04/06/2013 08:10 GMT+7

Thời sự biển đảo vào đề thi môn địa

KHOA NAM - MINH GIẢNG - HOÀNG HƯƠNG
KHOA NAM - MINH GIẢNG - HOÀNG HƯƠNG

TT - Nhiều thí sinh đến từ huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) tỏ ra hứng thú khi phần 1 câu III đề thi yêu cầu thí sinh nêu ý nghĩa của việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết vấn đề biển đảo.

Xem đề thi môn Địa LýXem gợi ý bài giải môn Địa lýĐề thi Địa đòi hỏi giới trẻ phải biết tình hình đất nước

qCqEl3Wk.jpgPhóng to
Nhóm thí sinh đến từ huyện đảo Kiên Hải trao đổi sau khi kết thúc môn thi địa lý sáng 3-6 - Ảnh: K.Nam

Bạn Nguyễn Tiến Đạt - học sinh lớp 12 Trường THPT Kiên Hải - cho hay rất thích câu hỏi về biển đảo trong đề thi năm nay. “Theo em nghĩ, biển Đông vừa của Việt Nam, vừa của các nước láng giềng, do đó thay vì gây mâu thuẫn các quốc gia nên cùng nhau hợp tác để mỗi nước đều giàu lên nhờ biển. Bản thân em lớn lên ở đảo nên rất hiểu lợi ích của biển, biển có yên bình thì người dân ở đảo mới yên tâm làm ăn” - Đạt nói.

Thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Huyền - cùng học lớp 12 Trường THPT Kiên Hải - cho rằng các nước ven biển Đông nên quan tâm bảo vệ hòa bình, bảo vệ chủ quyền của mình, không xâm phạm nước khác và quan trọng nhất là bảo vệ môi trường sinh thái biển để phát triển du lịch. “Hòn Tre của em và nhiều hòn đảo khác ở huyện Kiên Hải rất đẹp, nếu mình biết giữ gìn thiên nhiên trong lành thì sẽ phát triển du lịch biển. Người dân không cần ra biển đánh cá nhiều rất vất vả mà chỉ cần làm du lịch tại nhà cũng có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Em sẽ cố gắng học giỏi để thực hiện ước mơ làm du lịch biển của mình” - bạn Huyền tâm sự.

Theo thầy Đặng Quang Quỳnh - nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - đề thi môn địa lý khá vừa sức với học sinh. Câu hỏi rõ ràng, bao quát các phần nội dung sách giáo khoa. Câu hỏi trong đề thi khá đa dạng và có tính phân hóa cao. Nếu không đọc kỹ đề, thí sinh sẽ làm không đúng yêu cầu, thường là làm thừa, mất thời gian (như các câu 4a, 4b hay II.2). Bên cạnh các câu hỏi kiểm tra kiến thức, kỹ năng cơ bản còn có những câu hỏi mang tính thời sự (chẳng hạn như nêu ý nghĩa của việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển, đảo). Với câu này, học sinh làm theo sách giáo khoa cũng đủ ý và có điểm. Tuy nhiên, nếu có liên hệ thực tế tình hình đất nước, có thể học sinh sẽ có điểm tốt hơn.

Tương tự cô Trần Thục Oanh, tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM, cho rằng dư luận quan tâm nhiều đến câu hỏi về biển đảo, đó là câu 3a. Nội dung câu hỏi này nằm trong bài 42 của chương trình môn địa lớp 12. Nếu thí sinh có học bài là đã có hướng để trả lời. Ngoài ra ở TP.HCM, thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ đầu năm học 2012-2013 nên đa số trường THPT đều tổ chức chuyên đề ngoại khóa về biển đảo cho học sinh. Trong đó, giáo viên đã cập nhật chủ trương của Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề của biển đảo. Do vậy, theo tôi, câu hỏi này không gây bất ngờ cho thí sinh vì kiến thức các em đã được học rồi. Trong thời điểm như hiện nay, việc ra đề với câu hỏi này là cần thiết, nhằm định hướng cho giới trẻ những kiến thức đang là vấn đề thời sự của đất nước. Câu hỏi này sẽ góp phần nâng cao ý thức khẳng định chủ quyền và bảo vệ chủ quyền đất nước cho học sinh.

Môn sinh: đề không khó

Đánh giá về đề thi môn sinh, cô Phan Thanh Phương - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) - cho biết về cơ bản đề thi tương đối rõ ràng, bám sát sách giáo khoa và không khó. Đề thi cũng có câu hỏi phân hóa học sinh. Phần bài tập không nhiều và chiếm chỉ khoảng 1 điểm. Trong đó có một câu tương đối nâng cao, các câu còn lại không khó. Đa số đề thi là câu hỏi lý thuyết nhưng học sinh phải đọc và tư duy chứ ít câu khi đọc vào có kết quả ngay. Với đề thi này, học sinh trung bình có thể đạt 6 điểm.

M.G.

KHOA NAM - MINH GIẢNG - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên