20/05/2024 16:13 GMT+7

Quy trình chọn người thay cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi

Theo Hiến pháp Iran, khi một tổng thống mất năng lực hoặc qua đời khi đang tại chức, phó tổng thống thứ nhất sẽ lên nắm quyền tổng thống Iran, với sự chấp thuận của lãnh tụ tối cao.

Ông Ebrahim Raisi (bìa trái) ngồi cùng Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei (giữa) năm 2019 - Ảnh: AFP

Ông Ebrahim Raisi (bìa trái) ngồi cùng Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei (giữa) năm 2019 - Ảnh: AFP

Tiếp theo, hội đồng gồm có phó tổng thống thứ nhất, chủ tịch quốc hội và người đứng đầu cơ quan tư pháp phải tổ chức bầu cử tổng thống mới trong thời gian tối đa là 50 ngày.

Ông Ebrahim Raisi được bầu làm tổng thống vào năm 2021 và dự kiến Iran sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2025.

Nhưng với việc Tổng thống Iran Raisi được xác nhận đã tử nạn trong vụ rơi máy bay ngày 19-5, bầu cử có thể đẩy lên vào đầu tháng 7-2024.

Tổng thống tạm quyền của Iran là ai?

Như vậy, ông Mohammad Mokhber, phó tổng thống thứ nhất của Iran, sẽ trở thành tổng thống tạm quyền theo hiến pháp nước này.

Ông Mokhber, 68 tuổi, cũng giống ông Raisi, được coi là thân cận với Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn đề của nhà nước Iran. Ông Mokhber trở thành phó tổng thống thứ nhất vào năm 2021, khi ông Raisi được bầu làm tổng thống.

Theo Hãng tin Reuters, ông Mokhber nằm trong nhóm quan chức Iran đã đến thăm Matxcơva vào tháng 10-2023, khi Iran đồng ý cung cấp tên lửa đất đối đất và nhiều máy bay không người lái hơn cho quân đội Nga.

Nhóm này cũng bao gồm hai quan chức cấp cao của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran và một quan chức của Hội đồng An ninh quốc gia tối cao.

Ông Mokhber trước đây từng lãnh đạo Setad, một quỹ đầu tư có liên hệ với lãnh tụ tối cao.

Năm 2010, Liên minh châu Âu đã đưa ông Mokhber vào danh sách các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt vì bị cáo buộc liên quan đến "các hoạt động tên lửa đạn đạo hoặc hạt nhân".

Năm 2013, Bộ Tài chính Mỹ cũng liệt Setad và 37 công ty mà quỹ này giám sát vào danh sách các thực thể bị trừng phạt.

Tham vọng của các nhóm xung quanh ông Raisi

Trong mắt giới phân tích, ông Raisi dường như đã được chọn làm tổng thống Iran năm 2021 nhờ sự ủng hộ của Lãnh tụ tối cao Khamenei.

Ông Khamenei tin tưởng ông Raisi sẽ tuân theo đường lối của chính quyền sau nhiều năm làm trong cơ quan tư pháp của Iran. Ông Raisi cũng được coi là ứng cử viên hàng đầu cho việc kế nhiệm ông Khamenei.

Những hình ảnh cuối cùng của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trước khi tử nạn ngày 19-5 - Ảnh: AFP

Những hình ảnh cuối cùng của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trước khi tử nạn ngày 19-5 - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, trong vài năm qua, nhiều người trong giới chính trị Iran đã bắt đầu lo lắng về tham vọng của các nhóm xung quanh ông Raisi.

Theo chuyên gia Arash Azizi - giảng viên Đại học Clemson (Mỹ), Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf cũng là một đối thủ có thể thách thức sự cầm quyền của ông Raisi.

Ông Qalibaf là một trong 3 quan chức cấp cao, cùng với ông Mokhber và lãnh đạo cơ quan tư pháp Gholam Hossein Mohseni-Eje'i, phụ trách tổ chức bầu cử sau khi ông Raisi qua đời.

Ông Azizi cho biết khi ông hỏi một quan chức thân cận với ông Qalibaf về kịch bản sau tai nạn của ông Raisi, người này trả lời ngay: "Ông Qalibaf sẽ là tổng thống mới".

Tham vọng của ông Qalibaf không còn xa lạ với nhiều người dân Iran, một nhà kỹ trị từng chỉ huy Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo, nhiều lần tranh cử tổng thống từ năm 2005.

"Mọi người đều biết ông ta không có nguyên tắc gì và sẽ làm bất cứ điều gì vì quyền lực", một quan chức Iran nói.

Nếu ông Qalibaf đăng ký tranh cử sắp tới, ông sẽ có lợi thế do có mối liên hệ sâu sắc với các cơ cấu quyền lực ở Iran. Nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu Lãnh tụ tối cao Khamenei có chấp thuận hay không? Ai khác sẽ được phép tranh cử và liệu họ có thể đánh bại ông Qalibaf?

Một nhân vật khác ít được nhắc đến nhưng cũng là một đối thủ nặng ký trong cuộc cạnh tranh quyền lực là ông Mojtaba Khamenei, con trai Lãnh tụ tối cao Khamenei.

Những quan chức Iran từng thiệt mạng do rơi máy bay

Ở Iran, việc tổng thống qua đời do tai nạn là một điều khó tin. Nhưng đây cũng là quốc gia có nhiều vụ tai nạn máy bay bởi tình trạng cơ sở hạ tầng tồi tệ do cô lập về mặt quốc tế.

Trong những năm trước, ít nhất 2 bộ trưởng nội các và 2 chỉ huy quân sự hàng đầu đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn tương tự.

Trực thăng chở ông Raisi, ngoại trưởng Iran và 2 quan chức cấp cao, gặp nạn đang đi qua một khu vực miền núi và sương mù nổi tiếng ở tây bắc Iran. Vì vậy, thời tiết có thể là thủ phạm gây ra tai nạn lần này.

NÓNG: Iran xác nhận Tổng thống Ebrahim Raisi đã tử nạnNÓNG: Iran xác nhận Tổng thống Ebrahim Raisi đã tử nạn

Hãng tin Mehr của Iran xác nhận Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian và những người cùng đi trên chuyến trực thăng gặp nạn ngày 19-5 đã tử nạn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên