04/10/2010 06:05 GMT+7

Học lên đại học bằng con đường liên thông

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

AT - Nếu không trúng tuyển CĐ, ĐH thí sinh vẫn có thể bắt đầu tương lai từ học nghề lên cao bằng con đường học liên thông. Con đường học liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng để có được bằng đại học đang trở thành sự lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ.

xIWrD3Ch.jpgPhóng to

Đông đảo thí sinh đến nhận giấy báo thi liên thông cao đẳng, đại học tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Việc học liên thông từ bậc trung cấp lên CĐ, ĐH đang có nhiều ưu thế vượt trội so với việc “chạy đua” trực tiếp vào ĐH. Với cách học liên thông, cũng chỉ sau khoảng 5 năm là bạn đã có cơ hội lấy bằng ĐH chính quy đúng chuyên ngành mà mình yêu thích.

Cơ hội... “lên đời”

Không chỉ học sinh tốt nghiệp THPT hay BTVH mới được phép học lên cao mà ngay cả những học sinh mới tốt nghiệp THCS hoặc bỏ dở chương trình THPT cũng đều được phép học chương trình trung cấp chính quy với các khung thời gian đào tạo khác nhau. Và chỉ cần có bằng trung cấp chính quy sẽ được quyền thi tuyển liên thông lên CĐ, ĐH đúng khối ngành.

Đối tượng tuyển sinh đào tạo liên thông là những người đã có bằng tốt nghiệp TCCN hoặc CĐ có nhu cầu học lên trình độ CĐ hoặc ĐH. Đối với đào tạo liên thông từ TCCN lên CĐ hoặc từ CĐ lên ĐH, người tốt nghiệp loại khá trở lên được dự tuyển ngay; người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất một năm làm việc gắn với chuyên môn. Đối với đào tạo liên thông từ TCCN lên ĐH, người có bằng tốt nghiệp TCCN phải có ít nhất ba năm làm việc gắn với chuyên môn mới được dự tuyển.

Liên thông từ TCCN, thí sinh phải thi tuyển ba môn gồm: hai môn cơ bản và một môn cơ sở ngành (hoặc thực hành nghề). Đề thi các môn cơ bản được lấy từ ngân hàng đề thi của Bộ GD-ĐT. Đề thi môn cơ sở ngành (hoặc thực hành nghề) do hiệu trưởng nhà trường quy định. Liên thông từ bậc CĐ, thí sinh phải thi tuyển hai môn gồm: môn cơ sở ngành (hoặc môn ngoại ngữ tiếng Anh) và một môn của kiến thức ngành. Những người có bằng tốt nghiệp không đúng ngành nhưng phù hợp với ngành đăng ký dự thi, chỉ được dự thi khi đã hoàn thành chương trình bổ sung kiến thức theo quy định của từng trường. Thời gian đào tạo liên thông từ bậc TCCN lên ĐH khoảng 3 năm; TCCN lên CĐ 1,5 năm; CĐ lên ĐH 1,5 năm.

Không ít thí sinh không trúng tuyển ĐH mà chỉ đậu CĐ nhưng lại chê không chịu học. Họ đã quên rằng học CĐ có thể học liên thông lên ĐH. Nếu sinh viên cố gắng học tốt bậc CĐ, toàn tâm toàn ý cho việc học vẫn dễ dàng lấy được tấm bằng ĐH. Vì thực tế, liên thông là đường vòng rất ngắn để có bằng ĐH, học liên thông từ bậc CĐ chỉ học thêm 1 học kỳ.

Nhiều giảng viên ĐH cho rằng một ưu điểm khi học liên thông là người học có thể vừa đi học vừa đi làm nên khi ra trường bạn không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn vững cả tay nghề chứ không phải mất một thời gian học việc. Khi tốt nghiệp hệ đào tạo liên thông sinh viên được cấp bằng ĐH chính quy, cũng có giá trị như nhau, đào tạo liên thông sẽ là một trong những giải pháp làm giảm sức ép về thi cử đối với người học. Liên thông đã thật sự là cơ hội tốt để các bạn trẻ nâng cao trình độ của mình, được “lên đời” với tấm bằng ĐH chính quy.

Học liên thông ra sao?

Thực tế nhu cầu học liên thông ở các bậc học ngày càng tăng, chỉ tính riêng ở TP.HCM có hàng chục trường ĐH, CĐ có tổ chức đào tạo liên thông với quy mô khá lớn và các ngành nghề khá đa dạng. Hiện nay, dù đã dành khá nhiều chỉ tiêu cho hệ đào tạo liên thông nhưng hầu hết các trường đều thừa nhận không đáp ứng đủ nhu cầu người học.

Hiện nay, một số trường có đào tạo cả ba hệ liên thông: từ TCCN lên CĐ, TCCN lên ĐH và từ CĐ lên ĐH với hàng chục ngành. Còn lại phần lớn các trường đào tạo liên thông từ TCCN lên CĐ và CĐ lên ĐH. Chương trình đào tạo liên thông của các trường ĐH, CĐ hiện nay đều được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của hệ chính quy và được thiết kế phù hợp với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Việc tổ chức giảng dạy hệ liên thông cũng như hệ chính quy.

Bên cạnh đó, ở một số trường trong quá trình dạy hệ liên thông còn dành nhiều thời gian cho sinh viên thảo luận, làm bài tập lớn nhiều..., sinh viên có cơ hội ứng dụng ngay thực tế công việc vào bài học. Hiện nay phần lớn các trường chuyển sang đào tạo theo tín chỉ sinh viên, học hệ liên thông cũng có thể đăng ký học chung lớp với sinh viên chính quy. Vì thế, các trường yêu cầu chuẩn đầu ra (ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm...) của sinh viên hệ liên thông cũng như sinh viên chính quy.

Nhiều trường còn tạo điều kiện cho sinh viên hệ liên thông với việc xây dựng kế hoạch đào tạo rõ ràng ngay đầu khóa và thực hiện đúng tiến độ. Sinh viên được biết lịch học, thi cử của suốt quá trình học và biết trước ngày tốt nghiệp. Vì thế sinh viên chủ động thời gian sắp xếp công việc để theo học. Hầu hết các trường đều tổ chức lớp buổi tối hoặc ngày theo nhu cầu của sinh viên.

Học phí hệ liên thông cũng được các trường thu với mức tương đương hoặc cao hơn một ít so với hệ chính quy, khoảng 6-7 triệu đồng/năm (tùy theo số lượng tín chỉ thực học). Riêng một số trường ngoài công lập mức học phí khoảng 7-9 triệu đồng/năm, cũng có trường như ĐH Hoa Sen mức học phí khá cao lên đến 22-34 triệu đồng/năm (tùy ngành).

Mỗi năm trường đều tổ chức các đợt tuyển sinh liên thông đón đầu các khóa TCCN, CĐ vừa tốt nghiệp. Một số trường nhận hồ sơ tuyển sinh hệ liên thông quanh năm đến khi đủ số lượng (khoảng 150 hồ sơ) sẽ tổ chức đợt thi. Nhưng hầu hết các trường vào khoảng đầu tháng 5 và tháng 10 hằng năm sẽ thông báo tuyển sinh hệ liên thông.

Tất cả các trường đều có tổ chức lớp ôn thi đầu vào và tổ chức đào tạo bổ sung một số học phần đối với các ngành, chuyên ngành có chênh lệch so với chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Chỉ cần truy cập vào website của các trường sẽ dễ dàng có được những thông tin chi tiết nhất về hệ đào tạo liên thông.

Một số trường ĐH, CĐ ở TP.HCM có đào tạo hệ liên thông: ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Tài chính -

marketing, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (phía Nam), ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, ĐH Hoa Sen, CĐ Kinh tế đối ngoại, CĐ Tài chính - hải quan, CĐ Xây dựng số 2, CĐ Nguyễn Tất Thành...

dkYam7mt.jpgPhóng to

Áo Trắng số 18 (ra ngày 1-10-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên