21/03/2015 12:45 GMT+7

Chọn trường, chọn ngành hợp với năng lực, học lực

NGỌC TÀI - THÀNH NHƠN
NGỌC TÀI - THÀNH NHƠN

TTO - Sáng 21-3, gần 5.000 học sinh tỉnh Đồng Tháp đã đến với Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2015 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, Trường ĐH Đồng Tháp phối hợp tổ chức.

Toàn cảnh buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Trường ĐH Đồng Tháp sáng 21-3 - Ảnh: Như Hùng

Sân Trường ĐH Đồng Tháp đã không còn một ghế trống với sự háo hức của những cô cậu học trò sắp bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.         

Sẽ có đề thi mẫu của từng môn

Mở đầu buổi tư vấn, TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc Trường Đại học Quốc gia TP.HCM phổ biến những thông tin mới nhất về kỳ thi THPT Quốc gia 2015. Theo đó, kỳ thi THPT sẽ diễn ra từ ngày 1-7 đến ngày 4-7.

Thời gian nộp hồ sơ đăng ký các môn thi từ ngày 1-4 và kết thúc vào 30-4. Học sinh học tại trường nào sẽ nộp hồ sơ dự thi vào trường đó.

Theo thông tin mới nhất của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, trong vòng một vài tuần tới cục sẽ có đề thi mẫu của từng môn để các em tham khảo. Các em nên theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng để biết đề thi mẫu của kỳ thi THPT Quốc gia như thế nào.

Về vấn đề xét tuyển có hai phương thức xét tuyển. Phương thức phổ biến nhất là sử dụng kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia. Ngoài ra, một số trường còn dành từ 30-60% chỉ tiêu để xét tuyển theo học bạ. Những em có đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ sẽ được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi.

Trong bốn giấy chứng nhận này có một giấy sử dụng để xét tuyển nguyện vọng một (NV1) và ba giấy dùng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Đối với giấy chứng nhận dùng để xét tuyển NV1 các em sẽ nộp vào các trường ĐH-CĐ từ ngày 1-8 đến ngày 20-8. Kèm theo đó là phiếu đăng ký xét tuyển NV1. Các em có thể chọn bốn ngành cùng một trường. Nếu đã trúng tuyển NV1 thì các em không được xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

“Việc đăng ký chọn môn thi nào, số lượng mấy môn lúc này là rất quan trọng để đến khi đăng ký xét tuyển NV1 các em có cơ hội đậu cao nhất. Vì nếu không trúng tuyển NV1 thì cơ hội xét tuyển sẽ bị thu hẹp rất nhiều”, TS Nghĩa nhấn mạnh.

Học sinh đang xem thông tin tuyển sinh về kỳ thi THPT Quốc Gia 2015 trên trang quà tặng của báo Tuổi Trẻ tại buổi tư vấn - Ảnh: Như Hùng

Học sinh tham dự buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Trường ĐH Đồng Tháp đang đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: Như Hùng

Ngành mình thích chưa chắc đã làm tốt

Cũng liên quan đến việc chọn ngành, chọn trường sao cho phù hợp với năng lực bản thân, quan trọng hơn là cơ hội trúng tuyển NV1 cao nhất, TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM, chia sẻ: “Nhược điểm lớn nhất của các em là chỉ chọn một ngành và một trường. Một số em khá hơn thì chọn hai ngành và hai trường".

Theo TS Mai, gần như không em nào ghi ra trước cho mình khoảng năm ngành ở năm trường rồi so sánh coi như thế nào. Ví dụ đối với ngành này nếu không đậu trường này thì mình có thể vào được trường nào.

"Với phương thức tuyển sinh như năm nay các em cần lưu ý như thế này. Thứ nhất cái em thích chưa chắc là cái em đã làm tốt. Muốn biết mình có làm tốt không và tốt đến mức độ nào các em nên hỏi ý kiến thầy cô, gia đình và chính bản thân mình. Từ đó các em biết cái nào mình làm tốt nhất và cái mình không làm tốt nhất và vì sao. Có thể cái các em không làm tốt nhất lại là cái mà em thích nhất. Trường hợp này nếu tìm được nguyên do làm không tốt và cải thiện được thì các em có thể tiếp tục đi theo niềm đam mê của mình"
TS Lê Thị Thanh Mai 

"Dù có yêu thích đến cỡ nào, làm tốt đến cỡ nào thì điều quan trọng là sức học của mình. Vậy với sức học của mình, dự báo năm nay các em có thể vào được ngành mình yêu thích ở những trường nào. Các em liệt kê một loạt trường như vậy rồi tập trung vào việc ôn luyện cũng như đăng ký các môn thi tương ứng với ngành đào tạo đó. Lúc có kết quả thi các em sẽ nhìn lại danh sách các trường mà em đã liệt kê rồi chọn một trường có khả năng đậu NV1 cao nhất”, TS Mai nói.

TS Lê Thị Thanh Mai đang tư vấn cho học sinh tại buổi tư vấn - Ảnh: Như Hùng

TS Nguyễn Đức Nghĩa tư vấn riên cho học sinh tại buổi tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Như Hùng

Ngành nào “hot”?

Tại khu vực tư vấn chuyên sâu, một học sinh nêu thắc mắc bạn bè thầy cô hay nói ngành kinh tế tỉ lệ thất nghiệp cao. Vậy em có nên chọn ngành kinh tế hay không?

Trả lời vấn đề này các thầy cô trong ban tư vấn chia sẻ ngành kinh tế tỉ lệ thất nghiệp cao là có. Lý do mấy năm qua kinh tế thế giới cũng như trong nước đang bị suy thoái. Các doanh nghiệp phá sản nhiều do đó nhu cầu nhân lực của ngành kinh tế có phần giảm sút. Nhưng cần lưu ý nếu năm nay các em thi đậu vào ĐH-CĐ thì 3-4 năm nữa mới ra trường.

Đến năm 2018-2019 thì nền kinh tế có còn suy thoái nữa không? Theo dự báo của nhiều chuyên gia là nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. Mặt khác bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần có bộ phận kế toán. Do đó có thể nói doanh nghiệp nào cũng cần nhân sự học ngành kinh tế. Vì thế các em cũng không nên quá bi quan về nhóm ngành kinh tế.

TS Nguyễn Kim Quang, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên đang tư vấn riêng cho học sinh tại buổi tư vấn - Ảnh: Như Hùng

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, phó trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM tư vấn riêng cho học sinh tại buổi tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Như Hùng

Cũng tại khu vực tư vấn chuyên sâu, Thu Liễu - học sinh Trường THPT Thiên Hộ Dương - đặt câu hỏi hiện nay ngành nào là ngành đang “hot” để lúc ra trường dễ xin việc làm.

Trả lời vấn đề này TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM, chia sẻ: “Các thầy cô trong ban tư vấn khẳng định không có ngành nào là “hot”. Các em phải nghĩ thế này dù học ngành nào có thể nhiều người cho rằng là ngành “hot” đó nhưng nếu không giỏi thật sự cũng không thể tìm được việc. Đừng bao giờ có suy nghĩ cứ học ngành “hot” là sẽ có việc làm”.  

 

          

NGỌC TÀI - THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên