10/12/2016 09:45 GMT+7

Khánh Hòa loay hoay với tuyển sinh lớp 10

PHAN SÔNG NGÂN
PHAN SÔNG NGÂN

TTO - Đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn đang xem xét đề xuất thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học sắp tới.

HS các trường THCS ở Nha Trang học đến tối vẫn chưa về nhà. Ảnh chụp trước Trường THCS Thái Nguyên lúc 19g ngày 7-12
HS các trường THCS ở Nha Trang học đến tối vẫn chưa về nhà. Ảnh chụp trước Trường THCS Thái Nguyên lúc 19g ngày 7-12

Còn trong chín năm qua, kể từ năm 2007, Khánh Hòa đã cho thực hiện bốn lần thay đổi phương thức tuyển sinh lớp 10 ở tỉnh này.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, tất cả phương thức tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT đều đã được tỉnh áp dụng, thực hiện. Còn thực tế, đến nay chưa có phương thức nào được “thọ” lâu ở Khánh Hòa. Trong đó, việc xét tuyển lớp 10 trong toàn tỉnh được áp dụng mấy năm qua lại đang có nhiều ý kiến đề nghị phải thay đổi.

Đổi mới... rồi lại đổi thay

Từ năm 2007-2010, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện xét tuyển ở hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và kết hợp thi tuyển với xét tuyển ở tất cả các địa phương còn lại.

Nhưng hai năm học tiếp theo, Khánh Hòa đổi mới phương thức tuyển sinh lớp 10 bằng cách kết hợp thi tuyển với xét tuyển ở hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thi tuyển ở tất cả các nơi còn lại.

Sau đó, đến năm học 2012-2013, lại áp dụng thi tuyển ở TP Nha Trang và xét tuyển ở các địa bàn còn lại. Từ năm học 2013-2014 tới nay Khánh Hòa thay đổi bằng cách xét tuyển vào lớp 10 tất cả các trường công lập trong toàn tỉnh.

Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa cho rằng mỗi phương thức tuyển sinh lớp 10 đều có những ưu điểm và nhược điểm không thể tránh khỏi. Còn qua bốn năm xét tuyển trong toàn tỉnh (từ năm học 2013-2014 đến 2016-2017) đã đạt được nhiều ưu điểm.

Đó là đánh giá được quá trình học tập và rèn luyện của học sinh trong suốt bốn năm học ở cấp THCS; thực hiện được mục tiêu giáo dục toàn diện, vừa dạy chữ vừa dạy người, tránh được việc học lệch môn.

Ở các huyện, thị xã, thành phố có số học sinh dự tuyển vào lớp 10 xấp xỉ với chỉ tiêu tuyển sinh được giao, hầu hết học sinh có học lực trung bình trở lên đều được vào lớp 10 hệ công lập.

Việc xét tuyển cũng hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan; giảm áp lực thi cử cho học sinh và phụ huynh; tiết kiệm được ngân sách cho Nhà nước (khoảng 5 tỉ đồng/kỳ thi tuyển sinh) và các chi phí khác của phụ huynh.

Ngoài ra, khi xét tuyển học sinh được nghỉ hè đủ ba tháng, giáo viên nghỉ hè đủ hai tháng.

“Nhiều ưu điểm” nhưng dân lo tiêu cực

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Hoàng Yến - nguyên phó Ban văn hóa, xã hội HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V - cho rằng việc xét tuyển lớp 10 thực ra chỉ đạt được những kết quả tin cậy, tốt nhất là vào năm đầu tiên. Đó là khi các khả năng “chạy điểm, chạy hạnh kiểm” cho học sinh chưa kịp thực hiện.

Theo bà Yến, một trong những bất cập của xét tuyển dựa theo kết quả xếp loại hạnh kiểm, học tập cả bốn năm học THCS của học sinh là việc mỗi trường tự đánh giá, cho điểm học sinh của mình, nên dù có quy định chung thì vẫn có sự chênh lệch, khác nhau, do đó sẽ khó có được sự công bằng khi xét tuyển chung vào lớp 10.

Đó là chưa kể xuất hiện các tình trạng “chạy điểm, chạy hạnh kiểm”. Tỉ lệ học sinh khá, giỏi của nhiều trường bỗng dưng tăng vọt (từ 30-40% lên đến 60-70%). Thế nhưng, khi số học sinh giỏi ấy vào lớp 10 thì tỉ lệ học sinh giỏi ở các trường THPT lại “hao hụt”, tụt xuống rất nhiều.

Còn việc dạy thêm, học thêm thực ra không phải giảm đi mà còn tăng lên, bởi không ít học sinh không chỉ học thêm thầy cô các em cần mà còn phải lo học thêm cả những thầy cô đang dạy các em hằng ngày ở trường, ở lớp.

Nhiều trường học đã chuyển sang “chế độ mở cửa, sáng đèn dạy đêm”. Do đó mà “rất nhiều em học sinh đi học từ 7g sáng nhưng đến 20g-21g đêm vẫn chưa được về nhà nghỉ ngơi. Học thêm còn căng hơn và rất tội cho học sinh” - bà Yến nói.

Còn ông Lê Tấn Sĩ (hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng, TP Nha Trang) cho biết: “Ở nhiều trường THCS người ta thương học trò nên dễ dàng, nhẹ nhàng cho các em “điểm ảo” nhiều, đạt loại giỏi, loại tốt để có điểm xét tuyển cao vào lớp 10”.

Thế nhưng, khi vào học ở Trường THPT Lý Tự Trọng thì “có những học sinh đạt loại giỏi cả bốn năm THCS nhưng lại mất căn bản trầm trọng nên có em đâm ra chán nản việc học hoặc xin chuyển trường. Nhà trường phải sắp xếp, bố trí giáo viên phụ đạo, kèm cặp để bù đắp kiến thức cho các em” - ông Sĩ nói.

Nói về việc dạy thêm, học thêm, theo ông Trần Duy Nhụ - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang), “thực ra thi tuyển thì học sinh cũng có nhu cầu học thêm để thi, mà xét tuyển thì học sinh cũng phải học thêm theo kiểu xét tuyển”.

Do đó, khi cho rằng xét tuyển lớp 10 đã “hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan” nhưng nhiều phụ huynh học sinh lại phản ảnh thực tế khi xét tuyển thì con em họ phải lo học thêm nhiều hơn, học quanh năm suốt cả bốn năm ở THCS để lo vào cho được lớp 10 công lập.

Đang xem xét tìm phương án mới

Từ những thực tế được nêu, HĐND tỉnh đã giao UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh việc tuyển sinh lớp 10 ở tỉnh cho phù hợp.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến các cơ sở giáo dục và các phòng GD-ĐT về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học sắp tới.

Trên cơ sở lấy ý kiến đó và thực tế quản lý trong quá trình dạy học, cho điểm, kiểm tra, đánh giá, xếp loại đối với các cơ sở giáo dục, cũng như tránh những thay đổi lớn trong công tác tuyển sinh trên địa bàn toàn tỉnh, vừa qua Sở GD-ĐT đã trình UBND tỉnh đề xuất tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017- 2018 theo phương thức: kết hợp thi tuyển với xét tuyển đối với các trường THPT trên địa bàn TP Nha Trang, xét tuyển đối với các trường THPT còn lại và Trường phổ thông Dân tộc nội trú.

Tuy nhiên đến nay, theo ông Nguyễn Văn Thiện - phó chánh Văn phòng UBND tỉnh: “UBND tỉnh vẫn còn đang xem xét thận trọng về phương thức đề xuất tuyển sinh lớp 10, để tránh lặp lại những hạn chế từ những phương thức tuyển sinh đã được áp dụng trước đây”.

PHAN SÔNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên