01/06/2015 08:20 GMT+7

“Marketing” tuyển sinh ở vùng cao

NGUYỄN THẾ LƯỢNG
NGUYỄN THẾ LƯỢNG

TT - Trong khi nhiều trường bước vào mùa tuyển sinh đầu cấp thì việc tuyển sinh vào các lớp đầu cấp tại vùng cao lại “lạnh”, bởi thí sinh không quan tâm việc đăng ký tuyển sinh vào trường.

Trường THPT số 2 Si Ma Cai hòa trong sương mờ, nơi tuyển sinh lớp 10 gặp nhiều khó khăn Ảnh: N.T.LƯỢNG
Trường THPT số 2 Si Ma Cai hòa trong sương mờ, nơi tuyển sinh lớp 10 gặp nhiều khó khăn - Ảnh: N.T.Lượng
Bắt tay vào công tác tuyển sinh đầu cấp đồng nghĩa với việc mỗi thầy cô giáo là một nhân viên tiếp thị để làm marketing tuyển sinh. Thậm chí còn cần phải khéo léo, dẻo dai và nhanh nhẹn hơn cả những tuyên truyền viên và nhân viên tiếp thị
Thầy CAO XUÂN LÂM (hiệu trưởng Trường THPT số 2 Si Ma Cai, Lào Cai) 

Vì năm nay kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức vào đầu tháng 7 nên để kịp tiến độ cho năm học mới, vào thời điểm này các trường THPT ở nhiều địa phương đã bắt tay vào làm công tác tuyển sinh lớp 10.

Nhắc học sinh “không quên lịch tuyển sinh”

Ở vùng cao, khi học hết lớp 9, được xét tốt nghiệp, học sinh thường trở về nhà lên núi làm nương rẫy, thậm chí về các thành phố lớn, khu trung tâm để làm thuê. Vì vậy vào đầu hay giữa hè, khi bắt đầu tuyển sinh lớp 10, việc thông tin cho các em cực kỳ khó khăn. “Việc đầu tiên cần làm trước mỗi mùa tuyển sinh là nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền đến tận thôn bản. Học sinh thường lên núi, đi làm phụ hồ nên không quan tâm đến lịch tuyển sinh đầu cấp” - thầy Hoàng Văn Chúc, phó hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai), chia sẻ.

Thầy Chúc cho biết thêm: “Để đề phòng tình huống trên, nhà trường thường đến các trường THCS vào lễ tổng kết năm học và thông tin đến từng học sinh để sau hè các em không quên lịch tuyển sinh của nhà trường”.

Không dám... thi tuyển

Ở trường học trên địa bàn vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh thì việc tuyển sinh bao giờ cũng chỉ chọn hình thức xét tuyển chứ không thi tuyển. Vì nếu thi tuyển, học sinh cứ nghe đến thi là sợ, không dám đến đăng ký. “Có năm nhà trường thi tuyển lớp 10 theo kế hoạch của sở, học sinh trong các bản dù đã đăng ký nhưng sợ không dám đến dự thi. Gần đến ngày thi, dù mưa to lũ lớn nhưng giáo viên chúng tôi phải cắt cử nhau đến tận nhà thí sinh báo lịch thi và vận động các em đi thi” - cô Đặng Thúy Minh, giáo viên Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai), tâm sự. 

Phụ huynh ở vùng cao thường có tâm lý “thờ ơ”, thậm chí nhiều gia đình không nhận thức được cần cho con em mình đi học cấp III nên với những gia đình ở sâu trong các bản hay trên núi cao, việc nắm bắt thông tin tuyển sinh của các trường rất mờ nhạt.

Theo thầy giáo Cao Xuân Lâm và hiệu trưởng một số trường THPT ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Lai Châu thì “quảng cáo” tuyển sinh của nhà trường là việc không thể bỏ qua vì nếu không làm như vậy thì tỉ lệ thí sinh đến đăng ký dự thi, dự tuyển rất ít. Đây là một trong những khó khăn lớn đối với các trường ở vùng cao.

Cho thí sinh đăng ký tại nhà

Tuy nhiên, việc “marketing tuyển sinh” đối với các thầy cô giáo ở vùng cao không phải là công việc dễ thực hiện. Không phải cứ thông báo trên loa phát thanh, phát tờ rơi hay ghi bảng là được. Ở vùng cao, muốn cho thí sinh biết được, các thầy cô phải lội suối, leo núi, thậm chí đi bộ hàng chục cây số đường đèo dốc để đến tận bản, tận nhà của thí sinh. Mà bản thì xa, nhà thì chênh vênh bên sườn núi, có khi đi cả ngày trời mới tới nơi.

“Chúng tôi năm nào cũng phải đi vận động thí sinh người Mông ở tận núi cao. Đường đi gian nan, có khi phải đi bộ chứ xe máy không đi được” - cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên Trường THPT số 2 Si Ma Cai, chia sẻ.

Khi đến nhà thí sinh, giáo viên phải trao đổi cùng phụ huynh, nói cho họ hiểu về công tác tuyển sinh đầu cấp và thông báo lịch tuyển sinh đến phụ huynh và học sinh để gia đình nắm được lịch. Vận động phụ huynh báo cho con em mình đang đi làm ăn xa trở về nhà để dự tuyển đầu cấp. “Có năm nhà trường phải mang theo cả hồ sơ đến tận nhà thí sinh để các em đăng ký và ghi tên vào danh sách dự thi” - thầy Cao Xuân Lâm chia sẻ.

Thế mới biết giáo viên và các nhà trường vùng cao chịu thiệt bao điều, khi nghỉ hè thay vì nghỉ ngơi sau một năm học vất vả thì các thầy cô phải đóng vai “nhân viên tiếp thị” để marketing tuyển sinh cho trường mình. Chuyện nghe tưởng khó tin nhưng là sự thật. Ở miền xuôi, khu trung tâm hay các thành phố lớn, những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thì thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ, thậm chí chờ ngoài cổng trường từ sáng sớm. Còn ở vùng cao thầy cô lại mong chờ học trò đến đăng ký dự thi, thậm chí còn lặn lội đi gọi học trò đến dự tuyển. Đó là cái khó, là điều mà những người làm nghề cầm phấn ở vùng cao phải trải qua để gieo “mầm tương lai” trên những miền đất khó. 

Tỉ lệ học sinh bỏ học giảm 0,4% so với năm trước

Đây là thông tin do đại diện các sở GD-ĐT khu vực miền núi phía Bắc cung cấp tại hội nghị giao ban giáo dục vùng 1 (các tỉnh miền núi phía Bắc) vừa tổ chức ở Cao Bằng.

Theo ông Hoàng Tiến Đức - giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, trưởng vùng 1, năm học 2014-2015 tỉ lệ học sinh phổ thông bỏ học so với đầu năm tới thời điểm hiện tại là 6.468 học sinh (chiếm 0,32%), so với năm học trước giảm 0,4%. Trong đó cấp tiểu học có 802 học sinh bỏ học (chiếm 0,07%); có bảy tỉnh: Bắc Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang không có học sinh bỏ học; cấp trung học cơ sở có 2.078 học sinh bỏ học (chiếm 0,27%); cấp trung học phổ thông có 3.535 học sinh bỏ học, chiếm 1,02%. “Tỉ lệ học sinh bỏ học ở cấp trung học phổ thông còn cao. Nguyên nhân chính dẫn đến học sinh bỏ học do điều kiện địa hình, nhà cách xa trường, kinh tế gia đình khó khăn và học sinh có học lực yếu kém” - ông Hoàng Tiến Đức cho biết.

Trao đổi tại hội nghị, đại diện tỉnh Hòa Bình đề nghị miễn học phí cho học sinh các tỉnh miền núi học xong trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề vì hầu hết những học sinh này đều sống ở những vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La đề nghị mở rộng định biên cho giáo viên các trường dân tộc nội trú do phải quản lý học sinh hai buổi/ngày và tổ chức hoạt động nội trú cho học sinh. Nghiên cứu, đề xuất để Nhà nước có chế độ hỗ trợ phụ cấp cho giáo viên dạy lớp ghép, giáo viên thực hiện nhiệm vụ giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập và tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số.

VĨNH HÀ

NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên