19/08/2015 08:16 GMT+7

Trực tuyến tình hình xét tuyển ĐH ngày 19-8

MINH GIẢNG - HỒNG NGUYÊN - NGỌC TUYỀN - PHƯƠNG NGUYỄN - HẢI QUÂN - THỤC TRINH - NGỌC HÀ - NGỌC DƯƠNG
MINH GIẢNG - HỒNG NGUYÊN - NGỌC TUYỀN - PHƯƠNG NGUYỄN - HẢI QUÂN - THỤC TRINH - NGỌC HÀ - NGỌC DƯƠNG

Ngày áp chót xét tuyển nguyện vọng 1, các trường ĐH đã chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tiếp nhận và trả hồ sơ xét tuyển cho thí sinh.

Thí sinh chờ nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). Ảnh - Hồng Nguyên
Thí sinh chờ nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). Ảnh - Hồng Nguyên

16g30: Đợi từ 13g vẫn chưa rút được hồ sơ

Chiều 19-8, tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, mặc dù nhà trường đã phân chia hai khu vực sảnh riêng để rút và nộp hồ sơ nhưng cả hai khu vực này đều kín mít người, mặc dù trước đó nhà trường chỉ có một khu vực để phục vụ xét tuyển.

Hơn 16g, số thí sinh đợi rút hồ sơ vẫn còn đông nghẹt. Anh trai của thí sinh Phạm Minh Duy (Quãng Ngãi) đang học tại TP.HCM nên tranh thủ đi rút dùm em, nhưng đợi từ 13g đến giờ vẫn chưa tới lượt mình. Bạn cho biết mình rút ở đây để qua Trường ĐH Công nghiệp nộp. 

Gia Hân (TP.HCM) đến trường đợi khoảng nửa tiếng. Nhìn số thứ tự trên hay, Hân ngán ngẩm: “Mình về chứ đợi mấy tiếng còn chưa rút được, mình mới đợi 30 phút thì không có hi vọng rồi”.

Tại khu vực nộp hồ sơ, mặc dù không có tình trạng chen chúc như khu vực rút hồ sơ nhưng nhiều phụ huynh và thí sinh vẫn tập trung theo dõi kết quả xét tuyển tạm thời cập nhật đến hết ngày 17-8.

Thí sinh Nguyễn Thị Bảo Trâm (Củ Chi, TP.HCM) đã rút hồ sơ từ ngành may bên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM để sang nộp, sau khi theo dõi thông tin, Trâm chia sẻ: “Mình muốn vào ngành tương đương ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhưng không có môn thi năng khiếu nên mình chọn ngành công tác xã hội của trường”.

Thí sinh diều chỉnh nguyện vọng tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh - Như Hùng
Thí sinh diều chỉnh nguyện vọng tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh - Như Hùng

Tính đến 16g, Học viện Hành chính quốc gia (cơ sở TP.HCM) đã nhận 1292 hồ sơ, trong đó có 273 trường hợp xin rút hồ sơ. Trường có 600 chỉ tiêu, xét ở 4 tổ hợp khối A, A1, C và D1.

“Năm nay lần đầu tiên trường áp dụng công nghệ sử dụng mã vạch để nhập liệu, thống kê hồ sơ nên các thủ tục nộp – rút hồ sơ được giải quyết nhanh gọn. Nhà trường xử lý dữ liệu, thống kê hằng ngày và cập nhật chính thức trên website của trường 3 ngày/1 lần theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT”, ThS Nguyễn Thế Tài, trường phòng Đào tạo của trường cho biết.

“Hiện tại, thí sinh có điểm cao nhất nộp hồ sơ vào trường đạt 28,75 điểm (đã cộng điểm ưu tiên). Dự báo điểm chuẩn vào trường sẽ tăng so với năm ngoái, trong đó điểm chuẩn khối C sẽ cao hơn các tổ hợp môn còn lại”, ông Tài nói thêm.

16g: Nộp đại hồ sơ

Tại Trường ĐH Tài chính – Marketing, hai phòng trả hồ sơ và nộp hồ sơ đều tấp nập thí sinh đến rút và nộp. Thí sinh Võ Thị Trúc Quỳnh với 20.75 điểm đã rơi khỏi ngưỡng an toàn của ngành tài chính kế toán. Sau khi rút hồ sơ, Quỳnh dự định nộp sang Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhưng vẫn còn lo lắng. Quỳnh nói: “Ngày mai em sẽ chạy qua nộp hồ sơ, bây giờ có chạy qua cũng không kịp. Còn mỗi ngày cuối, em sợ quá”.

Thí sinh Trần Thị Tú Uyên rút hồ sơ tại Trường ĐH Tài chính – Marketing vì muốn nộp hồ sơ qua Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM). Thi khối D được 23.25 điểm, Uyên từng rút từ Trường KHXH&NV để nộp qua Trường Tài chính – Marketing, sau khi suy nghĩ lần nữa Uyên lại rút ra và nộp lại như ý định ban đầu. “Ngành tâm lý học của trường lấy 23, em hơn được có 0.25 điểm nhưng mà liều nộp luôn. Đây là sự lựa chọn cuối cùng của em” – Uyên tươi cười nói.

Thí sinh đến nộp và rút hồ sơ tại Trường ĐH Tài chính Marketing chiều 19-8. Ảnh - Ngọc Tuyền
Thí sinh đến nộp và rút hồ sơ tại Trường ĐH Tài chính Marketing chiều 19-8. Ảnh - Ngọc Tuyền

Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Thị Thu Hương với 21.5 điểm khối D đến nộp hồ sơ vào ngành ngôn ngữ Anh của trường. “Trông em có vẻ cân nhắc suy tính rất lâu, suốt 19 ngày nhưng đến thời điểm này em khẳng định là em nộp đại. Em không biết điểm mình nằm ở đâu hết. Em biết mình chẳng có hy vọng nhiều” – Hương chia sẻ.

15g: ĐH Huế đông nghịt thí sinh

Đến trưa 19-8, tại Đại học Huế các thí sinh và người nhà vẫn xếp hàng rồng rắn ken đặc cả sân trụ sở số 2 Lê Lợi để rút – nộp hồ sơ.

Lượng thí sinh và người nhà tập trung đông hơn những ngày trước đó. Nhiều thí sinh sau khi nộp hồ sơ trong sáng nay đều nói rằng chỉ còn chờ vào sự “hên xui”. Thí sinh Trần Thị Quỳnh (Tuyên Hóa, Quảng Bình) thi được 26,5 điểm đang bấn loạn không biết có nên rút hồ sơ ra khỏi ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược (ĐH Huế) hay không. Bởi vì ngành này với 600 chỉ tiêu, nhưng đến cuối ngày 18-8 đã có 531 thí sinh từ 26,5 điểm đến 30 điểm, hầu hết đều nguyện vọng 1. “Hồ sơ của tôi đang trong số áp chót. Chừ tôi không biết có nên rút hay không, tôi lo quá” - Quỳnh nói trong sự căng thẳng.

Trong khi đó, thí sinh Trần Thị Oanh (Diễn Châu, Nghệ An) đang rất nóng lòng chuyện rút hồ sơ cho kịp để đi nộp trường khác. Cô thí sinh này từ hôm 15-8 đã đến Huế thuê trọ hòng “canh chừng” danh sách để kịp rút hồ sơ. Thí sinh này thi được 26,25 điểm, nộp vào nghành y đa khoa ĐH Y dược Huế nhưng đến trưa 19-8 thì quyết định rút để về nộp tại trường ĐH Y dược Thái Bình, vì từ hôm 18-8, với điểm này gần như chắc chắn “đậu cành mềm” vào ngành này.

Ken đặc thí sinh rút nộp hồ sơ tại ĐH Huế. Ảnh - Ngọc Dương
Ken đặc thí sinh rút nộp hồ sơ tại ĐH Huế. Ảnh - Ngọc Dương

Trong khi các thí sinh đang loay hoay chuyện rút- nộp thì nhiều phụ huynh cũng căng thẳng theo dõi sát sao tình hình xét tuyển của con mình.

Ông Nguyễn Công Lục (Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết: “Mấy ngày nay chỉ biết lên mạng theo dõi tình hình xét tuyển, sau mỗi lần cập nhật lại thấy con mình tụt xuống gần cuối danh sách. Như thế này chẳng khác gì đánh bạc cả. Lo quá nên hai cha con phải bắt xe ra Huế ngay trong đêm để  trở tay cho kịp”.

Theo danh sách công bố của ĐH Huế đến chiều 18-8, nhận được 33.375 lượt nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 là 13.887 hồ sơ (ĐH này có hơn 12.000 chỉ tiêu).

Nhiều ngành học năng khiếu của các khoa trường vẫn chưa đủ hồ sơ nộp vào. Đó là ngành kiến trúc của Trường ĐH Khoa học mới có 113 hồ sơ, với 91 hồ sơ nguyện vọng 1 trong khi chỉ tiêu là 150. Khoa giáo dục thể chất với 167 chỉ tiêu nhưng chỉ có 34 hồ sơ nộp vào. Ở Trường ĐH Nghệ thuật, cho dù lượng hồ sơ cũng tàm tạm: 198 hồ sơ/180 chỉ tiêu. Song, số hồ sơ nguyện vọng 1 chỉ là 80. Các ngành như: hội họa, đồ họa, điêu khắc đều rất ít hồ sơ và gần như “nắm chắc” việc tuyển thiếu chỉ tiêu.

Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị với 380 chỉ tiêu mới chỉ nhận được 18 hồ sơ, trong đó chỉ có 10 hồ sơ nguyện vọng 1 vào 5 ngành. Phân hiệu này có đến 5 ngành chưa có hồ sơ, do đó nguy cơ tạm đóng cửa một số ngành trong năm học này là không phải không có khả năng. 

12g30: Tấp nập chọn trường thay vì chọn ngành

Ghi nhận tại Hà Nội cho thấy, tại điểm tiếp nhận đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, hàng trăm thi sinh, phụ huynh đã chờ đến lượt tư vấn để rút- nộp hồ sơ.

Thí sinh nên  tính toán chọn ngành trước tiên dựa vào sở thích của mình chứ không phải để làm sao trúng tuyển vào ĐH. Hiện nay nước ta có hơn 400 trường ÐH, CÐ. Một chuyên ngành có thể được đào tạo ở nhiều trường.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Dù có đến cả chục bàn tiếp nhận hồ sơ, nhưng trường vẫn phải yêu cầu  thí sinh xếp hàng theo thứ tự để tránh lộn xộn. Dù trường giải quyết việc rút- nộp hồ sơ tương đối nhanh, nhưng đến 9 giờ, số thí sinh xếp hàng đã kéo dài suốt hội trường lớn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khuyến cáo: chỉ còn hơn một ngày nữa là kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên. Các trường lớn có lượng thí sinh đăng ký vượt chỉ tiêu cần tuyển cũng đã công bố điểm chuẩn tạm thời các ngành khác nhau của trường, nên thí sinh có điểm thấp hơn mức điểm này nếu có nguyện vọng thì làm thủ tục chuyển sang trường khác để khả năng trúng tuyển cao hơn.

Thí sinh không phải quá lo lắng vì các em còn có nhiều cơ hội ở các đợt xét tuyển bổ sung nếu chưa trúng tuyển đợt 1. Trong các ngày 19, 20-8, nếu thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng xét tuyển thì giải pháp an toàn, thuận tiện nhất là  các em về sở GD-ĐT của địa phương để nộp đơn. Sở sẽ chịu trách nhiệm thực hiện chuyển thông tin của các em đến các trường liên quan đúng thời hạn qui định.

Trần Thanh Tùng (quê Nam Định) chia sẻ em đã rút hồ sơ từ Trường ĐH Ngoại thương từ hai ngày trước, nhưng vẫn đắn đo chưa lựa chọn trường thay thế. Theo dõi thông tin thấy điểm xét tuyển của Trường ĐH Kinh tế quốc dân vừa sức hơn, cuối cùng cậu thí sinh đạt 25 điểm này đã đăng ký vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Quang Dong- trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân- cho biết sau hai ngày 17 và 18-8, số lượng rút hồ sơ nhiều khiến một số ngành đào tạo của trường bị hụt chỉ tiêu, có ngành điểm chuẩn tạm thời bất ngờ rớt xuống 5 điểm thì số liệu thống kê nhanh sáng 19-8 cho thấy chủ yếu là thí sinh nộp hồ sơ mới với mức điểm cao, phổ biến ở mức 23-26 điểm, còn số thí sinh rút hồ sơ ra rất ít.

Trong khi đó, tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mức điểm chuẩn dự kiến dù đã cao những vẫn tiếp tục tăng, nhất là ở ngành “hot”: nhóm ngành kỹ thuật máy tính, truyền thông mạng máy tính, công nghệ thông tin… trước đó dự kiến điểm chuẩn dành cho thí sinh đạt trung bình 8,68 điểm/môn, nay tăng lên mức 8,7 điểm/môn; nhóm ngành kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật hàng không, kỹ thuật ô tô, kỹ thuật tàu thủy tằng từ mức trung bình 7,93 điểm/môn lên 8,02 điểm/môn mới chạm ngưỡng an toàn…

Trong khi đó, việc rút- nộp hồ sơ lại có phần bớt “sôi động” hơn so với những ngày trước đó. PGS.TS Nguyễn Phong Điền- trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội- cho biết trong sáng 19-8, trường tiếp nhận khoảng 100 hồ sơ nộp mới với mức điểm rất cao từ 25-27 điểm, nhưng cũng đồng thời làm thủ tục rút hồ sơ cho hơn 200 trường hợp. Theo kế hoạch, 21 g tối ngày 19-8 là đợt cập nhật cuối cùng về phổ điểm các ngành đào tạo và mức điểm chuẩn dự kiến tạm thời ở từng ngành.

Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, sáng 19-8, thí sinh xếp thành hàng dài để chờ nộp hồ sơ xét tuyển. Ảnh - D.Nguyễn
Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, sáng 19-8, thí sinh xếp thành hàng dài để chờ nộp hồ sơ xét tuyển. Ảnh - D.Nguyễn

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng vừa thông báo điều chỉnh thời gian thay đổi nguyện vọng xét tuyển trên trang tsx.hust.edu.vn theo hướng chuyển thời gian khóa hệ thống thay đổi nguyện vọng trước đây là 17g ngày 19-8 sang 17g ngày 20-8. Hiện tại, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn có trên 1.000 đã đăng ký xét tuyển và nằm ngoài ngưỡng an toàn nhưng những thí sinh này vẫn chưa thấy thay đổi nguyện vọng hoặc chuyển trường.

Ghi nhận từ các trường ĐH tại Hà Nội cho thấy nhiều thí sinh chuyển từ trường có điểm chuẩn tạm thời cao xuống trường có điểm chuẩn tạm thời thấp hơn bất chấp ngành rất khác nhau. Thậm chí, thực tế, nhiều thí sinh ban đầu chọn nhóm ngành kỹ thuật của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đến khi bị đẩy khỏi mức an toàn cũng không theo đuổi nhóm ngành này ở trường khác mà lại chuyển hồ sơ sang ngành khác như nhóm ngành … kinh tế của Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

12g: Trường nhắn tin cho thí sinh đến rút hồ sơ

11g30, vẫn còn khá nhiều thí sinh và phu huynh nộp  - rút hồ sơ tại Trường ĐH Mở TP.HCM. Nhà trường đã nhắn tin qua hệ thống tổng đài đến các thí sinh nằm ngoài ngưỡng an toàn, nhất là những trường hợp ở tỉnh xa đến để rút hồ sơ. Đây cũng là cách mà Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thông báo cho thí sinh dưới điểm xét tuyển tạm thời. 

Ông Nguyễn Minh Hà, trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: “Thông qua dữ liệu số điện thoại mà thí sinh cung cấp khi nộp đơn xét tuyển vào trường. nhà trường sẽ thông báo cho tất cả thí sinh không đạt điểm chuẩn ở cả 4 nguyện vọng vào trường.

Tính đến trưa 19-8, đã có gần 7100 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, trong đó có hơn 2600 thí sinh đã đến rút hồ sơ và còn trên 2200 thí sinh “trượt” nhưng chưa đến rút hồ sơ. Các trường hợp này nhà trường đã thông báo để hôm nay và ngày mai đến rút hồ sơ”.

Tin nhắn thông báo cho thí sinh đến rút hồ sơ của Trường ĐH Mở TP.HCM. Ảnh - Hải Quân
Tin nhắn thông báo cho thí sinh đến rút hồ sơ của Trường ĐH Mở TP.HCM. Ảnh - Hải Quân

Thụ tục trả hồ sơ ở Trường ĐH Mở TP.HCM khá nhanh gọn, phụ huynh và thí sinh chỉ cần chờ 15-20 phút để hoàn tất rút hồ sơ.

Thí sinh Nguyễn Trần Tường Vi (Châu Phú, An Giang), cho biết: “Em đến để rút hồ sơ , vì với điểm số 19,25 điểm thì em nằm ngưỡng mấp mé của ngành kinh tế của ĐH Mở. Chiều nay em sẽ thu xếp nộp vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM rồi ở nhà người quen để tiếp tục theo dõi”.

11g30: Xét tuyển ngành yêu thích, không nên chỉ để đậu ĐH

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM vừa cống bố điểm chuẩn dự kiến dành cho hồ sơ nộp vào trường tính đến hết ngày 18-8. 

Điểm chuẩn trúng tuyển tạm thời các chương trình liên kết quốc tế là 17 điểm. Điểm chuấn trúng tuyển tạm thời các ngành thuộc Phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận là 15 điểm. Điểm chuẩn trúng tuyển các ngành đào tạo hệ liên thông chính quy bằng các ngành đào tạo chính quy tương ứng.

Thí sinh cân nhắc để điều chỉnh nhưng cần dựa vào cái gốc là năng lực sở trường bản thân theo định hướng nghề nghiệp chứ không phải chỉ để đậu đại học, cao đẳng. 
TS Trần Đình Lý - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM

Điểm chuấn trúng tuyển tạm thời trên áp dụng cho HSPT-KV3  (tức học sinh phổ thông không hưởng ưu tiên, thí sinh thuộc diện được hưởng ưu tiên theo khu vực và đối tượng) như sau: 

TRƯỜNG ĐH NÔNG LÂM TP.HCM

Chỉ tiêu

Mã tổ hợp

Điểm chuẩn tạm thời

Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp

120

A00

18

B00

18

Ngôn ngữ Anh (*)

120

D01

27.67

Kinh tế

180

A00

19

D01

19

Bản đồ học

120

A00

17

D01

17

Quản trị kinh doanh

250

A00

19.75

D01

19.75

Kế toán

120

A00

20

D01

20

Công nghệ sinh học

160

A00

21.75

B00

21.75

Khoa học môi trường

80

A00

19.5

B00

19.5

Công nghệ thông tin

240

A00

19.25

A01

19.25

Công nghệ kỹ thuật cơ khí

120

A00

19.75

A01

19.75

Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử

60

A00

20.5

A01

20.5

Công nghệ kỹ thuật ô tô

60

A00

21

A01

21

Công nghệ kỹ thuật nhiệt

60

A00

18.75

A01

18.75

Công nghệ kỹ thuật hóa học

150

A00

21

B00

21

Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa

60

A00

20

A01

20

Kỹ thuật môi trường

110

A00

19.75

B00

19.75

Công nghệ thực phẩm

290

A00

21.25

B00

21.25

Công nghệ thực phẩm (CT tiên tiến)

60

A00

19.5

B00

19.5

Công nghệ chế biến thủy sản

80

A00

20.25

B00

20.25

Công nghệ chế biến lâm sản

180

A00

17

B00

17

Chăn nuôi

160

A00

20.75

B00

20.75

Nông học

140

A00

21.25

B00

21.25

Bảo vệ thực vật

90

A00

21.5

B00

21.5

Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan

160

A00

17

B00

17

Kinh doanh nông nghiệp

60

A00

18.25

D01

18.25

Phát triển nông thôn

60

A00

17

D01

17

Lâm nghiệp

240

A00

17

B00

17

Nuôi trồng thủy sản

180

A00

19.25

B00

19.25

Thú y

190

A00

22.25

B00

22.25

Thú y (CT tiên tiến)

60

A00

21.5

B00

21.5

Quản lý tài nguyên và môi trường

160

A00

19.75

B00

19.75

Quản lý đất đai

340

A00

18.25

A01

18.25

11g15: Nên tham khảo điểm chuẩn dự kiến

Tại Trường ĐH Sài Gòn, khá đông thí sinh đến trường để nộp hồ sơ và chỉnh sửa nguyện vọng. Phòng trả hồ sơ luôn có thí sinh ra vào liên tục. Theo lời cán bộ tư vấn, vì số lượng hồ sơ lớn, trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt xét tuyển này và không còn cơ hội cho các nguyện vọng bổ sung đợt sau.

Thí sinh không nên dựa trên thứ hạng trong danh sách vì có cả các nguyện vọng 2, 3, 4 gây nên tình trạng ảo. Thay vào đó, thí sinh chỉ cân nhắc rút hay nộp dựa trên điểm xét tuyển dự kiến trường công bố. Nếu hơn điểm xét tuyển dự kiến này hoàn toàn có thể nộp.

Trước 13g hôm nay trường sẽ cập nhật điểm xét tuyển dự kiến tính đến ngày 18-8, rất nhiều thí sinh và phụ huynh ở lại trường đợi có điểm rồi mới quyết định nộp hay rút. Đợt nguyện vọng bổ sung được cân nhắc và bàn luận rất sôi nổi trong các cuộc trò chuyện tại trường.

Thí sinh và phụ huynh nghe tư vấn tại Trường ĐH Sài Gòn sáng 19-8. Ảnh - Ngọc Tuyền
Thí sinh và phụ huynh nghe tư vấn tại Trường ĐH Sài Gòn sáng 19-8. Ảnh - Ngọc Tuyền

Bà Đinh Thị Diệu (TP.HCM) đến trường nộp hồ sơ giùm cháu là thí sinh Nguyễn Thị Tuyết (Quảng Ninh). Bà Diệu cho biết vì số điểm khối A và B của Tuyết đều chỉ 18 điểm, bà phải suy tính và kiên nhẫn đến ngày gần cuối để quyết định nộp vào Trường ĐH Sài Gòn ngành tài chính kế toán. Bên cạnh đó, bà cũng chọn sẵn trường cho đợt xét tuyển sau để nộp ngay sau khi chấm dứt đợt xét tuyển nguyện vọng 1.

Thí sinh Nguyễn Hứa Thiên Thanh cho biết: “Em biết lượng sức nên nộp sang Trường CĐ Kinh tế, những bạn điểm thấp còn ở lại là chưa biết lượng sức rồi. Em lì và lười nên giờ mới đi rút hồ sơ chứ em đã định sẵn là học cao đẳng. Em chỉ còn đợi đợt xét tuyển thứ hai thôi”.

Theo thống kê hồ sơ đến hết ngày 18-8, điểm xét tuyển tạm thời các ngành bậc ĐH tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dao động từ 17 đến 21 điểm. Cụ thể:

TRƯỜNG ĐH CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM TP.HCM

Ngưỡng điểm an toàn

Bậc ĐH

 

Công nghệ thực phẩm

21

Đảm bảo chất lượng và ATTP

19.5

Công nghệ sinh học

19.25

Công nghệ chế biến thủy sản

18.25

Công nghệ kỹ thuật hóa học

18.75

Công nghệ Kỹ thuật môi trường

18

Công nghệ thông tin

17.5

Công nghệ Kỹ thuật điện - điện tử

17

Công nghệ chế tạo máy

16.25

Kế toán

18.25

Quản trị kinh doanh

18.5

Tài chính ngân hàng

18

Bậc CĐ

 

Công nghệ vật liệu

13

Công nghệ thực phẩm

17.5

Công nghệ nhiệt (Điện lạnh)

12.75

Công nghệ may

14

Công nghệ Da - Giày

13

Kế toán

14.5

Quản trị kinh doanh

14.5

Công nghệ thông tin

14.5

Cơ khí

13

Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử

13.5

Hướng dẫn du lịch (Việt Nam học)

13.5

10g45: Thí sinh thưa thớt

Cũng như nhiều trường ĐH khác, sáng nay ở Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, thí sinh và phụ huynh chủ yếu đến nộp hồ sơ. Rất ít thí sinh rút hồ sơ hay thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Thí sinh và phụ huynh đến đây nộp, rút dễ dàng, không phải chờ chực hay xếp hàng như nhiều trường khác.

Ông Tuấn (Q.Gò Vấp, TP.HCM) phụ huynh em Trần Văn Duyên cho biết cha con ông đến đây từ sáng sớm. Con ông thi được 21,75 điểm khối A trong khi điểm an toàn tạm thời của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM là 21,25 điểm.

Ông Tuấn cho biết cha con ông sẽ chờ ở đây cho đến 3g chiều. Lúc đó trường công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển lần nữa, nếu không an toàn thì rút hồ sơ luôn. “Mai là ngày cuối cùng rồi, nếu không ổn thì chiều rút rồi mai nộp trường khác. Điểm chác mong manh như vầy đau tim quá!”, ông Tuấn mệt mõi nói.

Phụ huynh, thí sinh nộp hồ sơ ở Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Ảnh - Thục Trinh
Phụ huynh, thí sinh nộp hồ sơ ở Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Ảnh - Thục Trinh

Trong khi đó, Hoài Nam là thí sinh tự do từ Cà Mau lên. Nam cho biết thời gian qua ở nhà theo dõi điểm qua mạng, hôm nay mới lên đến đây để nộp hồ sơ.

Nam nói: “Em thi đươc 23 điểm khối A, em nộp xong rồi nhưng chưa về. Em chờ xem chiều trường công bố danh sách ra sao. Tối nay em đi thuê nhà nghỉ ở lại, kiểu gì cũng lặn lội lên tận đây rồi, chờ ngày mai nữa cho chắc chắn rồi về”.

ĐH Tây Nguyên: Ngành y hút thí sinh

Sáng 19-8, nhiều thí sinh, phụ huynh từ các tỉnh tiếp tục đến Trường ĐH Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) để nộp hồ sơ xét tuyển. Ngành được thí sinh, phụ huynh các tỉnh quan tâm nhiều nhất của trường Trường ĐH Tây Nguyên là ngành y đa khoa.

Thí sinh, phụ huynh tại Trường ĐH Tây Nguyên sáng 19-8. Ảnh - Khắc Thịnh
Thí sinh, phụ huynh tại Trường ĐH Tây Nguyên sáng 19-8. Ảnh - Khắc Thịnh

Tại trường, ông Trần Như Chung (Tân Phú, Đồng Nai) lo lắng nói: “Con tôi được 25,75 điểm. Trượt ngành y tại Cần Thơ rồi nên rút hồ sơ ra. Cha con tôi vừa nộp vào y đa khoa của Trường ĐH Tây Nguyên. Không biết có “được” không chứ hôm nay đông quá. Nộp rồi mà vẫn chưa dám về, cứ ở đây tới chiều xem sao”.

Ông Chung cho biết thêm đã cùng con gái đi xe đò ba ngày từ Đồng Nai lên Bến xe Miền Đông (TP.HCM) bắt xe đi Cần Thơ rút hồ sơ. Sau đó, hai cha con lại tiếp tục quày quả từ Cần Thơ tìm đường lên TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Hai bố con ông Chung có mặt từ 3g30 sáng. Ngồi đợi ở cổng trường cho tới giờ làm việc.

Thí sinh Nguyễn Dương Phi (Lâm Đồng) cũng cùng mẹ “tay xách, nách mang” tới trường từ sáng sớm cho biết: “Tôi thi được 25 điểm, định nộp và y đa khoa mà vẫn chưa dám nộp. Đợi xem cuối buổi thế nào chứ giờ nộp rồi lỡ tụt hạng lại mất công rút ra” – Phi lo lắng.

Còn bà Thủy, mẹ của Phi cũng thở dài: “Hai mẹ con tôi mệt mỏi lắm rồi, rút hồ sơ ở Học viên Quân Y ở TP. Hồ Chí Minh rồi lại chạy lên đây. Tốn bao nhiêu công sức, tiền của mà vẫn chưa đâu vào đâu”. KHẮC THỊNH

10g20: Đông thí sinh nộp và rút hồ sơ

Theo ghi nhận của chúng tôi, rất đông thí sinh và phụ huynh đến Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM rút hồ sơ. Số lượng thí sinh nộp và điều chỉnh nguyện vọng cũng đông không kém.

Thí sinh Lê Minh Hoàng (Tây Ninh) thi được 26.5 điểm (toán nhân đôi). Tuy nhiên, theo dõi thông tin trên web của nhà trường thì Hoàng đã rớt vì ngành cơ khí Hoàng chọn có điểm dự kiến là 27.5 điểm. Hoàng tiếc: “Mình nộp vào ngành cao nhất nhưng bây giờ rớt rồi, điểm của mình như vậy, để cũng không an toàn nên mình rút và dự tính nộp vào Trường ĐH Sài Gòn”.

Đông đảo thí sinh đến rút hồ sơ tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Ảnh - Hồng Nguyên
Đông đảo thí sinh đến rút hồ sơ tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Ảnh - Hồng Nguyên

Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Công Tạo (Bến Tre) sáng hôm qua vừa lên TP.HCM nộp hồ sơ, hôm nay vội vàng đi rút. Tạo cho hay: “Mình nộp trường này nhưng thấy bạn bè đều nộp qua Trường ĐH Công nghiệp, mình rất lo nên hôm nay tới rút hồ sơ để nộp qua bên trường kia luôn”.

Trong khi đó, nhiều thí sinh hôm nay mới đi nộp lần đầu sau khi theo dõi sát sao tình hình xét tuyển. Một phụ huynh từ Vũng Tàu đưa con lên ngồi canh me cả buổi sáng, con chị được 21.65 điểm, trong khi điểm chuẩn dự kiến ngành là 22 điểm. Chị nói: “Giờ điểm vậy không biết phải làm sao nữa, tôi nghe nói xác suất là 50/50, nhưng sợ nếu nộp vào rồi, cuối cùng phải rút ra thì không nộp kịp ra Trường ĐH Mỏ - địa chất ngoài bắc”.

Theo ghi nhận, việc nộp, rút hồ sơ ở Trường ĐH Giao thông vận tải khá thuận lợi. Mặc dù thí sinh rất đông nhưng để rút hồ sơ, thí sinh chỉ chờ khoảng 15, 20 phút là được trường trả hồ sơ ngay. Hơn 9g45, một cán bộ phòng tuyển sinh cho biết số hồ sơ sáng nay rút ra khá nhiều, trong khi có hơn 100 hồ sơ nộp vào.

9g45: Trường ĐH Bách khoa - điểm chuẩn tạm thời tiếp tục tăng

TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - cho biết tính đến hết ngày 18-8, điểm chuẩn tạm thời hầu hết các ngành đều tăng 0,25 điểm so với ngày trước đó.

Theo ông Thông, trường đang cập nhật dữ liệu cho công cụ tra cứu. Các thí sinh dưới mức điểm chuẩn tạm thời và có kết quả tra cứu tạm thời không trúng tuyển thì nên rút hồ sơ ngay. 

Điểm chuẩn tạm thời vào trường tính đến hết ngày 18-8 như sau:

TRƯỜNG ĐH BÁCH KHOA (ĐHQG TP.HCM)

Điểm chuẩn tạm thời

Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp

23

Kiến trúc

26.83

Kỹ thuật Trắc địa - bản đồ

19

Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng

21.5

Quản lý công nghiệp

23.5

Kỹ thuật Vật liệu

21.75

Bảo dưỡng công nghiệp (Cao đẳng)

12.25

Nhóm ngành dệt-may

22.5

Nhóm ngành cơ khí-cơ điện tử

24.5

Nhóm ngành kỹ thuật địa chất-dầu khí

24.5

Nhóm ngành điện-điện tử

24.75

Nhóm ngành kỹ thuật giao thông

24

Nhóm ngành hóa-thực phẩm-sinh học

24.5

Nhóm ngành môi trường

22.5

Nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin

25.25

Nhóm ngành vật lý kỹ thuật-cơ kỹ thuật

22.75

Nhóm ngành Xây dựng

23

Kỹ thuật Dầu khí (Chương trình Chất lượng cao)

18.5

Kỹ thuật Máy tính  (Chương trình Chất lượng cao)

20.75

Khoa học Máy tính (Chương trình Chất lượng cao)

22.25

Kỹ thuật Hóa học (Chương trình Chất lượng cao)

22.75

Quản lý và Công nghệ Môi trường (Chương trình Chất lượng cao)

18.5

Kỹ thuật Cơ điện tử (Chương trình Chất lượng cao)

22.25

Kỹ thuật Cơ khí (Chương trình Chất lượng cao)

18.75

Kỹ thuật Công trình Xây dựng (Chương trình Chất lượng cao)

19.5

Quản lý Công nghiệp (Chương trình Chất lượng cao)

19.75

Kỹ sư Điện - Điện tử (Chương trình Tiên tiến)

18.5

Kỹ thuật Địa chất và dầu khí (Chương trình Quốc tế)

18

Kỹ sư Công nghệ hóa (Chương trình Quốc tế)

18

Kỹ sư Hóa dược (Chương trình Quốc tế)

18

Kỹ sư Xây dựng (Chương trình Quốc tế)

19

Cử nhân Công nghệ thông tin  (Chương trình Quốc tế)

18

Kỹ sư Công nghệ thông tin (Chương trình Quốc tế)

18.75

Kỹ sư Điện - Điện tử (Chương trình Quốc tế)

18

Kỹ thuật Cơ điện tử (Chương trình Quốc tế)

19.5

Cử nhân Quản trị kinh doanh (Chương trình Quốc tế)

18.25

9g30: Đến trường để theo dõi tình hìnhTheo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm này, thí sinh đến nộp và rút hồ sơ tại các trường ĐH như Sư phạm TP.HCM, Y dược TP.HCM khá đông.

Tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, số lượng thí sinh rút ít hơn so với những ngày trước đây. Khá nhiều thí sinh đến để nộp, điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh Quốc Huy (TP Đồng Hà, Quảng Trị), cho biết: “Em đã vào TP.HCM trọ được hơn 1 tuần để nắm tình hình. Em thi được 26,75 điểm, khi nào thấy điểm số an toàn rồi em mới nộp xét tuyển vào ngành dược”.

“Em được 26 điểm, trượt y đa khoa rồi nên hôm nay em cùng mẹ xuống để điều chỉnh nguyện vọng sang ngành chẩn đoán hình ảnh”, thí sinh Trần Đăng Khôi (Tân Thành,  Bà Rịa – Vũng Tàu), chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Tâm (Krông Pắk, Đắk Lắk) cùng con chờ rút hồ sơ tại Trường ĐH Y dược TP.HCM. Ảnh - Hải Quân
Bà Nguyễn Thị Tâm (Krông Pắk, Đắk Lắk) cùng con chờ rút hồ sơ tại Trường ĐH Y dược TP.HCM. Ảnh - Hải Quân

Nhiều thí sinh rút đơn tại Trường ĐH Y dược để nộp vào những trường y khác có điểm chuẩn thấp hơn. “Con cô được 26 điểm, nằm ngoài ngưỡng an toàn vào ngành y đa khoa của trường rồi, nay cô cùng anh nó đến đây để rút hồ sơ nộp vào khoa Y (ĐHQG TP.HCM)”, phụ huynh của thí sinh Đỗ Nguyễn Trung Nhân (Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận), nói

Trong khi đó, tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, theo ghi nhận của chúng tôi, một số phụ huynh đến trường không phải để rút hay nộp hồ sơ mà chỉ đến theo dõi tình hình, gặp từng thí sinh nộp hồ sơ để hỏi về ngành và số điểm của thí sinh đó. Chồng bà Trần Thị Thuận (Q.1, TP.HCM) mỗi ngày đều lên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để xem đông hay vắng thí sinh nộp, rút. Ông nói: “Nhà gần nên ngày nào rảnh là tạt ngang trường xem tình hình thế nào chứ ở nhà tui thấy không yên tâm.”

Một phụ huynh đã nộp hồ sơ cho con vào ngành ngôn ngữ Anh cho biết đã nghỉ làm mấy ngày cuối đợt xét tuyển ĐH để lên trường hỏi thầy cô, trò chuyện với các phụ huynh khác. Gặp một thí sinh vừa nộp xong hồ sơ, cô này hỏi: “Con nộp vào ngành nào? Con bao nhiêu điểm? Theo con điểm của con an toàn chưa?”. 

Cô chia sẻ: “Cả nhà phải cùng nhau xem danh sách cho con để loại bớt nguyện vọng ảo của con, từ đó mới biết con thật ra đang đứng thứ 100 chứ không phải 200 như danh sách công bố của trường. Lo lắng không yên, không làm gì được nên phải lên trường mới an tâm. Con mình học chuyên Anh nên vào được trường này với ngành nó thích là hy vọng lớn của cả nhà”. 

Thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Linh do gửi hồ sơ cho người thân nộp giùm nên bị thất lạc biên lai, viết đơn xin rút tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh - Ngọc Tuyền
Thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Linh do gửi hồ sơ cho người thân nộp giùm nên bị thất lạc biên lai, viết đơn xin rút tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh - Ngọc Tuyền

Đáng chú ý là khá nhiều thí sinh đến rút hồ sơ nhưng không mang theo biên lai. Có ít nhất 10 trường hợp đến xin rút phải làm đơn để trường trả hồ sơ. Đa phần các thí sinh không mang biên lai do quên hoặc bị mất. Vì không có số thứ tự được đánh dấu trên biên lai, trường tốn nhiều thời gian hơn để tìm hồ sơ. Sau khoảng 30 phút, các thí sinh có thể nhận được hồ sơ.

9g15: Vẫn còn cân nhắc

Nếu như ngày 17-8, lượng phụ huynh và thí sinh phải xếp hàng rồng rắn tràn ra cả sân trường thì đến 9g sáng nay, không khí nộp rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM không còn căng thẳng như những ngày trước nữa.

Hai cha con sẽ vẫn tiếp tục theo dõi tình hình thí sinh nộp hồ sơ đến hết hôm nay, nếu buổi chiều vẫn chưa chắc ăn thì sẽ ở lại đến sáng mai.
Một phụ huynh ngụ Đồng Tháp

Hầu hết, phụ huynh và thí sinh nộp hồ sơ hôm nay đã theo dõi rất kỹ tình hình xét tuyển, thông tin cũng như điểm trúng tuyển tạm thời của các trường nên những phụ huynh, thí sinh này có tâm lý rất thoải mái và chắc ăn là sẽ đậu.

Ông Nguyễn Ngọc Kiên (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Hai ba con chú theo dõi tình hình xét tuyển rất kỹ, canh đến hôm nay mới nộp chứ nộp trước thì mất công đi rút rồi đi nộp, còn ngày mai thì sợ cập rập. Con chú được 21,75 điểm nên tỷ lệ đậu vào trường Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM rất cao vì chú nghĩ ngày cuối, các thí sinh điểm cao đổ về nộp cũng không kịp đánh văng các thí sinh nộp vào các ngành có điểm trúng tuyển tạm thời hôm nay khoảng 18 điểm”

Cũng trên tinh thần theo dõi thật kỹ tình hình để tránh vất vả chạy tới chạy lui nộp rút hồ sơ, một phụ huynh đến từ Đồng Tháp chia sẻ: “Chú theo dõi tình hình từ đầu mùa xét tuyển đến giờ, xem trên mạng chưa yên tâm, hai ba con cũng có chạy lên trường Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM một lần để xem xét tình hình nhưng vẫn chưa nộp vội hồ sơ”.

Phụ huynh và thí sinh làm thủ tục nộp hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sáng nay. Ảnh - Phương Nguyễn
Phụ huynh và thí sinh làm thủ tục nộp hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sáng nay. Ảnh - Phương Nguyễn

Tuy nhiên, một số phụ huynh và thí sinh tỏ ra lo lắng tình hình xét tuyển sẽ có nhiều biến động vào ngày cuối. Cụ thể là các thí sinh điểm cao rớt từ trường top trên đồng loạt nộp hồ sơ vào, đánh văng các thí sinh đã nộp hồ sơ xét tuyển trước đó, khiến các thí sinh bị văng không kịp trở tay.

“Chiều qua, em từ Quảng Bình vào rút hồ sơ bên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm rồi sáng nay qua đây nộp hồ sơ. Nộp muộn vậy nhưng em cũng rất lo lắng ngày mai các thí sinh điểm cao đồng loạt nộp hồ sơ vào, khi đó em chỉ sợ rút rồi nộp trường khác không kịp” – Nguyễn Thị Phú Quý tâm sự.

8g45: Toàn cảnh điểm chuẩn dự kiến trường ĐH, CĐ cả nước

Lúc 8g30 sáng nay, Bộ GD-ĐT đã công bố toàn cảnh điểm chuẩn các trường ĐH, CĐ trên cả nước tính đến thời điểm 17g ngày 18-8.

Điểm chuẩn dự kiến của các trường dựa trên hồ sơ xét tuyển tính đến 17g ngày 18-8. Đây là điểm dành cho HSPT-KV, mỗi khu vực cách nhau 0,5 điểm, mỗi nhóm đối tượng ưu tiên cách nhau 1 điểm.

Một số trường nhân hệ số môn thi chính và tính theo thang điểm 40, cách tính điểm ưu tiên có điểm lẻ trong khi đó không ít trường dù nhân hệ số môn thi chính nhưng quy về thang điểm 30 nên điểm ưu tiên vẫn theo quy định lâu nay.

Trong danh sách điểm chuẩn dự kiến của Bộ GD-ĐT vẫn thiếu nhiều trường ĐH tại khu vực phía Nam. Tuổi Trẻ Online đã cập nhật liên tục điểm chuẩn dự kiến của các trường ĐH trong mấy ngày vừa qua. Bạn đọc có thể theo dõi điểm chuẩn dự kiến của các trường trong mục Tuyển sinh hoặc Xét tuyển Đại học 2015 của Tuổi Trẻ Online. 

Bạn đọc có thể theo dõi toàn cảnh điểm chuẩm dự kiến do Bộ GD-ĐT công bố sáng nay TẠI ĐÂY

8g: Yên ắng 

Sáng 19-8, dù đã hơn 7g nhưng tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM), khu vực tuyển sinh còn rất vắng vẻ, chỉ có khoảng vài chục thí sinh và phụ huynh chứ không đông đúc như hai ngày vừa qua.

Phụ huynh của thí sinh Phạm Thiên Hưng (Vĩnh Long) đang theo dõi điểm chuẩn tạm thời của trường tính đến 17-8. Vị phụ huynh này thường xuyên theo dõi thông tin trên mạng, đến 1g sáng nay thì bắt xe về trường để thay đổi nguyện vọng sang ngành có khả năng đậu cao hơn. 

Thí sinh Trần Phạm Duy Toàn (Q1, TP.HCM) sáng nay đến trường để nộp hồ sơ vào ngành kỹ thuật vật liệu. Toàn thi được 21.5 điểm và thấy điểm của mình không yên tâm lắm nên đợi đến ngày gần cuối mới đi nộp. Toàn chia sẻ: “Mình chờ thông tin bữa giờ, đến gần cuối mới đi nộp hồ sơ vào ngành có điểm vừa sức. Nhưng bạn mình thì bảo rằng, nộp sớm còn có cơ hội thấy tên mình trong danh sách, nộp muộn như mình, những ngày này trường không cập nhật thì sẽ rất lo”.

Trong khi đó, cô Trương Ngọc Hòa (Vĩnh Long) đã lên TP.HCM ở lại mấy hôm để ngóng tình hình xét tuyển. Sáng nay, cô lại đến trường để xem xét có nên giữ hồ sơ hay không. Cô Hòa nói: “Tôi đợi đến trưa, nếu không có biến động gì thì tôi sẽ giữ hồ sơ cho con bé, ý nó cũng muốn được học trường này”.

Một số phụ huynh e ngại, những ngày cuối cùng này họ cũng nơm nớp lo âu vì sợ các thí sinh điểm cao đợi đến phút chót mới nộp hồ sơ và tên con mình sẽ bị lọt khỏi danh sách trúng tuyển.

MINH GIẢNG - HỒNG NGUYÊN - NGỌC TUYỀN - PHƯƠNG NGUYỄN - HẢI QUÂN - THỤC TRINH - NGỌC HÀ - NGỌC DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên