không chi phối nhiều tới họ...

Riêng nhận thức của thí sinh cũng đã khác trước, không còn tâm lý “đổ xô vào ĐH” nữa. Bằng chứng là năm 2016, khi xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, hệ số dư tính theo ngưỡng này là 127% so với chỉ tiêu, nhưng số tuyển được trong toàn hệ thống chỉ khoảng 75% chỉ tiêu.

Nghĩa là toàn hệ thống vẫn thiếu khoảng 25% chỉ tiêu, tương đương với khoảng 100.000 chỉ tiêu không có người học - mặc dù các trường này đều lấy bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào kết hợp với xét học bạ.

Ngoài ra, cũng có khoảng 100.000 thí sinh có điểm trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nhưng không đăng ký xét tuyển vào các trường đang thiếu... Điều đó cho thấy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngày càng ít ý nghĩa, và không phải cứ bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tất cả học sinh THPT đều lựa chọn vào ĐH.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Ảnh: V.D.

* Tại sao thời điểm lựa chọn đưa ra quyết định này lại là năm 2017 mà không phải trước hay sau đó?

- Việc đưa ra quy định này trong dự thảo đã được cân nhắc dựa trên cả cơ sở thực tiễn và pháp lý hiện hành. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã quy định học sinh tốt nghiệp THPT đủ điều kiện để vào học ĐH.

Còn trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, tốt nghiệp THPT chỉ mới là điều kiện cần đối với thí sinh tham gia xét tuyển, việc có được đăng ký xét tuyển vào một trường cụ thể hay không còn phụ thuộc vào điều kiện đủ mà trường đó quy định.

Các trường căn cứ vào yêu cầu đảm bảo chất lượng, tính chất ngành nghề, mục tiêu xây dựng uy tín... sẽ đưa ra điều kiện nhận đăng ký xét tuyển cụ thể, trong đó có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường.

Chắc chắn sẽ không có trường nào hạ mức điểm xét tuyển quá thấp để thu hút thí sinh kém. Việc chọn điểm đầu vào thấp là các trường tự tuyên bố, tự thừa nhận mình là trường chất lượng thấp.

Thực tế, trong điều kiện các căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH không thay đổi (những năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH luôn được xác định khoảng 40% số học sinh THPT), việc để cho các trường được tự quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào không dẫn đến gia tăng số lượng sinh viên vào ĐH, không ảnh hưởng đến phân luồng học sinh.

Một số ý kiến lo lắng, băn khoăn về việc không còn điểm sàn, thí sinh sẽ đổ xô vào ĐH, ảnh hưởng tới phân luồng, chất lượng kém... là chưa đủ thông tin hoặc là chưa tính đến các yếu tố này.

* Các biện pháp quản lý chất lượng khi không có điểm sàn sẽ được bộ thực hiện như thế nào?

- Chất lượng đào tạo sẽ được kiểm soát từ chính sách tuyển sinh của các trường, chất lượng đầu vào, trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm, chứ không phải chỉ tập trung cho chất lượng đầu vào.

Việc cho trường tự quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chỉ để các trường có trách nhiệm hơn trong việc xác định chính sách chất lượng lâu dài của mình; trong đó chính sách tuyển sinh phải đồng bộ với các chính sách chất lượng khác.

Theo tinh thần của dự thảo, các trường sẽ căn cứ vào yêu cầu chất lượng đầu vào của ngành đào tạo, điều kiện tuyển của trường mình... để tự quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, có thể vẫn có trường vì khó khăn trong tuyển sinh nên có xu hướng nhận tất cả các thí sinh đăng ký xét tuyển, thiếu sự sàng lọc trong tuyển sinh, dẫn đến chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng nếu chất lượng đầu vào không được kiểm soát kỹ.

Vì vậy, dự thảo quy chế cũng quy định các trường phải công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, công bố chuẩn đầu ra, công bố tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp...

Bộ sẽ công khai điểm nhận hồ sơ, điểm trúng tuyển của tất cả các trường trong toàn hệ thống trên Cổng thông tin tuyển sinh để người học, xã hội, nhà tuyển dụng lao động... biết và lựa chọn.

Bộ cũng sẽ tăng cường công tác kiểm định chất lượng đối với toàn hệ thống và công khai kết quả kiểm định.

Ngoài ra, trường nào tuyển vượt chỉ tiêu sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy chế, như bị khấu trừ vào chỉ tiêu tuyển sinh năm sau, thậm chí hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng tuyển sinh và các cán bộ liên quan cũng có thể bị xử lý kỷ luật.

* Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đang nghiêng về phương án nào: quyết bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hay tiếp tục giữ lại vì có dư luận trái chiều?

- Quy chế vẫn chỉ mới trong giai đoạn dự thảo. Vấn đề ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào liên quan đến chất lượng đào tạo, nên Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, tham vấn ý kiến chuyên gia, đánh giá tác động của các phương án.

Bộ đang tính đến lộ trình từng bước trao quyền tự chủ phù hợp với năng lực tự chủ của các trường ở các hoạt động, trong đó có tuyển sinh.

Ví dụ, trước hết giao cho các trường thí điểm tự chủ, và các trường đã đạt kiểm định chất lượng được tự quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Đây cũng là một trong các phương án đã được dự kiến lựa chọn.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên