25/04/2015 09:24 GMT+7

​Nhiều thay đổi về tuyển thẳng ĐH-CĐ

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Đây là thay đổi quan trọng trong chính sách tuyển thẳng ĐH, CĐ chung được Bộ GD-ĐT áp dụng lần đầu tiên cho mùa tuyển sinh 2015.

Học sinh trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) kiểm tra hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015 - Ảnh: Như Hùng

Năm nay, Bộ GD-ĐT áp dụng nhiều chính sách mới trong tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia.

Những thay đổi này được quy định chi tiết trong Hướng dẫn tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2015 do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ký ban hành ngày 24-4.

Thoáng hơn trước

Theo đó, tuy xây dựng và công bố danh sách hơn 90 ngành đào tạo ĐH tiếp nhận tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia ở 12 môn thi, nhưng Bộ GD-ĐT không bắt buộc các trường phải tuân thủ tuyệt đối theo danh mục này.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định các trường có thể bổ sung các ngành đúng và ngành gần đối với từng môn thi HSG quốc gia, phù hợp với yêu cầu đầu vào các ngành đào tạo của trường.

Tuy nhiên, ông Ga cũng lưu ý năm 2015, nếu mở rộng ngành tuyển thẳng so với danh mục chung, trường sẽ phải tuân thủ nguyên tắc xác lập chỉ tiêu tuyển thẳng vào trường ở các ngành mới do trường công bố (ngoài danh mục quy định), không được vượt quá 25% tổng số thí sinh đã được tuyển thẳng năm 2014.

Lý giải về quy định này, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) - cho hay việc cho phép các trường được mở rộng ngành tuyển thẳng nhằm tăng quyền tự chủ cho các trường, song bộ vẫn phải khống chế chỉ tiêu tuyển thẳng với ngành ngoài danh mục để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, tránh những xáo trộn, thay đổi quá lớn.

Với quy định thoáng hơn trước đây, dự kiến sẽ có nhiều trường lần đầu áp dụng tuyển thẳng HSG quốc gia. Nhiều trường quân đội, một số trường đào tạo chuyên sâu... trước đây không có ngành đào tạo nào trong danh mục ngành gần, ngành đúng của Bộ GD-ĐT nên nhiều năm qua hầu như không áp dụng chính sách tuyển thẳng.

Với quy định mới của Bộ GD-ĐT, một số trường đang rục rịch đề xuất đăng ký áp dụng chính sách tuyển thẳng này. Ông Nghĩa cho biết với các trường năm 2014 không thực hiện tuyển thẳng nhưng năm 2015 lại áp dụng chính sách này thì chỉ tiêu tuyển thẳng không được vượt quá 0,25% so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

Phải công bố trước ngày 5-5-2015

Những năm gần đây, một số trường ĐH y dược ở cả khối dân sự và quân sự đều bắt đầu thực hiện chủ trương thu hẹp dần đối tượng tuyển thẳng so với quy định chung của Bộ GD-ĐT.

Theo đó, thông thường Bộ GDĐT công bố danh mục ngành gần, ngành đúng và các trường sẽ tuyển thẳng HSG đoạt giải ba trở lên tại kỳ thi HSG quốc gia vào các ngành học theo các môn thi tương ứng.

Từ năm 2014, ở một số ngành đào tạo của Trường ĐH Y Hà Nội như y đa khoa, răng hàm mặt chỉ tuyển thẳng học sinh đoạt giải nhất HSG quốc gia môn sinh, còn thí sinh đoạt giải nhì, giải ba được quyền ưu tiên xét tuyển, nghĩa là vẫn phải thi tuyển sinh bình thường và chỉ được xét trúng tuyển khi không có môn thi nào dưới 5 điểm.

Hay như ngành bác sĩ đa khoa của Học viện Quân y, các ngành đào tạo của Học viện Khoa học quân sự, Học viện Kỹ thuật quân sự từ năm 2014 đã giới hạn tỉ lệ tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia không quá 30% tổng chỉ tiêu nữ và không quá 20% tổng chỉ tiêu nam (trong các trường quân đội, ngành có tuyển sinh nữ cũng đã khống chế tỉ lệ trúng tuyển nữ tối đa 10% chỉ tiêu).

Tuy nhiên, với chính sách riêng này, các trường đã không ít lần nhận kiến nghị từ phụ huynh, học sinh cho rằng nhà trường thực hiện không đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Vậy liệu năm 2015 trường có được đặt ra yêu cầu riêng, có vẻ cao hơn khung chung của Bộ GD-ĐT đưa ra hay không?

Giải thích thắc mắc này, ông Trần Văn Nghĩa cho biết năm 2015, các trường căn cứ vào quy chế tuyển sinh và danh mục ngành đào tạo được tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT để quy định cụ thể ngành thí sinh được tuyển thẳng, tương ứng với loại giải và môn thi của thí sinh đoạt giải và quy trình xét xếp ngành học tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng... “Tất cả những quy định cụ thể này trường phải công bố công khai trước ngày 5-5” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một số trường “tốp trên” cho biết những quy định rõ ràng này của Bộ GD-ĐT giúp các trường minh bạch được việc tự chủ chính sách tuyển thẳng mà không vấp phải những kiến nghị, thậm chí đơn thư khiếu nại như một vài năm qua.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - cho biết dự kiến năm 2015, với học sinh đoạt giải quốc gia môn sinh, quyền được tuyển thẳng vào ngành y đa khoa chỉ dành cho thí sinh đoạt giải nhất.

Ngoài ra, cách thức ưu tiên xét tuyển cho thí sinh đoạt giải nhì, giải ba quốc gia môn sinh trong tuyển sinh ngành y đa khoa cũng sẽ khác so với năm trước. Dự kiến các thí sinh này không chỉ thi đạt 5 điểm trở lên ở từng môn là trúng tuyển như năm 2014, mà việc đoạt giải nhì, giải ba quốc gia chỉ giúp thí sinh cộng thêm điểm, sau đó sẽ xét tuyển bình đẳng như các thí sinh dự thi khác.

Dự kiến thí sinh đoạt giải nhì quốc gia môn sinh sẽ được cộng thêm 2 điểm trong tổng điểm xét tuyển. Ông Tú cũng cho biết lý do “siết” hơn nữa điều kiện tuyển thẳng là vì năm 2014, ngành y đa khoa có 550 chỉ tiêu, nhưng số tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển - dù trường đã áp dụng chính sách chặt chẽ hơn so với quy định chung - vẫn chiếm đến 127 chỉ tiêu, khiến điểm chuẩn của ngành bị đẩy lên quá cao, làm hạn chế cơ hội của thí sinh thi tuyển.

Riêng với việc mở rộng ngành tuyển thẳng ngoài danh mục chung theo chính sách Bộ GDĐT đặt ra trong hướng dẫn này, ông Tú cho biết thêm năm 2015 dự kiến sẽ là năm đầu tiên Trường ĐH Y Hà Nội thực hiện tuyển thẳng ĐH tất cả các ngành - trong đó có ngành “nóng” là y đa khoa - với thí sinh đoạt giải nhất quốc gia môn toán và môn hóa, chứ không chỉ với đối tượng đoạt giải HSG quốc gia môn sinh như quy định chung.

Với các ngành đào tạo khác như y học cổ truyền, y học dự phòng... cũng bổ sung tuyển thẳng với học sinh đoạt giải ba quốc gia trở lên môn toán, hóa - bên cạnh môn sinh theo quy định.

Trường ĐH, CĐ sẽ được quyền không tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia

Đây là một “ngoại lệ” đặc biệt mà các trường có thể thực hiện trong tương lai. Theo đó, Bộ GD-ĐT đã quyết định cho phép các trường có thể không tiếp tục tuyển thẳng vào một số ngành đúng hoặc ngành gần với môn thi học sinh giỏi quốc gia.

Tuy nhiên, để được áp dụng chính sách ngoại lệ này, các trường phải báo cáo Bộ GD-ĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng khác ít nhất ba năm trước khi áp dụng.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên