19/08/2009 08:00 GMT+7

Đăng ký xét tuyển NV2 đại học: Trường nào dễ đậu?

TS LÊ THỊ THANH MAI
TS LÊ THỊ THANH MAI

TT - Có đến trên 400.000 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên, trong khi chỉ có khoảng 20.000 chỉ tiêu. Rõ ràng đường vào nguyện vọng 2 của thí sinh hết sức cam go...

b5CHzQdY.jpgPhóng to
Tìm hiểu thông tin xét tuyển nguyện vọng 2 tại Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM). Trường này vừa thông báo xét tuyển thêm hai ngành mới là toán ứng dụng và thiết kế thời trang - Ảnh: Như Hùng

Các trường ĐH đã công bố điểm sàn xét tuyển NV2 cùng những thông tin chi tiết về khối tuyển, chỉ tiêu. Tuy nhiên, không phải cứ đạt đến điểm sàn nộp hồ sơ là có thể trúng tuyển.

58URL15w.jpgPhóng to
Phụ huynh và thí sinh tìm hiểu thông tin về nguyện vọng 2 tại Trường đại học Tôn Đức Thắng TP.HCM-Ảnh: Như Hùng

Thống kê cho thấy cả nước có hơn 400.000 thí sinh các khối A, B, C và D đạt từ điểm sàn trở lên. Trong khi đó tổng chỉ tiêu tuyển sinh các trường chỉ dừng lại ở con số chưa đến 20.000 sinh viên. Điều này có nghĩa là phân nửa thí sinh đạt điểm sàn sẽ phải chia tay với giấc mơ ĐH trong kỳ tuyển sinh 2009 này.

Đừng quá “ngại” trường công

5 lưu ý khi đăng ký xét tuyển

1. Thí sinh cần tìm hiểu ngành nghề phù hợp với sở thích nghề nghiệp của mình (có thể tìm hiểu về các ngành học tại website hướng nghiệp của ĐHQG TP.HCM: http://aad.vnuhcm.edu.vn/huongnghiep/). Thí sinh có thể chọn những ngành gần với ngành đăng ký NV1 hoặc chọn những trường xét tuyển theo khối thi. Ví dụ, thí sinh chưa trúng tuyển ngành công nghệ thông tin thì nên đăng ký NV2 vào những trường có ngành công nghệ thông tin còn chỉ tiêu xét tuyển NV2. Thí sinh thi khối C, D1 nên quan tâm đến các trường có tuyển sinh khối C, D1 như: ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), ĐH Mở TP.HCM, ĐH Sài Gòn, các trường ĐH dân lập...

2 Tìm hiểu xem bản thân có đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào trường nào đó hay không (vùng tuyển, điểm sàn xét tuyển). Nếu không có ngành ĐH phù hợp, thí sinh nên quan tâm đến các ngành đào tạo cao đẳng, cao đẳng nghề; trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Không nên bỏ qua cơ hội bởi hiện nay đào tạo liên thông đã được mở rộng ở nhiều trường ĐH.

3. Chỉ tiêu xét tuyển theo khối thi hoặc theo ngành. Chỉ tiêu nhiều thì cơ hội sẽ càng cao. Trường xét tuyển NV2, NV3 theo khối thi thì cơ hội sẽ cao hơn so với trường xét tuyển theo ngành. Tuy nhiên, điểm chuẩn NV2 còn tùy thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển NV2. Kinh nghiệm các năm qua cho thấy các ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ thường thu hút nhiều thí sinh hơn các ngành khoa học.

4. Điểm sàn xét tuyển NV2 và số điểm của chính mình để lượng sức trước khi nộp hồ sơ. Nếu có số điểm cao hơn điểm sàn NV2 từ 2 điểm trở lên, bạn có nhiều khả năng đỗ hơn đối với các trường “top”.

5 Cuối cùng là khả năng tài chính và điều kiện đi lại, ăn ở của bản thân.

Cho đến thời điểm này, số ngành và chỉ tiêu thông báo tuyển khối A đang nhiều hơn hẳn so với các khối còn lại. Điển hình như các trường thành viên ĐHQG TP.HCM có hơn 30 ngành xét tuyển khối A với hàng ngàn chỉ tiêu. Các trường ĐH công lập lớn khác như: Công nghiệp, Nông lâm, Sư phạm kỹ thuật, Mở TP.HCM... cũng thông báo xét tuyển hàng trăm ngành khối A.

Đó là chưa kể hàng ngàn ngành tuyển hàng chục ngàn chỉ tiêu ở các trường ĐH ngoài công lập. Tuy nhiên khối A cũng là khối có số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên nhiều nhất. Tính toán cho thấy có không dưới 70.000 thí sinh khối này dù đủ điểm sàn vẫn không thể theo học ĐH.

Thực tế xét tuyển các năm cho thấy nhiều thí sinh trượt NV2 không chỉ vì có điểm thi thấp mà do cách chọn không hợp lý. Trong những trường xét tuyển NV2 năm nay có thể chia thành ba nhóm điểm.

Nhóm thứ nhất thuộc về những ngành có điểm sàn từ 17 điểm trở lên. Nhóm ngành này số lượng không thật sự nhiều, chủ yếu ở các trường công lập lớn.

Nhóm thứ hai gồm những ngành có điểm sàn từ 14,5-16,5 điểm nằm ở các trường ĐH công lập như: Sư phạm kỹ thuật, Nông lâm, Công nghiệp, Mở TP.HCM, Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn, Tôn Đức Thắng... Nếu ở nhóm thứ nhất thí sinh đạt được điểm theo thông báo của trường cần tự tin nộp hồ sơ thì ở nhóm thứ hai thí sinh phải hết sức thận trọng. Đặc biệt những ngành thuộc khối kinh tế, công nghệ điểm chuẩn NV2 luôn cao hơn điểm sàn ít nhất là một điểm.

Riêng những thí sinh chỉ đạt từ 13-14 điểm nên chọn trường theo hướng an toàn nếu vẫn quyết tâm vào ĐH. Đó có thể là một lựa chọn ở các trường ngoài công lập hoặc trường địa phương.

Một số chuyên gia thường khuyên thí sinh chỉ nộp hồ sơ xét tuyển khi có điểm cao hơn điểm sàn một vài điểm. Điều này có thể đúng với một số ngành nhưng nó khiến không ít thí sinh chùn bước và “né” những ngành có điểm sàn cao ở các trường công lập. Tuyển sinh 2008 cho thấy rất nhiều thí sinh đã “chạy” sang trường ngoài công lập.

Trong khi đó điểm chuẩn NV2 của nhiều trường công lập lại không mấy thay đổi so với điểm nhận hồ sơ. Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) là một ví dụ. Trong 14 ngành xét tuyển NV2 chỉ có duy nhất ngành kỹ thuật và quản lý môi trường điểm chuẩn nâng lên so với điểm sàn một điểm. Tất cả ngành còn lại điểm chuẩn đúng bằng điểm sàn. Rất nhiều ngành khối A của hàng loạt trường như: Công nghệ thông tin, Khoa Kinh tế (ĐHQG TP.HCM), Nông lâm, Ngân hàng, Mở TP.HCM... đều có điểm chuẩn bằng điểm sàn.

Căng thẳng khối B

Ở khối B, dù số thí sinh đạt điểm sàn ít hơn khối A nhưng dự báo đây tiếp tục là khối gây nhiều khó khăn cho thí sinh chưa trúng tuyển. Năm nay số lượng trường xét tuyển NV2 khối B ở khu vực TP.HCM chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Và mức điểm sàn đưa ra rất ít ngành dưới 16 điểm. Đối chiếu tuyển sinh 2008 cho thấy điểm chuẩn NV2 các trường đa số cao hơn điểm chuẩn NV1 khoảng 2 điểm. Một số ngành khối B của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM còn cao hơn NV1 đến 5 điểm như công nghệ hóa dầu, công nghệ hóa học, thậm chí cao hơn đến 8 điểm như ngành công nghệ môi trường. Chênh lệch điểm chuẩn các ngành khối B tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng ở mức từ 4-8 điểm.

Những thí sinh khối C cũng không có nhiều cơ hội lựa chọn một trường công lập tại TP.HCM. Thí sinh có thể chọn cho mình một ngành tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM hay Trường ĐH Sài Gòn. Tuy nhiên, có thể thấy lượng thí sinh khối C ở khu vực phía Nam đạt điểm từ 15 trở lên (mức điểm sàn phổ biến của các trường) chưa trúng tuyển không còn nhiều. Vì vậy, ở khối này cơ hội sẽ dành nhiều cho cuộc “di chuyển một chiều” của những thí sinh phía Bắc.

Ngược lại, khối D lại là khối có tỉ lệ chỉ tiêu trên tổng số thí sinh đạt điểm sàn trong cả nước nhiều nhất. Với hơn 53.000 thí sinh đạt điểm sàn, có đến hơn 43.000 chỉ tiêu để thí sinh lựa chọn. So sánh tuyển sinh các năm, điểm chuẩn NV2 cũng không thay đổi nhiều so với điểm chuẩn NV1 và điểm sàn xét tuyển. Do vậy chỉ cần cân nhắc một chút, thí sinh sẽ chọn được cho mình một chỗ học ưng ý.

TS LÊ THỊ THANH MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên